16/6: Sẽ có điểm thi tốt nghiệp THPT
(VietNamNet) - Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD- ĐT) cho biết như vậy tại cuộc họp báo tổng kết kỳ thi tốt nghiệp THPT, vừa kết thúc lúc 21h30 tối nay, 2/6.
Ngay sau kỳ thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành chỉ đạo công tác chấm thi. Các địa phương sẽ chấm bài của thí sinh tại nơi đó, trừ một số tỉnh, nhờ Cục Khảo thí chấm bài thi trắc nghiệm ngoại ngữ, do đây là lần đầu triển khai hình thức thi này.
Ông Ninh cam kết, với những địa phương có tỷ lệ điểm tốt nghiệp cao, sẽ có chủ trương chấm lại.
"Quan điểm của Bộ là kiên quyết, không che giấu bất kỳ vi phạm của cá nhân nào. Nhưng, vấn đề xử lý kỷ luật phải tuân thủ một quy trình nhất định. Và xử lý phải có bằng chứng cụ thể" - Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết như vậy khi trả lời câu hỏi của các phóng viên "Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT đến đâu trong việc tồn tại tình trạng lộn xộn trong công tác tuyển sinh ở nhiều địa phương, đơn cử như Hà Tây?"
Thí sinh tại hội đồng thi trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trước giờ thi môn Ngoại ngữ. Ảnh: Đoan Trúc |
Theo đó, khi có bằng chứng chính xác, việc xử lý phải được thực hiện theo quy định phân cấp. Nếu giáo viên vi phạm thì Hiệu trưởng kỷ luật. Nếu Hiệu trưởng vi phạm thì Sở xử lý. Và Sở có vấn đề thì Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm xem xét.
Trên thực trạng thi phổ thông hiện nay, tiến trình đến khi ghép 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH vẫn còn đang nghiên cứu. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, việc tổ chức kỳ thi quốc gia nhiều môn không đơn giản và cần thời gian xem xét và chuẩn bị chu đáo.
Một tranh luận sôi nổi trong cuộc họp báo là, trong đề thi Văn cho chương trình phân ban, có ghi "thí sinh tự chọn".
Theo một số nhà báo trong cuộc họp, nếu để tự chọn, có thể hiểu là học sinh sẽ được chọn đề nào mình thấy phù hợp.
Thí sinh xem lại đề thi sau buổi thi môn Ngoại ngữ tại trường THPT Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lê |
Trong khi đó, bản chất của đề thi chương trình phân ban là thí sinh học ban nào (khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội) phải thi theo chương trình của ban đó.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn An Ninh, cho rằng, từ "tự chọn" nên hiểu rộng rãi hơn, không áp đặt khiên cưỡng, mà trong ngữ cảnh, học sinh THPT phân ban đã học theo 2 chương trình riêng dành cho 2 ban, nên khi thi, phải chọn đề thi theo ban mình học.
Trong 3 ngày thi, tổng cộng trên toàn quốc có 879.970 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và 186.654 thí sinh dự thi bổ túc THPT.
Số thi sinh THPT bỏ thi là 1.524 và 4669 là con số ở kỳ thi tốt nghiệp bổ túc. Có tất cả 31 thí sinh THPT và 108 thí sinh bổ túc vi phạm quy chế.
Đề Ngoại ngữ không khó |
Báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT TP.HCM, môn Toán có 57 HS hệ THPT vắng mặt, trong đó có 1 HS đến muộn giờ. Đặc biệt, trước khi vào giờ thi, có 1 HS ở Hóc Môn bị xỉu do đêm hôm trước thức khuya học bài, sáng không ăn sáng. Sau khi được sơ cấp cứu và nghỉ ngơi, em này đã làm hoàn thành bài thi mà không cần xin thêm giờ vì em là HS giỏi. Ngoài ra, tại hội đồng thi trường College, 1 HS đã được đưa đi cấp cứu vì bị bệnh. Ông Nguyễn Văn Ngai, phó giám đốc Sở cho biết trường hợp này sẽ được xem xét đặc cách.
Hệ bổ túc có 796 HS vắng mặt (356 HS bảo lưu điểm). Ở môn Anh văn, hệ THPT vắng 52 HS.Hệ bổ túc vắng 434 HS (125 HS bảo lưu điểm). Lần đầu thi Ngoại ngữ theo phương pháp trắc nghiệm, mới. Vũ Long, HS trường Tô Vĩnh Diện cho biết, ngoài kỳ hướng dẫn tổng duyệt trên toàn quốc, trường đã tổ chức thi thử cho học sinh, để các em quen hơn với hình thức thi mới này. Thạc Tuyết Trinh, học sinh trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết "Đề tương đối dễ, em làm được trọn vẹn". "Tiếng Anh thì không có gì để quay cóp. Đề ra khá bao quát và đủ dài để không có thời gian hỏi han, trao đổi". Trần Thanh Bình, lớp 12A8 Đống Đa khoe.
|
-
Hoàng Lê