Nghề 'đi buôn trên mạng'
(VietNamNet) - Các doanh nghiệp đều có nhu cầu xây dựng website để giới thiệu thông tin, mua bán, trao đổi song họ vẫn chưa hiểu nhiều về lĩnh vực này. Họ rất cần được tư vấn về thương mại điện tử (TMĐT) để có thể giúp việc hoạt động kinh doanh tốt hơn. Đây là một thị trường đang "khát" nhân lực chuyên nghiệp.
Thương mại điện tử: Làm gì?
"Ai cũng bảo đã đến thời của TMĐT, gọi nó là nghề "hot" chứ thật ra, nghề này đã tồn tại cả trăm năm nay", chị Lương Thị Kim Anh, Giám đốc công ty Thương mại điện tử V.E.C cho biết.
Định nghĩa cơ bản của TMĐT là “thực hiện thương mại bằng những công cụ điện tử”. Hiểu nôm na là "đi buôn trên mạng".
Thay vì mở công ty, văn phòng và showroom trưng bày sản phẩm, chỉ cần lập ra một trang web tích hợp đa chức năng.
Cách thức kinh doanh này nhằm giảm chi phí sản xuất, bán hàng và tiếp thị, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, mang đến nhiều lợi ích khác về kinh tế, thương mại và công nghệ. Qua mạng, người mua có thể đặt hàng và hoàn tất việc mua bán, từ cây kim sợi chỉ, chiếc kẹp giấy cho đến xe hơi.
"TMĐT thật ra là bước tiến xa hơn của thương mại truyền thống". Vậy nên, muốn làm nghề này, theo anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm E_commerce (công ty Phần mềm và Truyền thông VASC) bạn phải "chơi" đều hai tay "kiến thức kinh doanh, thương mại" và "hiểu biết về công nghệ thông tin".
Theo kinh nghiệm của những chuyên gia đã làm thương mại truyền thống thì, để "đi buôn" hiệu quả, bạn phải nhanh nhẹn, hoạt bát, khéo léo và có tài thương thuyết.
Nhưng khi bước vào TMĐT, ngoài các tố chất đó, cần hiểu rõ những khái niệm cơ bản về B2B (Business-To-Business; Doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (Business-To-Consumer; Doanh nghiệp với người tiêu dùng) C2C (Consumer-To-Comsumer; Người tiêu dùng với người tiêu dùng), thành thạo Internet và am hiểu về website vì website là công cụ cơ bản nhất của việc thực hiện điện tử hóa thương mại - anh Trần Huy Vũ (công ty V.E.C) cho biết.
Nếu bạn ấp ủ dự định trở thành một doanh nhân, muốn áp dụng TMĐT cho doanh nghiệp của mình thì cần hiểu biết về những mô hình, chiến lược marketing để áp dụng cho phù hợp. Ngoài ra, cần trang bị thêm các kiến thức về luật TMĐT trên thế giới, phương thức thanh toán qua mạng...
Tất nhiên, không phải đợi đến lúc hội đủ các tố chất như trên mới thâm nhập được vào TMĐT.
Bởi, TMĐT cũng chia ra nhiều lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực sẽ đòi hỏi những kỹ năng khác nhau.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh, Giám đốc kinh doanh cổng TMĐT www.izday.com cho biết, về sơ bộ, có thể chia ra các nhóm công việc chính như sau.
Nhóm làm việc chuyên về kỹ thuật. Để làm việc trong nhóm này, đòi hỏi phải có kiến thức về lập trình, quản trị mạng, bảo mật. Đặc biệt là kỹ năng tổ chức, xây dựng và điều hành trang web.
Nhóm thiên về kinh doanh, ngoài việc thành thạo các kỹ năng kinh doanh truyền thống như giao tiếp, nhạy bén, đam mê, đương nhiên yêu cầu thêm các kỹ năng cơ bản trong việc quản lý và vận hành trang web để có thể biết cách thanh toán qua mạng.
Đối với nhóm thiên về tiếp thị, đòi hỏi kết hợp những kỹ năng truyền thống và cách tiếp thị và quản trị tiếp thị trên Internet, cũng như các đặc thù của TMĐT.
Và lời khuyên tâm huyết giành cho những ai đang ngấp nghé bước chân vào lĩnh vực này là: "Kinh doanh trong thế giới ảo rất dễ nản lòng, bạn phải biết kiên trì và đam mê".
Nhu cầu nhân lực cho một thị trường sơ khai
Tại trường ĐH Thương mại, SV theo học chuyên ngành TMĐT được học về quản trị kinh doanh, kỹ năng thực hiện TMĐT thông qua các môn: Môi trường và chiến lược điện tử, marketting TMĐT, quản trị và tác nghiệp TMĐT, phân tích và thiết kế hệ thống TMĐT.
Hiện tại, hầu hết các DN đang hoạt động trong lĩnh vực này đều sẵn sàng hợp tác với các trường trong việc tạo điều kiện để SV tiếp cận thực tế. Chị Lương Thị Kim Anh cho biết, công ty đã soạn, in, cung cấp miễn phí rất nhiều những cuốn sổ tay cung cấp kiến thức về TMĐT.
Nhiều chuyên gia nhận định, ở VN chưa hình thành thị trường e-commerce với đúng nghĩa của nó.
Theo anh Nguyễn Văn Hải, "tất cả mới dừng lại ở mức giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trên mạng. Quy trình thanh toán điện tử chưa hoàn chỉnh".
Chị Hồng Anh cho rằng, trước mắt, những SV kinh tế và SV công nghệ thông tin thích việc điện tử hóa các hoạt động thương mại tạm thời đáp ứng được nhu cầu sơ khai của TMĐT ở Việt Nam. Nhưng, về lâu dài, nhân lực trong thị trường này cần được đào tạo bài bản hơn.
Tạp chí Tokyo Times mới đây, khi đưa ra dự báo của giới chuyên môn về những nghề đắt giá nhất trong tương lai đã nhận định: "Vào năm 2015, 84% các giao dịch kinh doanh, tài chính ngân hàng, thanh toán, mua sắm tiêu dùng sẽ được thực hiện trên Internet".
Vừa qua, trong những chiến lược phát triển từ nay đến 2010, Chính phủ đã đặc biệt nhấn mạnh về đào tạo nhân lực cho TMĐT. Theo đó, trong giai đoạn 2006 - 2010 sẽ tiến hành đào tạo chính quy tại các trường ĐH, CĐ, THCN thuộc các ngành kinh tế và luật. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung cấp cung cấp dịch vụ đào tạo về TMĐT.
Anh Nguyễn Văn Hải (Giám đốc E_commerce) lạc quan: "VN đã ban hành luật thương mại điện tử. Tiếp theo là Banknet ra đời. Tôi cho rằng đây là tiền đề để cho e-commerce hình thành và phát triển".
Từ kinh nghiệm của V.E.C, anh Vũ cho biết, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đều có nhu cầu xây dựng website để giới thiệu thông tin, mua bán, trao đổi. Tính đến năm 2005, đã có trên 10.000 website được xây dựng. Các website thương mại của cả doanh nghiệp và cá nhân cũng ào ạt lên mạng: sàn giao dịch, siêu thị trực tuyến, shop online và những diễn đàn trao đổi thông tin, mua bán, rao vặt. DN đang rất cần được tư vấn trong lĩnh vực này để có thể giúp việc họat động kinh doanh tốt hơn. Và đây là một thị trường rất "khát" nhân lực chuyên nghiệp.
Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, không chỉ các SV chuyên ngành TMĐT mà những bạn trẻ học công nghệ thông tin có kiến thức về kinh tế hay ngược lại đều có thể là lực lượng bổ sung nhiều tiềm năng.
-
Lê Nhung