Tăng học phí - nên hay không?
Hiện nay mức thu học phí ở các trường chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ đáp ứng được xấp xỉ 2/3 nhu cầu chi tiêu, số còn lại phải dựa vào nguồn cấp phát của ngân sách. Sự “eo hẹp” từ nguồn thu từ học phí đã khiến cho các trường không chủ động được nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và nghiên cứu khoa học. Điều này gây không ít khó khăn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên nếu tăng mức học phí sẽ gây không ít khó khăn cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quan điểm của bạn về vấn đề này thế nào?
Có ý kiến cho rằng, cũng như quy luật của sản xuất hàng hoá, cạnh tranh theo cơ chế thị trường sẽ giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nếu trường nào đào tạo có chất lượng thì tại sao không để cho họ được thu cao hơn so với trường có chất lượng thấp hơn. Nếu thu cao mà người học vẫn chấp nhận và số thí sinh dự tuyển hàng năm vẫn cao thì chứng tỏ rằng "giá dịch vụ" của trường đó đưa ra được thị trường chấp nhận. Bạn có tán thành quan điểm này?
Ý kiến khác cho rằng, tăng học phí, việc đầu tiên phải tính đến là sức chịu đựng của người dân. Người dân không có nhiều sự lựa chọn trong giáo dục và đào tạo. Nếu mở rộng trần học phí lên cao nữa thì người dân vẫn phải "cắn răng" mà gánh vì số học sinh muốn học vẫn nhiều hơn số học sinh được học. Trong cuộc đua này, người giàu lại thắng thế. Việc tăng học phí khiến những người nghèo dễ bị bị bỏ rơi, hậu quả về mặt xã hội sẽ khó lường?
Tăng học phí chất lượng đào tạo có tăng lên? Ai kiểm định chất lượng của "dịch vụ" đào tạo? Hiện nay, người học chỉ biết học. Nhà trường đào tạo thế nào thì biết vậy. Hay hay dở chỉ dựa vào may rủi. Cơ quan nào sẽ giám sát thẩm định chất lượng đào tạo?
Mời các bạn tham gia diễn đàn cùng VietNamNet!
- VietNamNet
(Bài viết cho Diễn đàn, quý độc giả nên gõ có dấu với bất kỳ font gì)