Sinh viên mời "luật sư" đấu với "luật gia"
- Sinh viên mời luật sư đến trường để làm việc. Vì vậy, nhà trường cũng cử vị trưởng khoa Luật ra nói chuyện.
Ngày 4/5/2010, đại học Bình Dương đã có buổi làm việc trực tiếp với một số sinh viên hệ đào tạo từ xa, ngành Quản trị kinh doanh, sau khi nhóm sinh viên này nhờ một văn phòng luật đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình.
Học rồi... "hành" không được
Sự việc bắt đầu rối, khi nhóm sinh viên này đăng ký theo học một lớp chứng chỉ hành nghề luật tại một viện tư pháp. Thế nhưng, bằng cấp của họ không được chấp nhận. Họ vẫn có thể theo học khóa học này, nhưng phải cam kết là đóng tiền...học cho vui thôi, không được thi hết khóa và cũng không được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học. Lý do: bằng cấp của họ không phải là bằng luật.
Cuộc trao đổi kéo dài từ phòng họp ra đến sân trường. Ảnh Nguyễn Bằng |
Thế nhưng, theo các sinh viên, chuyên ngành mà họ theo đuổi, khi đăng ký hệ đào tạo từ xa, khóa đầu tiên, của đại học Bình Dương là Luật kinh doanh (tên chuyên ngành chính thức là Quản trị Luật kinh doanh). Một sinh viên phát biểu thẳng trong buổi làm việc: “Em mà biết là bằng em được cấp là bằng Quản trị kinh doanh thì em sẽ không đăng ký học với trường ngay từ đầu”. Chính vì cho rằng mình "Học đã xong mà Hành thì không được" nhóm sinh viên đã mời luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của mình.
Nói một cách khác, các sinh viên cho rằng mình đã bị “mập mờ” thông tin về bằng cấp, và họ muốn trường đại học Bình Dương... “đền bù” ! Cụ thể bằng cách ghi rõ thêm về chuyên ngành đạo tạo lên chính tấm bằng mà trường đã cấp cho họ.
Ai đúng ai sai?
Trả lời các thắc mắc này, phía đại học Bình Dương đã đưa ra một số tài liệu để khẳng định rằng nhà trường đã cung cấp đầy đủ các thông tin về ngành đào tạo cho các sinh viên ngay từ đầu. Cụ thể, tài liệu được viện dẫn nhiều nhất là cẩm nang Học viên hệ đào tạo từ xa-Những điều cần biết được nhà trường lưu hành nội bộ và phát đến tay các sinh viên. Một tài liệu khác được đưa ra trong buổi làm việc là các tờ đơn xin thi tốt nghiệp của chính các sinh viên, theo phân tích của vị trưởng khoa Luật trường đại học Bình Dương, các sinh viên đã hoàn toàn ý thức rõ về chuyên ngành và ngành của khóa học mình.
Cũng vì vậy, nhà trường khẳng định lỗi “mập mờ” thông tin nếu có, chính là do chính sinh viên đã không “đọc kỹ” tài liệu về các thông tin cần biết.
Buổi làm việc với sự hiện diện của các luật sư tỏ ra căng thẳng hơn mức cần thiết. Đại học Bình Dương cũng chủ động bố trí 2 máy quay, ghi hình và ghi âm liên tục từ đầu đến cuối buổi họp. Các tranh luận chữ nghĩa, giầy tờ, điều luật… cũng khiến những ai có mặt tại buổi làm việc ngỡ mình đang tham gia một phần tranh tụng trước tòa.
Về phía trường đại học Bình Dương, nhà trường khẳng định không thể ghi thêm chuyên ngành trong bằng tốt nghiệp, vì điều này là sai quy chế. Nhà trường cũng đề nghị một hướng giải quyết khác là: một khi khoa Luật của đại học Bình Dương được đào tạo hệ cử nhân, các sinh viên này có thể bảo lưu một số học phần để có thể học tiếp lấy bằng luật.
"Xin thêm một dòng…"
Khi đại học Bình Dương nói mình không thể đáp ứng yêu cầu của các sinh viên về việc thể hiện chuyên ngành đào tạo trên bằng, phía các sinh viên đã đưa ra một tài liệu tham khảo thú vị. Đó là tấm bằng hệ đào tạo từ xa do trường đại học Mở TP.HCM cấp. Theo đó, tấm bằng này ghi rất rõ cả ngành lẫn chuyên ngành. Được biết, người có tấm bằng của ĐH Mở TP.HCM vẫn được chấp nhận tại khóa chứng chỉ hành nghề luật mà chúng tôi đã đề cập phía trên. Chính vì điều này, các sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa của đại học Bình Dương cảm thấy bất bình, thấy mình không được đối xử công bằng.
Tại sao nếu nói là quy chế cấp bằng không cho phép ghi rõ chuyên ngành đào tạo, thì một trường đại học khác, với cùng hệ và ngành đào tạo, lại hành xử khác ?
Câu hỏi này chắc chỉ bộ GD&ĐT mới trả lời thông suốt. Được biết, Bộ GD&ĐT đã từng tuyên bố sẽ thu lại bằng nếu trên bằng có thể hiện chuyên ngành.
-
Nguyễn Bằng