ĐH đẳng cấp quốc tế: Học từ cách chọn người
(VietNamNet) - "Việc hiểu biết tâm lý và cách làm của cả hệ thống giáo dục Việt Nam và nước ngoài chính là nhân tố quan trọng để ĐH đẳng cấp quốc tế có thể vận hành được". Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Trung tâm SEAMEO - Việt Nam. Anh đã có học vị Tiến sĩ về quản lý giáo dục tại Mỹ (University of Southern California, 1996), là nhân vật "tiềm năng" có thể góp sức cùng dự án xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Để xây dựng một ĐH đẳng cấp quốc tế, cần nhìn rõ xem chúng ta đang ở đâu, ưu điểm gì và nhược điểm gì, tại sao ta đầu tư rất nhiều mà vẫn chưa có ĐH nào được nêu tên trong các đánh giá xếp hạng của khu vực.
Ta đang đầu tư có hợp lý và hiệu quả chưa? Phải thấy mình yếu thế nào, có thể học tập những gì của nước ngoài? có thể ứng dụng những thành quả của ĐH nước ngoài vào trong điều kiện Việt Nam ra sao?ĐH dành cho... số ít
Về bản chất, giáo dục Việt Nam vẫn theo kiểu đại học (ĐH) tinh hoa, đào tạo số ít chứ không dành cho số đông. Hiện tại, dưới 15% số lượng thanh niên ở độ tuổi vào ĐH đang học ĐH. Trường lớp mở ra vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu học tập của thanh niên, nên không có sự cạnh tranh lớn giữa các trường ĐH với nhau, và càng không có sự cạnh tranh giữa ĐH Việt Nam với nước ngoài.
Điều này dẫn đến suy nghĩ của nhiều thí sinh thi vào ĐH là nếu không đủ điểm vào công lập thì "đành" vào tư thục, tư thục không đủ thì vào cao đẳng, rồi đến trường trung cấp dạy nghề; chứ nhiều lúc cũng không biết thật sự trường nào, ngành nào, bậc học nào phù hợp nhất với khả năng của mình.
Vì không có sự so sánh, nên ta không đánh giá được chất lượng các trường của Việt Nam so với các nước xung quanh, thậm chí cũng không rõ sự phân loại của các ĐH trong nước, đâu là trường hàng đầu? Theo đề án đổi mới giáo dục thì trong những năm tới sẽ có kế hoạch đầu tư vào các trường trọng điểm như các ĐH quốc gia hay ĐH chuyên ngành lớn (Bách Khoa, Kinh tế quốc dân, Nông nghiệp, Sư phạm). Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc đầu tư không dàn trải là con đường đúng, nhất là trong điều kiện phát triển còn hạn hẹp thì đầu tư chủ yếu tập trung vào một số trường trọng điểm. Tuy nhiên, các trường này có đủ sức làm chuẩn cho tất cả các hoạt động về học thuật không, có đủ sức lôi kéo cả hệ thống đại học đi lên hay không thì vẫn còn là câu hỏi... chưa có lời đáp.
Hiệu trưởng nên được đào tạo về quản lý
Những người làm quản lý giáo dục ĐH của ta, đặc biệt ở cấp trường, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, chưa được đào tạo về chuyên môn nên cũng chưa hiểu hết: để quản lý nhà trường có hiệu quả đòi hỏi phải có những điều kiện gì và làm như thế nào? Trong các tiêu chí tuyển chọn hiệu trưởng không có yếu tố "đào tạo về quản lý giáo dục". Các trường hiện giờ thiếu hẳn kế hoạch trung hạn và dài hạn. 5 năm, 10 năm nữa chúng ta làm gì thì ít người hình dung được. Ta mới chỉ có kế hoạch hành động từng năm, vì thế không có tính hệ thống, không tập trung được nguồn lực, không giải quyết được các vấn đề có tính chiến lược, mà ta luôn trong tâm trạng phải đối phó bằng các giải pháp tình huống.
Các trường đều đòi hỏi độc lập tự chủ, nhưng tôi sợ rằng cả khi có độc lập tự chủ, nhiều trường cũng chưa biết phải làm gì và làm như thế nào cho hiệu quả. Cấp vĩ mô chỉ đề ra chính sách và hướng phát triển của toàn hệ thống, còn phát triển gì trong giai đoạn nào là trách nhiệm của nhà trường. Các trường có khả năng hoạt động trong điều kiện của mình không? Phải có lộ trình nhất định không chỉ để xây dựng cơ chế, mà còn để làm chủ cơ chế ấy.
Sao vẫn chỉ "thầy đọc - trò ghi"?
PGS-TS Đỗ Huy Thịnh. |
ĐH khác với các bậc học khác do thành phẩm của nó là những sinh viên tốt nghiệp sẽ ra đời và cọ xát ngay với thế giới nghề nghiệp mà không còn bước chuẩn bị nào khác nữa. Không phải đợi đến vài năm tới, khi hội nhập đầy đủ với thế giới, hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta mới lộ ra những điểm yếu. Để tồn tại, phát triển và cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường, sinh viên tốt nghiệp phải có "hàm lượng chất xám" cao và phải tích lũy các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, nhất là trong một thế giới biến đổi nhanh như hiện nay. Tiếc là, những kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản trị kinh doanh, quản trị tiền bạc, quản trị thông tin... chưa được đào tạo trong trường các ĐH của Việt Nam.
Dù có điều kiện tiếp cận với nhiều phương pháp và công nghệ mới, ta vẫn đang dạy và học theo lối mòn theo kiểu "thầy đọc - trò ghi" nên sinh viên chỉ biết được một nguồn thông tin duy nhất từ người dạy. Trong khi Internet là nguồn thông tin lớn hơn bất kỳ một thư viện ĐH nào, nhưng ta vẫn lúng túng trong tiếp cận và tận dụng để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, nhu cầu công việc.
Đó là chưa kể kỹ năng sử dụng ngoại ngữ - dù nhiều người có những chứng chỉ ngoại ngữ khác nhau, nhưng bao nhiêu % có thể sử dụng ngoại ngữ một cách hiệu quả; hay kỹ năng sử dụng máy tính thì phần đông mới chỉ "đánh văn bản" chứ chưa tận dụng những tinh hoa của máy tính để công việc hiệu quả hơn, ngắn thời gian hơn và phục vụ nhiều mục tiêu hơn.
Vừa nặng, vừa yếu
Nội dung giảng dạy trong các chương trình đào tạo ĐH hiện nay phải được xem là một điểm yếu cơ bản, thiếu sự liên thông giữa các bậc học nên thường có sự trùng lắp. Trong các hệ thống giáo dục, liên thông phải được xem là một thuộc tính vốn có của hệ thống, chứ không phải là kết quả của các mệnh lệnh hành chính. Ngoài ra, nội dung học tập còn thiếu tính quốc tế hóa nên chưa có sự so sánh và đối chiếu cần thiết về kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời đại hôm nay, hiểu biết của sinh viên Việt Nam về khu vực và thế giới còn rất mờ nhạt.
Hơn nữa, chương trình đào tạo hiện nay của ta vừa nặng, lại vừa yếu (vì không phù hợp). Nhưng ta vẫn chưa cắt bỏ những nội dung không cần thiết để tăng cường kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Nói cho cùng, kiến thức đại học phải phản ánh được thế giới hôm nay, sát với nhu cầu người học trong việc đáp ứng thị trường, tạo được nền tảng, điều kiện và thói quen để con người có thể học cao hơn trong những giai đoạn sau của cuộc đời.
"Học" từ chính cách chọn người
Vì thế, trong điều kiện VN hiện nay, việc xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế với sự giúp đỡ của nước ngoài, áp dụng mô hình đã thành công của họ là rất cần thiết để ta có điều kiện so sánh, tham khảo ngay trên đất nước mình. ĐH này khi thực hiện+hiệu quả sẽ là mô hình để cả hệ thống tham khảo và rút kinh nghiệm, rất có lợi cho hệ thống giáo dục trong tương lai.
Làm giáo dục phải bắt đầu từ tâm huyết. Những người phía Việt Nam tham gia xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế này sẽ phải hiểu mô hình của nước ngoài và điều chỉnh cho phù hợp với VN. Việc hiểu biết tâm lý và cách làm của cả hai hệ thống chính là nhân tố quan trọng để ĐH đẳng cấp quốc tế có thể vận hành được.
Nên chăng, ta hãy để phía đối tác đưa ra những tiêu chí tuyển chọn cho các giảng viên cũng như lãnh đạo của trường, xem họ chọn người thế nào? Đó cũng là một cách "học" rất tốt, bởi bấy lâu nay trong chọn lựa người, dường như ta không theo các tiêu chí chú trọng đến khả năng tìm kiếm các cơ may phát triển nhà trường, mà chỉ chú ý đến khả năng ổn định nhà trường. Đã đến lúc cần phải có sự kết hợp hài hoà cả hai tiêu chí trên. Và đổi mới tư duy quản lý cũng bắt đầu từ đây.
-
PGS - TS Đỗ Huy Thịnh