,
221
506
Diễn Đàn
diendan
/diendan/
916378
Gộp 2 kỳ thi để nâng cao chất lượng?
1
Forum
null
,

Gộp 2 kỳ thi để nâng cao chất lượng?

Cập nhật lúc 21:29, Thứ Hai, 02/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Bộ GD - ĐT lần này “Xây dựng một đề án đổi mới triệt để các kỳ thi (để đồng thời vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp) đáp ứng về yêu cầu chất lượng giáo dục và công bằng xã hội, là bước tiếp theo của phương án “Ba chung”.

images1271624_7a.jpg
Mùa thi lại đến
Cải tiến thi cử là chuyện không có gì mới. Chỉ tính từ sau năm 1975 đến nay, riêng việc tuyển sinh vào các trường Đại học, Cao đẳng đã thay đổi nhiều lần. Từ thi chung rồi lại thi riêng, từ thi riêng rồi lại thi chung… Bởi vậy, cải tiến thi cử để nâng cao chất lượng, đảm bảo công bằng là việc làm được dư luận mong chờ.

Năm năm trước, tổng kết kỳ thi tuyển sinh 3 chung lần đầu tiên, Bộ GD – ĐT hồ hởi công bố con số tiết kiệm tiền của, công sức xã hội, nhà trường, gia đình thật đáng phấn khởi! Nhưng rồi những con số ảo do thí sinh “bắt cá 3, 4 thậm chí 5, 6 tay” làm cho các trường hết sức lo lắng…

Song, điều mà xã hội thấy rõ ràng nhất là tại sao hai kỳ thi chỉ cách nhau khoảng 30 ngày mà cũng thầy ấy, trò ấy, chương trình ấy, đề thi không khác mấy mà chất lượng giữa hai kỳ thi chênh nhau quá xa!!! Tốt nghiệp THPT nhiều tỉnh đạt trên 90 - 95%, nhưng thi tuyển sinh thì ngược hẳn.

Lý giải cho những điều khó hiểu ấy đã thổi bùng lên phong trào chống lại bệnh chạy theo thành tích. Như vậy, bệnh thành tích là có thật. Bệnh thành tích đã tạo nên hiện tượng “ngồi nhầm lớp”, cấy điểm, bồi dưỡng hội đồng thi… tập thể, nhà trường, phụ huynh, địa phương gian lận để có kết quả cao, xô lệch kết quả thi cử.  

Như vậy, mỗi năm, cả nước phải chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho các kỳ thi THPT và tuyển sinh Đại học mà “Thi cử thiếu khách quan, thiếu chính xác, do đó, không tạo nên được động lực để thầy trò tích cực dạy và học, nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục”.

Vì thế, lần này, Bộ GD - ĐT “Xây dựng một đề án đổi mới triệt để các kỳ thi (để đồng thời vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh vào Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp) đáp ứng về yêu cầu chất lượng giáo dục và công bằng xã hội, là bước tiếp theo của phương án “Ba chung”.

Đề án đổi mới các kỳ thi (tóm tắt)

Kỳ thi sau THPT tổ chức thi tất cả 8 môn trong chương trình THPT, đến hết lớp 12 là: Ngữ văn (gồm phần Ngôn ngữ và phần Văn học), Ngoại ngữ, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí.

- Các môn thi để được xét tốt nghiệp THPT: Thí sinh phải thi 6 môn gồm 3 môn thi bắt buộc cố định (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ); 1 môn bắt buộc do Bộ GD-ĐT quy định từng năm, đảm bảo cho HS học toàn diện; 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại (của 8 môn); thí sinh không được học Ngoại ngữ (hoặc học không đủ thời gian quy định) sẽ được thi môn thay thế môn Ngoại ngữ.

Hàng năm, vào cuối tháng 5, Bộ GD-ĐT công bố môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp và môn thi thay thế môn Ngoại ngữ. Như vậy, thí sinh vẫn có thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, mà trường không phải dạy dồn những môn không thi (như trước đây công bố môn thi vào ngày 31/3);

- Các môn thi để được xét vào ĐH, CĐ, TCCN: Trước kỳ thi, trường ĐH, CĐ, TCCN quy định các môn phải thi (trong số 8 môn của kỳ thi và môn năng khiếu, nếu có) theo yêu cầu tuyển vào ngành đào tạo; các môn năng khiếu tổ chức thi riêng tại các trường ĐH, CĐ, TCCN có ngành năng khiếu.

Đối tượng dự thi là người học đã hoàn thành chương trình THPT (kể cả Bổ túc THPT) có đủ điều kiện dự thi theo quy định hoặc người học đã tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT. Trong các kỳ thi sau THPT sẽ không phân biệt người học hệ Bổ túc THPT vì người học các hệ khác nhau đều phải đạt yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình chuẩn; hệ Bổ túc THPT cũng phải đảm bảo số môn thi như THPT.

Tùy theo mục đích thi, thí sinh chọn những nhóm môn thi với số lượng môn thi khác nhau và đăng ký trước kỳ thi:

- Thí sinh dự thi để được xét tốt nghiệp THPT phải thi 6 môn quy định.

- Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi chỉ để được xét vào ĐH, CĐ, TCCN phải thi theo yêu cầu.

- Thí sinh dự thi để vừa được xét tốt nghiệp THPT, vừa được xét vào ĐH, CĐ, TCCN phải chọn các môn thi sao cho đồng thời thỏa mãn các điều kiện.  

Nghe qua đề án này nhiều người đã tỏ ra lo lắng: Hiện nay, các sở giáo dục, phòng giáo dục mới lo quản chất lượng bậc học phổ thông mà kết quả các kỳ thi THPT đã bị méo mó, không trung thực. Vậy, nếu giao cho họ đảm đương thêm nhiệm vụ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, THCN nữa thì sao đây?

Đáp ứng về yêu cầu chất lượng giáo dục và công bằng xã hội là mục đích gộp hai kỳ thi. Mục đích rất cao nhưng thực tại cũng đang cho thấy khó có thể đáp ứng được mục đích. Vậy, muốn đề án thực hiện đạt mục đích thì phải làm gì và làm như thế nào khi cách học, cách dạy vẫn chưa có gì thay đổi?

Dựa vào kết quả kỳ thi THPT để tuyển sinh Đại học không phải bây giờ mới đề ra. Thực tế hơn 10 năm trước, chính Bộ GD-ĐT đã thực hiện. Các trường Đại học lúc ấy đã tuyển thẳng học sinh các địa phương có điểm thi tốt nghiệp các môn trung bình từ 9 điểm trở lên. Thế là ùn ùn học sinh các tỉnh có điểm cao chót vót nhẹ nhàng chiếm lĩnh các suất đại học ngon nhất: Ngoại thương, Ngoại giao… Chắc Bộ chưa có điều tra số học sinh ấy là ai? Nhưng sinh viên các khóa thuở ấy đều biết rất rõ các bạn mình học như thế nào. Nếu những suất ưu tiên ấy đúng chất lượng, chắc chắn Bộ GD-ĐT không đến nỗi phải bỏ chính sách này. Vậy thì cách bỏ một kỳ thi lần này có lặp lại điều đã từng xảy ra?

Lúc ấy, làm sao có thể gọi bỏ thi đại học để đảm bảo công bằng? 

Có người nói cách học, cách thi mỗi thời một khác. Ngày nay, với thi trắc nghiệm “không học không tán dóc được” nhưng một thầy giáo trường Hà Nội - Amsterdam đã nói rằng “Với thi trắc nghiệm, không học thì cũng đã ít nhất có cơ hội trúng 25%” rồi, việc gửi gắm làm bài còn thuận lợi hơn phải chép hàng trang thi tự luận…

Nhận xét về đề án này, có thể thấy khá nhiều ưu điểm như: Hạn chế việc cắt xén chương trình; thí sinh thi vào đại học có thể chọn môn mà không lệ thuộc vào khối thi; tổ chức thi tập trung theo đơn vị khu vực của mỗi tỉnh, tăng cường được khả năng kiểm tra, giám sát; thi trắc nghiệm, chấm bằng máy đảm bảo khách quan, chính xác, công bằng, gọn nhẹ, tiết kiệm…

Với nhiều cách nhìn, nhằm góp phần hoàn thiện đề án ĐỔI MỚI TRIỆT ĐỂ CÁC KỲ THI, Diễn đàn VietNamNet xin đón nhận ý kiến các vị quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, các vị phụ huynh cũng như các em học sinh, sinh viên.

  • VietNamNet
    Bài tham gia Diễn đàn xin viết tiếng Việt có dấu với bất kỳ loại font nào.

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến thảo luận
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,