Hàng Việt Nam và biên giới của chất lượng
- Phép thiêng nào cho các nhà sản xuất Việt Nam cân bằng lại lực lượng và tiến tới đẩy lui được cơn lũ quét hàng nhập ngoại và lan toả sức mạnh của mình ra thế giới trong tương lai? Đấy chính là nội dung của Diễn đàn: Hàng Việt Nam và biên giới của chất lượng.
![]() |
Các chợ truyền thống vẫn là kênh bán lẻ quan trọng của các doanh nghiệp Việt. Ảnh: Phan Hùng |
Khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO thì hầu như mọi cánh cửa thị trường thế giới đều rộng mở đối với hàng made in Vietnam. Hàng Việt Nam thời trước tạm gọi là thời “ tiền WTO” hầu như khó tìm được visa nhập cảnh vào thế giới. Quả thực lúc đó, chúng ta cũng nhiều lúc tin vào sự biện hộ của không ít doanh nghiệp về việc sản phẩm của họ thất bại trước thị trường thế giới với rất nhiều lý do phi thương mại thuần tuý. Nhưng cho đến lúc này, những biện hộ ấy đã không còn giá trị. Chúng ta đấu tranh không mệt mỏi để được đứng vào sân chơi của WTO. Nhưng khi chúng ta có được vị trí đó thì bất lợi lại đang nghiêng về phía chúng ta.
Các cánh cửa thị trường thế giới mở ra chia đều cho cả hai phía: hàng Việt Nam có cơ hội lớn để tiến ra thị trường quốc tế và hàng ngoại quốc đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra là: trong cuộc chơi mang tên gọi toàn cầu thì biên giới của hàng made in Vietnam sẽ mở ra đến đâu? Xin thưa, biên giới ấy có thể mở ra vừa bằng diện tích trái đất. Hoặc biên giới ấy có thể thu hẹp lại bằng diện tích một quầy bán lẻ ở chợ Đồng Xuân. Nghĩa là biên giới này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của hàng Việt Nam.
Nhưng hiện thực chứng minh rằng: hàng ngoại quốc đang đẩy hàng Việt Nam vào số phận của kẻ bán lẻ và rao vặt trên chính vương quốc của mình. Lúc này đây, chúng ta đang báo động về cuộc đổ bộ khổng lồ và tưởng như không chống lại được của hàng Trung quốc. Đáng buồn thay, những đội quân hùng mạnh như lũ quét của hàng Trung Quốc lại không phải những mặt hàng độc quyền hay những mặt hang của một nền công nghiệp nặng mà chỉ là những mặt hàng rất “nhẹ” như hàng may mặc chẳng hạn. Một hiện thực cho thấy, từ những người nông dân đến các quan chức Việt Nam đều dùng rất nhiều loại hàng Trung Quốc trong đó có hàng may mặc hay giày dép.
Đưa ra mặt hàng may mặc hay giày dép là chỉ lấy ví dụ cho một mặt hàng đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật đơn giản nhất, nhưng cả đối với mặt hàng này chúng ta cũng bại trận cho dù chúng ta đang có may 10, đang có Việt Tiến, có Thượng Đình…Và bây giờ, chúng ta đang kêu gọi và tìm cách chống lại những cơn lũ quét của hàng nhập ngoại.
Chúng ta đã từng kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Nhưng khách hàng, đặc biệt khách hàng Việt Nam với thu nhập rất thấp, sẽ quyết định một lựa chọn tốt nhất cho họ. Họ sẽ chọn những mặt hàng có nhiều mẫu mã đẹp lại giá rẻ. Thế là, hàng Trung Quốc đã trở thành sự lựa chọn hợp lý nhất đối với họ. Còn những khách hàng có thu nhập cao thì không bao giờ chọn hàng made in Vietnam. Họ sẵn sàng thể hiện lòng yêu nước ở một phía khác chứ không lựa chọn mua hàng chất lượng kém, giá cao made in Vietnam để thể hiện lòng yêu nước máy móc của mình.
Làm thế nào để những mặt hàng của nền công nghiệp nhẹ, những mặt hàng mà các nhà sản xuất Việt Nam đã và đang có đủ yếu tố làm nên sự quyến rũ đối với người tiêu dùng Việt Nam, chống lại được sự thống trị của hàng nhập ngoại? Chúng ta không thể đóng chặt cửa để chặn những cơn lũ quét của hàng nhập ngoại. Các nhà sản xuất không thể cầu xin người tiêu dùng nội địa hãy mua hàng cho mình. Chúng ta không thể kêu gọi người Việt Nam hãy thể hiện lòng yêu nước bằng cách nhắm mắt, cắn răng mua những sản phẩm made in Vietnam “ăn thật làm dối”.
Vậy phép thiêng nào cho các nhà sản xuất Việt Nam cân bằng lại lực lượng và tiến tới đẩy lui được cơn lũ quét hàng nhập ngoại và lan toả sức mạnh của mình ra thế giới trong tương lai? Đấy chính là nội dung của diễn đàn: Hàng Việt Nam và biên giới của chất lượng.
Chúng tôi trân trọng kính mời bạn đọc: những nhà hoạch định chiến lược, những nhà sản xuất và những người tiêu dùng hãy lên tiếng một cách công bằng và trí tuệ để nhận diện hàng made in Vietnam và đưa ra giải pháp như một sự giải cứu hàng made in Vietnam thoát khỏi sự bao vây của hàng nhập ngoại vì một tương lai phồn thịnh của dân tộc Việt Nam chúng ta.
-
VietNamNet
Có lẽ đến giờ khẩu hiệu người VN dùng hàng VN vẫn chỉ la khẩu hiệu nếu chúng ta không kéo nhà sản xuất vào cuộc để xem người Vn cần dùng gì
Một ví dụ rất nhỏ là các cửa hàng VN tràn ngập quần áo xuất khẩu. Tuy nhiên tất cả các quần áo xuất khẩu đó là máy theo kích thước người châu Âu và Mỹ. Trong lúc số đo của người VN lại khác hoàn toàn. Nếu bạn có dịp sang Nhật mua quần áo thì sẽ thấy tất cả các hãng châu Âu va Mỹ muốn bán được quần áo ở Nhật đều phải cắt theo số đo người châu Á (tay ngắn hơn). Vậy tại sao các nhà sản xuất VN không thể may theo số đo của người Việt để rồi một thị phần lớn hàng may mặc cao cấp bị chiếm lĩnh bởi hàng ngoại nhập
Một điều quan trong nữa là chữ tín của nhà sản xuất VN quá thấp. Vì chạy theo lợi nhuận, nhiều hãng sữa, thực phẩm, tân dược sẵn sàng lấy nguồn nguyên liệu thấp để sản xuất, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Đã đến lúc chúng ta phải kêu gọi lòng yêu nước yêu đồng bào của nhà sản xuất trước khi kêu gọi người tiêu dùng