Úc sửa sai lầm danh tiếng ngành công nghiệp giáo dục?
Nguồn thu từ giáo dục có ý nghĩa lớn trong việc giúp nước Úc vượt qua khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, xét về lâu dài, nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay thì danh tiếng của giáo dục Úc sẽ bị giảm sút. Về chính sách nhập cư mới, theo đánh giá của ông Anthony Lee, Giám đốc công ty tư vấn luật OSANA, xét trên một khía cạnh nào đó thì hiện chính phủ Úc đang tìm cách sửa chữa sai lầm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bâng khuâng đứng trước hai dòng nước...’
Phần lớn, các du học sinh Việt Nam có mục đích xin thường trú (PR), đặc biệt là các sinh viên học nghề, đều có tâm trạng rất lo lắng với việc thay đổi chính sách di trú được đưa ra vào tháng Hai vừa qua.
‘Sốc là cảm giác đầu tiên của em sau khi đọc thông báo trên website của Bộ Di trú. Có nhiều tin đồn cho rằng sắp tới ngành kế toán sẽ bị loại ra khỏi SOL”, Dũng - sinh viên ngành kế toán chia sẻ. Tuy nhiên, Dũng cũng cho biết trong trường hợp không xin được PR thì bạn sẽ quay trở về Việt Nam và bạn tự tin rằng sẽ dễ dàng tìm được việc làm tốt ở quê hương.
Hằng, sinh viên học nghề làm bánh, thì lại rất lo lắng với yêu cầu 6.0 điểm IELTS thay vì 5.0 như trước đây và việc thắt chặt quy trình thẩm định tay nghề: “Trước đây đáp ứng yêu cầu 900 giờ kinh nghiệm đã là rất khó với chúng em rồi, huống hồ gì theo quy định hiện nay là phải có ít nhất một năm kinh nghiệm mới được nộp hồ sơ xin PR. Em cũng chưa biết tính sao...”
Tuy nhiên, khác với Dũng, Hằng cho biết sẽ ‘xoay’ đủ cách để xin được PR bởi gia đình bạn cũng chỉ ‘thường thường bậc trung’ và việc sang Úc học nghề đã tiêu tốn của bố mẹ bạn một số tiền không nhỏ. Bố mẹ Hằng đã đặt ra cho Hằng một ‘sứ mệnh’ là phải xin được PR để sau này còn ‘câu’ thêm được cậu em út tiếp tục sang học. Hằng cho biết bạn sẽ chuyển ngành học theo tư vấn của luật sư để có nhiều cơ hội xin PR hơn.
Đối với một số sinh viên tại Việt Nam đang có ý định du học Úc để lấy PR thì việc thay đổi luật lần này cũng có ảnh hưởng tới họ.
Mai, sinh viên lớp 12 trường Marie Curie, Hà Nội, có chị họ ở Úc nên bạn biết được khá nhiều thông tin về các ngành học và PR. Mai được chị họ khuyên nên đợi đến khi có SOL mới được đưa ra vào giữa năm 2010 rồi mới chọn ngành học cho phù hợp với mục tiêu PR.
Chị Hà, một phụ huynh dự định cho con đi du học Úc, thì lại đổi hướng, khuyên con chuyển sang Singapore. “Trước đây, tôi được một người bà con khuyên cho con gái sang Úc vì có thể xin được PR nhưng bây giờ, vì luật thay đổi và PR trở nên không chắc chắn nữa nên tôi chuyển hướng sang Singapore cho đỡ tốn kém và cũng có cơ hội xin được PR của Singapore.”
Tác động tới ngành công nghiệp giáo dục
Theo đánh giá của ông Anthony Lee, Giám đốc công ty tư vấn luật OSANA, xét trên một khía cạnh nào đó thì hiện chính phủ Úc đang tìm cách sửa chữa sai lầm.
Ông nói: “Ngành công nghiệp giáo dục mang lại cho Úc lợi nhuận một cách tương đối dễ dàng nên chính phủ khá dễ dãi trong việc thu hút sinh viên quốc tế, nó giống như là mở cửa và mời người ta “vô đây, vô đây”. Đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, nguồn thu từ giáo dục có ý nghĩa lớn trong việc giúp nước Úc vượt qua khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, xét về lâu dài, nếu cứ tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay thì danh tiếng của giáo dục Úc sẽ bị giảm sút, nó không chỉ gây ảnh hưởng tới ngành giáo dục và nền kinh tế mà còn tới cả các sinh viên quốc tế vì giá trị du học Úc không còn nhiều.”
Theo Tiến sĩ Trần Thị Lý, giảng viên khoa Giáo dục của Đại học RMIT đồng thời là cán bộ nghiên cứu về giáo dục cao đẳng, dạy nghề (VET) của Ủy ban Nghiên cứu Khoa học Úc (Australian Research Council - ARC), việc thay đổi chính sách nhập cư trong tháng Hai vừa qua sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các trường dạy nghề, đặc biệt là những trường tư và thường quảng cáo ngành học gắn liền với PR để thu hút sinh viên.
Tuy nhiên, xét trên quy mô tổng thể thì ông Anthony Huy Lee cho rằng điều đó chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp giáo dục bạc tỉ của Úc trong ngắn hạn. Ông cho biết: “Hiện nay, luật cấp visa cho sinh viên quốc tế và PR sau khi học xong của Úc thay đổi liên tục khiến các bậc phụ huynh và sinh viên có tâm lí bất an, e ngại trong việc chọn đất nước để du học, đặc biệt là với những người có mục đích ở lại Úc. Do đó, trong ngắn hạn thì theo tôi, dòng chảy du học vào Úc có thể bị ‘khựng’ lại. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì những thay đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp giáo dục của Úc vì khi đó, các sinh viên sẽ chọn trường và ngành học kĩ hơn, chuẩn bị tiếng Anh tốt hơn để thích ứng với những thay đổi về chính sách nếu họ thực sự muốn ở lại Úc.”
“Bên cạnh đó, ưu điểm của nước Úc là gần Việt Nam, khí hậu tốt, trong thời gian vừa qua mặc dù có xảy ra những vụ đâm chém, kì thị sinh viên Ấn Độ nhưng nhìn chung, cuộc sống ở Úc vẫn tương đối an toàn nếu so sánh với Mỹ nên nhiều người Việt Nam vẫn yêu chuộng nước Úc. Vì vậy, theo tôi, trong tương lai, Úc vẫn là điểm đến của sinh viên quốc tế.”
Nâng cao chất lượng giáo dục
Ông Anthony Lee cho rằng việc thay đổi chính sách di trú lần này sẽ tạo cho nước Úc một thế hệ du học sinh mới có chất lượng cao hơn, đáp ứng tốt hơn và đầy đủ hơn những yêu cầu của thị trường lao động Úc.
Ông nói: “Trong thời gian vừa qua, một số trường học đóng cửa một phần cũng là do lỗi của chính phủ vì quy trình giấy phép hoạt động quá dễ dàng. Hơn nữa, việc kiểm toán hoạt động kinh doanh hàng năm cũng khá lỏng lẻo. Khoảng 10-15 năm trước đây, mỗi trường đều có danh tiếng riêng và sinh viên sau khi tốt nghiệp cảm thấy rất tự tin với tấm bằng đạt được. Tuy nhiên hiện nay, có những trường học mở ra chỉ để quảng cáo PR và thu tiền, còn chất lượng giáo dục thực sự rất kém. Nếu cái tiếng ‘không cần học cũng có bằng’ được truyền đi thì uy tín của giáo dục Úc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy, tôi nghĩ rằng những thay đổi này là tất yếu, nó sẽ giúp tấm bằng của Úc có giá trị hơn. Thậm chí đối với các sinh viên quốc tế, thoạt đầu mới nghe qua sự thay đổi thì rất buồn và chán nản, nhưng nó lại là động lực để họ vươn lên, trau dồi tiếng Anh và đạt được kết quả cao hơn trong học tập nếu họ thực sự muốn nhập cư. Khi đó, PR mới xứng đáng là cái để họ đầu tư tiền của và công sức.”
Tiến sĩ Trần Thị Lý cũng có ý kiến tương tự đối với sinh viên học nghề. “Tôi cũng nghĩ rằng những thế hệ sinh viên học nghề tiếp theo của Úc sẽ là những người yêu thích, đam mê ngành học của mình chứ không phải chỉ vì mục đích PR vì luật PR sẽ ngày càng siết chặt hơn. Một ví dụ điển hình là hiện nay, việc xin visa sang Úc học ngành làm tóc hoặc nấu ăn không còn dễ dàng như trước đây. Các sinh viên phải trải qua một cuộc phỏng vấn để Bộ Di trú xác định xem họ có thực sự yêu thích ngành học đó không hay chỉ vì mục đích PR.”
Trả lời về xu hướng của sinh viên học nghề trước sự thay đổi luật PR lần này, tiến sĩ cho biết: “Các sinh viên ‘ôm mộng’ PR chắc chắn sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều để đáp ứng những yêu cầu mới của Bộ Di trú, thậm chí là chuyển ngành học hoặc học lên đại học vì họ sẽ có nhiều cơ hội hơn, hoặc trở về đất nước làm việc sau khi học xong. Theo tôi, nếu họ tìm mọi cách để được nhập cư nhưng rồi sau đó lại đi làm các công việc lao động phổ thông như hái hoa quả, bồi bàn, công nhân vệ sinh... thì đó quả là một sự đánh đổi lớn.”
(Theo Bay Vút)