Vụ nữ sinh đánh bạn: Trường THPT Trần Nhân Tông lách luật?

Cập nhật lúc 11:08, 19/03/2010 (GMT+7)

- "Sau khi tìm hiểu chúng tôi thấy ngành giáo dục không hề có quy định nào gọi là “án treo” đuổi học, cũng như không có hình thức kỉ luật buộc HS viết bản kiểm điểm mỗi tuần". Độc giả Trần Quang Đại, giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến.

TIN LIÊN QUAN

Nạn nhân bị kỉ luật nặng hơn thủ phạm?

Mô tả ảnh.
Nữ sinh bị đánh chịu kỷ luật nặng hơn người ’ra tay’? (Ảnh: TPO)
Vừa bàng hoàng khi xem video clip học sinh (HS) nữ đánh đập, sỉ nhục bạn trước sự vô cảm của những bạn xung quanh, chúng tôi lại bị “sốc” hơn với “phán quyết” của nhà trường về các HS có liên quan trong vụ việc nói trên.

Hai HS Vũ Ngọc Diệp (người trực tiếp đánh) và Chu Minh Huyền (người thực hiện quay video) phải chịu hình thức kỉ luật “nặng nhất”: Hạ hạnh kiểm, thử thách trong vòng một năm. Mỗi tuần phải viết một bản kiểm điểm, có chữ kí của phụ huynh, nếu vi phạm sẽ bị đuổi học. Nhà trường gọi đó là “án treo” đuổi học.

Như vậy, rút cục, hai HS đã đánh đập, sỉ nhục bạn chỉ bị hạ hạnh kiểm (không hiểu là hạ từ mức nào xuống mức nào, nếu chỉ là Tốt xuống Khá hay Trung bình cũng nên?), không hề bị đình chỉ học một ngày nào.

Việc mỗi tuần viết một bản kiểm điểm cũng rất hình thức, tưởng nặng, hoá ra nhẹ tênh. Chỉ cần mất vài phút, đưa bố mẹ kí là xong.

Kinh ngạc nhất khi mà người bị đánh, bị sỉ nhục nặng nề là em Nguyễn Quỳnh Anh lại bị kỉ luật cảnh cáo toàn trường, hạ hạnh kiểm xuống loại yếu và thử thách một năm!

Nghĩa là những em tổ chức đánh bạn không bị cảnh cáo toàn trường?

Hội đồng kỉ luật nhà trường đã “lách luật”?

Mô tả ảnh.
Trường THPT Trần Nhân Tông.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi thấy những bất ngờ.

Thứ nhất, không thể xếp em Nguyễn Quỳnh Anh hạnh kiểm yếu. Về Tiêu chuẩn xếp loại hạnh kiểm, khoản 4, Điều 4, Quy chế “Đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông” (Ban hành kèm theo Quyết định số 40/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ GD ĐT) nêu rõ:

“Loại yếu: nếu có một trong những khuyết điểm sau đây:

a) Có sai phạm với tính chất nghiêm trọng hoặc lặp lại nhiều lần trong việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, được giáo dục nhưng chưa sửa chữa;
b) Vô lễ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể của giáo viên, nhân viên nhà trường;
c) Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử;
d) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn hoặc của người khác; đánh nhau, gây rối trật tự, trị an trong nhà trường hoặc ngoài xã hội;
đ) Đánh bạc; vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ma tuý, vũ khí, chất nổ, chất độc hại; lưu hành văn hoá phẩm độc hại, đồi truỵ hoặc tham gia tệ nạn xã hội”.

Như vậy, Nguyễn Quỳnh Anh không vi phạm quy định nào nói trên để bị xếp hạnh kiểm loại yếu.

Em Nguyễn Quỳnh Anh có lỗi gì? Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật nhà trường cho biết: “Khi có mẫu thuẫn với bạn mà không báo cáo với nhà trường mà lại tự ý bỏ học đi theo các bạn để tự giải quyết, đồng thời, sau đó lại không thành khẩn khai báo để cơ quan điều tra phải vào cuộc”. Em đã giải thích là “không muốn làm to chuyện” và “sợ bố mẹ lo lắng”. Đây cũng là tâm lý thường tình. Đáng ra với cái gọi là “lỗi” ấy, chỉ cần nhắc nhở, phê bình.

Thế nhưng em lại bị kỉ luật nặng hơn cả người đã đánh đập, sỉ nhục mình.

Vì vậy phán quyết của Hội đồng Kỷ luật trường THPT Trần Nhân Tông đối với Quỳnh Anh là hết sức bất công.

Thứ hai, ngành giáo dục không hề có quy định nào gọi là “án treo” đuổi học.

Điều 42, “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học” Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2007/QĐ-BGDĐT ngày 02/4/2007 của Bộ trưởng Bộ GD ĐT" nêu rõ:

“Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:

- Phê bình trước lớp, trước trường;
- Khiển trách và thông báo với gia đình;
- Cảnh cáo ghi học bạ;
- Buộc thôi học có thời hạn”.

Việc nêu điều kiện HS tái vi phạm sẽ bị kỉ luật ở mức cao hơn trong quyết định kỉ luật là thừa, vì đã có văn bản quy định. Cũng như không có hình thức kỉ luật buộc HS viết bản kiểm điểm mỗi tuần.

Không lẽ một trường THPT có thẩm quyền “sáng tạo” ra các hình thức kỉ luật, trái với quy định của Bộ GD-ĐT?

Trong hình thức “Buộc thôi học có thời hạn”, theo quy định tại Quyết định số 1118/QĐ của Bộ trưởng Bộ GD ĐT ngày 2-12-1987, mục “Quy định về khen thưởng và kỉ luật học sinh” nêu rõ:

“4. Đuổi học một tuần lễ:
- Học sinh đã bị cảnh cáo toàn trường nhưng còn tái phạm, gây ảnh hưởng xấu.
- Phạm các khuyết điểm sau dù chỉ là lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, thầy cô giáo và tập thể như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau, có tổ chức và gây thương tích…”.

Hành động đánh bạn, sỉ nhục, quay phim và phát tán trên mạng là vi phạm phát luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ nhà trường có HS vi phạm bị ảnh hưởng, mà phạm vi tác động có thể nói là trong toàn ngành giáo dục, thậm chí ra ngoài nước.

Khi quyết định không đuổi học (dù chỉ 1 tuần), hội đồng kỉ luật nhà trường cho rằng hành động của những em đó không ảnh hưởng gì đến nhà trường, đến giáo viên?

Không hiểu các thầy cô trong hội đồng kỉ luật đã suy nghĩ gì khi quyết định những hình thức kỉ luật như vậy? Có lẽ các thầy cô không có dịp đọc (lại) những văn bản, quy định hiện hành? Lẽ nào các thầy cô không hiểu (hay cố tình không hiểu) tâm lý HS?

Việc ra quyết định kỉ luật tuỳ tiện như vậy được biện hộ với lý do muôn thuở: tính “nhân văn”, “cho các em một cơ hội”, “sợ các em hư hỏng”… Vậy xin hỏi công bằng cho người bị hại ở đâu? “Nhân văn” với kẻ phạm pháp chính là vô cảm với nạn nhân.

Nếu như trường nào cũng tuỳ tiện lách luật, “sáng tạo” ra những hình thức kỉ luật như trường THPT Trần Nhân Tông, thì trật tự giáo dục sẽ hỗn loạn.

Không hiểu khi bàn việc kỉ luật HS, Hội đồng Kỷ luật trường THPT Trần Nhân Tông căn cứ trên những văn bản, quy định nào? Theo chúng tôi, việc tiếp theo là Sở GD-ĐT Hà Nội cần xem lại.

  • Trần Quang Đại (Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Minh Đức, Sài Gòn, 15:55, 19/03/2010

Cuộc đời là vậy đó. Mấy cô cậu làm mấy cái trò đốn mạt đó có gia đình hậu thuẫn, nhà trường hậu thuẫn và nói chung quy là có tiền.

Còn những người khác thì sao. 2 chữ nhà giáo, nghe sao mà nhức nhối.

Tôi cũng đã từng chứng kiến một trường hợp 2 đứa bạn tôi, chơi cùng với xóm thành một nhóm.

2 đứa nó đi theo bọn kia nhưng đến khi vỡ chuyện thì bọn nó bị đuổi học, còn cái thằng đầu trò thì chỉ bị cảnh cáo. Giờ đây, ngày càng nhiều chuyện như vậy. Trách sao được khi nhân dân ta không còn tin tưởng nữa.

nguyen hoang, Hanoi, 12:43, 19/03/2010

Là một giáo viên, tôi không thể đồng tình với hình thức kỉ luật đối với nạn nhân. Dù rằng, em cũng có lỗi nhưng chỉ đáng bị hạ 1 bậc hạnh kiểm.

Nếu nạn nhân và những kẻ hành hung em bị xử lí như nhau thì nhà trường làm sao có thể nhận được phản hồi từ hs và gia đình các em khi các em bị bắt nạt.

Một là họ sẽ cam chịu và phản ứng cực đoan khi quá giới hạn chịu đựng; hai là tổ chức người trả thù lại đối tượng đã đánh con em họ và hậu quả sẽ là khôn lường.

Ở đây tôi thấy nhà trường chỉ vì uy tín của mình bị ảnh hưởng mà kỉ luật em như vậy là không thể chấp nhận.

Nếu con gái thầy hiệu trưởng bị đánh và xé áo lót giữa đông người trong đó có cả các bạn nam cùng lớp,cùng trường thì liệu em có dám nhận là mình hay là phản ứng đầu tiên là phủ nhận vì xấu hổ và sợ bị kỉ luật?

Và ngay từ đầu tôi và các đồng nghiệp đã nghĩ là nhà trường và gvcn đã bắt các em không được nhận vì rất đông các em hs trong trường đã khẳng định là hs trường họ ngay khi đoạn video được tung lên mạng.Tôi nghĩ hội đồng kỉ luật đã thiếu công tâm và muốn nếu có các sự việc tương tự thì không hs nào dám tố cáo để nhà trường đỡ bị ảnh hưởng.

Thầy hiệu trưởng nói thì hay lắm nhưng thầy đã vô tình hay cố tình chặt đứt cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh vì nếu kỉ luật thế này thì những hs chúng em bị đánh sau này và phụ huynh chúng em chẳng ai dám tố cáo vì con em họ sẽ bị kỉ luật nặng. Và kết quả sẽ là tự xử lí của người lớn và hs không thông qua nhà trường.

Hồng Nhung, TP Nam Định, 12:36, 19/03/2010

Hội đồng kỷ luật trường TNT tuy có xử lý kỷ luật người bị hại chưa thoả đáng nhưng nói như thầy Đại thì cũng không thuyết phục. Bản thân tôi cũng là một giáo viên nên thiết nghĩ nhà trường cần tạo điều kiện cho những HS mắc lỗi để các em có cơ hội sửa chữa sai lầm. Nếu bị đuổi học thì thử hỏi cuộc đời các em sẽ đi về đâu???

Lê Trường Hải, 19a Cộng Hòa, Tân Bình, TP.HCM, 12:36, 19/03/2010

Cảm ơn thầy Trần Quang Đại đã có bài phân tích rất hay và nói lên được suy nghĩ của rất nhiều người, không phải chỉ có riêng tôi.

Tôi đồng ý là có hướng mở, nhưng việc xử phạt Quỳnh Anh như vậy là quá bất công.

Tôi xem clip mà thấy xót xa, ấy vậy mà thầy Hiệu trưởng Trần Nhân Tông và các thầy cô trong hội đồng kỷ luật lại cũng máu lạnh không kém, vậy thì nói gì đến các em học sinh của họ.

Có thể họ chẳng có con hoặc là có thế lực nào khác bắt phải làm như vậy.

Tôi rất mong báo chí quan tâm triệt để đến vụ này và thông tin cho công chúng cùng biết để có những phản ứng mang tính điều chỉnh.

Vũ Quang Nam, 12:36, 19/03/2010

Thường thì các vụ học sinh đánh nhau này, nhà trường nào cũng biết ( nhiều vụ học sinh đánh nhau ngay cổng trường, trong trường...) nhưng toàn "ỉm". Đến vụ này thì vì k thể "lơ" được thì Hội đồng Kỷ luật trường THPT Trần Nhân Tông lại xử lý thật là " có vấn đề"

Huy Nguyen, Ha Noi, 12:31, 19/03/2010

Cám ơn anh Đại vì bài viết đầy đủ và logic. Tôi cũng có tâm trạng bức xúc như anh Đại sau khi đọc được thông tin về hình thức kỷ luật của trường.
Hoàn cảnh của gia đình em Quỳnh Anh - người bị hại chắc cũng không khá giả gì (mẹ bán tạp hóa, gia đình không có điều kiện quan tâm) và sự bất công đối với em làm tôi suy luận

nguyenducminh, 32-b5giangvo, 12:31, 19/03/2010

Trong hình thức kỷ luật,tôi thấy thiếu phần trách nhiệm của người lớn-cụ thể là tập thể giáo viên trường nơi các em học,đã không dám nhận là học sinh của mình. Người lớn không thành khẩn,sao nói con trẻ không thành khẩn?

Trần Vũ, Cần Thơ, 12:23, 19/03/2010

Hiện tượng học sinh đánh nhau, đặc biệt là nữ sinh đánh nhau và quay lại video clip tung lên mạng không còn là chuyện gì quá "to tát" nữa, khi mà ngày ngày dạo quanh các blog, diễn đàn teen, trang youtube, người xem đều có thể bắt gặp được những hình ảnh xấu này, dần dần nó sẽ trở thành 1 cái gì đó quá đỗi bình thường. Và các cô nàng thi nhau đánh và tung clip lên mạng, để chứng tỏ bản thân mình 1 cách lệch lạc.

Nguyễn Huy Cường, tp HCM, 12:22, 19/03/2010

Bài toán kỷ luật học sinh đánh hội đồng

Có hai loại hình kỷ luật được xét đến,
Thứ nhất:
Nếu bên bị hại hoặc các đoàn thể liên quan không khởi tố, mức độ thiệt hại, thương tật không nghiêm trọng, chưa cấu thành tội phạm thì tổ chức một buổi làm việc khoáng đại, có mặt cả cha mẹ các em vi phạm , thày cô giáo, đoàn thanh niên, các học sinh vi phạm và nếu có điều kiện mời chuyên gia tư vấn .
Buổi họp này nghe các em tự giải trình lỗi lầm, diễn biến. Cứ cho các em nói thoải mái, kể cả nói dối, chống chế.
Sau đó lấy ý kiến phê phán các em ( nếu các em chưa nhìn ra mức độ phù hợp hay chống chế, biện hộ) hoặc thông cảm, xẻ chia và vạch ra những hệ quả có thể của việc làm dại dột kia nếu các em thành khẩn.
Nếu các em có thái độ tốt, thành thật nhìn ra khuyết điểm và người lớn có thể thấu hiểu được động cơ đánh bạn thì tuyên phạt cảnh cáo toàn trường hay toàn quận, thành để làm gương, ghi hạnh kiểm “yếu” vào học bạ và giao đoàn thanh niên, lớp theo dõi, giám sát , giúp đỡ sau khi kỷ luật.
Không kỷ luật người bị đánh.Chấm hết.

Thứ hai
Nếu bên bị hại khởi tố hoặc một cơ quan nào đó khởi tố, mức độ nguy hại đủ cấu thành tội phạm thì xem xét bằng luật định. Hết.
.
Dù làm gì , chọn biện pháp nào thì cũng nên nghĩ rằng: Trong tình hình giáo dục hiện nay, trong các ảnh hưởng từ môi trường xã hội như TV, phim ảnh, truyền thông “đen” hiện nay thì dù có đem xử bắn các em này thì cái gì đến, vẫn đến.
Nếu lấy khung thời gian 20 năm vừa qua, tôi bảo đảm rằng sự “tăng trưởng “ lớn nhất là số người dùng điện thoại , thứ hai là số tội phạm trên tỷ lệ dân số và trong đó, tỷ lệ tội phạm ở tuổi học sinh.
Giai đoạn tới, chưa có bất cứ dấu hiệu gì giới hạn hay chặn đứng cái đà “tăng trưởng” này.
Tóm lại, không nên hiểu một cách máy móc rằng :phải trị các em này đến nơi đến chốn để làm gương cho kẻ khác như những trường hợp khác.Cũng nên hiểu rằng, vụ này nếu xử tốt, hài hòa thì còn nguyên đó những công dân có thể trưởng thành nhưng nếu áp dụng các biện pháp gay gắt, “làm cho ra lẽ” như đuổi học, bỏ tù thì chưa chừng, ta lại cung cấp cho xã hội một nhóm thanh niên bất hảo nữa.
Khi tư duy về việc này, cần bám sát một nguyên lý: cho dù hình thức có khó coi, dễ xúc động và đáng lên án nhưng nó vẫn hàm chứa tính chất gọi là “trò trẻ con”.
Hãy xem xét một cách nghiêm túc.
Tôi hoan nghênh các phân tích, nhìn nhận của tác giả bài viết này.


Hoàng Minh, Hà Nội, 12:06, 19/03/2010

Tôi có xem các tin tức về vụ việc này ( từ lúc có clip phát tán cho đến lúc trường ra quyết định kỷ luật, tuy nhiên tôi ko xem clip vì có lẽ không cần thiết). Không biết cảm giác của các bậc cha mẹ khác thế nào, nhưng tôi thấy biện pháp kỷ luật của BGH nhà trường đưa ra hoàn toàn "nửa vời". Điều đó phản ánh thái độ làm cho có, đối phó dư luận. Điều này càng minh chứng cho thấy việc không kiên quyết xử lý một vụ việc dù nhỏ ( mặc dù ở đây tác động đến xã hội hoàn toàn không nhỏ) nếu không mang tính chất răn đe, nghiêm túc và đúng luật thì người dân sẽ hoàn toàn thờ ơ với tất cả các quyết định của chính quyền. Vì họ cần sự công bằng, minh bạch.

hoahung, 12:04, 19/03/2010

Các em là học sinh, tức ở tuổi vị thành niên. Kỷ luật không nhằm trừng phạt mà là hình thức giáo dục. Do đó, nhà trường có thể áp dụng hình thức kỷ luật nào, phù hợp với các tiêu chí trên, theo tôi là được. Không thể áp đặt cách xử lý của người lớn vào các em một cách máy móc.

Minh Vy , 12:03, 19/03/2010

Bài viết này rất đúng với suy nghĩ của tôi . Hình phạt dành cho người bi hại quá nặng và hình phạt dành cho hai nữ sinh côn đồ kia là quá nhẹ , phải chăng đã có sự can thiệp nào ở đây không ? Mong sở GD- ĐT cần xem xét lại và đưa ra mức kỷ luật thích hợp hơn ...

Nguyễn Đức Hùng, Hà Nội, 12:03, 19/03/2010

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến trên. Chúng ta không thể cứ mãi cái lý luận "cháu nó phạm lỗi lần đầu" được, nếu có lần thứ 2 thì hậu quả sẽ như thế nào? Mà tôi dám chắc đây không phải là lần đầu các em này đánh dằn mặt các bạn khác như thế. Hình thức kỷ luật như vậy sẽ không có tính răn đe cho toàn xã hội, trong các trường hợp tương tự xảy ra học sinh sẽ "nhờn" vì các em có tâm lý là "sợ quái gì, lại cảnh cáo ấy mà".

nhoc1605, Đồng Tháp, 12:02, 19/03/2010

Hy vọng rằng Sở GD-ĐT Hà Nội dành ít thời gian quý báo để xem qua bài viết.

Nguyễn Ngọc Hòa, 324/53 Hoàng Văn Thụ P4. Q. Tân Bình, 12:02, 19/03/2010

Tôi là hs lớp 12, rất bức xúc trước việc nhà trường tự cho mình cái quyền "làm cha người ta" qua việc dựa vào nội quy mà định tội. Nhưng việc nạn nhân lại bị hình thức kỷ luật cao hơn là thủ phạm thì đây là 1 việc hết sức phi lý nói một cách khác là nhà trường "khuyến khích" đánh nhau ( mặc dù nhà trường đã giải thích rõ là do nạn nhân không có hợp tác. Nhưng chung quy là do nạn nhân ko muốn là cho cha mẹ mình buồn phiền và có thể chấp nhận bị đánh để đổi lấy sự yên tĩnh. Nói như các trường học khác là khi bị đánh thì nên nói với nhà trường (ở đây tôi ko nói tới cha mẹ vì họ chỉ có thể bảo vệ con mình bằng cách chở đi học và đón về, hoặc là chuyển trường cho con mình nhưng cũng chỉ trong khả năng)
Còn nhà trường hô hào học sinh khi có xích mích thì báo cho nhà trường, chính quyền, họ chỉ suy nghĩ theo 1 hướng mà ko biết rằng trong xã hội hiện nay thì học sinh sẵn sàng làm liều. Liệu nhà trường, CA có thể bao vệ họ 24/24 hoặc bảo vệ suốt đời được ko? Nếu như họ tố cáo ra thủ phạm và trả thù họ.

Chu Minh Tứa, Hà Nội, 12:01, 19/03/2010

Tôi tán đồng quan điểm với thầy Đại
Không thể có chuyện phi lý như vậy được !
Xử lý như vậy còn gì là công bằng, Không hề đúng luật, đúng tội.
Đây không phải là lần đầu có sự việc đánh nhau thế này.Chiều hướng loại hình này ngày càng gia tăng và tỉ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của nó.
Xét thấy các cơ quan chức năng cần phối hợp với gia đình và nhà trường để xử lý nghiêm minh làm gương cho các học sinh, sinh viên hiện nay.

Hoàng Thế Tuấn, Tiên Du- Bắc Ninh, 12:00, 19/03/2010

Em rất đồng í với thầy về quan điểm trên. Người bị hại là em Nguyễn Quỳnh Anh bị hạnh kiểm yếu, vậy phán quyết của hội đồng trường công bằng ở đâu. Có phải chăng phản ánh một mặt nào đó của hiện thực xã hội. Cá nhân em cũng cảm thấy buồn!!!!!

Hồng Vinh, Hà Nội, 11:58, 19/03/2010

Cám ơn quý báo đã cho đăng công khai bài viết này.

Lê Võ Phương Anh, Hà Nội, 11:38, 19/03/2010

Tôi rất đồng tình với ý kiến của thầy Trần Quang Đại. Tôi mong Sở Giao dục Đào tào Hà Nội cần xem lại cách xử lý kỷ luật của trường Trần Nhân Tông để không làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục và tránh gây sốc với phụ huynh.

Các phụ huynh sẽ không yên tâm khi con em mình đi học, nếu có chuyện gì lỗi như Quỳnh Anh ( là nhút nhát) lại bị hạnh kiểm kém và cảnh cáo toàn trường). Cách xử lý như vậy sẽ khuyến khích các em học sinh đánh bạn.

Bình , HCM, 11:31, 19/03/2010

Theo tôi những học sinh quậy phá đánh bạn,.. ảnh hương xấu đến Tư Cách Đạo Đức trong Giáo Dục thì: Cảnh cáo toàn trường, Hạnh kiểm Yếu.
Cần răn đe những học sinh này bằng LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH. Nếu có thế mới giảm tình trạng bạo lực học đường vì những học sinh này là bất hảo, chỉ cánh cáo thôi thì các hoc sinh quậy phá khác tiếp tuc bắt chước.

Các tin khác