Giáo dục giới tính từ nhỏ
Cha mẹ không quan tâm giáo dục giới tính, trẻ tự tìm hiểu mà thiếu sự định hướng. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động, tế nhị và thẳng thắn với con về vấn đề này.
Nếu cha mẹ dùng từ bóng gió xa xôi hoặc lảng tránh vấn đề thì trẻ thấy bạn coi chúng là trẻ nít, khờ khạo. Tuy nhiên cần dùng từ hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví như những em hỏi: ''Trẻ con ra đời thế nào?'' bạn có thể đưa ra hình ảnh so sánh về gấu bố, gấu mẹ hay gà con, gà mẹ. Khi chúng lớn hơn một chút cần được nghe từ chính xác hơn nên nhân vật được thay đổi bằng một người có thật nào đó. Nếu giữa 2 mẹ con có những từ thân mật chỉ bộ phận giới tính thì bạn hãy dùng từ đó.
Dưới 5 tuổi: Là thời kỳ khám phá thế giới xung quanh, nhận thấy cơ thể con gái khác con trai, trẻ con khác người lớn. Khi đó, hãy mạnh dạn nói với trẻ: ''Chừng nào con trưởng thành, con cũng sẽ có ngực giống như mẹ'' hay ''râu giống như bố''....
Từ 5-8 tuổi: trẻ đã có khúc mắc đầu đời, chú ý tới bản thân nhiều hơn và đặt câu hỏi kiểu: ''Có phải con chui ra từ nách mẹ không?'' hoặc ''Con chui ra từ người mẹ mà lại giống bố''.
Chúng sẽ an tâm nếu cha mẹ giải thích: ''Con là kết quả tình yêu của bố mẹ nên giống cả 2 người. Con nằm trong bụng mẹ suốt 9 tháng nằm ở vị trí và tư thế thế này này... Và sau 9 tháng, khi các bác sĩ thấy con có thể tự hít thở khí trời và nhìn ngắm vật xung quanh bằng đôi mắt của con, họ đã giúp con chui ra ngoài''. Bạn có thể tìm ảnh minh hoạ thời kỳ thai nhi nằm trong bụng mẹ để trẻ hiểu hơn. Chắc chắn trẻ rất thích khi biết đã có lúc mình nhỏ như vậy.
Từ 9-11 tuổi: Trí tuệ phát triển hơn, trẻ nhận ra liên hệ giữa những câu chuyện giới tính và chính chúng, muốn biết và cần được biết cơ thể mình hoạt động ra sao. Đây là lúc giảng cho trẻ về cơ thể chúng, kinh nguyệt, trứng và tinh trùng.
Khuyến khích trẻ xem chương trình khoa học trên tivi về cơ thể người và sự hình thành bào thai, cho biết sự khác nhau giữa cơ thể một bạn trai và một bạn gái, những điều trẻ cần tôn trọng với bạn khác giới cả về thể chất lẫn tình cảm.
Từ 11-14 tuổi: Những rối loạn của tuổi dậy thì bắt đầu xuất hiện. Trẻ hoang mang, lo lắng về đổi thay của cơ thể nhưng lại ngại đề cập tới nó.
Khi nói chuyện về vòng kinh hay sự thay đổi giọng nói, cha mẹ dùng từ chúng ta hay mọi người để tỏ ý tôn trọng sự riêng tư của trẻ. Sự thân thiết thông cảm giữa mẹ và con gái thiết lập khi người mẹ mua cho con chiếc áo nhỏ đầu tiên, gói băng vệ sinh đầu tiên...
Với con trai, sẽ dễ nói chuyện với bố hơn. Nhiều trường hợp chính bạn bè hoặc anh trai của trẻ được trẻ tâm sự, hỏi han. Cha mẹ có thể mua sách về giới tính và tế nhị đặt vào giá sách gia đình. Bạn có thể nói chuyện về cuốn sách đó nói rằng ''nó khá hay và bổ ích'' và để cho trẻ tự tìm đọc lúc không có ai.
Trên 15 tuổi: Vai trò bố mẹ giống như người bạn. Cha mẹ càng tạo cho trẻ cảm giác tin cậy kiểu giữa người lớn với nhau thì trẻ càng cởi mở. Nếu không, chúng sẵn sàng im lặng trước bố mẹ và thà trao đổi với bạn còn hơn, dù chưa chắc đã có câu trả lời thoả đáng.
Đừng ngại khi nói với trẻ về quan hệ giới tính, biện pháp tránh thai, dấu hiệu sinh lý của cơ thể kèm quan điểm, nhận xét của mình và xã hội về tình yêu, tình dục và gia đình. Cần để cho trẻ tiếp thu song song những kiến thức về giới tính, những việc nên hay không nên, hạnh phúc và nguy cơ, tương lai cũng như hậu quả... mà trẻ sẽ nhận tuỳ thuộc hiểu biết và bản lĩnh trong cuộc sống. Chỉ cần một hai lần trò chuyện thẳng thắn, tế nhị giữa cha mẹ và con cái thì những cuộc đàm thoại sau sẽ dễ và có ích hơn.
(TVTD)