Teen "điểm mặt" những kiểu họp phụ huynh lạ lùng
Đôi khi, thầy cô và bố mẹ quan niệm về ba chữ “họp phụ huynh” không như chúng ta mong đợi. Nhưng có những buổi họp phụ huynh chúng ta đều mong ước như: “Thầy nói hộ với bố mẹ là con học được khối D thầy nhé, bố mẹ con cứ thích con thi khối A”...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Chuyện nhỏ như con thỏ cũng... họp phụ huynh
Họp phụ huynh rất cần được nghe tiếng nói của học sinh. (Ảnh minh họa: Bảo Anh) |
Bạn nghĩ H. là học sinh cá biệt? Bạn nhầm đấy! Tuy H. hơi hiếu động, bày nhiều trò, nhưng không hư. Bố mẹ H. có một tiệm sắt nhỏ ở phố C., nhà không thuê người làm, công việc của họ bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Nhưng hai bác cũng không bỏ một buổi họp phụ huynh nào được thông báo, đầu năm, giữa năm, cuối năm, đều cố gắng đi đủ để nghe xem tình hình học hành của cậu con trai như thế nào.
Nhưng H. than thở: “Bố mẹ tớ không thể động tý là bỏ hết công việc để đi họp được, mà trường tớ thì: mặc không đúng đồng phục họp, đi học muộn dù chỉ một lần họp, đá bóng trong trường họp...”
V, trường Đ tâm sự: "Mỗi chuyện tớ xích mích với đứa bạn ngồi cạnh, con gái thỉnh thoảng vẫn thế, vậy mà cô nhất quyết mời mẹ tớ đến để nêu ra nào là gây mất trật tự, mất đoàn kết...”.
Học sinh cấp 3 đã có những bạn đủ tuổi đi bầu cử. Nhưng nhiều thầy cô vẫn coi chúng ta là những nhóc con và kể cả những chuyện “bé xíu” như quần áo, đầu tóc, cự cãi với bạn bè... không có bố mẹ là không xong.
Họp phụ huynh – diễn đàn của riêng thầy cô
Ngay ở trường M., một trường nổi tiếng vì những hoạt động năng nổ của học sinh, thì thầy NA, trong một buổi họp phụ huynh, đã tuyên bố về hoạt động kinh doanh nghiêm túc của hai bạn Q và M như một... trò đùa. Thầy có ý hỏi xem "gia đình các em có cần trợ giúp khó khăn không hay các em muốn tình nguyện tham gia tổ bán báo xa mẹ".
Cô L. (trường K) thì cứ họp phụ huynh là báo động về chuyện “các em mải mê yêu đương, bỏ bê học hành”, dù thực ra trong lớp chỉ có một nhóm các bạn chơi thân với nhau cả con trai lẫn con gái.
Nhiều thầy cô đã biến “họp phụ huynh” thành một diễn đàn để phát biểu những ý kiến phiến diện của riêng mình mà không hề cho học sinh có một cơ hội để phản hồi, hay bày tỏ.
Họp phụ huynh – chuyện tiền nong
Có một thực tế là, bố mẹ chúng ta đi họp phụ huynh thường mang theo nhiều... tiền, bởi đó cũng là ngày phải “hoàn thành nghĩa vụ tài chính” với các loại quỹ trường, quỹ lớp.
Cái D. than thở là mẹ nó đóng các loại quỹ cho trường thường cái phong bì chuyển cho cô giáo cứ nặng hơn, dày hơn so với bình thường. Cô có ý hỏi thì mẹ D. khéo léo “muốn góp thêm quĩ để lớp có kinh phí hoạt động". Và cứ đến sau hôm họp phụ huynh là cô giáo lại phải gọi nó ra “Mẹ em chắc không nghe rõ nên đóng dôi ra một ít, em cầm về cho mẹ.”
Bác X, một phụ huynh trường P. than phiền, là trưởng ban phụ huynh lớp của con bác cứ cuối buổi họp là đứng lên hô hào đóng hết quỹ này đến quỹ kia, không tính đến chuyện là không phải phụ huynh nào cũng có một hầu bao dư dả để đóng các loại tiền quà Tết, 20/11, 8/3, 20/10, tổng kết học kỳ, tổng kết cuối năm, thậm chí sinh nhật thầy cô...
Những buổi họp phụ huynh chúng ta đều mong ước
Thầy P, trường VĐ, trước buổi họp phụ huynh thường hỏi xem học sinh của mình có cần thầy “nói hộ” điều gì với bố mẹ không. Mọi ý kiến kiểu như: "Thầy ơi, ngày mai thầy nhắc bố mẹ con bật nhỏ cái ti vi cho con học thầy nhé", “Thầy nói hộ với bố mẹ là con học được khối D thầy nhé, bố mẹ con cứ thích con thi khối A”, đều được thầy tế nhị nhắc lại.
Còn ở trường H, thầy T thường mời học sinh đi... họp phụ huynh. Bố mẹ ngồi trên, chúng nó ngồi ríu rít bên dưới, hồi hộp nghe thầy nhận xét về mình. Thầy nói: “Thầy muốn các em cũng có tiếng nói khi thầy trao đổi với bố mẹ, bởi không có nhiều dịp chúng ta nói chuyện thẳng thắn với nhau”.
-
B.A (tổng hợp)