Những hiểu biết cơ bản về cúm gia cầm
Trước những thắc mắc về dịch cúm gia cầm, VietNamNet xin cung cấp cho độc giả một số kiến thức cơ bản...
Bệnh cúm là gì?
Có ít nhất 15 typ khác nhau của cúm gia cầm mà thường nhiễm ở các loài lông vũ trên toàn thế giới. Vụ dịch hiện nay do chủng H5N1, có khả năng lây rất cao ở loài có lông vũ và gây chết rất nhanh. Không giống như nhiều chủng khác của virus cúm gia cầm khác, H5N1 có thể lây nhiễm sang người, gây bệnh nặng và tử vong.
Cúm gia cầm không giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng). Mặc dù triệu chứng như nhau, SARS gây ra do các virus hoàn toàn khác. Virus gây bệnh cúm cũng thường lây nhanh và không thể kìm chế lây lan dễ dàng như SARS bằng cách cách ly người bị bệnh.
Tại sao phải lo ngại cúm gia cầm?
Virus cúm rất không ổn định và có khả năng đột biến rất nhanh, có khả năng lây nhiễm từ động vật này sang động vật khác. Các nhà khoa học lo ngại là virus cúm gia cầm có thể tiến hóa thành một dạng dễ lây từ người sang người, làm lây bệnh nhanh chóng và là một bệnh nguy hiểm chết người. Điều này có thể xảy ra nếu một người nào đó đã bị nhiễm virus cúm người sau đó lại nhiễm virus cúm gia cầm. 2 loại virus này sẽ tái tổ hợp trong cơ thể bệnh nhân, gây ra một virus lai có thể lây lan nhanh từ người sang người. Loại virus lai này loài người chưa bao giờ tiếp xúc vì vậy không có miễn dịch và có thể gây đại dịch như đã xảy ra đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919 đã giết chết 40-50 triệu người trên toàn thế giới.
Lây truyền
Ở nông thôn, virus H5N1 lây lan nhanh chóng từ các trang trại gia cầm nội địa qua phân gà và chim hoang dã. Virus này có thể sống 4 ngày ở nhiệt độ 22oC và hơn 30 ngày ở 0oC. Nếu ở băng chúng có thể sống vô thời hạn. Vì vậy khi có dịch bệnh, một số người đã mắc bệnh cúm gia cầm do tiếp xúc trực tiếp với gà hoặc phân gà bị bệnh. Người nhiễm virus cúm gia cầm có thể lây sang người khác, mặc dù bệnh này thường nhẹ ở người lây từ người hơn người bị nhiễm trực tiếp từ gà.Nếu virus đột biến và phối hợp với virus cúm người, virus mới sẽ lây từ người sang người như sự lây lan virus cúm người.
Lịch sử
Dịch bệnh cúm gia cầm hiện nay khác với một vụ dịch gần đây nhất mà chính thức chưa thể kìm chế được sự lây lan. Một vụ dịch ở Hông Kông năm 1997 là lần đầu tiên virus lây từ động vật sang người, nhưng nhanh chóng được kìm chế. Tổng cộng có 18 người nhập viện và có 6 người chết. Khoảng 1,5 triệu con gà đã bị tiêu huỷ để loại trừ nguồn virus. Không giống với mối lo ngại năm 1997, vụ dịch này đã lan nhanh tới các nước châu Á, làm gia tăng khả năng virus tiếp xúc với người ở nhiều nơi và tăng khả năng chủng virus này sẽ phối hợp với virus cúm người.
Triệu chứng
Cúm gia cầm có thể gây một loạt các triệu chứng ở người. Một số bệnh nhân có sốt, ho, đau họng và đau cơ. Một số người khác bị đau mắt, viêm phổi, bệnh hô hấp cấp nguy kịch và các biến chứng nặng nguy hiểm.
Điều trị
Hiện đã có các thuốc chống cúm có thể được dùng cả để phòng ngừa người nhiễm cúm gia cầm và để điều trị những người đã nhiễm cúm gia cầm. Virus dường như kháng với hai thuốc chống cúm cũ là amantadin và rimantadin. Tuy nhiên, các thuốc chống cúm mới hơn Tamiflu và Relenza hy vọng sẽ có tác dụng và được cung cấp đủ nếu có dịch xảy ra.
Hiện nay chưa có vaccin cúm gia cầm, mặc dù các nhà khoa học đang nghiên cứu triển khai. Cần một vài tháng để hoàn thành và không thể có để dùng cho người để ngăn ngừa nếu xảy ra dịch cúm này ở người.
Phòng ngừa
Loại trừ nhanh virus H5N1 ở gia cầm và các động vật khác nhiễm bệnh là cần thiết để ngăn ngừa vụ dịch lớn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị là tiêu huỷ gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc gia cầm tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh để giúp ngăn ngừa virus lây lan và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người. Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo là phải có các biện pháp an toàn để ngăn ngừa virus tiếp xúc với người làm công việc tiêu huỷ.
(Nguồn tin Bộ Y tế)