Hãng sữa tăng giá: Chiêu thức "xả" hàng?

Cập nhật lúc 10:00, 18/10/2010 (GMT+7)

Đợt tăng giá bất ngờ của một số hãng sữa ngoại gần đây đã gây bức xúc cho không ít người tiêu dùng. Một trong những lý do chính của sự kiện này được tiết lộ là một cách "xả" hàng của hãng sữa.

Tính từ đầu năm đến cuối tháng 9/2010, sữa ngoại nhập tại thị trường Việt Nam đã tăng giá đến 3 đợt. Ban đầu, giá sữa còn có lý do thuyết phục để tăng giá như biến động tỷ giá đồng đôla Mỹ, giá nguyên liệu trên thế giới tăng...

Riêng đợt tăng giá cuối tháng 7/2010 gần đây, vấp phải làn sóng dư luận bất bình của người tiêu dùng, bởi sữa nâng giá khi giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá đồng đôla ổn định; thậm chí, thuế nhập khẩu sữa còn được ưu đãi. Như Pediasure của Abbott tăng gần 10%, Friso tăng 20.000đồng/hộp loại 900g, Nestle cũng tăng thêm khoảng 9%...

Theo một chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của việc tăng giá sữa có thể bắt đầu từ sự “lũng đoạn” của một số hãng sữa có tên tuổi, muốn thao túng thị trường đồng thời vừa muốn tăng tối đa lợi nhuận vừa muốn “xả” hàng ở trong kho. Thoạt nghe thì có vẻ vô lý bởi tăng giá thì làm sao “xả” được hàng trong khi “chiêu thức” chính áp dụng trong phương thức bán hàng này là giảm giá. Vậy mà một số hãng sữa phải nói là rất tinh vi khi áp dụng “ngón nghề” này để “một mũi tên bắn trúng hai đích”.

dr6

Những hãng sữa này đã sử dụng chiêu bài: trước khi tăng giá chính thức, thông báo với các nhà phân phối, cửa hàng... để họ “ôm” hàng nhằm chờ tăng giá. Sau đó, khi giá đã tăng, các cửa hàng, nhà phân phối mới ra sức thuyết phục người tiêu dùng mua sữa để xả hàng. Và giá bán khi đó, không ai dại gì lại bán cao như giá mới tăng mà cũng không thấp như giá cũ, mà nằm ở mức đảm bảo cho người bán hàng vẫn bán được nhiều hàng và vẫn thu được lợi nhuận cao. Vì sữa được “ôm” theo giá cũ nên thiệt hại chính trong “thương vụ” này chỉ là người tiêu dùng.

Một nguyên nhân nữa khiến cho sữa tăng giá bất ngờ như vậy chính là người hưởng lợi trên đầu lon sữa quá nhiều. Có doanh nghiệp đã đưa ra mức chi phí bán hàng bằng tới 50-70% giá sữa. Và đương nhiên chi phí này lại được đổ lên đầu người tiêu dùng. Thậm chí, mới đây, để tận dụng tối đa thời gian trước khi hiệu lực của Thông tư 122 do Bộ Tài chính ban hành nhằm kiểm soát và quản lý chặt chẽ giá sữa, đặc biệt là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, nhiều hãng còn tranh thủ tăng giá để thu lợi nhuận tối đa.

Nói chung trong hoàn cảnh giá sữa tăng vô tội vạ như vậy, mà cơ quan quản lý Nhà nước lại chưa kiểm soát được thì không có cách nào tốt hơn là người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách phải thông minh khi lựa chọn sản phẩm sử dụng, làm sao vừa bảo đảm được các yếu tố “ngon, bổ rẻ”.

Theo tìm hiểu, trên thị trường hiện nay loại sữa như Physiolac, một sản phẩm nhập khẩu nguyên lon từ Pháp và được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng như tiêu hóa tốt, có đặc tính rất giống sữa mẹ, các chỉ số can xi, chất xơ cao đáp ứng với nhu cầu của trẻ... là giá ổn định trong suốt các đợt tăng giá từ đầu năm đến giờ.

Mặc dù cũng là sữa nhập khẩu nhưng so với các loại sữa nhập khẩu khác, Physiolac có giá thành có thể nói thấp nhất cụ thể chỉ 335 nghìn đồng/hộp 900 g dành cho trẻ từ 1- 3 tuổi; 180 nghìn/hộp 400g dành cho trẻ nhũ nhi...

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Nam, đơn vị nhập khẩu và phân phối chính thức sản phẩm này đã cho biết: “Không có lý do gì để chúng tôi phải tăng giá cả. Chúng tôi vẫn giữ ổn định giá như vậy, trừ khi có biến động lớn về tỷ giá đồng đô la, Euro hay giá nguyên liệu sữa trên thế giới thay đổi...”. Bà Thủy khẳng định thêm: “Quan điểm của chúng tôi là kinh doanh nhưng vẫn phải có tâm”.

• Duy Hưng

Các tin khác