(VietNamNet) - Đây được xem là con đường thứ hai để vào ĐH và dễ kiếm việc làm khi ra trường - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD- ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho biết khi trao đổi với VietNamNet.
|
Năm học 2004-2005 là năm thứ 2 thực hiện thí điểm ĐTLT. Như vậy, đến nay đã có 16 trường tham gia thí điểm. Ảnh: NV |
- Thưa ông, cơ sở nào để Bộ GD – ĐT tiến hành thí điểm đào tạo liên thông từ Dạy nghề, THCN, CĐ và ĐH?
Đào tạo liên thông (ĐTLT) là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục đào tạo. Đây được coi là bài toán mang tính hệ thống nhằm giải quyết vấn đề số lượng và chất lượng. Về lâu dài, mô hình ĐTLT sẽ là một trong những giải pháp làm giảm sức ép về thi cử vào ĐH. Mặt khác, cũng có thể làm giảm tình trạng ôn luyện ĐH, CĐ tràn lan hiện nay. Tôi lấy ví dụ: học sinh (HS) thi hệ liên thông từ THCN lên CĐ, từ CĐ lên ĐH thì chỉ thi một môn cơ sở và một môn chuyên môn thay vì thi Toán – Lý – Hoá như trước đây.
- Chuyển biến rõ nét nhất từ việc thực hiện thí điểm ĐTLT ở 6 trường đầu tiên là gì?
Quy định tạm thời về điều kiện tham gia học liên thông. Những người tốt nghiệp THCN loại khá, giỏi được thi liên thông ngay và được nhà trường cộng từ 1 đến 2 điểm thưởng. Đối với những người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất hai năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực chuyên môn định dự thi liên thông. |
Chúng tôi đã tiến hành phỏng vấn cả HS và giáo viên cho thấy một số biểu hiện tích cực. Hầu hết, các em đều nhận thức được con đường thứ 2 để học lên cao bắt đầu từ THCN. Các em đã cố gắng phấn đấu đạt loại khá, giỏi để thi học liên thông ngay. Biểu hiện tiếp theo là HS được thi liên thông ngay hoặc đã qua hai năm sản xuất thì họ đã có các kỹ năng thực hành, rất phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy biến động hiện nay.
- Trong năm đầu thực hiện thí điểm, việc ĐTLT có gặp nhiều khó khăn?
Thực tế, năm đầu cũng có một số trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Lý do là thông tin đến được với HS chưa đủ rộng hoặc ngành trường đăng ký ĐTLT không bám sát nhu cầu dẫn đến khó tuyển. Có 2 trường năm đầu rơi vào tình trạng này là CĐ Công nghiệp 1 và CĐ Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp 1.
- Về phía các nhà chuyên môn đã có sự tính toán như thế nào để có một chương trình phù hợp cũng như đội ngũ giáo viên tương thích?
Trong quá trình thiết kế chương trình, chúng tôi chú trọng kỹ năng thực hành, nhưng phải có hiệu quả và chất lượng. Tức là, các chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, cũng như cách kiểm tra đánh giá phù hợp với đối tượng người học. Sở dĩ sẽ khó vì chương trình thiết kế giảng dạy hiện nay không phải cho đối tượng này. Bởi vậy phải thiết kế một chương trình riêng hay nói cách khác là phải hình thành các trường ĐH mang tính công nghệ. Thực tế, từ năm 2002 Bộ GD – ĐT đã định hướng xây dựng chương trình khung khối ngành công nghệ, nhấn mạnh thực hành để cho những đối tượng có điều kiện học liên thông học theo chương trình này.
Về phía giảng viên, cũng có cái khó, ở chỗ: thầy giáo dạy chương trình liên thông cần phải hiểu biết cả kỹ năng thực hành. Trong khi đó, người học cũng đa dạng: có người nói ít hiểu nhiều, có đối tượng phải "cầm tay chỉ việc". Đó là chưa kể đến thiếu thốn trang thiết bị.
- Lâu nay vẫn có một thực tế là người có bằng THCN khó “chen” để có một chỗ đứng ổn định. Liệu việc mở rộng hình thức ĐTLT có đủ sức hấp dẫn học sinh chọn hệ này khi tốt nghiệp phổ thông để học thay vì tâm lý cố bằng mọi cách vào được ĐH?
Trong vòng 5 năm trở lại đây hệ thông giáo dục THCN phát triển rất mạnh. Điều này rất phù hợp với xu hướng hiện nay của thế giới khi khoa học công nghệ tác động vào từng vị trí sản xuất. Hiện nay, xu hướng giáo dục chuyên nghiệp đang phát triển theo hướng vừa có văn hoá cơ bản lại vừa có kỹ năng thực hành. Có văn hoá cơ bản để có thể chuyển đổi nghề nghiệp một cách dễ dàng trong thị trường lao động đầy biến động hiện nay và có thể học thêm dễ hơn. Nếu học hết phổ thông không đỗ ĐH có thể bắt đầu tương lai từ học nghề lên cao.
- Thưa ông, vậy làm thế nào để thay đổi tâm lý “sính” bằng cấp hiện nay?
- Tôi cho rằng, tâm lý “sính” bằng cấp không phải do người ta thích bằng cấp mà tại người sử dụng lao động thích bằng cấp. Muốn thay đổi được tư duy này thì phải tạo được một môi trường có nhiều việc làm với mức lương phù hợp từng đối tượng. Một thực tế mà đáng ra việc làm này chỉ cần một người có bằng trung cấp là có thể hoàn thành công việc hiệu quả nhưng mình lại thuê một người có trình độ ĐH, dẫn đến thừa thầy thiếu thợ. Mặt khác phải định hướng cho người học: học không phải vì bằng cấp mà học để đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.
Việc điều chỉnh về cơ cấu nhân lực phải để cho thị trường định hướng và Nhà nước phải quản lý. Có thể xây dụng một hệ thông thông tin về thị trường lao động bằng những dự báo và hệ thống quản lý thông tin về nhân sự. Hiện nay, Bộ GD – ĐT đang tiến hành. Chẳng hạn, ngành CNTT đã làm được việc này.
Vì vậy, việc làm lành mạnh thị trường lao động hiện nay là rất quan trọng để tránh tình trạng: học giả – bằng giả, học giả bằng thật.
- Xin cảm ơn ông.
Năm học 2004- 2005: 1400 chỉ tiêu đào tạo liên thông |
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT vừa chính thức cho thêm 10 trường thực hiện thí điểm đào tạo liên thông từ năm học 2004 – 2005 với các bậc học, ngành học với tổng chỉ tiêu là 1.400.
ĐH bán công Tôn Đức Thắng được thí điểm vượt cấp từ THCN lên ĐH ở hai ngành công nghệ kỹ thuật điện và công nghệ điện tử - viễn thông với 100 CT.
Trường CĐ Cộng đồng Trà Vinh được thí điểm vượt cấp từ dạy nghề lên CĐ ở các ngành công nghệ kỹ thuật điện, nuôi trồng thủy sản và phát triển nông thôn với 200 CT.
Các trường còn lại đều thí điểm ĐTLT từ THCN lên CĐ. Chỉ tiêu cụ thể như sau: ĐH Thủy sản Nha Trang: 100 CT ngành nuôi trồng thủy sản. CĐ Lao động xã hội: 150 CT ngành công tác xã hội và quản lý lao động. CĐ bán công Quản trị kinh doanh: 150 CT ngành kế toán và tin học.
CĐ Kinh tế kỹ thuật Hải Dương: 150 CT đào tạo kế toán và quản trị kinh doanh. CĐ Xây dựng số 1: 100 CT ngành công nghệ xây dựng. CĐ Nông lâm: 150 CT ngành trồng trọt và chăn nuôi. CĐ Giao thông vận tải: 100 CT ngành công nghệ xây dựng công trình giao thông vận tải. CĐ Kinh tế - kỹ thuật tỉnh Thái Bình có 200 CT đào tạo ngành kinh tế nông nghiệp, kế toán hành chính sự nghiệp và kế toán doanh nghiệp. |
|