,
221
506
Diễn Đàn
diendan
/diendan/
155079
Giải pháp nào để chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản?
1
Forum
null
,

Giải pháp nào để chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản?

Cập nhật lúc 18:25, Thứ Sáu, 28/11/2003 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Câu “Bên B là chùm khế ngọt, cho A trèo hái mỗi ngày”, sau đó “Bên A là chùm khế ngọt, cho B trèo hái mỗi ngày” và giờ đây, “Công trình là chùm khế ngọt; A, B trèo hái…tháng ngày!” dường như đã trở nên quen thuộc đối với cả những người “ngoại đạo”!? Chính bởi việc thất thoát trong lĩnh vực đầu tư XDCB từ lâu đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” nên hầu như tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội nào cũng được các đại biểu đề cập bằng thái độ bức xúc. Vậy, phải chăng thất thoát trong XDCB là đương nhiên, không có “thuốc” chữa??? 

Cầu Bình Triệu II - công trình bị thất thoát tới hơn 25% vốn đầu tư.

Theo tiến sỹ Phạm Minh Dũng – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng thuỷ lợi I: Tỷ lệ thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản tại nước ta hiện nay bình quân lên đến 30% tổng giá trị đầu tư, tức từ 20.000 đến 25.000 tỷ đồng mỗi năm. Đây quả là con số hết sức nhức nhối! Có thể kể ra một loạt công trình gây thất thoát điển hình, như: Công trình cầu Bình Triệu II (Tp.HCM) “rơi rụng” 25,3%, công trình Bệnh viện Đa khoa Tuy Hoà (Phú Yên) “bốc hơi” 35,9%, công trình đường Thanh Yên (Kiên Giang) “ngót”  58,6%...

Chính bởi sự thất thoát “thoáng” như thế nên không ít người coi việc được đầu tư, thi công các công trình là những "con voi" để tranh thủ xà xẻo, trục lợi. Có những vị chức sắc chỉ cần qua một công trình là đã có thể “bỏ túi” được một căn nhà, tậu được một “con” xe bốn bánh (?)…Phóng viên VietnamNet đã được nghe chuyện một cán bộ muốn giúp người bạn vong niên  (cũng là cán bộ nhưng thuộc khối mặt trận, đoàn thể; không phải là đơn vị kinh tế nên không có “màu”) bằng cách gợi ý ông này lập dự án xây lại trụ sở cơ quan để “đỡ khổ” và có "chút gì” trước lúc nghỉ hưu (!?).

Theo ông Ngô Văn Điểm - Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ: Số tiền thất thoát trong lĩnh vực đầu tư XDCB hàng năm đủ để trả lương cho toàn bộ khu vực hành chính nhà nước. Nếu giảm 10% tỷ lệ thất thoát nói trên thì có thể thực hiện cải cách tiền lương ngay từ bây giờ mà không cần đợi đến năm 2005

Thực trạng thất thoát trong XDCB hiện nay chẳng nói chắc ai cũng biết. Song, một câu hỏi đặt ra: Tại sao tỷ lệ đồng vốn bị “hao” tại các công trình lại lớn như vậy? Và, tại sao hầu như chỉ có những công trình do Nhà nước đầu tư mới xẩy ra thất thoát (theo ông Vũ Ngọc Thanh – Phó giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng dân dụng thì thất thoát ở khu vực đầu tư tư nhân rất ít xẩy ra)? Có người cho rằng, nguyên nhân của căn bệnh kinh niên nói trên là do khâu tư vấn thiết kế chỉ thiên về minh họa cho ý kiến lãnh đạo nên “vẽ hươu, vẽ vượn” gây lãng phí (thậm chí, thông đồng với nhà thầu khai khống giá vật tư, nâng khống khối lượng); người khác bảo, do cán bộ giám sát thi công “không đủ tầm”, “cả nể”; có người lại nói, do đấu thầu phải “đi đêm” nên khi thực hiện công trình phải “bấu véo” để bù lại những khoản tiêu cực phí đã chi; người khác thì quả quyết, do những quy định trong XDCB chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở, còn đầu tư dàn trải và hơn thế, cơ quan bảo vệ pháp luật chưa nghiêm, còn xử nương tay với những “con mọt” đục khoét, “tiêu hoá” xi măng, sắt thép.v.v...và.v.v…

Vậy, theo bạn, đâu là nguyên nhân của thực trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này và đâu là giải pháp phòng chống hữu hiệu???

Mời các bạn tham gia diễn đàn cùng VietNamNet!

  • VietNamNet

 (Bài viết cho Diễn đàn, quý độc giả nên viết có dấu với bất kỳ font gì)

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến thảo luận
,
,
,
Quảng cáo
,
,
,