15/11: Vẫn còn nhiều hộ dân lén lút buôn bán gia cầm
(VietNamNet)- Ngày đầu tiên, (15/11), người dân tại TP.HCM chính thức không được nuôi gia cầm, thủy cầm, giết mổ gia cầm. Thế nhưng, vẫn còn một số người dân “bình chân như vại”.
Sáng 15/11, đội cơ động liên ngành số 3 đã bất ngờ kiểm tra điểm kinh doanh tại số 23/16C Trần Não, P. Bình An, Q.2. Tại đây, đội kiểm tra đã phát hiện hàng trăm chứng gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, số trứng này có giấy tờ hợp lệ nhưng không rõ ràng.
Cũng tại Q.2, đội kiểm tra đã phát hiện hơn 100 trứng gia cầm không rõ lai lịch tại số nhà 39/4 Lương Định Của, P. An Khánh, Q.2. Số trứng này ngay lập tức đã bị tịch thu và đưa về điểm tiêu hủy tập trung .
Lực lượng thú y đang truy bắt gia cẩm, thủy cầm không rõ nguồn gốc. |
Trước đó, rạng sáng ngày 15/11, theo chân đoàn kiểm tra của Chi cục thú y thành phố, chúng tôi nhận thấy các cơ sở kinh doanh, giết mổ gia cầm chấp hành khá nghiêm chỉnh quy định của UBND TP.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân tìm cách đối phó với cơ quan chức năng. Tại điểm hẻm 399, QL50, P.5, Q.8, đoàn kiểm tra phát hiện một hộ dân còn chứa trên 10 con vịt. Tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), vẫn còn ba cơ sở giết mổ nhập mới 700 con gà và 400 con vịt.
Đặc biệt, lực lượng kiểm tra còn phát hiện một cơ sở vẫn đang cho giết mổ với gần 25 con vịt và 195 con vịt sống. Theo giải thích của các chủ trại, họ “tranh thủ” làm đến hết ngày 15/11 để vớt vát phần nào chi phí vì công việc kinh doanh gia cầm đã trở nên ế ẩm.
Toàn bộ số gia cầm này đã được đề nghị chuyển về cơ sở giết mổ Huỳnh Gia Huynh Đệ gần đó, 1 trong 3 địa điểm giết mổ tập trung vẫn được UBND TP cho phép hoạt động.
Trước sự kiểm tra gắt gao như vậy, công việc kinh doanh của những hộ chăn nuôi gần như bị “đóng băng”. Chị Út Hương, một chủ trại than thở: “Dạo này, công việc làm ăn khó khăn quá! Thường ngày, cơ sở của tôi cũng giết mổ được 500- 600 gà, vịt, nhưng dạo gần đây, số lượng giết mổ không quá 20%. Đến gần giờ “G” (15/11) lượng gia cầm chuyển về có sở giết mổ càng hiếm hoi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số chủ cơ sở giết mổ “bằng mặt nhưng không bằng lòng” với chủ trương chung của thành phố. Theo đó, để giải quyết công ăn việc làm cho những công nhân sống bằng nghề giết mổ gia cầm, thành phố đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí cho họ chuyển đổi ngành nghề hoặc bố trí vào các cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn.
Tiêu hủy chuồng của những hộ chăn nuôi không chấp hành quy định của UBND TP.HCM về nỗ lực phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm ở người. |
Thế nhưng, một công nhân bức xúc nói với chúng tôi: “ Ông chủ dọa nếu làm việc cho Huỳnh Gia Huynh Đệ khi hết dịch, ổng sẽ không nhận trở lại làm việc nữa”. Các công nhân hiện rất thiếu thốn công việc mưu sinh hàng ngày, nhưng trước những lời đe dọa trên, họ không dám làm gì hơn ngoài việc chỉ biết “im lặng”.
Tính đến ngày 15/11, các cơ sở giết mổ, và lực lượng thú y đã tiêu hủy trên 80% lượng gia cầm của TP. HCM. |
Chiều ngày 15/11, ông TP.HCM Nguyễn Phước Thảo- Giám đốc Sở NN và PTNN cho biết như trên. Theo ông Thảo, chủ trương của thành phố đến ngày 15/11 phải ngưng tất cả các cơ sỏ giết mổ ở phường 5, quận 8 và khu vực xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh). Thế nhưng, do các chủ cơ sở hiểu đến hết ngày 15/11 mới chấm dứt nên trong ngày 15/11 vẫn còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ giết mổ gia cầm. Ông Thảo cho biết sắp tới, chủ trương của TP là khuyến khích các doanh nghiệp nên lập các cơ sở giết mổ gia cầm ở các địa phương như Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương. TP.HCM sẽ phối hợp với lãnh đạo các tỉnh đó hỗ trợ tối đa nhằm giảm áp lực tiêu thụ gia cầm qua hệ thống giết mổ an toàn. Các hộ giết mổ nhỏ lẻ xung quanh cơ sở An Nhơn (Gò vấp) có thể xin vào cơ sở An Nhơn giết mổ và đóng bao bì kiểm dịch thuộc An Nhơn. Liên quan đến chính sách hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho lao động và cơ sở giết mổ không phép và có phép ở huyện Bình Chánh, Q.8, bà Võ Thị Hiền- Phó chủ tịch UBND Q.8 đề nghị hỗ trợ cho lao động hành nghề giết mổ gia cầm một tháng 500 ngàn đồng kéo dài 12 tháng. Các hộ giết mổ không phép được trợ cấp 2 triệu đồng/hộ (trợ cấp trong sáu tháng); các hộ có phép là 3 triệu đồng/hộ (trợ cấp trong 12 tháng). Tuy nhiên đại diện Sở Tài chính cho biết, mức hỗ trợ đối với đối tượng này chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tháng/người (tối đa không quá ba tháng) và 2 triệu đồng/tháng/hộ. Đối với những người buôn bán sản phẩm gia cầm nhỏ lẻ, tại các chợ sẽ được hội phụ nữ các quận huyện hỗ trợ vốn chuyển sang mua bán hàng hóa khác. Từ ngày 15/11, các chợ chỉ được phép mua bán sản phẩm gia cầm ba công ty: Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ và An Nhơn. Các sản phẩm này sẽ được đóng gói theo nhu cầu của người sử dụng. |
- Khiết Nhu