Từ "đặt cược 1.000 USD" đến 40% lương để níu giảng viên

Cập nhật lúc 07:09, 30/03/2010 (GMT+7)

- Gần đây, VietNamNet liên tục nhận được phản ánh của cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước khi đi học tập ở nước ngoài phải "chịu" một số quy định được cho là tréo ngoe: "nộp lại 5% học bổng" "đặt cược 1.000 USD", rồi "giữ nốt 40% lương hàng tháng". Xung quanh những phản ánh này, ông Nguyễn Trọng Hoan, Trưởng phòng và bà Nguyễn Thanh Hằng, phó phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có giải thích.

TIN LIÊN QUAN

Từ ký "quỹ 1.000 USD"...

a
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Đưa quy định "đặt cược" để níu cán bộ quay về trường..."
Ảnh: K.O
Ông Nguyễn Trọng Hoan
cho biết: Việc ký quỹ "1.000 USD" trường thực hiện theo một văn bản quy định của nhà nước từ năm 2000.

Quy định này xuất phát từ lý do, một số cán bộ được cử đi học tập công tác ở nước ngoài không quay về hoặc về rồi lại bỏ đi nơi khác làm.

Mục đích của việc ký quỹ này được hiểu nôm na là "đặt cược", nếu không về thì sẽ không được hoàn trả.

Khoản 1.000 USD được giữ lại rất thấp so với kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Ví như ở trường, 1 suất đi đào tiến sĩ diện 322, một năm cũng nhận được 20.000 USD. Thời gian đi học khoảng 3-4 năm thì chi phí cho 1 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài trong 4 năm lên tới gần 100.000 USD...

Sau văn bản năm 2000, các văn bản quy định tiếp theo cũng vẫn nói đến việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đó, nhưng không đặt ra vấn đề ký quỹ 1.000 USD nữa và cũng không có văn bản bác bỏ.

Bản thân nhà trường thấy, việc ký quỹ 1.000 USD/cán bộ đi học nước ngoài chẳng có ý nghĩa gì nên năm 2009 đã ban hành văn bản bỏ việc ký quỹ này. Theo quy định của nhà nước thu quỹ này thì nhà trường phải nộp ra kho bạc nhà nước chứ không hưởng lợi gì. Gốc và lãi sẽ hoàn trả lại giảng viên sau khi hoàn thành khóa học đúng hạn trở về.

- Quy định ký "quỹ 1.000 USD" được thực hiện từ năm nào? Áp dụng cho những đối tượng nào (học bổng nhà nước hay cán bộ tự kiếm...)? Thực tế, có ý kiến cho rằng: Để có được cơ hội đi học, họ đã phải tốn kém rất nhiều chi phí (gồm chi phí thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, chi phí gửi hồ sơ, nộp lệ phí xét tuyển hồ sơ tại các trường...). Họ không được hưởng trợ cấp của trường hay nhà nước nên việc giữ quỹ là không hợp lệ?

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Từ năm 2000. Nếu như họ đi học mà không về nữa thì khoản ký quỹ đó nhà trường sẽ thu lại. Không những thế, họ sẽ phải bồi hoàn thêm chi phí đào tạo theo quy định...

Quy định áp dụng cho những học bổng ngân sách nhà nước và học bổng hiệp định của trường với các trường nước ngoài có liên kết với trường.

Thực tế, chưa có cán bộ nào đi học từ nguồn học bổng tự túc.

Ví như, muốn có học bổng thì phải là cán bộ của trường. Thông qua quan hệ song phương, hợp tác giữa trường mình (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - PV) với trường đối tác hoặc giữa các đơn vị cán bộ công tác với đơn vị kia... thì mới có được những học bổng. Chứ không phải cán bộ tự kiếm học bổng.

Theo tôi, thực hiện quy định này gây ảnh hưởng về mặt tâm lý thôi. Nếu không về thì sẽ mất khoản 1.000 USD ký gửi. Còn về thì nhà trường sẽ hoàn trả lại theo quy định của nhà nước là phải trả cả gốc và lãi.

Bà Nguyễn Thanh Hằng, Phó phòng Tổ chức cán bộ: Hiện, cán bộ của trường đi học sẽ tìm tất cả các nguồn học bổng ở nhiều nơi: có thể lên mạng tìm học bổng của chính phủ các nước, các trường hoặc từ các GS đầu ngành... Trước đây, cán bộ nhận học bổng đi học là phải có quyết định của Bộ GD-ĐT. Đến năm 2009 thực hiện phân cấp thì trường mới bắt đầu ra quyết định cho tất cả các bộ đi học.

Từ khi có quy định về ký quỹ thì nhà trường quy định, tất cả các cán bộ đi học đều phải ký cam kết thực hiện. Việc ký quỹ nhà trường làm rất vất vả và mất thời gian.

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Bởi vậy nên nhà trường đã bỏ quy định ký quỹ này vào tháng 10/2009.

Sang giữ lương để... níu cán bộ quay về trường

- Nhưng ngay sau đó, nhà trường có ban hành thông báo của Hội nghị liên tịch với 5 điều cán bộ đi học tập ở nước ngoài phải thực hiện, trong đó có quy định "Cán bộ thuộc biên chế hay hợp đồng dài hạn của trường khi đi học tập, kể cả nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ ở nước ngoài vẫn được trường đóng Bảo hiểm xã hội và trả lương (40% mức lương hiện hưởng) theo quy định của nhà nước. Nhưng số tiền đó sẽ được trả một lần sau khi cán bộ hoàn thành khóa học trở về trường nhận công tác". Vậy, việc giữ nốt phần lương ít ỏi đó căn cứ trên cơ sở nào?

Thực ra, theo quy định của nhà nước, khi cán bộ được cử đi học nước ngoài, vẫn được hưởng 40% lương, ngoài các khoản phải chi trả để đi học và sinh hoạt ở nước ngoài. Từ trước đến nay vẫn áp dụng như vậy.

Vấn đề nhà trường đặt ra là: Trong thời gian gần đây số lượng cán bộ của trường được cử đi học rất nhiều.

Tuy nhiên, rất nhiều người sau khi học xong đã không quay về trường làm việc mà họ ở lại nghiên cứu thêm một thời gian nữa, hoặc ở lại quá thời hạn cho phép.

Thậm chí, có một số người sau khi đã học xong không về trường công tác hoặc về rồi đi chỗ khác làm việc...

Vì vậy, nhà trường thấy vẫn phải trả lương cho họ trong quá trình đi học. Họ không về thì cũng là thiệt hại cho trường. Do đó, nhà trường mới có quy định như vậy.

- Bản thân ông có thấy quy định này là bất hợp lý chỗ nào không? Vì như phản ánh, có những người chấp nhận đi học để nâng cao nghiệp vụ mà không được nhận đồng nào từ ngân sách nhà nước cũng như của trường...

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Trường đã đưa ra quy định đó, nhưng thực tế chưa thực hiện đối với bất cứ trường hợp nào. Quy định là để cán bộ ít nhiều phải có trách nhiệm với trường.

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Thực ra, triển khai quy định này cũng có thiệt thòi cho cán bộ. Nhưng đến nay, chưa áp dụng đối với trường hợp nào.

- Vậy, quy định giữ lại 40% lương này nhà trường sẽ áp dụng cho những cán bộ đi học tập ở nước ngoài từ năm 2010 hay cả những người đã đi từ năm 2009 trở về trước?

Ý định của trường sẽ triển khai năm 2010. Còn những trường hợp áp dụng quy định ký gửi "quỹ 1.000 USD" nhà trường đều có thông báo không thuộc diện áp dụng quy định này.

-Thưa ông, mỗi năm, nhà trường cử bao nhiêu cán bộ đi học tập ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Hiện nay, mỗi năm có trung bình 70 người di học thì có 50 người đi học nghiên cứu sinh thời gian từ 3-4 năm. Số còn lại đi học thạc sĩ khoảng 2 năm. Và tính trong khoảng thời gian 4 năm thì có từ 200 người hiện đang đi học ở nước ngoài.

Nhiều người học xong bỏ... trường

- Số đi quá hạn hoặc không về công tác tại trường hàng năm có nhiều không?

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Số đó khoảng hơn 20 người.

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Đợt mới nhất, chúng tôi vừa đưa ra kỷ luật là khoảng 30 người. Thực ra, số quá hạn thì nhiều, nhưng sau đó, họ phản hồi và có lý do chính đáng thì chúng tôi không tính.

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Ở trường có đặc điểm, cán bộ cử đi theo đúng quyết định đến thời hạn này phải về nhưng chưa về, cũng như chưa có phản hồi với trường vì lý do gì. Nếu như đến hạn nhưng họ chưa bảo vệ được luận án tiến sĩ thì phải làm đơn xin gia hạn... thì trường đều có ý kiến hỏi lại để hoàn tất thủ tục. Việc làm này của trường là có lợi cho họ không bị thiệt.

- Chúng tôi cũng nhận phản ánh, đã có thời gian nhà trườngthực hiện quy định: Cán bộ đi học phải nộp 5% tổng giá trị học bổng nhận được. Sau đó không triển khai nữa là vì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Tôi không nhớ thực hiện vào thời gian nào. Nhưng bản thân tôi cũng đi học giai đoạn 1989 - 1994 và cũng phải nộp 5% tổng giá trị học bổng theo quy định của trường. Quy định này cũng đã bỏ từ lâu rồi.

Nếu bất cập sẽ dừng?

- Đã hai lần quy định ban hành rồi bãi bỏ những ràng buộc về tài chính như: "người đi học phải nộp 5% tổng giá trị học bổng" và "ký quỹ 1.000 USD". Vậy, quy định giữ 40% và chỉ trả 1 lần sau khi về liệu có là phương án tối ưu?

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Thực ra, chính bộ phận Phòng Tổ chức cán bộ là nơi làm về chế độ chính sách, mặc dù không trực tiếp dự họp hội nghị liên tịch của trường, nhưng khi nhận được thông báo có quy định như vậy thì chính bản thân chúng tôi cũng hơi lăn tăn ở chỗ: 40% lương thực tế đó là quyền lợi của cán bộ được nhận trong quá trình đi học.

Thế nhưng, căn cứ thực tế công tác quản lý thì nhà trường muốn cán bộ cũng phải có trách nhiệm.

Khi không còn thực hiện quy định "ký quỹ 1.000 USD", việc giữ 40% lương này, một mặt cán bộ có trách nhiệm với trường, mặt khác bù vào vấn đề "ký quỹ".

Tinh thần là như thế nhưng chúng tôi vẫn chưa thực hiện.

- Cách quản lý "quỹ 1.000 USD" là trường gửi Kho bạc Nhà nước rồi sau đó trả lại cán bộ cả gốc và lãi sau khi họ quay trở lại trường làm việc. Còn cách quản "40% lương" sẽ thế nào?

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Tài vụ của trường giữ lại, sau khi kết thúc khóa học trở về trường công tác sẽ hoàn trả. Phòng Tổ chức Cán bộ có nhiệm vụ, khi cán bộ cử đi thì sẽ có thông báo cắt 60% lương thực nhận, chỉ chuyển cho họ 40% - đây là quy định của nhà nước.

- Việc trường ký quyết định cho 70 cán bộ đi học nước ngoài mỗi năm, rồi lại ban hành một số quy định "khấu trừ", "đặt cược" rồi "giữ lương" để níu chân cán bộ quay về trường công tác. Xem ra trường đã quá lo lắng, còn những người đã xác định đi và không về thì việc mất một khoản "đặt cược" sẽ chẳng là vấn đề? Còn trường thực hiện không đúng quy định?

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Thực ra, đây cũng không hẳn là giải pháp níu kéo, vì nếu cán bộ không về thì đúng là khoản giữ lại chẳng có ý nghĩa gì đối với họ.

Nhưng khi xem xét thực tế thì trường cứ phải trả "một khoản tiền vô lý" rồi họ học xong lại không về. Còn đối với người về thì việc giữ lại cũng không hay lắm.

Bà Nguyễn Thanh Hằng: Trước khi cán bộ của trường được cử đi học nước ngoài đều phải ký cam kết và chấp nhận.

Như đã giải thích, việc quản lý "quỹ 1.000 USD" rất vất vả. Phòng đảm nhận mất nhiều thời gian, nhưng nếu có vấn đề gì thì ai là người chịu trách nhiệm? Do vậy, quy định này đã hủy vì có nhiều vấn đề bất cập trong quá trình triển khai. Sau khi nhận được thông báo mới này (giữ 40% lương...PV) chúng tôi nghĩ sẽ động chạm vào một số quy định của nhà nước nên sẽ không làm được đâu.

Hiện tại, nhà trường đã đưa ra phương án này. Nếu có những ý kiến trái chiều, chúng tôi sẽ xem xét lại, bất cập sẽ dừng. Thực tế là chúng tôi cũng chưa triển khai.

Ông Nguyễn Trọng Hoan: Cũng phải xem lại người cung cấp thông tin. Nếu họ là đối tượng bị áp dụng rồi hoặc biết thông tin và lo lắng... có phản ánh đến báo chí kết nối với nhà trường để có thông tin chính thống thì tôi nghĩ hợp lý.

Nhưng cũng có thể có những đối tượng do bất mãn mà đưa thông tin gây nhiễu thì phải xem lại vì thực tế trường chưa thực hiện quy định mới "giữ lương 40%" của trường hợp nào.

- Cảm ơn ông, bà!

  • Kiều Oanh (thực hiện)

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc

Đặng Văn Minh, 235 Hoàng Quốc Việt, 15:26, 31/03/2010

Tôi đồng ý với việc giữ tiền của các giảng viên đi học vì trong thời buổi Đại học mọc lên như nấm mà không làm thế thì làm gì còn người để dạy nữa. Ở trường tôi ( Đại học Điện lực) Hiệu trưởng phải về quê tận Nghệ An để tuyển, ngoài ra còn mời các cán bộ có thâm niên ở các công ty Cổ phần mà còn không đủ.
Gần đây còn chiêu nữa là hứa hẹn ai làm tốt sẽ được đề bạt làm trưởng phòng này nọ, thế là số lượng giáo viên tăng hẳn lên.
Các trường khác nên học tập.

Hùng, ĐHQGHN, 01:19, 31/03/2010

Tôi nghĩ là luật Lao động hiện hành có một số điều bất hợp lý và cần phải sửa đổi cho công bằng hơn.

1) Quy định cho người đi du học nước ngoài, đã có học bổng toàn phần, hưởng thêm 40% lương là quy định vô lý, để lại từ thời bao cấp. Việc 1 người được đi du học nước ngoài khi đang có hợp đồng lao động dài hạn là việc liên quan đến lợi ích ít nhất 3 bên: cá nhân đương sự, chủ sử dụng lao động, và những đồng nghiệp cùng đơn vị. Khi 1 cá nhân đi du học nước ngoài mà đơn vị vẫn phải trả lương (dù 40%) thì đây là gánh nặng cho đơn vị (chủ lao động) và những đồng nghiệp đang làm việc. Thông thường những người cùng công tác sẽ phải gánh thêm công việc mà người đi học để lại, do biên chế khóa rồi, và cơ quan không có thêm tiền để ký thêm hợp đồng do sẽ phải trả gấp 2(người đi vắng và người mới). Công bằng nhất là đơn vị tạo mọi điều kiện thuận lợi để cá nhân được nghỉ không lương để đi học nước ngoài. Vì đã có học bổng nước ngoài nên cá nhân đó không cần lương nữa, tiền lương mà đơn vị trả lương cá nhân đó dùng để ký hợp đồng mới, hoặc trả cho những người khác phải gánh thêm công việc của người đi học. Đó là sự công bằng cho cả 3 bên. Như hiện nay, có tình trạng đơn vị (tự chủ tài chính) không đồng ý cho đi học nước ngoài, vì họ vẫn phải trả lương và họ hết kinh phí để thuê thêm người làm thay người đi vắng.

2) Vấn đề bồi thường kinh phí đào tạo có ghi trong luật lao động nhưng không có chế tài và văn bản hướng dẫn thực hiện. Thường thì yêu cầu là sau khi đào tạo phải phục vụ cho cơ quan cũ bằng 2 lần thời gian đi học. Thực tế thì rất khó đòi bồi thường vd. 60,000-100,000 đô la mỹ như trường hợp những người được hưởng học bổng 322.

Luật LĐ có nhiều điều bất cập không theo kịp với cuộc sống. Tôi kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Dr. Nguyen, NUS - Singapore, 00:00, 31/03/2010

Cảm ơn tác giả đã có bài viết về những vấn đề còn bất cập trong hệ thống quản lý của trường ĐHBK_HN nói riêng và đó cũng phản ánh thực trạng của nền quản lý nhà nước việt nam.
Để nhìn nhận về vấn đề này, chúng ta nên chia nhỏ nó ra làm nhiều khía cạnh và từ các góc nhìn khác nhau.
Trước hết, và điều quan trọng đầu tiên, chúng ta làm gì cũng cần phải tuân thủ theo pháp luật của nhà nước việt nam hiện hành. Về khía cạnh này, việc làm của trường BKHN là hoàn toàn sai và vi phạm pháp luật. Và cái sai này là do cố tình hay do sự yếu kém trong công tác quản lý nói riêng của trường DHBK thì để cho các lãnh đạo của trường tự trả lời. Kính mong trường nhìn nhận sự việc.
Thứ hai, đứng trên khía cạnh phòng tổ chức cán bộ. Họ thực sự được quyền soạn ra những quyết định về quản lý cán bộ của trường với sự đồng ý của hiệu trưởng? Hay họ chỉ là người thi hành mệnh lệnh những văn bản đã có sẵn từ “những nhà làm luật” của trường (ông hiệu trưởng). Qua bài phỏng vấn, tôi thấy họ là những người bị động trả lời và những câu trả lời còn lấp lửng, thông tin sai sót. Cụ thể, theo như thông tin trả lời, chỉ những trường hợp đi du học theo kinh phí nhà nước mới phải đóng 1000USD, nhưng trường bắt tất cả những người đi học bổng tự tìm cũng phải nộp (như tôi).
Thứ ba, mục đích giữ tiền thế chân của trường DHBK là vì? Có vụ lợi hay không? Câu trả lời cho vế thứ nhất thì chắc là đơn giản quá đi. Ai cũng biết là trường muốn các anh chị đi học xong rồi về cống hiến cho trường và cho tổ quốc. Dạ nhưng, với 1 người bỏ đi thì số tiền trên cũng không quá là lớn. Với thử hỏi, từ trước đến giờ đã bao nhiêu trường hợp bỏ lại số tiền đó. Lấy giả sử 100 cán bộ, ui chà chà, không ít đâu nha. Và số tiền ấy đi đâu? Cái này thì chỉ có người làm quản lý của BKHN mới biết.
Thứ tư, tâm lý mang lại cho những cán bộ đi học từ việc ký quĩ? Có ai happy và đồng tình không?
Với anh chị sinh viên mới ra trường, mức lương hiện tại không đủ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Nay nhận được tin đi du học nước ngoài. Mừng quá. Nhưng niềm vui phần nào bị đứt quãng vì phải loay hoay vay mượn bố mẹ anh chị họ hàng tiền ký quĩ. Và quan trọng hơn là cái tâm lý tình cảm giành cho trường có còn được thơ mộng như ngày mới vào không. Bách khoa là number one. Oách qua đi.
Một vấn đề còn chưa được đề cập trong cuộc phỏng vấn này là thời gian phải phục vụ ở trường sau khi về là ít nhất bằng 3 lần thời gian anh chị đi học. Tôi nhận được cái công văn giữ 40% tiền lương và qui định thời gian phục vụ mà thấy …. Choáng váng. Đọc cái công văn mà như kiểu anh cấp 1 lừa đứa trẻ mẫu giáo lớn ấy.
L àm thế nào để gi ữ chân cán bộ và thu hút nhi ều thấy cô giỏi về? Câu tr ả lời cho câu hỏi này thì thật là đơn giản: Chỉ cần hai điều kiện: Môi trường làm việc và mức lương thoả đáng. Điều này thì chắc là khó tại thời điểm hiện tại và tương lai gần. Cần các nhà làm luật tài ba.
Last but not least, nói đi nói lại, cũng phải chê trách với những anh chị lấy được học bổng nhà nước rồi chuồn mất. Mà một thực tế phũ phàng là đến 76% số lượng học bổng nhà nước cấp dành cho con ông cháu cha. Mọi người nên hành động theo pháp luật và vì xã hội việt nam phồn vinh. Và cả với những anh chị đi tự túc hoặc học bổng tự tìm. Hãy hành động theo pháp luật và luôn hướng tới một đất nước việt nam phồn vinh. Các anh chị dù đi đâu nhưng hãy luôn hướng về một việt nam.
D r. Nguyen - NUS - Singapore

Minh Quang PA, US, 23:12, 30/03/2010

Tại sao đến tận bây giờ mà một số người vẫn còn giữ cái tư duy quản lý lạc hậu như vậy? Hãy thử nghĩ xem, 1.000 USD hay kể cả là 40% lương cơ bản tháng liệu có thể níu chân một lưu học sinh khi số tiền học bổng của họ lên đến cả trăm nghìn USD và sau khi ra trường lương của họ có thể lên đến hàng chục ngàn USD/.năm?

Số tiền đó quá nhỏ nhoi để níu chân những người đi học mà phải là mội trường và cơ chế làm việc tốt tại trường. Đó mới là phương cách bền vững để phát triển nguồn lực của trường.

Cách làm này phản ánh một tư duy thiển cận mà bấy lâu nay đã bị phê phán. Hãy thử làm một phép so sánh: nếu những người đi học về không thể phát huy năng lực của họ trong một môi trường làm việc tù túng thì như vậy là sự phí phạm nguồn lực của xã hội.

Và như vậy, có lẽ tốt hơn khi họ đi làm ở cơ quan ngoài hoặc nước ngoài vì như vậy bằng cách này hay cách khác, họ đóng góp tiền bạc và trí tuệ cho gia đình và cho đất nước. Dù ở đâu, nhưng họ vẫn là một người Việt Nam được đào tạo tốt và sẽ có đóng góp cho đất nước còn hơn là bị thui chột năng lục ở những môi trường làm việc tù túng.

Như vậy, lại quay lại vấn đề mà đã bao bài viết nói về: tạo môi trường và cơ chế làm việc tốt để thu hút nhân tài. Đó mới là công việc chiến lược của những nhà quản lý nhân sự chứ không phải việc quanh quẩn với những chế tài lạc hậu và khô cứng đó. Không những thế, những quy định đó còn có thể vi phạm luật lao động, hoặc các văn bản cao hơn của nhà nước.

Tất nhiên, một kịch bản lý tưởng nhất cho cả cá nhân và đất nước là khi đào tạo về được đóng góp và cống hiến cho nhà nước ở một môi trường làm việc tốt.

Chúng tôi không hề đề cao bản thân mình hay đòi hỏi gì khác biệt. Mà điều quan trọng là chúng tôi được đóng góp cho công cuộc chung.

Còn nếu không thể, thì như một bài viết gần đây, chúng tôi thanh thản và có lý do chính đáng để ra đi. Điều đó không chỉ tốt cho cá nhân mà là tốt cho cả xã hội.

Trần, Hà Nội, 19:48, 30/03/2010

Câu kết của ông Nguyễn Trọng Hoan: “Cũng phải xem lại người cung cấp thông tin. Nếu họ là đối tượng bị áp dụng rồi hoặc biết thông tin và lo lắng... có phản ánh đến báo chí kết nối với nhà trường để có thông tin chính thống thì tôi nghĩ hợp lý. Nhưng cũng có thể có những đối tượng do bất mãn mà đưa thông tin gây nhiễu thì phải xem lại vì thực tế trường chưa thực hiện quy định mới "giữ lương 40%" của trường hợp nào” có nên hiểu đây là một câu “dọa” hay không?

Tôi cũng là người đang đi học và cũng đang chấp hành nộp 5% học bổng cho trường tôi.

Tuy nhiên, tôi muốn nói thêm là, đối với nhiều người (trong đó có tôi), nếu có “bỏ trường ra đi” thì đó không phải vì tiền (lương thấp) mà là do môi trường làm việc.

Đã có người nói hộ tâm tư của những người như chúng tôi trong bài “Tự sự nhức lòng của tiến sĩ “ngoại” trở về đại học lớn” (vietnamnet, ngày 29/3/2010).

Ở lại làm việc trong một môi trường mà buộc phải chấp nhận “văn hóa rụt cổ” trước mọi vấn đề bức xúc mới tồn tại được thì con người sẽ trở nên tha hóa, kém cỏi và chẳng làm được gì có ích cho xã hội. Khi ấy, chuyện “trở về trường cống hiến” chỉ là giả dối!

Sơn, UK, 17:48, 30/03/2010

Tôi là người có rất nhiều bạn bè làm việc ở các trường đại học, các viện nghiên cứu.

Tôi biết nhiều người trong số họ cố giữ một chỗ ở trường, ở viện để tìm cơ hội được học bổng 322 hay học bổng hợp tác với nước ngoài là bay đi, rồi tìm cách ở lại hoặc về đi làm chỗ khác.

Như ông Hoan đã tính ở trên, số tiền để nhà nước đầu tư cho 1 người đi học tiến sỹ ở nước ngoài khoảng 100k Đô, nếu tính ra tiền Việt là khoảng 1 tỷ 900 triệu, chẳng cần nói thì ai cũng biết số tiền đó lớn như thế nào so với người Việt Nam. Vậy mà học xong họ lại ở lại làm cho nước ngoài hay về làm cho tư nhân, đó là 1 lãng phí lớn.

Tại sao việc nhận tiền học bổng này lại không gắn với 1 bản hợp đồng, giống như hợp đồng kinh tế mà ở đó ai vi phạm sẽ phải ra tòa án để giải quyết? Tôi đã nói chuyện với nhiều người cũng nhận học bổng nhà nước của Thái Lan, Malaysia, họ có chế tại rất mạnh buộc người học phải trở về làm việc, còn ở Việt nam xem ra có nhiều luật mà chẳng ai làm theo luật.

Còn với những kẻ cơ hội, chỉ ngồi chờ học bổng để bay thì thật đáng xấu hổ. Trong thời buổi này, việc tự tìm kiếm học bổng là hoàn toàn rất đơn giản, vấn đề chỉ còn lại là phụ thuộc vào khả năng và trình độ mà thôi, nếu có tài thật sự hãy tự tìm học bổng cho mình đi, đừng ngồi đó mà đợi kiếm gần 2 tỷ đồng để rồi sau đó là biến.

Cho dù là lý do gì thì việc lấy học bổng của nhà nước rồi không trả lại bất cứ thứ gì đều là điều không thể chấp nhận được.

Bui Khoi, Bách khoa Hà Nội, 17:18, 30/03/2010

Tôi là giảng viên nhà trường, đi học bằng nguồn học bổng tự tìm được thông qua quan hệ cá nhân khi về nước vào năm 2003 vẫn phải nộp 5% học bổng trong 4 năm này cho trường, tính ra là khoảng gần 50 triệu đồng.
Sau này, do mọi người phản đổi ghê qua thì quy định này mới bị bãi bỏ.
Không biết là số tiền thu nhiều như vậy sẽ được dùng vào đâu. Ai quản lý?
Tuy nhiên, sau khi bãi bỏ, trường lại nghĩ nhưng cách lạc hậu khác để giữ chân giảng viên. Nhưng nói thật với cơ chế không đãi ngộ người tài, lương giáo viên thấp hơn nhiều so với các trường ĐH khác thì làm sao có thể giữ chân được người tài?

Tuan rau, CTU, 16:47, 30/03/2010

Tôi suy nghĩ thế này, nếu ai muốn bỏ chỗ làm sau khi học xong thì cố gắng tự kiếm tiền mà học. Nếu ai lấy tiền của dân nghèo đi học thì tự ý thức quay về phục vụ nếu đơn vị cũ có môi trường làm việc tốt, còn không thì xin đi chỗ khác trong nước mà cống hiến.

Một trường lớn mà cũng không thể làm cho nhân viên tự quay về phục vụ khi lấy tiền của dân đi học thì chính những nhà quản lý phải là người chịu trách nhiệm chính.

Việc nhiều trường duy trì cách "kỹ quỹ" như vậy chứng tỏ có quá nhiều vấn đề trong khả năng quản lý con người trong các trường đại học của cả nước.

Hiện nay đi học bằng nhiều nguồn tiền khác nhau nên việc áp dụng 1 cái tư duy từ những năm 80 cho tất cả các trường hợp là gián tiếp tiễn cán bộ đi cho nhanh. Đã qua rồi cái thời hở nghe đi du học là 'của ơn trên ban phước', các nhà quản lý nếu có ai tự mình kiếm tiền đi học như thế hệ sau này thì mới hi vọng thay đổi kiểu quản lý được.

Với cách làm như hiện nay chỉ có thể răn đe những người muốn ở lại chứ không thể làm gì được người muốn ra đi.

Tôi đã thấy nhiều trường hợp nhà trường biết là không thể làm gì được người ra đi là cứ chơi cái chiêu 'cù nhầy', ngâm giấy tờ, hoặc không chịu kí giấy giải phóng cho người lao động. Kết quả là tình nghĩa bao nhiêu năm vun đắp cũng tan tành mây khói.

Châu Tuấn, Hà Nội, 16:42, 30/03/2010

Cả 2 việc làm (ký quỹ 1000$ và giữ 40% lương tối thiếu) đều là việc làm trái quy định hiện hành của Nhà nước.

Trong Luật Lao động hiện hành có quy định về vấn đề này. Nếu người đi du học bằng học bổng của cơ quan hay ngân sách nhà nước mà sau đó không về thì phải chịu trách nhiệm bồi thường số kinh phí do tổ chức hoặc nhà nước đã bỏ ra. Còn không có pháp luật nào quy định bồi thường tiền học bổng do nước ngoài câp cả. Vậy thì không có lý gì để 2 việc làm trên sinh ra cả.

Ở đây, các cơ quan đã lạm dụng từ "cử đi học". Nếu hiểu đúng từ này, có nghĩa là cơ quan phải có tiền (học bổng) rồi mới chọn người đi học. Đằng này, người đi học phải tự lo là nhiều (Như học bổng 322 thì cơ quan chỉ cử đi dự thi dựa trên cơ sở hồ sơ năng lực của cán bộ, nhận viên, chứ không phải cử đi học, còn các học bổng mà họ tự tìm thì cơ quan cũng không có quan hệ gì với tổ chức câp học bổng cả, nếu có thì cũng không phải do nhà trường, đơn vị môi giới). Chiếu theo yêu cầu của các tổ chức cấp học bổng, họ phải có đủ năng lực và trình độ rồi họ mới được tham gia thi hoặc qua nhiều vòng lựa chọn mới được chấp nhận (Những điều này không phải do cơ quan, nhà nước cho họ mà có). Hơn nữa, cũng theo luật hiện hành, những người đã được ký hợp đồng lao động (nhất là hợp đồng dài hạn) họ có quyền được hưởng những quyền lợi trong đó có quyền được đào tạo. Cơ quan, tổ chức sử dụng lao động không có quyền gây kho dễ và cản trở họ nếu họ đủ điều kiện. Và cái khoản 40% lương tôi thiểu kia cũng là do phap luật quy định, nó cũng là quyền lợi của người lao động trong trường hợp họ được đi học. Thực tế thì không phải ai cũng được đi du học. Do đó, khoản này vừa là quyền lợi vừa là một khoản khuyến khích họ và không có lý do gì để nhà trường không trả (kể cả khi họ đi học xong không về, bởi vì nếu điều này xảy ra thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường như luật định rồi).

Cách làm này cản trở sự phat triển của đất nước, đồng thời gây bức xúc cho những người đi học, phản tác dụng.

Lý do để các tổ chức, cơ quan có thể đưa ra những quy định vô lý này thì có nhiều, nhưng có một lý do cơ bản đó là phần lớn những người lao đông (bao gồm cả giáo viên, cán bộ công nhân viên, v.v.) không nắm vững và thấu hiểu những quy định trong pháp luật hiện hành. Do đó, họ thường bị yếu thế khi tranh luận với các nhà quản lý.

Chúng ta phải mở rộng và nâng cao tầm nhìn hơn nữa để có thể thu hút trí tuệ của những người đã được đào tạo ở nước ngoài phục vụ cơ quan, phục vụ tổ quốc chứ không phải là sử dụng những đòn "chế tài tréo ngoe" này để ngáng chân họ.

Đoàn Trung Cường, Hà Nội, 16:18, 30/03/2010

Việc đặt các qui định như quĩ 1000 usd, 5% học bổng, 40% lương hay các qui định tương tự vẫn thể hiện sự loay hoay lúng túng của các cơ quan nhà nước trong việc giữ nguồn nhân lực.

Việc làm này khá ngây thơ và theo nghĩa nào đó chỉ thể hiện là có làm, vì số tiền như vậy không đủ để người đi học phải suy nghĩ sẽ ở lại trường hay không. N

ếu đã đặt quĩ thì nên đặt những khoản như 10 000 usd, còn không thì thôi. Về mặt tự nhiên thì có người đi sẽ có người đến, còn nếu chỉ có người đi thì chính cơ quan đó cần xem xét lại. Chỉ bằng những qui định như trên thì sẽ không giữ được người, ngay cả những người có năng lực đang làm việc ở đó.

HÙNG , ĐHQGHN, 11:50, 30/03/2010

Theo tôi, liên Bộ Tài chính - Lao động nên xem xét và xóa bỏ càng sớm càng tốt quy định về việc được hưởng 40% lương của cán bộ đi học nước ngoài, những người đã có học bổng toàn phần nước ngoài hoặc có học bổng từ ngân sách nhà nước (ví dụ 322).

Quy định này là vô lý và gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách, vì những người đi học đã được hưởng lợi về thâm niên công tác và cả bảo hiểm y tế xã hội, đã có nguồn học bổng toàn phần rồi thì không thể nhận thêm lương (khi không làm việc) nữa.

Những người đi học từ nguồn ngân sách xá hội (như 322) thì càng vô lý, hai lần được nhận tiền xã hội (nhận lương khi không làm việc, và học bổng đi du học do toàn xã hội đầu tư).

Với những người đi học tự túc hoặc chỉ có học bổng 50% (bán phần) thì có thể xem xét hỗ trợ cho họ tùy khả năng của ngân sách. Nếu không có thì cắt luôn cũng được chẳng sao cả. Nước ngoài vẫn như vậy. Nguồn tiền tiết kiệm được dùng để tăng lương cho những người có trình độ cao từ nước ngoài về làm việc.

nguyễn thị hương, 11:26, 30/03/2010

Trường tôi cũng thực hiện chính sách đi học nước ngoài phải kí quỹ 1000 usd, nếu về không quay lại trường làm việc sẽ bị mất khoản tiền đó. Ngoài ra, nếu trước khi đi học, đang trong chế độ hợp đồng ngắn hạn thì khi đi học không có lương, còn nếu đang trong chế độ hợp đồng dài hạn thì cũng bị trích vào quỹ nhà trường 40% lương. Giáo viên hết thử việc, phải kí 1 hợp đồng tập sự 1 năm, 1 hợp đồng ngắn hạn 1 năm, 2 hợp đồng ngắn hạn 3 năm, sau đó Nhà trường mới kí hợp đồng dài hạn.

Hà Quang, TPHCM, 10:24, 30/03/2010

Nói chung là tiền của dân nên không ai xót. Sai sót đã có tổ chức chịu. Bất cập là do chính sách nên không ai bắt tội. Tóm lại là vô trách nhiệm thì có đến hàng tỉ lý do. Không nghe làm gì cho mệt.

Ở các công ty lớn tôi làm, khi có sự cố ngay lập tức người có trách nhiệm bị kỹ luật, cách chức. Còn khách quan hay chủ quan thì tình sau. Còn ở ta thì tìm ra lý do để thương yêu nhau. Chẳng có gi mới để nghe cả.

Hà Quang

chu long , hàng kênh Hải Phòng, 10:14, 30/03/2010

Theo cá nhân tôi, những người được cử đi học bằng nguồn kinh phí của nhà nước (tức là của dân ) mà không trở về phục vụ Tổ quốc như vậy là đã quay lưng lạị với nhân dân với dân tộc. Đó là tội phản bội lại chính quê hương dân tộc mình. Những người được cử đi đào tạo hãy nhớ rằng mình như thế nào mới được ưu ái như vậy.

nguyễn tất Dũng, hoàng mai hà nội, 09:35, 30/03/2010

Sau khi đọc bài báo này, tôi có câu hỏi: Nếu những người được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, cố tình bỏ không về, hoặc bỏ cơ quan cũ, ra làm ngoài thì có cản được họ không?

Những biện pháp phức tạp mà cơ quan chức năng đưa ra có tác dụng với những người này không? Và tự trả lời là không!. Vì đây này chỉ là những biện pháp hành chính, không hiệu quả với người cố tình.

Tại sao không ràng buộc họ bằng một hợp đồng tín dụng?

Nếu họ tự bỏ tiền túi đi học thỉ nên khuyến khích, tạo điều kiện tối đa. Còn nếu đi học bằng tiền ngân sách ( Hay nói cách khác là tiền đóng thuế của dân ) thì bắt buộc phải ràng buộc bằng hợp đồng tín dụng. Nôm na, anh phải vay tiền nhà nước để đi học. Số tiền này sẽ được xoá khi cam kết làm việc tại đơn vị đã hoàn thành...

Như vậy, nhà tường có thể khởi kiện những người không thực hiện hợp đồng, kể cả ở nước ngoài.

Nguyễn Hữu Thành, Hà Nội, 09:15, 30/03/2010

Trường tôi cũng có văn bản này, trước khi tôi đi học cũng thấy phòng Tổ chức trình ra và yêu cầu thực hiện, có mấy điều sau mà kể cả những người ký cũng chẳng biết.
Thứ nhất, rõ ràng là các giao dịch ở Việt Nam làm sao lại ký một văn bản ký quỹ 1000$. Ở Việt Nam chúng ta chỉ được thực hiện các giao dịch bằng tiền đồng, ký một quyết định thế này và nếu giao dịch diễn ra có thể kiện nhà trường đã vi phạm quay định của Nhà nước.
Thứ hai, giảng viên chúng tôi lấy đâu ra nhiều tiền thế mà ký quỹ 1000$ cho nhà trường. Đa số những người đi học là trẻ, lương ít không đủ sống lại đi vay tiền để nộp ký quỹ những khoản vô lý như thế này.
Các nhà quản lý hãy thay đổi cách nghĩ quản lý các trí thức trong tương lai bằng việc giữ lương, ký quỹ để giữ con người. Tìm một cách khác bằng tạo môi trường, cơ hội, giáo dục tính yêu nghề, yêu tập thể hơn là bằng tiền. Hơn nữa đối với những người khá giả và có kiến thức thực sự muốn ra đi thì lợi ích này không phải là quá lớn để họ cân nhắc.


Trần Lan Hương, Hà Nội, 09:11, 30/03/2010

Chuyện "nhỏ" mà các bạn,
Bây giờ các bạn mới biết thì có thể nói là cực kỳ lạc hậu.
Cơ chế "ký quỹ" hoặc "giữ lại một số phần trăm lương", hoặc "cam kết đóng góp cho cơ quan sau khi hoàn thành khoá đào tạo" được áp dụng ở rất nhiều Viện, Trường ĐH Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ trước.
Mà tôi nhấn mạnh là : Kể cả khi học bổng đào tạo đó hoàn toàn do phía bạn chi, kể cả vé máy bay. Phía ta "đối ứng" bằng cách cung cấp ... người đi mà được đào tạo.
Nếu nói chuyện này thì cán bộ ở Viện nói hết ngày nọ sang ngày kia.
Bây giờ có một việc khác để làm, thú vị hơn nhiều : Thống kê tỉ lê người được đào tạo (bằng tiền phía bạn) xong thì không quay lại Viện làm việc, hoặc thống kê tỉ lệ cán bộ của Viện bỏ cơ quan ra ngoài làm việc khác, kể cả hoàn toàn trái nghề.

Kính,
Trần Lan Hương

Hoàng Hà, Hà Nội, 09:08, 30/03/2010

Tôi cũng đi du học 322, từ một trường lớn về kinh tế ở Hà Nội. Tôi phải đóng 1.000 USD đặt cọc, không được hưởng 40% lương (vì tôi chưa ký hợp đồng không thời hạn), bị nhà trường giữ sổ bảo hiểm trong khi nhà trường không đóng bảo hiểm cho tôi (mặc dù tôi đi theo diện 322, nhà trường đã cam kết với Bộ, đóng dấu đỏ đàng hoàng về việc này).

Bạn tôi đi học bổng Úc (tự kiếm), cũng bị ràng buộc trên. Chúng tôi cũng phải làm cam kết về trường công tác 12 năm, nếu không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo ("bất kể từ nguồn trong hay ngoài nước" --> kể cả tự đóng). Hiện tại có một GV đang xin nghỉ và gặp rắc rối vì, dù nhà trường chẳng mất đồng nào, cũng vẫn đòi GV bồi thường cả tỷ đồng.

Ai cũng bảo đó là cái giá của việc "giữ chỗ". Nhưng, nhìn từ góc độ quản lý và khuyến khích học tập, việc ràng buộc này theo tôi là đi ngược hoàn toàn.

Nhà trường không phải "đầu tư" một khỏan nào, trong khi vẫn mang tên chúng tôi đưa vào hồ sơ giảng viên để xin mở ngành, vẫn đưa lên website có nhiều GV giỏi đang NCS tại Anh Nhật, .... vẫn dùng tên chúng tôi để quảng bá cho trường.

Chúng tôi đi học bổng nhà nước, đã phải cam kết với Bộ (là về công tác tại cơ quan cử đi học) rồi, sao lại "hành tỏi" chúng tôi thêm bao nhiêu cam kết và thủ tục khác tế. Đi học được, chúng tôi đã hết muốn quay lại trường công tác.

Nguyễn Thanh Hải, số 1 Kim Đồng, Vinh, Nghệ An, 08:10, 30/03/2010

Theo tôi, việc nhà trường ký quỹ 1000USD hay giữ lại 40% lương hàng tháng là trái quy định. Tuy nhiên hiện nay, nhà trường cũng như doanh nghiệp rất khó giữ lại cán bộ sau khi đã cho họ tham gia các khoá đào tạo. Do vậy, nhà nước cần có chế tài trong việc này hoặc nhà nước bù lỗ vì sau khi đào tạo cán bộ không quay về phục vụ nhà trường hay doanh nghiệp thì xã hội được

Các tin khác