Bắt tay với Singapore,sao lại đưa hiệu trưởng đi Thái Lan,Trung Quốc?
Cập nhật lúc 15:04, 22/04/2010 (GMT+7)
- Đề án đưa hiệu trưởng đi Singapore du học nhằm mục đích tăng cường quản lý có nhiều ý kiến khác nhau. Dưới đây, VietNamNet giới thiệu một góc nhìn của độc giả Trần Quang Đại, hiện đang là một giáo viên THPT.
|
Một lớp học ở Mường Khương, Lào Cai. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ngày 16/4/2010, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch triển khai chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho 15.800 hiệu trưởng trường phổ thông và 1.200 cán bộ quản lý giáo dục.
Đây là kế hoạch thuộc đề án “Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông theo hình thức liên kết Việt Nam- Singapore 2008 - 2010” nhằm phát triển năng lực của hiệu trưởng trường phổ thông Việt Nam và cán bộ quản lý giáo dục về lãnh đạo và quản lý nhà trường.
Ý tưởng của đề án là tạo bước phát triển đột phá cho giáo dục bắt nguồn từ khâu quản lý. Đề án chọn liên kết với Singapore để học tập kinh nghiệm quản lý của một quốc gia cùng khu vực và có nền giáo dục phát triển. Tuy nhiên, tôi thấy có một số điểm như sau.
Đối tượng tham gia có sự “khập khiễng”
Những người được tham dự khóa học này là hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS, THPT, PTCS, PTTH, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh, trưởng phòng Giáo dục, trưởng, phó các phòng thuộc Sở GD-ĐT.
Như vậy, có một số đối tượng không thuộc nội dung của đề án vẫn được tham gia gồm trưởng phòng Giáo dục, trưởng, phó các phòng thuộc Sở GD-ĐT, vì đề án chỉ có đối tượng “hiệu trưởng trường phổ thông”. Trong khi đó, các đối tượng đáng ra được tham dự đề án thì không có: Hiệu trưởng trường mầm non, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị. Vậy là các đối tượng tham gia vừa “thiếu”, lại vừa “thừa”. Việc có một số đối tượng không đúng nội dung đề án được tham gia, phải chăng là một “phần thưởng” dành cho cán bộ quản lý?
"Ba thu dồn lại 10 ngày..."
Các hiệu trưởng sẽ có thời gian 10 ngày “dùi mài kinh sử” với 7 chuyên đề, và có một tuần tham quan tập huấn trong hoặc ngoài nước.
Bộ GD-ĐT đã đề nghị lãnh đạo các Sở GD-ĐT cố gắng huy động các nguồn kinh phí khác nhau để tạo điều kiện và cơ hội cho các hiệu trưởng được tham quan tập huấn ở các nước trong khu vực. |
Chương trình lớp bồi dưỡng gồm:
1-Đổi mới lãnh đạo và quản lý trường phổ thông.
2-Lãnh đạo và quản lý sự thay đổi trường phổ thông
3-Văn hóa nhà trường
4-Lập kế hoạch chiến lược trường phổ thông
5-Lãnh đạo phát triển đội ngũ
6-Huy động nguồn lực phát triển trường phổ thông
7-Phát triển giáo dục toàn diện học sinh phổ thông.
8-Nghiên cứu thực tế bao gồm các chương trình tham quan, học tập thực tiễn lãnh đạo và quản lý giáo dục trong nước và nước ngoài.
Mỗi chuyên đề nói trên đều rất phức tạp, sâu sắc. Toàn bộ thời gian chỉ gói gọn trong 10 ngày bao gồm cả đi thực tế trong thời gian tập huấn, liệu có “cưỡi ngựa xem hoa”?
Tại sao ký với Singapore lại đưa đi Malaysia, Thailand, Trung Quốc?
Bộ GD-ĐT hướng dẫn: “Sau khoá học 10 ngày về QLGD, các hiệu trưởng cần được tổ chức đi khảo sát thực tế 1 tuần. Tuỳ theo điều kiện của địa phương, 1 tuần khảo sát thực tế có thể là một nước trong khu vực, như Singapore, Malaysia, Thailand, Trung Quốc...”.
Tại sao đề án liên kết với Singapore nhưng khi đi thực tế lại có thể là Malaysia, Thailand, Trung Quốc…? Đúng ra, đã liên kết với nước nào thì cần đi nước đó tham quan học tập mới đúng với tính chất lớp bồi dưỡng chứ! Nếu không, nhận thức vấn đề của học viên sẽ bị phân tán. Đi học chứ có phải đi du lịch đâu mà chia ra đi nhiều nước cho khỏi nhàm chán?
Một tuần đi nước ngoài, lạ nước lạ cái, (hầu hết) lại không biết ngoại ngữ, vậy các học viên sẽ tiếp thu được những gì?
Xuất ngoại có đổi được "nội"?
về hiệu quả của đề án, trong thời điểm hiện nay có thể về nguyên tắc khoa học chưa nói trước được điều gì. Tuy nhiên, từ thực tiễn giáo dục, chúng tôi cho rằng hiệu quả sẽ không cao..
Liệu, chỉ trong vòng 10 ngày học lí thuyết và một tuần tham quan, đề án có thể thay đổi được tư duy, phong cách làm việc của con người, vốn đã được định hình rất bền vững? Tôi biết có ông hiệu trưởng thường hay uống rượu trong giờ làm việc, sau khi đi tập huấn và tham quan ở Singapore về, ông ấy …vẫn thế.
Kiến thức lí thuyết (hay tham quan) dù có sâu sắc, tân tiến đến mấy nhưng cơ chế, môi trường làm việc không thay đổi thì không thể phát huy được tác dụng. Hiện nay, hiệu trưởng chỉ được hưởng mức phụ cấp thấp, không đủ quyền lực để tạo ra sức bật mới cho nhà trường.
Kinh nghiệm cho thấy, để cá nhân hiệu trưởng thay đổi tư duy, phong cách làm việc thì phải tạo ra được môi trường dân chủ, công bằng, tạo ra cơ chế cạnh tranh, thi đua mạnh mẽ.
Ví dụ, bao nhiêu bài học về dân chủ, đổi mới đối với các hiệu trưởng cũng không hiệu quả bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào mỗi năm. Và nếu không có cơ chế kiểm soát tiêu cực hữu hiệu thì các vị vẫn tiếp tục tiêu cực, cho dù dự bao nhiêu lớp tập huấn, hay liên kết với quốc gia nào.
Đề án sẽ góp sức "nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ hiệu trưởng được bao nhiêu"? Trong khi giáo dục đang có nhiều vấn đề nhức nhối, mà một trong những vấn nạn đó là tình trạng các hiệu trưởng tiêu cực, lạm quyền, tham nhũng.
Nguồn ngân sách nhà nước cũng đang có nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, trong thời điểm hiện tại, ngành giáo dục (ở trung ướng hay cơ sở) nên dành khoản kinh phí để thực hiện đề án nói trên cho những việc làm, mục tiêu thiết thực hơn. Ví dụ: “Chống tiêu cực trong quản lý giáo dục” hay “Hỗ trợ những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn".
Ý kiến bạn đọc
nguyễn văn chương, THPT Lương văn tuỵ, 00:04, 29/04/2010
Hiệu trưởng của họ phần lớn là những nhà giáo dục,nhà quản lý được đào tạo,bổ nhiệm một cách khách quan theo yêu cầu của công việc .
Nguyễn van Quang, Binh duong, 22:16, 28/04/2010
Tôi thấy rằng đề án đưa cán bộ quản lí giáo dục đi học cách quản lí ở các nước có nền Gd tiên tiến là một ý tưởng tích cực ở tầm vĩ mô nhưng xem ra có một số vấn đề chưa ổn cần phải cân nhắc:
- Trong thời gian ngắn như thế liệu rằng sự tiếp thu của các CBQL được bao nhiêu ? Mà không phải ai cũng dốc lòng học tập , có thể do sức khỏe, trình độ ,ý thức , cũng có thể một số không nhỏ các CBQL sắp về hưu công tác được bao lâu nữa.Nên hiệu quả chắc chắn không cao.
- Kinh phí để tổ chức cho đề án là quá lớn, trong khi nghành giáo dục ta có nhiều việc cần phải làm ngay như : xây dựng CSVC, dành kinh phí cho việc tăng cường công tác kiểm tra thực tế, giúp học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn....
-Thực trạng giáo dục ở VN đáp ứng được các mô hình giáo dục ở nước có nền giáo dục tiên tiến.
Cụ thể :
+ Cơ sở vật chất cũa các trường còn quá thiếu thốn, nghèo nàn, chỉ một vài trường ở thị trấn,thành phố gọi là tạm ổn chứ nếu so sánh với CSVC các nước tiên tiến về GD như Singapore thì ta còn khiêm tốn.
+ Cũng như CSVC thì trình độ học sinh của các nơi còn chưa thật đồng đều ,phải thực tế chất lượng ở nơi đại trà chứ chỉ lấy những trường trọng điểm làm số liệu để xây dựng kế hoạch xem ra chưa ổn...
Vậy theo tôi :
- Nên cử một số CBQL tiêu biểu ,cùng các chuyên gia về GD đi học tập bài bản ,sau đó xây dựng đề án phù hợp với tình hình thực tế GD nước ta .
- Từng thời điểm nên triển khai vấn đề nào và thực hiện có hiệu quả,tránh việc thực hiện nữa vời.
- Trong thời gian chờ học tập ấy từng bước đưa dần mặt bằng trình độ học sinh có sự chênh lệch cho phép ở các vùng ,miền.
- Trong thời gian chờ học tập ấy ,bồi dưỡng xây dựng đội ngũ CBQL có đầy đủ tố chất thực hiện các yêu cầu cần thiết cho vấn đề QLGD.
Chích Choè, TB, 22:00, 28/04/2010
Theo tôi, một GV bình thường, việc đưa HT đi thăm quan, thực tế là hoàn toàn nên làm. Các cụ có câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" cơ mà.
Tiền của nhân dân, đưa các thầy cô HT đi "học khôn" ở tận nước ngoài, khi về, cơ quan chủ quản cần yêu cầu họ công khai rõ: Họ học được cái gì? Áp dụng vào đơn vị mình được những gì, nếu không có hiệu quả thì nên đề nghị họ bỏ tiền túi ra thanh toán chi phí, trả lại tiền cho nhân dân, còn có hiệu quả, nhân dân trả bao nhiêu cũng được. Còn nếu lấy tiền của dân đóng góp cho một cuộc du lịch và giải trí thì thật không phải với người trực tiếp đứng lớp và nhân dân lao động đã nộp thuế.
Hà Ninh, Học Viện QLGD, 19:53, 28/04/2010
Tôi đồng ý với ý kiến bạn Sơn Hiếu ở Nha Trang, góp ý của anh Đại và một số bạn mang tính chất bức xúc cá nhân hơn là góp ý cho toàn cục.
Anh nói “ Tại sao đề án liên kết với Singapore nhưng khi đi thực tế lại có thể là Malaysia, Thailand, Trung Quốc…? Đúng ra, đã liên kết với nước nào thì cần đi nước đó tham quan học tập mới đúng” tôi thấy kỳ cục, tại sao lại như vậy, nếu đề án này không ràng buộc người học phải đi tham quan học tập duy nhất ở Singapore thì là thành công của dự án, thông thường nước nào viện trợ cho mình thì họ hướng ta vào thăm quan nước họ để phát huy ảnh hưởng và thu lại tiền, nhưng dự án này không yêu cầu như vậy thì là điều tốt chứ sao lại thắc mắc.
Tùy theo nhu cầu của từng tỉnh , từng khóa học mà người học có thể đề xuất tham quan nơi phù hợp thì hay hơn cái món duy nhất ai cũng phải ăn giống nhau chứ.
nam, nhan trang, 12:51, 28/04/2010
Theo tôi thì tiền cho hiệu trưởng đi học hay tập huấn gì đó nên để xây trường học cho học sinh thì hay hơn. Tôi thấy quan trọng là thay đổi tư duy suy nghĩ của con người. Nên thay đổi nhận thức về giáo dục hơn là ham bằng cấp.
Đỗ Nhật Duy, thành phố HCM, 02:14, 28/04/2010
Tôi hoan nghênh chương trình này của Bộ. Vấn đề cần quan tâm là tổ chức sao cho có hiệu quả mà tiết kiệm.Tôi là một CBQLGD đã từng tổ chức và tham gia những đợt đưa CBQLGD và một số giáo viên xuất sắc, thậm chí có cả một số hoc sinh được chọn lựa của Quận đến một số nước Á-Âu để học tập những nền giáo dục tiên tiến.
Nhờ có sự chuẩn bị tiền trạm chu đáo,nên chúng tôi được sống và cùng dạy cùng học với trường bạn.
Tùy từng nơi,chúng tôi đã cùng hoat động trong lớp ,ngoài lớp ,ngoài trường với giáo viên va hoc sinh nước bạn trong 1 ngày,1 tuần,có nơi gần 1 tháng. Do "3 cùng " như vậy nên những gì học được rất bổ ich và sâu sắc. Về nước chúng tôi đã cùng nhau trao đổi để đề ra những sáng kiến do VẬN DỤNG những gì thấy bạn làm vào thực tế trường mình,quận mình.
Sự khởi sắc,năng động sáng tạo của giáo dục Quận chúng tôi có phần góp công của những chuyến đi học bốn phương đó.Trăm nghe ko bằng một thấy,nếu có cách làm đúng đắn chăc chắn sẽ tránh được sự vô bổ lãng phí như một số bạn đã cảnh báo.
Đến tận nơi,chúng ta sẽ ko bị ngộ nhận tai hại cái "ngôi trường trong mơ" với những "thiên thần VÁY NGẮN" như một bộ phim truyền hình đang đầu độc lũ trò nhỏ thân yêu.
Đến tận nơi ,nếu thực sự chăm lo cho giáo dục nước nhà,chắc chắn cac nhà giáo tâm huyêt sẽ tìm thấy và làm nên những ngôi trường mơ ước cho những thiên thấn áo trắng đich thực của chúng ta.
mainguyen, hanoi, 01:43, 28/04/2010
Tôi là một người trong ngành giáo dục nhiều năm, được chứng kiến rất nhiều các phong trào của ngành, nhưng thường thì sau đó không thấy tổng kết lại, không rõ tốt hay xấu nữa? Đã đành cổ nhân đã dạy : " đi một ngày đàng, học một sàng khôn", nhưng phải là học chọn lọc tinh túy cơ;
Tôi cứ nghĩ, giá cứ làm từ từ từng bước một, cho một số hiệu trưởng còn trẻ, năng động , có trình độ đi trước, từ đó rút kinh nghiệm tổ chức các đợt sau thì có lẽ hiệu quả hơn .
Việc đáng làm nhất hiện nay theo tôi phải là thay đổi cách nghĩ của những người cầm lái con thuyền giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới cách thức thi cho khách quan, nghiêm túc, đổi mới cuộc sống cho các giáo viên trực tiếp đứng lớp.
nhantam0406, HN, 21:19, 27/04/2010
Quê tôi là một tỉnh miền núi phía bắc, bố tôi cũng là một cán bộ cấp huyện, cũng thường xuyên đi dự các lớp bồi dưỡng thăm quan học tập kinh nghiệm ... này nọ ở các tỉnh (lạ là rất hay ở các tỉnh miền trong...).
Thỉnh thoảng nói chuyện bố tôi cũng nói thẳng: đi thăm quan là chính, còn bồi dưỡng, học tập, rút kinh nghiệm thì ... hiếm lắm! Thời gian đi cho nủa tháng, lại đi bằng ôtô, riêng đi lại ngồi trên ôtô đã mất hơn 10 ngày rồi... mệt mỏi, sức khỏe không đảm bảo, lại lại điều kiện khí hậu khắc nhau ... học tập rút kinh nghiệm làm sao được nữa!
Nguyễn Thị Lan, Hải Dương, 19:59, 27/04/2010
Tôi thấy ở địa phương chúng tôi từ năm 2008 đã đưa hiệu trưởng đi Singapore để học tập, nhưng mục đích của đề án thế nào thì hôm nay tôi mới được rõ. Thực tế khi lựa chọn để đưa đi, nhà tổ chức là Sở GD-ĐT với sự tham mưu của Phòng GD-ĐT thì bố trí cho những hiệu trưởng già đi trước.
NGUYỄN THẾ THIÊN, dak lak, 19:47, 27/04/2010
Tôi đang làm quản lý trường THCS ở dak lak, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của tác giả Trần Quang Đại.
thế sông, hà tĩnh, 23:32, 26/04/2010
Thật sự là tổ chức tập huấn như vậy rất kém hiệu quả.
Vì trong thời gian đi nước ngoài tôi được biết các hiệu trưởng tham quan rất ít trường phổ thông (một trường/chuyến) và không phải trường chuẩn, trường lớn. về nếu hỏi trường họ thế nào, tổ chức quản lý ra sao hầu như không ai biết.
Lê Công Định, Tiền Giang, 17:47, 26/04/2010
Ở tỉnh chúng tôi đã có thời gian cũng đưa hiệu trưởng các trường THPT sang Singapore để học tập, nhưng thực chất chỉ sang đó vui chơi nhiều hơn là học tập, đơn giản là hiệu trưởng thì được chọn.
Theo tôi, nên chọn thật sự những người có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, có tầm nhìn mới mong sang bên đó học tập thật sự. Không nên theo phong trào đền ơn đáp nghĩa " Hiệu trưởng " , sẽ dẫn tới tốn tiền ngân sách.
Tạ Quang Phương, Ninh Bình, 17:43, 26/04/2010
Phải nói rằng, để thực hiện cải cách, nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay ở nước ta, đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là những hiệu trưởng các trường THPT đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng để nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ này bằng dăm vài ngày tập huấn, 1 số buổi tham quan học tập là việc làm hết sức thiếu thực tế và không hiệu quả, bởi những lý do sau:
- Sức ỳ quá lớn về mặt tuổi tác (phần lớn những hiệu trưởng đều tuổi đời > 50)
- Thiếu động lực phấn đấu, đổi mới, cải cách
- Kiến thức và kỹ năng về tin học, ngoại ngữ quá yếu.
- Sức ép công việc từ ở cương vị thủ trưởng đơn vị, chủ tài khoản .....không cho phép tập trung vào nội dung tập huấn.
Nếu khoản kinh phí của đề án được sử dụng để phát hiện và đào tạo một lứa cán bộ quản lý, nguồn hiệu trưởng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực, trình độ, phẩm chất và động lực để tiếp nhận những phương pháp quản lý giáo dục hiện đại phục vụ công cuộc cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục nước ta thì tốt biết bao. Quy trình tạo nguồn (quy hoạch) cán bộ quản lý giáo dục ở các trường phố thông hiện nay có quá nhiều bất cập, không biêt Bộ giáo dục đã để ý đến vấn đề mang tính chiến lược này chưa.
Đỗ Châu, 30 B Hạ Hồi Hanoi, 17:41, 26/04/2010
Tôi không biết các giám đốc các sở GDDT "cố gắng huy động các nguồn kinh phí khác nhau" như thế nào để cho khoảng 17.000 cán bộ giáo dục và thầy cô giáo được đi ra nươc ngoài "tâp huấn'?
Trương Toàn, 14:03, 23/04/2010
Ý nghĩa của đề án thì rất hay. Nhưng chủ trương thực hiện thì đúng là khiên cưỡng. Nếu nhằm mục đích nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ hiệu trưởng (hay cán bộ bộ quản lý các cấp trong ngành ), với số lượng quá lớn và rộng khắp cả nước, thì phương án tốt nhất là mời Thầy đến Nhà mình. Các doanh nghiệp còn mời được các diễn giả, học giả hàng đầu thế giới đến Việt Nam, chẳng lẻ Bộ GD và ĐT lại không mời được những chuyên gia Giáo dục các nước bạn đến Việt Nam vài mươi ngày. Chưa kể có thể tận dụng tối đa việc sử dụng công nghệ trong khóa bồi dưỡng. Tiết kiệm chi phí và hiệu quả khóa học sẽ rõ nét hơn rất nhiều.
Vấn đề còn lại là trao đổi kinh nghiệm và quan sát thực tế. Chắc chắn phải đi mới mở rộng tư duy. Nhưng cơ quan chủ trì phải thống nhất chi tiết lịch trình tham quan thực tế, kể cả công tác hậu cần từ đối tác trực tiếp hướng dẫn tham quan. Như vậy các Sở sẽ không bị động và tập trung hơn vào nội dung chuyên môn.
Thực tế, có rất nhiều trường đã tổ chức cho GV-CNV đi tham quan nước ngoài. Đối tượng Hiệu Trưởng thì chắc chắn đều đã đi 1 vài nước Đông Nam Á. Nếu chuyến đi tham quan thực tế không sâu sát vào nội dung của khóa bồi dưỡng thì sẽ phản tác dụng. "Cưỡi ngựa xem hoa' nữa thì thật là chán.
hoang anh, kim ma, 10:24, 23/04/2010
Thay cho việclàm này, chúng ta có thể cải thiện gốc gác của vấn đề đó là bổ nhiệm người có thực tài và tâm huyết vào ghế hiệu trưởng vừa đỡ tốn kém, vừa phát triển được nền giáo dục nước nhà!
xuannhat, 23:30, 22/04/2010
Co mot thuc te ma nhieu nguoi Viet Nam ngo nhan. Ho cho rang Singapore la mot nuoc tien tien, co nen giao duc tot . Nhung thuc chat, neu ban tung ra nuoc ngoai, thi ban se thay nen giao duc cua Singapore cung thuoc hang trung trung thoi . Diem manh cua ho la su dung chuong trinh giang day bang tieng Anh. Nho do ma sinh vien co the tiep tuc hoc tap o cac nuoc Anh, My hay Uc .
Nhu vay, chung ta co the nhin thay dieu yeu cua giao duc VIet Nam hien nay la ngoai ngu, ma dac biet la Anh Van. Neu chung ta co the ap dung chuong trinh bang tieng Anh tu cap pho thong trung hoc thi chac chan hoc sinh Viet Nam chang can ton tien di Sing du hoc nua. Thuc chat ve noi dung chuong trinh, thi Viet Nam minh hon hon cac nuoc trong khu vuc.... tham chi con kho hon ca o Canada, noi toi dang hoc ... Tro ngai lon nhat cua toi la Anh Van, nhung chi can 1 nam sieng nang doc sach la toi co the theo kip ban be .
Noi den viec su dung Anh Van trong lop hoc, thi theo toi, dieu dau tien chung ta can lam la xay dung doi ngu giang vien. Xay dung luc luong giao vien su pham moi, du kha nang dam nhan cong viec nay . Chuong trinh hoc, chung ta da co san cua cac nuoc tien tien, chi can dieu chinh cho phu hop, nhung khong co luc luong giang vien truyen dat thi moi chuyen cung khong thanh cong duoc.
Vũ Hưng, Thái Bình, 22:57, 22/04/2010
Hiện nay Bộ GD-ĐT cần tập trung chỉ đạo cho việc thi cử cho thật nghiêm túc đã là việc quá khó . Nếu thi cử nghiêm túc , đặc biệt là tôt nghiệp THPT thì sẽ tạo đà cho đổi mới và nâng cao chất lượng cho HSPT và HSĐH . Xem ra việc này còn lâu mới nghiêm túc được . Hãy nghiên cứu thay đổi cơ chế cho các trường công lập được cạnh tranh như các trường ngoài công lập thì cơ may mới thay đổỉ được chất lượng đội ngũ nhà giáo . Cơ chế hiện thời chỉ làm thui chột chất xám các nhà giáo mà thôi . Đội ngũ các hiệu trưởng rất quan trọng cho chất lượng các nhà trường xong với cơ chế hiện hành thì ai làm hiệu trưởng chẳng được . Cứ thử đo đếm xem sao ? Là một nhà giáo giỏi , được học sinh và đồng nghiệp quí mến , cảm phục mới khó . Chứ làm hiệu trưởng thì khó gì . Nhiều trường khai giảng xong , Ông hiệu trưởng du dương mọi nới nhiều ngày mà hoạt động của nhà trường vẫn nề nếp . Thế mà có một vài thầy dạy giỏi ở một số bộ môn mà nghỉ thì rất khó thay thế các thầy . Học sinh láo loạn cả lên . Học trò chỉ mong thầy mau chóng quay trở về giảng dạy . Còn chẳng em nào nhắc đến ông hiệu trưởng . Thế mà , hàng năm có nhiều vị hiệu trưởng giàu nên rất nhanh . Nhiều chế độ của nhà giáo được các vị đó ăn chặn như chế độ trả tăng giờ cho GV , % chi trả cho GV , ... Sau này nhiều tỉnh thành còn giao quyền cho các hiệu trưởng nhận người thì không biết các bạn sinh viên muốn xin về công tác phải mất phí biết bao nhiêu tiền . Với cơ chế hiện hành thì các vị hiệu trưởng có thể học tập và thay đổi được gì ? Hay mỗi năm cho các vị được hưởng nhiều ưu đãi ( rồi chất lượng ở các nhà trường đâu lại vào đấy ) Một trường có chất lượng cao hiện nay đâu phải chỉ công ông hiệu trưởng . Hãy quan tâm tới những nhà giáo còn nhiều vất vả với nghề . Nhiều vị còn nghĩ thương hại mất ông lãnh đạo có ít phụ cấp . Phụ cấp của lãnh đạo thì mua nhà rất nhiều tiền làm sao được . Hãy về một số trường phổ thông xem các ông hiệu trưởng " Nghèo " như thế nào khi làm hiệu trưởng được vài năm .?!
Sơn Hiếu, Nha Trang - Khánh Hoà, 19:50, 22/04/2010
Tôi cũng là một nhà giáo đã có 5 năm học tập ở nước ngoài, và tôi cũng đi khá nhiều nước trên thế giới, tôi thấy anh Trần Quang Đại phản ánh như là một bức xúc của cá nhân hơn là một góp ý cho toàn cục.
Thứ nhất: Anh viết "một số đối tượng không thuộc nội dung của đề án vẫn được tham gia gồm trưởng phòng Giáo dục, trưởng, phó các phòng thuộc Sở GD-ĐT" ý kiến này, tôi nghĩ anh có cái nhìn quan liêuu rồi. Tôi lấy ví dụ, liệu anh có chấp nhận 1 giáo viên dạy thể dục làm quản lý chuyên môn của bộ môn toán được không? ông Trưởng phòng Giáo dục là người quản lý trên phương diện chung về giáo dục của địa phương đó, muốn nâng cấp giáo dục từ lãnh đạo các trường thì lãnh đạo phòng giáo dục cũng phải được nâng cấp chứ. Phải chăng anh chỉ quan tâm đến tên của đề án và đối tượng không khớp nhau? mà đã là tên gọi thì tôi nghĩ đặt sao cũng được chứ?
Thứ 2: Anh viết "Một tuần đi nước ngoài, lạ nước lạ cái, (hầu hết) lại không biết ngoại ngữ, vậy các học viên sẽ tiếp thu được những gì", tôi trộm nghĩ, nếu anh đã từng sống hay làm việc, hoặc đi thăm quan ở một số nước phát triển, tôi nghĩ anh sẽ không góp ý như trên. "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" ông bà ta đã dạy, tôi nghĩ không sai đâu.
Tuy nhiên, anh cũng không hoàn toàn sai, như anh đã viết "Trong khi giáo dục đang có nhiều vấn đề nhức nhối, mà một trong những vấn nạn đó là tình trạng các hiệu trưởng tiêu cực, lạm quyền, tham nhũng". đó là thực trạng, tất nhiên không hoàn toàn các Hiệu trưởng đều thế. Mặc dù vậy, để phát triển chúng ta phải chấp nhận một thời kỳ quá độ, chấp nhận đánh đổi, chấp nhận trả giá đắt, trong 15.800 Hiệu trưởng đó, có 100 Hiệu trưởng phát triển được theo hướng mới làm nền tàng, làm tiên phong, làm cách mạng cho giáo dục nước nhà cũng là tốt rồi.
Tôi rất mong cho giáo dục nước nhà ngày càng mạnh mẽ, và tôi cũng muốn đóng góp công sức vào đó. Nhưng chính sách, chế độ đãi ngộ như hiện nay sẽ rất khó khăn để tôi có thể quyết định tiếp tục cống hiến cho nền giáo dục. Trong khi với trình độ, bằng cấp sẽ có, tôi được chào đón ở những nơi có chế độ đãi ngộ cao hơn rất nhiều.
akay, hà nội, 19:08, 22/04/2010
đây phải gọi là đề án đưa hiệu trưởng VN đi du lịch để mở mang tầm mắt mới đúng!
A Long, 18:31, 22/04/2010
Nếu thực sự Hiệu trưởng có tâm huyết với giáo dục, với cuộc sống của giáo viên, với các thế hệ tương lai của nước nhà... thì đã tự trăn trở, tìm hiểu, nghiên cứu các hướng giải quyết từ lâu rồi.
Hồng Hà, Bình Minh, 17:40, 22/04/2010
Theo tôi chương trình “Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông..." không phải bắt đầu bằng xuất ngoại!
1. Đúng là Singapore là một nước trong khu vực và có nền giáo dục phát triển nhưng kinh tế, xã hội Việt Nam và Singapore có quá nhiều khác biệt nên không thể "sang ngang" kiểu 10 ngày được.
2. Tôi đồng ý với anh Quang Đại rằng liệu 10 ngày các vị Hiệu trưởng đáng kính của chúng ta học được gì?
3. Điểm bắt đầu chương trình là công tác tổ chức cán bộ: Mạnh dạn thanh lọc đội ngũ quản lý trước để đảm bảo rằng đội ngũ quản lý gồm những người ưu tú nhất của ngành giáo dục!
Minh Hải , Hà Nội, 17:09, 22/04/2010
Bộ GD hãy thay đổi cách đề bạt , đánh giá giáo viên và các nhà quản lý hàng năm bằng lá phiếu tự do, dân chủ, công khai thì mọi việc sẽ tốt đẹp ngay thôi.
Thái Nguyên, Hà Nội, 16:25, 22/04/2010
Vấn đề không nằm ở chỗ ông hiệu trưởng, vấn đề nằm ở chỗ cơ chế cho ông hiệu trưởng làm gì, phải làm thế nào chứ ông hiệu trưởng sang nước ngoài nhưng về nước có được quyết gì không? không được tuyển người, không được trả lương, không được .... ty tỉ thứ, thử hỏi ông ta đi nước ngoài rồi về để làm gì?
nhan, 16:17, 22/04/2010
Phải đi Singapore để biết Chúng ta (ngành giáo dục) đang ở đâu?
Theo ý kiến của Tôi là các Thầy nên đi và chỉ đi Singapore, khi đi cần có một chương trình bài bản, tốt nhất một đoàn có 02 thông dịch viên để các Thầy dễ dàng trong trao đổi thông tin. (Ở Singapore chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Anh)
Thời gian ngắn cũng không sao, mở mang tầm mắt ra là được, phải đi và sử dụng 1 lần các địa điểm, dịch vụ sau:
1/ Hệ thống tàu điện ngầm Singapore, tự mua vé, lên tàu đi và về.
2/ Phải vào một trung tâm thương mại Singapore, mua 01 món qua nhỏ
3/ Tiếp đến mới vào một cơ sở giáo dục để trao đổi nghiệp vụ
4/ Phải tự đi xe buýt một lần
Nên chia mỗi nhóm tố đa 02 - 05 người, tốt nhất là từng cá nhân Thầy, Cô (không nên đi theo đoàn. Nếu sợ lạc thì đừng đi Sigapore, và đừng làm Hiệu trưởng nữa!! nếu đi rồi nên nhường suất đó cho Thầy, Cô khác. Bộ GD-DT chỉ nên tổ chức đi Singapore không nên đi nước khác, vì ở đây có nhiều cái hay để Thầy Cô học hỏi.
Tôi tin khi về, các Thầy, Cô (ít nhất 10%) sẽ chống tiêu cực trong quản lý giáo dục hay hỗ trợ những học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn một cách tốt nhất. Theo Tôi Thầy Cô về sẽ thay đổi cơ chế, chính sách làm cho ngành giáo dục nước nhà hưng thịnh.
nguyễn Trung Thành, Hà Nội, 16:01, 22/04/2010
Là người nằm trong cuộc đã từng tham gia một khóa học, tôi thấy những ý kiến tác giả nêu lên là rất đúng, nhưng không hiểu tại sao Bộ không rút kinh nghiệm qua từng đợt để điều chỉnh cho phù hợp cho đỡ tốn tiền của của nhà nước, hiệu trưởng. Một thực tế đang diễn ra giữa chủ trương và thực tế khá khác nhau, tôi được biết tài liệu tập huấn bồi dưỡng làm vội vã, chất lượng không tốt nhưng vẫn phát hành, có báo cáo viên của bộ chưa từng một ngày làm hiệu trưởng vẫn lên thao thao bất tuyệt để rồi kết thúc khóa bồi dưỡng học viên chẳng thu được gì. Tôi rất mong Bộ giáo dục kiểm tra lại và có biện pháp kịp thời tránh lãng phí tiền của, thời gian.
Nguyễn Văn Ngọc, 16:00, 22/04/2010
Về mục đích của chương trình nghe ra thật ý nghĩa vì nó nói lên một chân lí vĩnh hằng: "Giột từ nóc giột xuống" , yếu từ trên yếu xuống. Chúng ta cần đổi mới quản lí thực sự vì cách quản lí giáo dục hiện nay thực sự đang có vấn đề . Phần lớn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đâu được bầu bán công khai mà chú yếu là cấp trên "chấm" bằng kênh "thăm dò tín nhiệm". Đến hẹn lại lên, khi có nhu cầu nhân sự thì sở về làm công tác thăm dò rồi ôm cả tập phiếu về trên sở "xử lí" và ra quyết định bổ nhiệm!
Theo tôi đổi mới quản lí nên đổi mới ngay từ khâu bầu bán, bổ nhiệm như hiện nay. Sự thực là có nhiều vị phụ trách chuyên môn ở phổ thông nhưng bản thân chưa một lần có sáng kiến kinh nghiệm bậc bốn cấp tỉnh chứ đừng nói gì danh hiệu giáo viên giỏi tỉnh (dù danh hiệu mang tính tượng trưng).
thuan minh, 76 le van viet q.9, 15:58, 22/04/2010
Tôi đồng tình với những quan điểm của thầy Trần Quang Đại. Thật ra nếu những nhà quản lý thực sự tâm huyết với nghề giáo thì có rất nhiều cách để cải tiến. Các nhà quản lý này chỉ cần bỏ thời gian đi dự những buổi tuyển sinh du học của các trường nước ngoài tại tp.HCM sẽ ngộ ra rất nhiều điều hay & thú vị.