Sẽ thay thế phương án phân ban đang thí điểm
(VietNamNet) - Thủ tướng Phan Văn Khải tại phiên họp của hội đồng quốc gia giáo dục sáng nay đã cơ bản đồng ý lựa chọn phương án phân ban THPT thành 3 ban theo đệ trình của Bộ GD-ĐT. Điều này có nghĩa, phương án phân ban đang thí điểm sẽ được thay thế bằng phương án mới.
Nếu lựa chọn phương án 2 nghĩa là sẽ thay thế phương án phân ban đang thí điểm hiện nay (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Chuẩn bị cho phiên họp này, Bộ GD-ĐT đã đề xuất hai phương án để thảo luận và quyết định tại hội đồng.
Phương án thứ nhất: Phân thành 2 ban từ lớp 10 là ban Khoa học tự nhiên (KHTN) và ban Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV). Phương án này, về cơ bản, vẫn giữ như cách làm thí điểm hiện nay. Tuy nhiên, ban KHXH-NV sẽ được bổ sung thêm môn ngoại ngữ theo chương trình nâng cao để “đáp ứng yêu cầu của một số trường CĐ, ĐH có các ngành học đòi hỏi HS có kiến thức và kỹ năng cao hơn về ngoại ngữ”. Còn ban KHTN sẽ có bốn môn học nâng cao là: Toán, Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Phương án thứ hai: Chia chương trình THPT thành 3 ban gồm: ban KHTN với các môn nâng cao là Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học; ban KHXH-NV với các môn nâng cao là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ; ban Cơ sở dạy và học theo chương trình chuẩn đối với tất cả các môn. Trong kế hoạch dạy học của ban Cơ sở có 4 tiết dạy học tự chọn/tuần. Học sinh có thể sử dụng số tiết dạy học tự chọn để chọn học từ 1 đến 3 môn trong số 8 môn nâng cao...
Các ý kiến đưa ra tại phiên họp cho rằng, rút kinh nghiệm lần thí điểm trước (từ năm 1992 đến năm 1998), việc phân ban quá sớm và hẹp (nhiều ban) là không hợp lý, dẫn đến phá sản chương trình.
Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng là Chủ tịch Hội đồng quốc gia giáo dục cho hay, việc lựa chọn phương án chia thành ba ban, trong đó có ban Cơ sở sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, trong giáo dục phổ thông, không chỉ chú trọng đến kiến thức mà còn phải chú trọng tới các nội dung giáo dục kỹ năng sống như giáo dục làm người, giáo dục hướng nghiệp. Thủ tướng cũng băn khoăn, liệu phân ban như vậy, thì việc kết hợp với công tác thi cử sẽ như thế nào cho đồng bộ. Điều đặc biệt lưu tâm là tạo sự đồng thuận của công chúng. Phương án phân thành 3 ban có tính mềm dẻo, nhưng cũng phải lựa chọn vùng để làm.
Ngoài nội dung phân ban, phiên họp sáng nay cũng đã nghe báo cáo thẩm định chương trình và sách giáo khoa. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo chưa đúng tầm với hội nghị hôm nay, vì chủ yếu liệt kê những công việc cũ. Bộ GD - ĐT cần làm rõ hơn vấn đề xây dựng sách giáo khoa như quy định xây dựng chuẩn, nội dung cụ thể, làm rõ chuẩn kỹ năng và chuẩn kiến thức trong đó. Phần này phải nêu được những tinh thần ưu tú vốn có của giáo dục Việt Nam và tinh hoa học hỏi các nước; từ đó, lựa chọn bước đi thích hợp.
Trong phiên họp chiều nay, các thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục sẽ thảo luận các vấn đề xung quanh đề án đổi mới giáo dục Việt Nam giai đoạn 2006-2020 như xây dựng trường đại học quốc tế, bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản và chuyển đổi một số trường công lập sang tư thục
VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin từ phiên họp.
-
Kiều Oanh