(VietNamNet) - 7 dân tộc Chăm, Hoa, Khmer, Êđê, Jrai, Bahnar và Hmông đã được học tiếng và chữ của mình bắt đầu từ bậc tiểu học.
|
Ảnh: NV |
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, Đặng Huỳnh Mai đã cho biết như vậy tại hội thảo giáo dục Việt Nam - Na Uy "hướng tới chất lượng giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn" do Bộ GD - ĐT phối hợp với Đại sứ quán Na Uy ở Việt Nam tổ chức sáng nay (2/11).
Trẻ em thuộc 7 dân tộc này đang được học tiếng, chữ dân tộc mình trong trường tiểu học theo hai hình thức: học tiếng dân tộc như một môn học và học tiếng dân tộc như một chuyển ngữ. Với hình thức học như một môn học, mỗi tuần HS học từ 2 - 4 tiết. Các tiếng dân tộc Chăm, Hoa, Khmer dạy trong thời gian 5 năm (từ lớp 1 đến lớp 5); các tiếng Êđê, Jrai, Bahnar và Hmông dạy trong 3 năm. Riêng học sinh các dân tộc Khmer, Hoa còn được học tiếng dân tộc ở THCS.
Với hình thức chuyển ngữ, HS sử dụng tiếng dân tộc để tiếp nhận kiến thức các môn học trong chương trình tiểu học mới, theo nguyên tắc: từ lớp 1 đến lớp 3 học các môn bằng tiếng dân tộc. Từ lớp 4 - lớp 5 học các môn học bằng tiếng Việt và học tiếng dân tộc như một môn học.
Theo Thứ trưởng Mai, giáo dục vùng dân tộc đã có khởi sắc nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể là: tỷ lệ nhập học của trẻ ở một số dân tộc đạt thấp. Ví dụ dân tộc Tày, Mường, Hoa có tỷ lệ HS đi học tiểu học đạt hoặc lớn hơn 90%, thì một số vùng dân tộc có tỷ lệ đạt thấp như dân tộc Hmông có 41,5%, Bana 57,8%....Hiệu quả đào tạo ở bậc trung học còn thấp cũng đang gây nhiều khó khăn cho giáo dục vùng dân tộc. Tỷ lệ lưu ban, bỏ học bậc THCS ở các tỉnh ĐBSCL thường cao gấp đôi tỷ lệ chung cả nước...
Tính đến năm học 2003 - 2004, cả nước có 844 trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) và bán trú thu hút được trên 1,3 triệu HS. Trong đó, trường PTDTNT cấp TW và dự bị ĐH có 11 trường với 4.200 HS; cấp tỉnh có 48 trường với 19.557 HS; cấp huyện có 266 trường thu hút 59.535 HS và 519 trường bán trú cụm xã thu hút 52.000 HS.
|