,
221
5921
Tin tức - Sự kiện
tintuc-sukien
/giaoduc/tuyensinh/tintuc-sukien/
802388
Ký sự coi thi tập 1: "Đúng quy chế"!
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Ký sự coi thi tập 1: 'Đúng quy chế'!

Cập nhật lúc 07:29, Thứ Năm, 01/06/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Thi tốt nghiệp THPT với những người làm giáo dục là câu chuyện "đến hẹn lại lên". Với những thầy cô giáo làm giám thị, "việc trông thi kia cũng có ba bảy đường". Với các môn khối Xã hội, đằng sau cái vẻ yên ắng, bình ổn của trường thi, lại là sự sôi động ngấm ngầm bên trong. Còn với các môn khối Tự nhiên, lại là tâm trạng và cách hành xử khác hẳn.

"Phao" được thu dọn kịp thời ngay sau buổi thi môn Văn sáng 31/5. Ảnh chụp tại điểm thi trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Phạm Hải

Trường tôi coi thi là một trường bán công nằm ở vùng ven. Hội đồng có 15 phòng với hơn 300 thí sinh. Mấy năm trước, đây vẫn là một trong những điểm nóng của thành phố, nơi một thí sinh vào phòng thi, thì có tới cả đại gia đình hỗ trợ vòng ngoài.

Mở đầu buổi phổ biến quy chế thi, thầy phó chủ tịch hội đồng, cũng là hiệu trưởng trường sở tại đã nhanh nhẹn thông báo, ngoài khoản công tác phí của Sở, trường có chút đỉnh  "bồi dưỡng" gọi là "phụ huynh học sinh" hỗ trợ thầy cô từ huyện xa lên tiền chè nước đi đường. Ai ở xa không về được thì phụ huynh sẽ bố trí đón về trọ tại các gia đình ở gần trường sao cho thầy cô giám thị tiện đường đi lại...

 Vừa ký tên nhận "bồi  dưỡng" tôi vừa nhớ lại câu hỏi của một nữ sinh lúc các em đang chụm đầu xem số báo danh: "Nộp 80.000 đồng "tiền ngu" không biết có được quay xả láng không mày nhỉ".

"Sở đến, Sở đến"

Sân trường đang lặng phắc bỗng nhiên náo loạn. Các thầy cô giáo đang tụm năm tụm ba tán gẫu ngoài hành lang hớt hơ hớt hải chạy về phòng mình. Thầy, miệng hò hét nhắc thí sinh giấu tài liệu cho kín. Trò cuống cuồng tìm cách nhét tài liệu vào chỗ nào có thể... lại lấy ra được.

Tôi cũng chạy về phòng mình, hấp tấp quăng đống tài liệu ruột mèo ngồn ngộn trên bàn ra ngoài cửa sổ. Anh bạn đồng nghiệp thì rà soát từng bàn, xem còn tài liệu nào chưa kịp giấu nữa không... Phải làm sao cho khi "sở" (Thanh tra của Sở GD - ĐT) đến, phòng thi phải sạch bách.

Ngoài cổng trường,  bảo vệ nhanh tay chốt chặn cửa chính. Để khi xe con của "sở" đến, thì thủng thẳng tìm chìa khóa, lách cách mở cổng, may ra cũng "hoãn binh" được dăm phút.

Phó chủ tịch hội đồng coi thi, cũng là hiệu trưởng trường sở tại, mặt đỏ bừng, luống cuống không hiểu sao trường mình thuộc vùng ven, buổi thi mới bắt đầu hơn một  tiếng đồng hồ mà "Sở" đã xuống nhanh thế. Nên vừa mới nhận điện thoại báo "Sở" đang trên đường xuống kiểm tra đột xuất, ông đã nhanh miệng hô hoán cho "anh em" giáo viên xoay xở.

Đúng ngày thi môn Văn, thí sinh xả láng dùng tài liệu. Chỉ cần "Sở" nhìn thấy tài liệu vương trên bàn thí sinh, là lập tức có biên bản xử lý....

 Năm năm về trước, một giáo viên dạy Sử ở hội đồng thi nọ, vì sơ suất  để cho "sở" bắt quả tang một thí sinh say sưa quay bài nên đã phải làm tường trình và nhận kỷ luật. Một mùa thi cũng ít trường hợp vi phạm bị xử lý. Nên "giai thoại" hiếm hoi ấy được lan truyền khắp các trường học và được đem ra làm bài học "vỡ lòng" ở tất cả các buổi phổ biến quy chế của tất cả các hội đồng thi.

... Vậy nên khi sở đến, sân trường vẫn yên ắng, bảo vệ, công an vòng trong  vòng ngoài. Trong các phòng thi, thí sinh chăm chú say sưa viết bài (giấy nháp bây giờ mới được dùng đến), giám thị 1, giám thị 2, giám thị hành lang, người nào nghiêm túc ở nguyên vị trí người ấy. Hành lang, phòng thi không hề vương một chút tài liệu nào. Kỷ luật của hội đồng thi được đảm bảo an toàn tuyệt đối. 10 phút sau, chủ tịch hội đồng hả hê tiễn "sở" về. Ai cũng hài lòng vì ngày đầu tiên kỳ thi đã diễn ra "an toàn, đúng quy chế".

Cả hội đồng tưng bừng, náo nhiệt, vì thế là, 5 môn thi còn lại, thầy trò cứ "đúng quy chế" mà làm. "Sở" chỉ viếng thăm mỗi hội đồng thi nhiều lắm là một lần. Còn thanh tra Bộ, có "rà" mấy trường ở Hà Nội hay Hà Tây, chứ vào được mấy tỉnh miền Trung cũng mất toi cả ngày.

Ứng phó "nội công"

Mời tham gia "làm phóng viên" thi tốt nghiệp THPT

Trong 3 ngày thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 31/5, 1/6 và 2/6, mời bạn đọc tham gia cùng VietNamNet giám sát kỳ thi này. Mọi thông tin về kỳ thi, liên lạc theo địa chỉ: Điện thoại 0912102640 hoặc 04.7722723 (máy lẻ 102), Email: bangiaoduc@vasc.com.vn. Cảm ơn các bạn!

150 phút coi thi môn Văn sao dài lê thê. Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, trông thi  các môn xã hội chưa cần lo ứng phó với ngoại kích (bên ngoài ném bài vào) mà chủ yếu là nội công.

Các môn thi xã hội hầu hết đều có sẵn tài liệu. Riêng môn Văn, thôi thì, thí sinh cứ giắt lưng dăm quyển "125 bài Văn", để nhỡ giám thị bắt quyển này, còn lôi quyển khác. Rồi sách "để học tốt", các loại vở cô luyện thi...

Nếu để học sinh "thả phanh" chép bài, chúng sẽ dùng 1/3, thậm chí 1/2 thời gian rỗi còn lại cho việc "chat" tự do và trêu chọc (các thầy cô giáo trẻ). Biết vậy nên trong suốt 1 giờ đầu tiên, tôi và anh bạn đồng nghiệp quy định trước, sẽ bắt tài liệu cật lực, không để chúng có nhiều thời gian gây rối, làm ồn. Là buổi thi đầu tiên, nên nhìn thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết của hai giám thị chúng tôi,  học sinh im thin thít.

Bốn mươi lăm phút đầu tiên qua đi, non nửa thí sinh chưa viết được một dòng nào vào giấy, đứa chống cằm liếc hai chúng tôi, đứa ỉ ôi xin thầy cô thương tình. Anh bạn giám thị số 2 lúc này mới lên tiếng yêu cầu đưa ra tất cả các loại tài liệu giấu trong người. Chỉ xé và giữ lại đúng trang tài liệu cần thiết. "Nếu không, thanh tra Sở xuống thì chết cả thầy lẫn trò".

Gần 30 khuôn mặt cười hỉ hả. Tiếng xé giấy loạt xoạt vang lên, thí sinh ngoan ngoãn tự động lôi tất tần tật tài liệu lên bàn cho thầy cô tùy nghi xử lý. Thấy anh bạn định vứt hết ra ngoài cửa sổ, tôi vội ngăn lại. Vì nhớ chị bạn dạy Hóa được cử làm thư ký hội đồng thi đã dặn đi dặn lại: "nhặt hộ chị mấy cuốn tài liệu tốt. Thằng bé nhà chị sang năm thi rồi. Nó học khối A, chẳng biết văn vẻ gì cả".

Phòng nào phòng nấy lục tục rủ nhau ra hành lang tán gẫu. Tôi tranh thủ nhắn tin cho cô bạn đang làm giám thị ở một hội đồng khác, cũng lần đầu tiên đi coi thi như tôi. Xem cảm giác thế nào.

... Vậy là khi "Sở" đến, thầy và trò đều đang làm việc nghiêm túc.

Tan giờ thi văn, tất cả các thí sinh đều nhìn chúng tôi cười thân ái. Dọc các bức tường phía ngoài, phao thi bay phấp phới...

Năm nay, không tiếp tục làm công tác coi thi nữa. Nhắn tin cho mấy bạn đồng nghiệp cũ trong "giờ tuyệt mật", nhận được câu trả lời quen thuộc: "đến hẹn lại lên".

  • Lê Nhung

Bài tới: Ký sự coi thi tập 2: "Tự vệ"

Ý kiến của bạn:

 

,
,