Nhiều trưởng khoa cho rằng các ĐH Úc đang hạ chuẩn để giành thị phần, sẵn sàng nhận sinh viên tiếng Anh kém!
Khi 15 sinh viên (SV) Malaysia quyết định cắt dán tài liệu lấy từ Internet vào các bài văn của họ vào cuối năm 2002, họ đã vô tình gây ra một loạt vụ việc làm hủy hoại danh tiếng của ngành đào tạo hải ngoại béo bở của Úc.
Những cáo buộc về hành động “đạo văn” đối với các SV này - những người sẽ lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh tại ĐH Newcastle - đã khơi mào cho cuộc điều tra vào đầu năm nay của Ủy ban Độc lập chống tham nhũng bang New South Wales. Cuộc điều tra, hiện đang diễn ra ở Sydney, thủ phủ bang, là diễn biến mới nhất trong một loạt các vụ tiêu cực liên quan đến SV nước ngoài tại các trường ĐH Úc. Vụ việc này làm dấy lên những mối lo ngại về việc liệu chất lượng các tiêu chuẩn giảng dạy và học tập mà dựa vào đó, các cơ sở đào tạo Úc tạo dựng danh tiếng của mình có bị “oằn” đi dưới sức ép đạt mức tăng trưởng hằng năm 13% trong một thập kỷ qua về số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký vào học tại Úc.
Sẽ là một thiệt hại đáng kể về tài chính đối với các trường Úc nếu người nước ngoài chuyển sang tìm nơi khác để nâng cao trình độ. Các trường ĐH Úc dựa rất nhiều vào thu nhập từ các SV nước ngoài có đóng học phí, chiếm 23% trong tổng số 930.000 SV bậc cao vào năm ngoái, trong đó có 137.000 người học tại Úc và 74.000 tại nước sở tại, khoảng 85% số này đến từ châu Á.
Nhằm giành thị phần ngành công nghiệp xuất khẩu giáo dục trị giá 4 tỉ USD của Úc, đa số trong 39 ĐH của Úc tranh nhau lập các làng ĐH ở nước ngoài trong những năm gần đây. Các chuyên gia học thuật cho rằng một số trường đã đi đường tắt trong cuộc tranh đua này.
15 SV Malaysia đã tham gia một kỳ thi tại một trong những làng ĐH hải ngoại như thế, làng Institut Wira ở Kuala Lumpur. Giảng viên Úc cho điểm 0 các bài thi của họ và chuyển các trường hợp này cho trưởng khoa kinh doanh ở ĐH Newcastle. Chắc chắn những SV này sẽ bị đánh rớt, như trường hợp tương tự đã xảy ra với 4 sinh viên Hồng Kông của trường. Tuy nhiên, giám khảo thứ 2 được triệu tập để chấm lại. Cuối cùng, tất cả đều đạt và cáo buộc gian lận đã bị bỏ qua lúc đầu.
Ủy ban Độc lập chống tham nhũng bang New South Wales tiến hành điều tra vào tháng 6 sau khi vụ việc được tung lên báo chí Úc và Malaysia. Trưởng khoa kinh doanh của ĐH Newcastle Paul Ryder và giám đốc Institut Wira, Tangavalu Marimuthu, phải từ chức vì vụ bê bối này. Ủy ban tập trung vào những hành xử của trường đối với những lời kiện cáo và những khoản đãi về tài chính nhằm tránh tiếng xấu tại cơ sở hải ngoại của trường. Trong các cuộc điều trần công khai vào tháng 9, luật sư của ủy ban, bà Chris Ronalds, cho rằng, có thể có “một loại văn hóa bí mật hay công khai khuyến khích các nhân viên đưa ra các quyết định bảo đảm thành công của SV nước ngoài dù có những cáo buộc về việc chưa đạt chuẩn”.
Khảo sát SV kinh tế do Hiệp hội Kinh tế Úc công bố vào tháng 5 cho thấy, đa số các trưởng khoa được hỏi cho biết họ cảm thấy tiêu chuẩn các khóa học ĐH Úc giảm mạnh. Nhiều người cho rằng điều này xảy ra là do có sự hiện diện của SV quốc tế với khả năng tiếng Anh kém và yêu cầu tuyển sinh thấp. Kết quả này được củng cố bằng nghiên cứu vừa công bố tại Hội nghị giáo dục quốc tế Úc do IDP tổ chức tại Sydney đầu tháng này. Về phần mình, nhiều SV nước ngoài phàn nàn rằng các thông tin mà họ được tư vấn hoặc không đầy đủ hoặc bị thổi phồng.
Giải pháp lâu dài cho vấn đề này nằm ở việc kiểm tra chất lượng và các cơ chế đánh giá. Cơ quan Chất lượng các trường ĐH Úc, được lập ra vào năm 2000, dự kiến sẽ hoàn thành “tua” kiểm toán các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước của các trường ĐH Úc vào năm 2006, tập trung vào khả năng hoàn thành các cam kết về chất lượng và dịch vụ do chính các trường đưa ra.
(Theo NLĐ - dịch từ FEER) |