Giải pháp nào để ngăn chặn blog đen, blog bẩn?
(VietNamNet) - Cộng đồng blog đã có đóng góp cho sự phát triển về nhiều mặt. Nhưng điều đáng nói là hiện tượng lợi dụng sự tự do và khả năng nặc danh của blog để nói xấu, xúc phạm, lăng mạ, quấy rối người khác đã trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều nước phát triển về Internet. Vậy, cần làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả những blog đen, blog bẩn? Phải làm gì để khuyến khích mặt tích cực của cộng đồng blog Việt?
Theo nguồn thống kê của trang web Technorati, trong 3 năm qua, cứ sau 6 tháng, thế giới blog “bành trướng” gấp đôi. Cứ mỗi ngày qua đi, cả thế giới lại chào đón thêm 175.000 blog mới. Mới tháng 4/2007, Technorati ghi nhận trang blog thứ 70 triệu, thì đến tháng 10/2007, cũng trang này cho biết đã đếm được 109,2 triệu trang blog!
Mới tháng 4/2007 là 70 triệu blog, đến tháng 10/2007 đã là 109,2 triệu (nguồn: Technorati)
Dave Sifry, giám đốc điều hành của Technorati theo dõi cộng đồng blog từ năm 2002, cũng cảm thấy choáng ngợp trước tốc độ tăng trưởng kinh người của blog trong thời gian qua.
Blog không chỉ phát triển ồ ạt như vũ bão mà có sẵn rất nhiều lợi thế của loại hình báo điện tử: tiếng nói, hình ảnh, đặc biệt là các đường link và ưu thế tương tác comment, feedback… Và mới đây, không thỏa mãn với những gì đang có, Yahoo 360 chuẩn bị để tiến tới Y Mash nhằm tạo giao diện bắt mắt hơn, cũng như tăng thêm tiện ích và tính tương tác. Chắc chắn Y Mash sẽ thu hút thêm hàng triệu, triệu blogger.
Dự đoán website mạng xã hội như blog, chia sẻ video hoặc ảnh trực tuyến, hấp dẫn được 230 triệu thành viên vào cuối năm 2007 và con số này còn tiếp tục tăng mạnh đến cuối năm 2009.
Ngay ở nước ta, đến giờ phút này có người đã tính đến con số 1 triệu blog.
Nhìn vào blog “Việt”, không phải blog nào cũng cập nhật đúng nghĩa “nhật ký” mà nhiều blog sinh ra rồi “để đấy” hoặc “một tháng đôi lần có cũng không” nhưng nhiều blog đáng để cho các tòa soạn báo chí chúng ta phải suy nghĩ.
Việc tìm kiếm các blog có hàng chuc ngàn pageviews không khó. Nhìn ra nước ngoài càng có những con số đáng ngạc nhiện. Chỉ trong vòng 2 năm, Từ Tịnh Lôi - nữ diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh Trung Quốc mới 33 tuổi đã tạo ra một blog "hot" nhất, với hơn 100 triệu lượt xem.
Với sự lan truyền rộng rãi như vậy, bạn đọc có thể rất đồng tình với nhận định sau của Tạp chí Echip:
Blogger có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình trên blog. Nhưng quan niệm blog là một trang nhật ký cá nhân chỉ được chấp nhận với những blog để chế độ private (chế độ riêng tư dành riêng cho chủ nhân).
Còn những trang blog để chế độ public (công cộng, dành cho tất cả mọi người viếng thăm) thì không thể coi là một trang nhật ký của riêng mình.
Cộng đồng blog đã có đóng góp cho sự phát triển về nhiều mặt. Nhưng điều đáng nói là hiện tượng lợi dụng sự tự do và khả năng nặc danh của blog để nói xấu, xúc phạm, lăng mạ, quấy rối người khác đã trở thành vấn đề nhức nhối ở nhiều nước phát triển về Internet, tới mức người ta phải đưa ra một dự thảo về đạo đức trên blog toàn cầu.
Ở nước ta, bên cạnh những blog sang trọng, đứng đắn của những nhà văn, nhà báo đã thu hút hàng triệu pageviews, có nhiều blogger trẻ tạo dựng được nhịp cầu kết nối, bạn bè chia sẻ với nhiều chủ đề hấp dẫn bổ ích… thì đã có những blog “bẩn”. Chỉ với một entry đưa lên ngày 15/10 và cập nhật nội dung về scandal video sex, blogger này đã có gần 100 ngàn lượt người xem, gần 1000 người bình chọn, đánh giá và 270 lượt ý kiến phản hồi.
Bạn đọc Báo Thanh niên còn phản ánh một số nhà báo đã biến blog thành một công cụ báo chí (viết bài bình luận chính trị, xuyên tạc tùy tiện về công việc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, về đời tư của các chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân và công dân, đồng thời tìm cách quảng bá, tập hợp, thu hút bạn đọc với số lượng lớn).
Rồi liên tiếp các vụ người mẫu Xuân Lan, ca sĩ Phương Thanh kiện…, đó là những vấn đề đang đặt ra nóng bỏng.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho rằng: “Thông tin trên mạng như là xa lộ thông tin, giống như trên đường giao thông, có cả người lương thiện, có cả kẻ trộm cắp… Đây là vấn đề gây đau đầu với nhiều quốc gia, tạo thách thức lớn cho toàn thế giới.
Bản thân chủ thể của blog là cá nhân - vừa soạn ra thông tin, cung cấp thông tin. Cho nên, trách nhiệm của cá nhân đối với thông tin đó rất lớn, phải chịu trách nhiệm toàn bộ từ khi soạn thảo thông tin đến khi cung cấp thông tin với xã hội. Khác với báo chí, trang tin - chủ thể cung cấp thông tin lớn hơn, blogger là người duy nhất chịu trách nhiệm ở đây.
Như vậy, chúng ta biết rõ đối tượng tham gia để đề ra phương thức quản lý cho phù hợp. Trước hết, tôi khẳng định quản lý không có nghĩa là ngăn chặn, nghiêm cấm mà là khuyến khích mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực”.
Vậy cần làm như thế nào để thật sự ngăn chặn có hiệu quả những blog đen, blog bẩn? Và cần phải làm gì để tạo điều kiện khuyến khích mặt tích cực của cộng đồng blog Việt?
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, blogger Blog Quốc Xưa & nay cho rằng: “Blog là một thế giới “ảo” nhưng nó cũng là sự phản ảnh của thế giới thực. Blog trước hết là thế giới của tư tưởng, còn thì blogger nào cũng là con người của xã hội thực thì nó sẽ bị điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật của thế giới thực căn cứ vào hành vi đối với xã hội”.
Bởi vậy, điều quan trọng nhất là vận động và khuyến khích xây dựng những “văn hoá, đạo đức” trong đời sống mạng. Mỗi “công dân mạng” có những quy định xử thế cho riêng mình trong đời sống trên mạng sẽ là nhân tố chủ yếu.
Phải chăng để công khai nhận trách nhiệm, trước hết, các nhà báo, nhà văn, những người được quần chúng mến mộ làm blog nên công khai danh tính như các blog của: Dương Trung Quốc, Nguyễn Trọng Tạo, Kim Hạnh, Vũ Mạnh Cường; Nguyễn Thế Thịnh...? Những blog đó chắc chắn sẽ là thương hiệu sạch và các blogger khác sẽ tiếp tục nhận ra “dáng đứng” của mình. Phải chăng cần khuyến khích xây dựng những cộng đồng blog sạch đủ sức đề kháng để chống lại những blog đi ngược lại “văn hoá, đạo đức” trong đời sống mạng?...
Diễn đàn VietNamNet xin đón nhận ý kiến của quý vị và các bạn, đặc biệt là ý kiến của các blogger.
-
VietNamNet
Bài tham gia Diễn đàn xin viết có dấu với bất kỳ font tiếng Việt nào.