,
221
5924
Bí kíp - Học
bikip-hoc
/giaoduc/tuyensinh/bikip-hoc/
774500
Cục trưởng Khảo thí giải tỏa thắc mắc về đề thi 2006
1
Article
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
,

Cục trưởng Khảo thí giải tỏa thắc mắc về đề thi 2006

Cập nhật lúc 03:05, Thứ Tư, 15/03/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Đề thi cho học sinh (HS) tốt nghiệp THPT phân ban sẽ như thế nào? Làm thế nào để đề thi vừa bám sát chương trình lớp 12, vừa phù hợp với đối tượng HS phân ban và không phân ban? Đề thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ cho HS hệ 3 năm - 7 năm ra sao?...

Xung quanh những vấn đề đặt ra, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD - ĐT) Nguyễn An Ninh đã có câu trả lời mới nhất với VietNamNet.

Phân ban: Sẽ có hướng dẫn ôn tập kỹ?

Soạn: AM 726817 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cục trưởng Cục Khảo thí Nguyễn An Ninh: "Việc ra đề không có phức tạp...." (Ảnh K.O)

Cục trưởng Nguyễn An Ninh cho biết: Vấn đề đặt ra, Vụ Giáo dục Trung học cùng với Cục Khảo thí cùng có sự thảo luận để cho kỹ lưỡng về chương trình ôn tập năm nay. Có nghĩa trong hướng dẫn ôn tập năm nay làm sao cho rõ ràng vì có đối tượng học HS phân ban (có khoảng 12.000).

Tại văn bản do Thứ trưởng Bành Tiến Long ký ngày 20/10/2005 đã chỉ đạo: Về môn thi tốt nghiệp THPT, các môn thi tốt nghiệp đối với HS chương trình THPT phân ban giống như các môn thi tốt nghiệp đối với HS học chương trình THPT không phân ban hiện hành.

Về đề thi: Với mỗi môn thi, có đề thi riêng cho HS chương trình THPT phân ban; HS chương trình Ban Khoa học tự nhiên (KHTN) và HS chương trình Ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) thi chung một đề.

Nội dung đề thi dựa trên mặt bằng kiến thức cơ bản của chương trình Ban  KHTN và Ban KHXH&NV. Đề thi gồm 2 phần: Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo đặc điểm của từng ban.

Khi đăng ký dự thi tuyển sinh, HS tốt nghiệp THPT phân ban được lựa chọn trường học, ngành đào tạo và đăng ký theo 4 khối A, B, C, D và các khối năng khiếu như HS chương trình không phân ban hiện hành.

Đề thi gồm 2 phần: Phần câu hỏi bắt buộc đối với tất cả thí sinh và phần câu hỏi tự chọn theo nội dung chương trình THPT phân ban và chương trình không phân ban.

Như vậy có thể nói việc chỉ đạo rất rõ ràng, cơ động như vậy nên không có gây khó gì trong việc ra đề thi.

- Thưa ông, những vấn đề nào được hai đơn vị thống nhất đưa vào hướng dẫn ôn tập năm 2006 để khắc phục những dự báo có thể dẫn đến những phức tạp trong việc ra đề? Ví như: hai chương trình, hai bộ sách nhưng đề thi phải bám sát chương trình lớp 12? 

HS phân ban và không phân ban đã có sách riêng thì việc ra đề sẽ phải tuân thủ theo các quy định. Tuy nhiên, HS có quyền tự chọn nếu làm được cả hai phần. Người ra đề cũng không có vấn đề gì phức tạp, có chăng chỉ thêm người (thay thế thì đúng hơn) vào ban ra đề. Tức là năm trước không có phân ban thì ai đi làm đề cũng được, nhưng năm nay có HS phân ban thì thay một bộ phận trong ban ra đề bằng những người đã tham gia dạy phân ban. Có thể, một nhóm là đề 3 người thì sẽ có 1 người dạy phân ban chẳng hạn...

Hướng dẫn ôn tập Vụ Giáo dục trung học sẽ công bố trong thời gian tới. Ngày 31/3 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng sẽ công bố môn thi.

Chúng tôi xác định cái mới của năm nay và cần phải chuẩn bị kỹ là chương trình phân ban. Nếu theo hệ thống cũ thì không có gì thay đổi, còn theo chương trình phân ban thì sẽ nói rõ ôn tập như thế nào.

- Nhưng làm thế nào để đề thi vừa bám sát chương trình lớp 12, vừa phù hợp với đối tượng HS phân ban và không phân ban, trong khi phần giao thoa kiến thức lại chủ yếu ở sách giáo khoa lớp 10 và 11?

Như tôi vừa nói, đề thi những cái gì chung thì vẫn được phần chung. Đề thi ra gồm 2 phần: phần câu hỏi bắt buộc, phần còn lại phù hợp với từng ban. Đâu có nhất thiết phải chung nhau hoàn toàn. Có nghĩa, đề thi phân ban riêng và đề không phân ban riêng. Trong đề phân ban có 2 ban chung 1 đề, nhưng cũng chỉ có một phần chung thôi, còn lại là đề tự chọn và tự chọn theo từng ban.

- Đấy là đề thi tốt nghiệp THPT. Còn thi tuyển sinh chung đề thì sao?

Cũng tương tự như vậy. Đương nhiên, đề thi tuyển sinh phải có phần nâng cao hơn chứ không thể dựa vào những phần chỉ chung nhau.

- Tiếp xúc với một số trường thì có đề xuất "Bộ GD - ĐT nên có một hướng dẫn cụ thể về chuẩn chương trình phân ban..." và nên công bố phần tự chọn chiếm bao nhiêu và bắt buộc chiếm bao nhiêu % đề thi?

Chẳng qua đó là hình thức đối phó. Cứ chuẩn bị đến kỳ thi nhiều khi thầy bức xúc hơn trò. Vì sao? vì chẳng biết họ dạy như thế nào nhưng cứ phải có gì đối phó cho yên tâm. Nhưng dần sẽ không có chuyện đối phó như vậy, thậm chí hướng dẫn ôn tập nên chăng đến một lúc nào đó không cần thiết nữa.

Không thể trả lời tỷ lệ từng phần là bao nhiêu, vì nó cũng giống như hỏi "Đề thi sẽ có mấy câu và điểm từng câu..." Trả lời sẽ vi phạm quy chế và sẽ lộ đề, nên khi nào thi sẽ biết...Việc ra đề là trách nhiệm và quyền của người ra đề.

Hệ 3 năm - 7 năm: Đề riêng

- Vấn đề cũng đang có nhiều thắc mắc là đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ đối với hệ 3 năm - 7 năm sẽ được giải quyết như thế nào?

- Điều này không thành vấn đề vì Ngân hàng câu hỏi rất phong phú. Vừa rồi, đã áp dụng ở kỳ thi thử toàn quốc: HS hệ 3 năm đề riêng, 7 năm đề riêng.

- Đội ngũ làm đề trắc nghiệm cũng phải tăng cường hơn?

Không phải thế. Trong Ngân hàng câu hỏi đã rõ ràng: đề nào dành cho hệ 3 năm và đề cho hệ 7 năm.

- Như vậy có khó khăn không khi từng cán bộ coi thi sẽ phải xác định trong phòng thi những thí sinh hệ 3 năm - 7 năm để phát đề?

Kinh nghiệm từ đợt thi thử cho thấy không ảnh hưởng lắm mà chỉ phức tạp ở khối D thôi. Còn phổ thông thì rạch ròi rồi, lớp nào hệ 3 năm xếp riêng lớp đó và khi thi HS đã đăng ký. Như đợt thi vừa rồi. Ví như có 450 em hệ 3 năm, 550 em hệ 7 thì cứ như thế để đưa đề vào.

- Nhân đây, ông có thể cho biết những kinh nghiệm rút ra từ đợt thi thử toàn quốc vừa qua?

Việc tổ chức thi thử quy mô toàn quốc cho thấy bức tranh toàn cảnh hơn. Kết quả cho thấy, những trường được đánh giá là có chất lượng cao nhưng kết quả không cao và ngược lại.

Tức là, những nơi chuẩn bị tốt cho việc thi thử và quán triệt đầy đủ tầm quan trọng của kỳ thi thì đạt kết quả cao. Nhưng ngược lại cũng có một bộ phận chưa làm cho thầy và trò ý thức đầy đủ về kỳ thi nên kết quả kém, thể hiện: thí sinh thiếu nỗ lực, làm bài cho qua chuyện. Có những thí sinh tô hết một lược câu trả lời A, có thí sinh tô hết câu trả lời B....Như vậy là không nghiêm túc.

Vì là thi thử, không lấy kết quả nên chưa phát huy hết năng lực của thí sinh. Tuy nhiên, phương pháp thi trắc nghiệm cũng dễ lộ ra những HS kém. Đồng thời, kết quả kỳ thi sắp xếp đúng thứ tự về chất lượng trong các tỉnh. Biểu hiện cụ thể là hầu như tất cả các trường chuyên đều đứng thứ nhất.

Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã khảo sát 100 trường có kết quả thi thử trắc nghiệm đứng đầu thì toàn là trường THPT chuyên. Rất ít trong số trường đứng đầu (toàn quốc có trên 2.100 trường) thì số trường dân lập, bán công chiếm tỷ lệ hiếm...

- Những chi tiết nào sẽ được điều chỉnh trong kỳ thi thật môn Ngoại ngữ trắc nghiệm tới đây?

Một số chi tiết các Sở GD - ĐT góp ý thì sẽ được điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Và ngày 24/3 Cục sẽ tổ chức tập huấn công nghệ cho tất cả các trường trên toàn quốc. 

Phương pháp thống kê trên 850.000 thí sinh, không tính đến những bài thi của thí sinh làm bài không nghiêm túc nên việc ra để thi thật không quá phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi thử. Đề thi sẽ căn cứ trên những bài thi làm được 2/3 số câu hỏi trở lên. Và phương pháp thống kê cũng cho biết số lượng câu hỏi như vậy có nhiều quá không, có câu nào dở để loại....

Hướng điều chỉnh đề thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ theo hướng: giảm bớt số câu hỏi để tất cả thí sinh đều làm hết. Tuy nhiên vấn đề này sẽ còn đưa ra bàn bạc, còn quy trình vẫn giữ như thi thử.

- Trong công văn Bộ GD - ĐT vừa gửi các đơn vị yêu cầu các Sở và trường ĐH, CĐ tới đây phải mua tất cả máy in, máy quét...để xử lý bài thi trắc nghiệm tới đây?

Nguyên tắc là vậy. Vì Quy chế thi cho thấy khâu chấm thi thuộc trách nhiệm của Hội đồng chấm thi chứ không phải "đẩy" về cho Bộ. Còn vừa rồi thi thử thì các Sở chưa làm được. Và "bài toán" đó là thử cho nên Cục Khảo thí phải "ôm" về để xử lý.  Tuy nhiên, cũng có "mở" cho các đơn vị là "trong trường hợp gặp khó khăn cần khẩn trương xin ý kiến của UBND tỉnh hoặc Bộ GD - ĐT và chủ động phối hợp với Cục Khảo thí để giải quyết...." 

- Xin cảm ơn ông!

  • Kiều Oanh (thực hiện)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,