Gia cầm chết nhanh hơn, virus cúm đang mạnh lên?
(VietNamNet) - Hiện tượng gia cầm, đặc biệt là thủy cầm chết đột tử, chết rất nhanh với số lượng lớn tại một số tỉnh phía Bắc vừa qua khiến các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành thú y lo lắng, bởi rất có thể virus cúm gia cầm có khả năng mạnh lên.
Chợ Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Tây) vẫn bày bán rất nhiều gia cầm. |
Gia cầm chết rất nhanh
Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị của Ban bí thư và Chỉ thị của TTCP về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, diễn ra hôm nay (9/11), tại Hà Nội, ông Lê Đắc Tá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, đàn vịt tại tỉnh này chết đột tử và chết nhiều, thời gian lưu bệnh ngắn.
Đến nay, Bắc Giang đã tiêu hủy trên 100.000 con gia cầm, thủy cầm và 200.000 trứng. Tỉnh đã cấm hoàn toàn việc nuôi thủy cầm. Số hộ còn lại được khuyến khích chuyển sang nuôi lợn, bò. Mỗi hộ dân được phát 30 kg vôi bột để khử trùng. Ông Tá cho biết tỉnh đang cố gắng hoàn thành việc dập dịch trước 20/1/2006.
Tại Hải Dương, tình trạng này cũng tương tự. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, ông Nguyễn Văn Tịnh, nói rằng, lực lượng thú y tỉnh Hải Dương chỉ đo gom xác vịt chết cũng mệt, vì chúng chết quá nhanh và quá nhiều.
Trước tình trạng này, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh đề nghị các nhà khoa học phải về ngay những địa phương này để nghiên cứu sự biến đổi của virus gia cầm, nhằm có biện pháp đối phó sớm và hiệu quả nhất.
Ông Quang Anh nghi ngờ, liệu virus độc lực cao như vậy có phải xuất phát từ gia cầm Trung Quốc nhập lậu không? Tại hội nghị, rất nhiều đại biểu quan ngại rằng, rất có thể virus cúm gia cầm đang biến đổi phức tạp, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ông Trương Văn Dung, Viện trưởng Viện Thú y, cũng cảnh báo, qua các mẫu bệnh phẩm lấy từ 15 tỉnh thành trọng điểm ĐBSH và ĐBSCL vho thấy, hầu hết kết quả đều âm tính, tức nguy cơ tái phát dịch tại Việt Nam là rất cao. Việc lấy mẫu chỉ chiếm 1,5% đàn gà, vịt song cũng phát hiện thấy cúm. Ngay tại chợ Long Biên (Hà Nội), các mẫu bệnh phẩm lấy ngẫu nhiên ở đây đều có virus.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo, đại dịch cúm gia cầm và cúm trên người xảy ra khi nào chỉ còn là vấn đề thời gian. Tại Việt Nam, xảy ra đại dịch sẽ là đại họa cho đất nước.
Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), từ 1/10 đến 7/11, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 xã, 8 huyện thuộc 6 tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Tổng số gia cầm mắc, chết và tiêu hủy là 20.684 con, trong đó có gần 9.500 con gà và 11.120 vịt, ngan.
Tỉnh Quảng Nam cũng vừa công bố có dịch. Hải Dương cũng có thể sẽ công bố phát hiện dịch cúm gia cầm trong vài ngày tới. Như vậy, so với cùng thời điểm năm 2004, năm nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên diện rộng hơn, ở cả 3 miền trong cả nước. Dịch xảy ra tại miền Bắc sớm hơn so với năm 2004.
Nguy cơ đại dịch ngay từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
60% (thậm chí có địa phương là 90%) gia cầm của Việt Nam hiện đang được nuôi trong các hộ gia đình, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, khi gà, vịt bị nhiễm bệnh, nguy cơ lây lan sang người tại Việt Nam do vậy là rất lớn. Bộ trưởng coi việc tuyền truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch cúm, nhất là cúm trên người, là biện pháp đặc biệt quan trọng hiện nay. Từ đó, phải tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ.
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Huy Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tây, nói, hiện có tới 70% trong số khoảng 8 triệu con gia cầm của Hà Tây nuôi tại các hộ nhỏ lẻ. Mặc dù lực lượng thú y Hà Tây đã thực hiện tốt việc tiêu độc, khử trùng (và đây cũng là biện pháp giúp Hà Tây thoát khỏi mùa dịch 2004), song, ông cũng rất e ngại trước kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống này.
Ông Đoàn Duy Ái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh, cũng lo lắng không kém vì ngoài 100 trang trại nuôi tập trung, 90% gia cầm của Quảng Ninh đang được chăn nuôi nhỏ lẻ. Chi cục Thú y tỉnh đang tập trung phun hóa chất, tiêu độc khử trùng tại các hộ có chăn nuôi gia cầm để giảm thiểu tối đa sự bùng phát của dịch bệnh.
Theo Quyết định về một số chính sách khuyến khích chuyển đổi chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh gia cầm, đang được Bộ NN-PTNT xin ý kiến Chính phủ, thời gian tới Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, thuế... cho các hộ chăn nuôi, giết mổ và buôn bán giá cầm nhỏ lẻ, phân tán chuyển sang hoạt động khác; các hộ trong diện phải di dời hoặc buộc ngừng hoạt động...
Ví như, sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay (10 triệu đồng) trong 3 năm cho hộ nông dân chuyển đổi chăn nuôi, ấp trứng gia cầm nhỏ sang chăn nuôi tập trung; việc chuyển đổi nghề cũng sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay, trong vòng 3 năm, với số tiền 20 triệu đồng...
Mỗi thôn, xã phải là một căn cứ chống dịch
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang Lê Đắc Tá rất bức xúc khi người dân trong tỉnh vẫn thờ ơ trước đại dịch. Họi coi rằng đó là việc xảy ra trên cúm gia cầm, không liên quan gì đến con người. Chính vì vậy mà thời gian tới Bắc Giang sẽ đẩy mạnh khâu tuyên truyền, đặc biệt là về trường hợp một phụ nữ 24 tuổi ở huyện Việt Yên đang mang thai 6 tháng bị sốt, đã được chuyển lên Viện Y học Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới để điều trị. Đây là chủ hộ có nuôi 240 con gà trước đó đã chết vì dịch bệnh.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu mỗi tỉnh, huyện, xã phải có kế hoạch phòng chống cúm gia cầm. "Guồng máy chỉ đạo" này cần hết sức chú ý đến các cơ sở, các thôn, xã trong việc thực hiện, giám sát dịch bệnh. Đồng thời, vận động bà con nông dân khai báo ổ dịch để phát hiện ngay, xử lý triệt để.
"Việc giám sát dịch bệnh trong các hộ nhỏ lẻ là trách nhiệm của thú y cơ sở và chính quyền thôn, xã, sao cho mỗi thôn là một căn cứ chống dịch. Tôi yêu cầu các đại phương tuyệt đối thực hiện 5 không: không nuôi thả rông gia cầm; không mua bán gia cầm bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch và không vứt xác gia cầm vừa bãi", Bộ trưởng nói.
Mỗi xã sẽ có một đội xung kích, gồm dân quân, tự vệ, công an để chuẩn bị sẵn sàng trong việc tiêu hủy, khoanh vùng khi có dịch. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số, nơi không có sóng phát thanh truyền hình, không có báo viết bằng chữ của người dân tộc.
Song song đó, các địa phương cần tiếp tục tiêm vắc-xin cho gia cầm một cách chặt chẽ và hiệu quả, nhằm thắt chặt đối tượng tiêm phòng. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhắc nhở, cần tiêm bổ sung ngay cho số gia cầm mới, bởi chúng ta hiện mới tiêm được 80% số gia cầm, 20% còn lại vẫn có thể nhiễm dịch bệnh.
Địa phương kiến nghị: - Lực lượng thú y quá mỏng: Cả Chi cục Hải Dương chỉ có 18 người, xã nhiều thì 4 người, xã ít thì 2 người nên không kham hết việc. Do vậy, các tỉnh đều đề nghị cần có sự tham gia của lực lượng quân đội trong phòng chống và xử lý dịch bệnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng các địa phương có thể kiến nghị UBND cấp tỉnh huy động lực lượng công an, dân quân, quân đội bởi việc này đã được Chính phủ cho phép. Sinh viên ngành thú y, chăn nuôi của các trường ĐH, CĐ, THCN cũng sẽ được huy động trong tình huống nguy cấp. Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cần phối hợp với Bộ Nội vụ có kế hoạch tăng cường cán bộ, biên chế thú y cho các chi cục thú y. - Quy định rõ việc tiêu độc, khử trùng: Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, việc tiêu độc khử trùng nên được quy định rõ là tiêu độc 2 lần/1 tuần hay 1 lần/tuần, đối tượng nào thì tiêu độc? Từ nay đến hết vụ đông xuân cần tiêu độc 20-30 lần nữa, Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính cần phối hợp để có kinh phí hỗ trợ các địa phương mua hóa chất khử trùng. Bắc Giang hiện đang thiếu tới 20 tấn hóa chất sát trùng. - Xử lý gia cầm đã tiêm phòng chưa được 28 ngày ra sao: Đây là thắc mắc của ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội. Đàn gà của Hà Nội hiện đã tiêm phòng mũi 1, theo quy định thì sau tiêm 28 ngày mới được tiêu thụ. Song, 15/11 tới khi Hà Nội hoàn toàn cấm nuôi gia cầm trong nội thành, nội thị thì xử lý đàn gia cầm như thế nào, vì mới tiêm phòng được hơn chục ngày, chưa đủ điều kiện để ăn hoặc bán, mà buộc phải tiêu hủy thì rất phí. |
-
Hà Yên