Xã hội học: Ngày đi làm, đêm xuống đường
VietNamNet) - Ít SV ra trường làm đúng nghề. Nhưng lại có thể nhảy ngang sang nhiều nghề khác. Muốn kiếm một công việc cũng không dễ nếu năng lực tầm tầm. Đây là lời... khuyên cho những ai đang muốn chọn ngành xã hội học.
Những năm gần đây, thí sinh thi khối C, D có thêm một lựa chọn đó là ngành Xã hội học.
Các trường đào tạo ngành Xã hội học (XHH): Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội (tuyển sinh khối C, D), Phân viện Báo chí -Tuyên tuyền (khối D1), ĐH Công Đoàn, ĐH Khoa học xã hội Nhân văn TP.HCM, ĐH Mở - Bán công, ĐH Văn Hiến. Theo các SV đã và đang học XHH, con đường sẽ "dễ nuốt" hơn với những thí sinh khối D. Vốn ngoại ngữ sẽ giúp SV đọc được tài liệu chuyên ngành và giúp dễ kiếm việc sau này. Tư duy tổng hợp của môn Toán sẽ là hỗ trợ đắc lực cho công tác điều tra xã hội học và tổng kết, phân tích số liệu.
12 kỹ năng cần thiết
Nghe hỏi về công việc sau khi tốt nghiệp, B.Vân, cựu SV trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thất vọng: "Chẳng mấy ai làm đúng nghề".
Riêng Vân, sau mấy tháng long đong xin việc, cô bạn quyết định học một khoá nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn để về quê công tác trong ngành giáo dục. Nghịch lý là, trước đây, Vân thi đậu một lúc 2 trường: Sư phạm Văn và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ngành Xã hội học. Vân chọn học Xã hội học vì ngành này mới lạ và trường Nhân văn nổi tiếng hơn!
Cũng tốt nghiệp Xã hội học, nhưng P.T. Loan trở thành nhân viên văn phòng gần 5 năm nay. Kiến thức xã hội học không được vận dụng. Loan thăng tiến nghề nghiệp bằng các khoá kế toán, nghiệp vụ văn phòng ngắn hạn. Loan cho biết: "Các bạn cùng khoá ai cũng phải học thêm các khoá học ngắn hạn để đi làm. Còn lại thì đầu quân cho các trung tâm cai nghiện. Hiếm ai được trở thành một nghiên cứu viên xã hội học".
Là dân xã hội học ra, đi làm cho một tổ chức phi chính phủ vài năm, Nguyễn Chí Tâm nhận định: "SV được học để nghiên cứu, nhưng thực tế công việc này rất hiếm. Ai có bản lĩnh thì làm ở trung tâm cai nghiện, ai học giỏi ngoại ngữ thì làm nhân viên ở các dự án phi chính phủ. Một vài người may mắn thì làm trong cơ quan nhà nước với chức vụ quản lý, làm trong uỷ ban phường, xã...". Tâm cũng là một người đang đi trái nghề.
Một thực tế mà ai cũng công nhận, công việc cho các ngành xã hội đang khan hiếm và càng khắc nghiệt hơn với SV đi chuyên ngành Xã hội học. Chỉ những SV giỏi thực sự thì mới mong làm đúng ngành nghề.
Thầy Nguyễn Minh Hoà (giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM) đúc kết 12 kỹ năng cần thiết cho SV ngành XHH: Kỹ năng tổ chức (được xem là quan trọng nhất); viết và diễn thuyết; giao tiếp; ngoại ngữ; tin học; soạn thảo văn bản hành chính; xây dựng các chương trình, kế hoạch các dự án vừa và nhỏ; triển khai thực hiện các dự án vừa và nhỏ trong thực tiễn; tìm kiếm nguồn lực và tài chính; điều phối và kết nối; lãnh đạo; đàm phán và thương thuyết:
Tuy nhiên, theo Loan đã có lần thầy Hoà nhắc nhở: "Một cử nhân XHH không nhất thiết phải có đủ 12 kỹ năng này và không nhất thiết phải có cùng một lúc". Thế nhưng nếu muốn có được việc làm sau khi ra trường thì TS Nguyễn Minh Hoà: Phân nửa các kỹ năng đó phải được hình thành trong giai đoạn đang đào tạo vì nếu không có nó, SV rất khó tìm việc làm.
Một nhóm cựu SV của ngành XHH thống kê, không chính thức, trong thời gian qua, mỗi khóa tốt nghiệp chỉ có khoảng 7-10% người tìm được việc làm phù hợp nhưng chủ yếu cũng ở các cơ sở giáo dục, nhân viên tiếp thị cho các siêu thị hay cơ sở sản xuất tư nhân. Số đông đều làm trái nghề hoặc phải học thêm một chuyên ngành khác mới có cơ hội tìm được việc làm. SV ngành này khi tốt nghiệp ra trường rất khó tìm việc làm phù hợp với chuyên môn của mình.
Học: Nhiều mà vẫn...ít
Thời gian đi thực tập là 7 ngày. Nhưng không hiểu sao, khoá của Vân được rút lại còn 4. Ngồi trên xe gần 2 ngày, thời gian còn lại chỉ đủ... làm quen và hỏi tên những người trong uỷ ban xã.
Tham khảo điểm chuẩn của ngành XHH năm 2005 |
ĐH Khoa học xã hội nhân văn(ĐHQG Hà Nội): Khối C: 20; khối D: 19
ĐH Công Đoàn: khối C: 20 ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQg Tp.HCM): khối C: 15; khối D1: 15. NV2: khối C: 18; khối D1: 16,5. ĐH Mở-Bán công: NV1,NV2 bằng với điểm sàn (khối C, D): 14 |
Với Vân, dân XHH cần kiến thức thực tế nhiều, nhưng hiện nay chương trình đào tạo lại thiên về lý thuyết. Kiến thức lý thuyết được cung cấp khá đầy đủ và tổng quát, nhưng khi bắt tay vào công việc thì không ứng dụng được. Chuyện một SV chuyên ngành XHH, sau khi ra trường không biết tiến hành một cuộc nghiên cứu xã hội học. Bởi trong thời gian học, họ nghiên cứu chung với bạn bè và mọi việc có nhóm bạn làm giúp.
Nguyễn Chí Tâm, ra trường cách đây 5 năm cho biết: cả khoa chỉ có vài giảng viên cơ hữu và vài giảng viên được mời về dạy. Chưa kể, những giảng viên luôn chạy sô. Trong khi đó, số lượng SV ngày càng đông. Chất lượng ở đâu ra? Bốn năm đại học, Tâm được cung cấp những kiến thức thiên về nghiên cứu như truyền thống, y tế, giáo dục, văn hoá, hiện tượng xã hội... Trong khi đó, XHH bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau: xã hội học đô thị, nông thôn, xã hội học về giới...
Chương trình học chung chung là điều mà nhiều SV XHH kêu. SV phải tích luỹ quá nhiều kiến thức lý thuyết dẫn đến không có thời gian thực hành và các môn học đều "cưỡi ngựa xem hoa" nên không có khả năng ứng dụng, không chuyên sâu.
Một giáo viên, hiện đang theo học chương trình thạc sĩ xã hội học nhận xét: "Hiện nay, chúng ta đang đào tạo những nhà XHH chuyên nghiệp, trong khi nhu cầu thực tế lại cần những người làm việc trong các mái ấm, nhà mở, trung tâm cai nghiện hay tham gia các dự án phi chính phủ. Theo đó, bên cạnh việc đào tạo những nhà XHH chuyên nghiệp cần phải tạo nguồn nhân lực có sử dụng kiến thức và kỹ năng của XHH, số lượng người này chiếm khoảng 15-20% trong tổng mỗi khoá đào tạo. Họ là những người làm việc ở các mái ấm, nhà mở, trung tâm cai nghiện phục hồi nhân phẩm, trại cải tạo; hoặc có thể là các nhà báo, những người tham gia các dự án có thời hạn...Ngoài ra, cũng nên chú ý đào tạo kiến thức XHH cho những người làm việc trong các bộ phận hành chính quận, phường, công ty, tổ chức chính trị - xã hội..."
Lê Dung, hiện đang công tác tại một tổ chức phi chính phủ chưa hài lòng với chương trình học của trường mình (ĐH Công Đoàn). Bởi đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề, với SV còn ít. Dung phân tích: "Học XHH phải học quá nhiều lý thuyết và lý thuyết của XHH khá trừu tượng. Nếu không được vừa học vừa tham gia thực hành thì dễ nhàm chán".
Ở ĐH Công Đoàn, thời lượng đi thực tế chiếm khoảng 20% tổng số thời gian học. Với nhiều SV của các trường khác, như thế đã là hơi "xa xỉ". Nhưng nguyện vọng của Dung là SV được đi thực tế nhiều hơn, được tham gia vào các đề tài nghiên cứu khoa học thì mới không bỡ ngỡ khi ra trường.
"Ngày đi làm, đêm 'xuống' đường"
Cách đây vài tháng, có dịp làm quen với một nhân viên xã hội học. Tốt nghiệp ĐH Xã hội Nhân văn. Anh làm việc và sống với khoảng 30 trẻ đường phố. Hàng ngày giải quyết những hệ luỵ do các em mang lại cũng thấy... hết hơi. Năn nỉ các em học, thúc giục các em đến lớp, đến xưởng làm là hết ngày.
Hôm trước mới điện thoại khoe là có 5 em được nhận vào làm tại một cơ sở sản xuất phụ tùng xe máy. Hôm sau đã thấy thông báo: Ban Giám đốc mời xuống nói chuyện, vì 3 trong số 5 em đòi bỏ làm. Tìm việc làm cho lớp này chưa xong, lớp trước đã đồng loạt tuyên bố "Tụi con không làm nữa, thầy tìm chỗ nào khoẻ hơn tí"... Công việc thì không biết ngày giờ là gì. Hễ các em cần thì anh cũng phải chạy đến. Thậm chí, thỉnh thoảng bị gia đình la rầy vì... tự nhiên nhà có nhiều khách nhí mà không báo trước.
Riêng Lê Dung thì mô tả công việc hiện tại của mình bằng câu "Ngày đi làm, tối xuống đường". Dung đang làm 1 điều tra xã hội về phụ nữ làm nghề mại dâm. Ngày lên văn phòng, tối lại lân la trò chuyện với các chị em ngoài đường. Là nhân viên điều tra xã hội học, Dung suốt ngày phải ở ngoài đường, gặp gỡ nhiều đối tượng.
Tốt nghiệp ngành XHH, Bích đầu quân vào làm giáo dục viên cho một trung tâm cai nghiện. Những ngày đầu mới đến làm việc, Bích cứ tưởng như mình... chết được. Môi trường lạ lẫm, xa thành phố lại còn phức tạp. Lúc còn là SV, thấy người nghiện là chạy xa, nhưng khi ra trường, công việc bắt phải tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày. Bích bảo: không có bản lĩnh, khó làm được.
Lê Dung tóm tắt tiêu chuẩn của một nhân viên xã hội học: say mê và nhiệt huyết. Không có say mê thì công việc sẽ không mang lại hiệu quả. Và điều kiện tối cần để một SV XHH có việc làm là tiếng Anh giỏi. Tài liệu XHH toàn bằng tiếng Anh. Và có tiếng Anh thì dân XHH sẽ dễ kiếm được vị trí công việc ở các tổ chức phi chính phủ. Để có được công việc khi ra trường, SV ngành XHH thường năng động tham gia các chương trình xã hội, đến với cộng đồng.
Mang những "kêu ca" của SV XHH đến với cô K.Hồng, đang học chương trình thạc sĩ XHH, đồng thời là cán bộ của Khoa XHH (Trường KH XH & NV TP.HCM). Nhưng cô Hồng lắc đầu: "SV XHH ra trường làm được nhiều ngành nghề khác nhau: làm báo, nghiên cứu thị trường, cán bộ công tác xã hội, phụ trách nhân sự, văn phòng...". Đương nhiên, trong quá trình làm việc, mỗi người phải tự nâng cao tay nghề của mình bằng tinh thần học hỏi và sự say mê.
Theo chương trình khung môn Xã hội học của Bộ GD-ĐT, để trở thành cử nhân XHH, người học phải trang bị cho mình những kiến thức chuyên ngành như Phương pháp nghiên cứu XHH với những kiến thức về quá trình nhận thức, cách thiết kế một cuộc nghiên cứu XHH, các bước tiến hành một cuộc nghiên cứu XHH, phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính cho phù hợp...
Để trở thành cử nhân XHH, người học phải trang bị cho mình những kiến thức chuyên ngành như Phương pháp nghiên cứu XHH với những kiến thức về quá trình nhận thức, cách thiết kế một cuộc nghiên cứu XHH, các bước tiến hành một cuộc nghiên cứu XHH, phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính cho phù hợp...
Những kiến thức về XHH nông thôn (tập trung nghiên cứu những biến đổi của xã hội và những vấn đề liên quan), đô thị (lịch sử phát triển đô thị trên thế giới và ở Việt Nam; đặc trưng kinh tế của đô thị; đặc trưng nhân khẩu-xã hội của đô thị; đặc trưng sinh thái của đô thị; đặc trưng đô thị hoá ở các nước đang phát triển; đặc trưng đô thị hoá ở Việt Nam), kinh tế, một số lĩnh vực của xã hội học kinh tế, hàng hoá, chính trị, văn hoá, gia đình (cơ cấu gia đình; mối quan hệ bên trong gia đình; chức năng của gia đình - mối quan hệ giữa gia đình và xã hội; hôn nhân; xung đột và ly hôn; gia đình từ góc độ giới; biến đổi gia đình trên thế giới; tương lai của gia đình) và giới tính (khái niệm Giới; sự khác biệt Giới tính (sinh học) và Giới (văn hoá, xã hội); sự hình thành bản sắc của Giới; quá trình học hỏi và thực hiện các vai trò cơ bản của Giới). |
- Đoan Trúc