(VietNamNet) -Hiện nay, một số người nêu những câu hỏi, loại "Có hay không có thị trường giáo dục (GD)? Có thể coi GD như hàng hóa không? Với kinh tế thị trường, các nước tiên tiến giải quyết vấn đề giáo dục đào tạo (GDĐT) như thế nào?v.v". Câu trả lời sẽ rất phức tạp, bởi vì các từ sử dụng phải được hiểu theo nghĩa nào Thí dụ như: ở nước tiên tiến nào, kinh tế thị trường nào và mục tiêu GDĐT nào?
Do đó, trong khung cảnh câu chữ giới hạn, để diễn tả ý tưởng, tôi nghĩ rằng cách tốt nhất là dẫn một vài thí dụ.
Thật khó có thể coi GD như một thị trường thông thường, kiểu hễ có "cầu" thì có thể có "cung". Nhất là trong một xã hội mà, vì lý do này khác, đa số không coi việc học như một nhu cầu để hiểu biết mà để có bằng cấp thì “cầu” và “cung” sẽ như thế nào?
Xin dẫn trường hợp nước Pháp là nơi mà tôi định cư từ lâu năm, đã hành nghề nghiên cứu trong doanh nghiệp 4 năm, trước khi làm GS ĐH trong 40 năm, và có tham dự vào mấy cải cách (nêu trường hợp này làm thí dụ vì đã có thử nghiệm từ lâu đời, chứ không phải là tôi có ý tán dương để mong được áp dụng nguyên si ở Việt Nam -VN- một cách vu vơ).
Nguy cơ "giành thị phần" của trường ngoài công lập
(VietNamNet) - Trong khi trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh bị "gò bó" bởi chỉ tiêu, điểm sàn, thì trường ĐH Quốc tế khá "rộng" ở đầu vào: chỉ xét tuyển. Với cách thức như vậy, cùng với mác "trường quốc tế", nguy cơ bị giành "thị phần giáo dục" của các trường ĐH ngoài công lập Việt Nam không phải là chuyện xa vời. |
Pháp là nước tư bản có chính quyền tập trung, theo kinh tế thị trường (KTTT) nhưng chính quyền luôn luôn chú ý điều tiết; mục tiêu GDĐT nói tóm tắt dựa trên hai vế: chuyển giao kiến thức cơ bản và đào tạo nghề nghiệp. Là một nước thống nhất, Pháp rất chú ý đến mức độ đồng đều của cả nước, nên trọng bằng cấp “quốc gia”.
Nhà nước độc quyền phát bằng; dân chúng coi “sự hiểu biết” là vốn quí của dân tộc (tuy không gọi GDĐT là quốc sách hàng đầu) nên đầu tư và cáng đáng phần lớn chi phí cho việc GDĐT: tiểu học, trung học công lập miễn học phí; học phí ĐH công lập rẻ so với một số nước; trường tư đúng đắn được Nhà nước hỗ trợ (một phần do lịch sử để lại: thỏa thuận giữa nhà thờ và chính quyền).
Tùy theo nhu cầu của xã hội, Nhà nước cải cách, điều chỉnh tổ chức việc học cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa... Thí dụ: vào những thập niên phát triển sau thế chiến thứ hai - (người Pháp gọi là 30 năm vinh quang) - nền công nghiệp nước này cần gấp một số kỹ thuật viên trung gian, nên vào thập niên 1960, Bộ GD quốc gia mở ra các IUT (Instituts Universitaires de Technologie) đào tạo tú tài+2.
Khi nền công nghệ phát triển cao hơn, yêu cầu của doanh nghiệp đòi hỏi, vào thập niên 1970, Bộ cho các ĐH mở ra các bằng MST (Maîtrise de Sciences et Techniques) ở mức tú tài +4.
Sau đó, khi nền công nghiệp phát triển cao hơn nữa, Bộ cho các ĐH mở các bằng DESS (Diplôme d’Etudes Supérieures Spécialisées) ở mức tú tài+5. Đấy là các bằng cấp hướng về đào tạo nghề nghiệp, chủ yếu cho nền công nghiệp, thương mại, tài chính... bên cạnh các bằng kỹ sư của các trường kỹ sư (tú tài+5), không kể các bằng cấp khác của ĐH.
Đó là một trong những thí dụ cho thấy, GDĐT liên quan với thị trường. Và tất nhiên ngày nay, vì thị trường chung châu Âu, Pháp cũng đang chuyển sang mô hình đào tạo kiểu 3-5-8 (ba “đầu ra” ở mức cử nhân (tú tài+3), thạc sỹ (tú tài+5) và tiến sỹ (tú tài+8).
Nhưng cũng vì theo KTTT, cho nên ở Pháp không quan niệm đào tạo theo kiểu Liên Xô trước đây, nghĩa là không tổ chức ĐH theo kiểu các trường dạy nghề nghiệp cao cấp, không tuyển sinh sớm ở mức tú tài (các trường kỹ sư lớn của Pháp tuyển sinh ở mức tú tài +2), tránh đào tạo quá hẹp, bởi vì nhu cầu của thị trường luôn luôn thay đổi, sợ thiếu hiểu biết cơ bản thì không “cập nhật” nổi hay không đổi hướng được, khi nhu cầu đòi hỏi.
Cũng vì theo KTTT nên nước này áp dụng sự “tuyển dụng”: mỗi “chỗ làm” phải có nhiều “ứng viên” thì lựa chọn mới được. Cho nên Nhà nước luôn luôn chú ý đến cái “khối dự trữ” con người, điều chỉnh GDĐT sao cho cái “khối dự trữ” vừa phải cho từng ngành. Nếu “khối dự trữ” phình to quá thì gây căng thẳng trong xã hội (nhiều người, ít việc, gây bất mãn). Nếu “khối dự trữ” teo lại quá nhỏ thì chất lượng tuyển lựa sẽ kém.
Ở Pháp, người ta không quan niệm HS là “khách hàng” của GDĐT, không quan niệm rằng hễ học trò đòi hỏi bằng cấp thì phải mở trường, cứ trả tiền thì được học, cứ trả tiền học thì phải có văn bằng; không quan niệm rằng chương trình, môn học, mức độ phải theo yêu cầu của “khách hàng” (HS).
Sự tồn tại của các trường ngoài công lập tất nhiên có mặt tích cực, nhất là trong tình hình đã trót như hiện nay, nhưng không nên để dân lập vượt quá một tỉ lệ vừa phải, lợi tức tài chính phải được giới hạn. Tuy tôi là người khơi ý thành lâp ĐH dân lập đầu tiên (1988); thế nhưng, đẩy gánh nặng về GDĐT sang người dân, cho « tư hóa » tự do để việc học trở thành sự mua bán kiếm lời vô hạn, để mặc cạnh tranh kiểu " mạnh ai nấy sống", là một sự từ bỏ trách nhiệm của Nhà nước.
Thị trường hóa giáo dục: thế nào cho hợp lý?
(VietNamNet) - Mặc dù luật Giáo dục hiện hành, Điều 17 có ghi "cấm mọi hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục" nhưng pháp luật vẫn cho phép các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng các loại hình trường dân lập, tư thục và HSSV vẫn phải trả học phí. |
Cách lý luận ở Mỹ thì có khác (so với Pháp), mà không ít người VN hiện nay mới thoáng biết lại rất đang “mê”, có lẽ vì thấy Mỹ là siêu cường, nhưng hình như quên rằng Mỹ là nước giàu, đất rộng, dân đông, có những thứ họ có mà VN không thể có. Họ có những trường rất có tiếng đào tạo rất hay, nhưng cũng có những mảng đào tạo khá dở; họ có truyền thống nhập cư và có tiền để hút được những tài năng đã được đào tạo từ nơi khác tới (điều mà nước ta không thể làm được).
Cũng không nên quên rằng ngay chính ở Mỹ, người ta cũng quan niệm rằng nếu coi GD như một thứ hàng hóa, thì hàng hóa này cũng khác với loại hàng hóa khác, ở chỗ nó là một thứ hàng hóa có nhiều "ngoại ứng" (external effects). Vả lại, nhà nước họ cũng đâu có thả lỏng cho GD tự phát ; cũng như mọi nhà nước, họ cũng luôn luôn dự báo, kiểm soát, điều tiết, điều mà có khi có người thoáng nhìn nên chưa thấy.
Cố nhiên, Mỹ là nơi hội tụ nhiều tài năng siêu việt, nhưng không phải chỉ vì mô hình GDĐT của họ, mà còn vì họ "nhập" được tài năng như nói trên. Nhưng ta có điều kiện và ý chí để làm như họ không? Chưa kể đến cái xã hội nào mà ta ước mong muốn có? Cho nên, khi đề cập đến vấn đề GDĐT, thị trường hay không, thiết tưởng cũng không thể bỏ qua các khía cạnh khác của vấn đề : trong khung cảnh nào, với phương tiện nào... Tất nhiên, bất cứ lý luận hay giải pháp nào cực đoan, cũng đều không tốt, cho nên cũng cần nhìn trước ngó sau một chút Có điều là khi đã “mê” thì khó lý giải lắm.
|