Ngô Bảo Châu viết mừng Hồ Ngọc Đại

Cập nhật lúc 10:31, 06/04/2010 (GMT+7)

Lời tòa soạn: Trên trang cá nhân, GS Ngô Bảo Châu có bài viết "Những cái tên" với lời phi lộ: "Trò cũ viết tặng thầy Đại nhân dịp thầy nhận giải thưởng Phan Châu Trinh. Không biết địa chỉ của thầy Đại, nên trò tạm treo lên đây, hy vọng sẽ có người chuyển đến tay thầy".

VietNamNet xin đăng lại bài viết này cũng với hy vọng, bài viết không chỉ đến tay GS Hồ Ngọc Đại mà cộng hưởng được với những tấm lòng luôn đề cao tinh thần hiếu học.

TIN LIÊN QUAN
Mô tả ảnh.
GS Hồ Ngọc Đại trong một buổi bàn tròn trực tuyến tại VietNamNet.
Thái độ của xã hội với Hồ Ngọc Đại cũng sắc nét quyết liệt như bản thân con người ông. Kẻ ghét ông gọi ông là Rồ Ngọc Dại. Trò yêu gọi ông là thầy Đại. Một vài bạn bè quí ông gọi ông là cụ Chí Vĩ. Bản thân ông thì coi cái tên chỉ là một qui ước. Có lần, ông ôn tồn giải thích với các bạn cùng lớp của tôi rằng cái tên của bạn Châu cũng chỉ là qui ước. Chúng ta hoàn toàn có thể qui ước lại là Trâu, Trâu Bò hay Châu Chấu. Lúc đó trò còn bé quá, chưa cãi thầy được, cho nên tức lại càng tức.

Cái tên là một sự qui ước nhưng là một sự qui ước có lý do. Trò hay đùa với đồng nghiệp rằng, chọn ký hiệu trong toán còn khó hơn chọn tên cho con. Ký hiệu phải vừa gọn gàng, vừa phải gợi lên trong tiềm thức của người đọc những gì liên quan đến đối tượng. Đấy là lý do tại sao, ta không nên coi thường những cái tên có sự đồng thuận cao trong xã hội như ông Rồ Ngọc Dại, thầy Đại và cụ Chí Vĩ.

Cái nền chung của xã hội chúng ta vẫn là tính bảo thủ của anh tiểu nông. Không thể phủ nhận việc anh tiểu nông có cái khôn ngoan, có cái đáng yêu riêng của anh. Đối nhân xử thế như thế nào thì anh sành sỏi lắm. Nhưng với cái gì đòi hỏi suy nghĩ có hệ thống, lại không liên quan đến cơm áo hàng ngày, thì anh vẫn thích hơn những chỉ dẫn có sẵn của các bậc sĩ phu, những người được trang trí bằng những danh hiệu to đùng. Chúng ta chia sẻ những bối rối của anh khi đứng trước một nhân vật dám lật lại những giá trị tưởng như đã được thiết lập cho muôn đời như là dạy trẻ con tập đọc, tập viết, tập tính toán và tập sống. Chúng ta cũng thông cảm những băn khoăn của anh đối với một con người không ngừng diễu cợt những danh hiệu to đùng, để chăt chiu phần trân trọng cho trẻ nhỏ. Nếu dám tự đặt mình vào vị trí của thầy, trò sẽ rất lấy làm hãnh diện vì cái tên Rồ Ngọc Dại do các anh tiểu nông đặt cho.

"ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC".

Nhưng trò sẽ chột dạ nếu bạn bè thân thiết gọi mình là cụ Chí Vĩ. Trò chỉ đồng ý với câu thầy nói ”Trẻ có thể học bất kỳ điều gì nếu ta biết… dạy! ” nếu kèm thêm giả thiết quĩ thời gian của trẻ là vô hạn. Theo chủ quan của trò, cụm từ “biết … dạy” thể hiện sự chủ quan vô hạn của ngành khoa học giáo dục: phương pháp giảng dạy quan trọng hơn nội dung giảng dạy. Xem xét lại những thao tác cơ bản nhất trong việc dạy dỗ trẻ nhỏ là viêc không thể không làm. Nhưng trò muốn cân nhắc thêm xem những kỹ năng trong việc dạy có thể san phẳng những khó khăn trong việc học hay không.

Trò còn nhớ như in những tiết học lớp một ở trường Thực nghiệm. Ở tiết toán, trò được học : nếu lấy giao của tập hợp các tam giác với tập hợp các hình màu vàng thì ta có tập các tam giác màu vàng. Ở tiết văn, trò được học làm thơ lục bát trước khi học đánh vần. Những tiết học này là những món quà tuyệt vời hằn sâu vào ký ức của trò.

Nhưng sau này, trò rất lo lắng khi trò chuyện với một người kế nhiệm của thầy, phụ trách mảng toán cấp hai cho trường thực nghiệm. Anh ấy bảo, học xong tập hợp thì ta học nhóm, học xong nhóm thì ta học vành. Để minh họa cho nhóm, anh ấy lập một bảng chi tiết cho phép toán hai ngôi cho nhóm rồi kiểm tra các tiên đề của nhóm được thỏa mãn hay không. Dạy lý thuyết nhóm như thế tức là không hiểu gì về nhóm. Dạy tập hợp, rồi nhóm, rồi đến vành, trường, cũng không khác việc kể chuyện que tăm, rồi chuyển sang kể chuyện que diêm, rồi chuyện cái bật lửa.

Vào đầu thế kỷ hai mươi, lý thuyết tập hợp là một cuộc cách mạng lớn, nhưng nó không thay đổi bản chất của toán học. Toán học của thế kỷ hai mốt kế thừa toán học của thế kỷ hai mươi như toán học thế kỷ hai mươi đã kế thừa toán học thế kỷ mười chín, dù cho ngôn ngữ và công cụ đã trải qua nhiều lần lột xác.

Nói cho cùng, vấn đề không phải là chứng minh phương pháp cũ là sai, phương pháp mới là đúng, mà làm thế nào để học sinh biết đọc, biết viết, biết tính toán. Xuất phát từ suy nghĩ của một người rất hay thẹn vì lỗi chính tả, trò trộm nghĩ, bên cạnh việc hiểu ba nguyên tắc của đánh vần trong tiếng Việt của thầy Phạm Toàn, học sinh nên tập viết chính tả có chấm điểm thường xuyên hơn. Hình như cụ Khổng Khâu có nói, ăn đòn cũng là một cách học tốt.

Trò rất mong thầy xem những bất đồng trình bày ở trên như một cách bày tỏ sự trân trọng của trò với công nghệ giáo dục và như sự kính trọng với sự nghiệp của thầy. Cái cách thầy đặt ra ngoài tầm quan tâm mọi hư danh phù phiếm, để cho việc làm của minh và suy nghĩ của mình luôn song hành chính là cái mà trò luôn hướng theo để học tập.

Anh tiểu nông cũng nên nhập tâm cái câu nói của thầy Đại mà trò đã nhập tâm: "ĐI HỌC LÀ HẠNH PHÚC".

  • Ngô Bảo Châu

Ý kiến của bạn

Các tin khác