(VietNamNet) - Tới nay, nhóm iCMS đã có thư chính thức của đầy đủ bốn thành viên gởi đến Toà soạn VietNamNet "Thư gửi Toà soạn và bạn đọc" để xin lỗi với cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) và tác giả Fraser.
Có đìều kiện theo dõi trực tiếp trong suốt đêm 2/12 và những giờ đầu tiên của ngày 3/12, Toà soạn VietNamNet đã có khá đầy đủ thông tin về những cuộc hội ý trong nội bộ nhóm iCMS và giữa nhóm này với ông Vương Vũ Thắng - Công ty Vinacomm.
|
Nhóm tác giả phần mềm iCMS nhận giải nhất TTVN 2003 cùng ông Vương Vũ Thắng (thứ hai bên phải sang). |
Đến rạng sáng 3/12, VietNamNet đã nhận được bức thư của nhóm iCMS với lời tựa "Kính gửi quý báo và các bạn quan tâm!". Tác giả bức thư là anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong bốn thành viên của nhóm iCMS - đoạt giải Nhất cuộc thi TTVN 2003 (gồm Nguyễn Công Kha, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Anh Tuấn), đã có ba thành viên thống nhất rằng nhóm phải chính thức đưa ra lời xin lỗi cộng đồng CNTT Việt Nam và tác giả Fraser như nội dung trong thư của anh Tuấn. Trong khi đó, cho đến 9g sáng nay (3/12), thành viên còn lại là anh Nguyễn Công Kha vẫn chưa có ý kiến thống nhất về tất cả nội dung trong thư.
Đến 10g, Toà soạn nhận được điện thoại của anh Công Kha về việc sẽ gởi thư chính thức của nhóm iCMS, với đầy đủ bốn thành viên trong khoảng 60 phút nữa cho VietNamNet.
Tới nay, VietNamNet đã nhận được thư chính thức của đủ bốn thành viên iCMS. Dưới đây là nội dung chính của bức thư của cả nhóm iCMS (thay thế cho bức thư do anh Nguyễn Anh Tuấn khởi thảo, đã xuất bản lúc 9g17 sáng 3/12):
"Kính gửi quý báo và các bạn quan tâm!
Chúng tôi, nhóm iCMS đoạt giải Nhất cuộc thi Trí tuệ Việt Nam (TTVN) 2003, gồm bốn thành viên: Nguyễn Công Kha, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Anh Tuấn.
Vừa qua, dư luận đã dấy lên vụ việc iCMS Việt hóa phần mềm của nước ngoài, đem đi thi và đoạt giải Nhất TTVN 2003. Là bên liên quan trực tiếp, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có trách nhiệm phải trả lời dư luận cũng như các cơ quan ngôn luận về vấn đề này.
Sản phẩm “Hệ thống khai thác và quản lý thông tin iCMS” dự thi TTVN 2003 là một giải pháp gồm ba phần: module Spider (khai thác và phân tích thông tin tự động), module Offline Client (đọc tin ngoại tuyến), module CMS (quản trị nội dung).
Module CMS của sản phẩm iCMS đã được xây dựng dựa trên nền tảng lý thuyết và mã nguồn mẫu mang tên CMS.NET kèm theo quyển sách "Real World ASP.NET: Building a Content Management System", tác giả Stephen R. G. Fraser, nhà xuất bản Apress, năm 2002.
Bắt đầu bằng phần mã nguồn cơ sở này, chúng tôi đã phát triển và tạo thêm nhiều thành phần và tính năng mới trong module thứ ba là CMS.
Là các sinh viên, lập trình viên trẻ, thiếu kinh nghiệm, chúng tôi đã bỏ qua phần copyright ghi trên sách và cho rằng, vì đây là một quyển sách hướng dẫn về lập trình CMS bằng ASP.NET nên chúng tôi có thể sử dụng chương trình mẫu trong đó tùy ý mà không cần phải xin phép hay dẫn chứng/ghi chú gì với tác giả. Đây quả là thiếu sót của chúng tôi vì sự hạn chế về nhận thức của mình.
Vào cuối năm 2002, thời điểm chúng tôi sử dụng mã nguồn này để bắt đầu phát triển module CMS, bản CMS.NET trong cuốn sách nói trên chưa được đưa lên Sourceforge.net để trở thành phần mềm nguồn mở được bảo vệ bởi luật mã nguồn mở GNU/GPL. Do đó, khi sử dụng, chúng tôi cũng không thấy rằng mình đã sử dụng một phần mềm nguồn mở và phải tuân theo luật GNU/GPL.
Đến tháng 10/2003, bản CMS.NET mới được đưa lên website trên để trở thành phần mềm mã nguồn mở. Và gần đây, khi có sự việc này xảy ra, chúng tôi mới biết đến điều này. Chúng tôi đã đọc lại phần Copyright của quyển sách, và nhận thấy rằng phần mã nguồn CMS.NET kèm theo được coi như một phần của cuốn sách, muốn sử dụng nó vào bất cứ mục đích gì đều phải xin phép tác giả và nhà xuất bản cuốn sách nói trên.
Sau đó, chúng tôi có đọc được tác giả trả lời qua email cũng như công bố trên website của ông rằng, nếu chỉ cần gửi email xin phép ông trước thôi, ông sẵn sàng cho sử dụng miễn phí mà chỉ đòi hỏi ghi nhận sự đóng góp của mình. Nhưng do không nhận thức sớm được điều này, chúng tôi đã không gửi email xin phép khi bắt đầu sử dụng mã nguồn nói trên để làm cơ sở phát triển nên module CMS vào cuối năm 2002.
Chúng tôi thực sự cảm thấy hết sức hối tiếc về những việc đã xảy ra, hoàn toàn không phải cố ý mà là do sự thiếu hiểu biết và sơ suất của mình. Nhân dịp này, cho phép chúng tôi được gửi lời xin lỗi công khai và chính thức tới tác giả Stephen Fraser và xin sẵn sàng nhận và thực hiện mọi yêu cầu và điều kiện của ông liên quan đến việc chúng tôi sử dụng phần mã nguồn trong cuốn sách nói trên.
Chúng tôi cũng xin liệt kê các thành phần mã nguồn miễn phí và mã nguồn mở (được bảo vệ bởi GNU/GPL) trong iCMS sau đây:
- Yahe.NET – sử dụng và cải tiến công cụ soạn thảo trực quan (WYSIWYG) trong module CMS.
- TNTControl – sử dụng trong module Spider và module OfflineClient
- Embedded Web Browser – sử dụng trong module Spider và module OfflineClient
- RegExp – sử dụng trong module Spider và module OfflineClient
- HTMLParser – sử dụng trong module Spider và module OfflineClient
- CMS.NET – sử dụng như là cơ sở ban đầu để phát triển module CMS
Dựa trên những cải tiến và ứng dụng của các thành phần mã nguồn nói trên, cộng thêm với những thành phần tự xây dựng của nhóm, chúng tôi đã tích hợp các phần lại với nhau và xây dựng nên giải pháp iCMS dự thi TTVN 2003.
Khi được hỏi về module CMS, chúng tôi đã khai báo lại với Ban giám khảo về việc sử dụng mã nguồn trong quyển sách trên, nhưng thiếu sót của chúng tôi là không bổ sung vào tài liệu thuyết minh dự thi TTVN.
Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng phần nguồn mở trong iCMS chỉ là một phần nhỏ so với những sáng tạo và công sức của chúng tôi mà BGK đã đánh giá. Về thông tin cho rằng iCMS giống với một sản phẩm phần mềm mã nguồn mở khác đến 80%, chúng tôi khẳng định là hoàn toàn sai.
Mọi việc liên quan đến giải thưởng của chúng tôi xin tùy thuộc vào Ban giám khảo, Ban tổ chức quyết định.
Nhân đây, chúng tôi cũng chính thức xin lỗi ông Stephen Fraser một lần nữa vì đã không ghi tên cuốn sách của ông trong phần tài liệu tham khảo của tài liệu dự thi. Đây là một việc làm không đúng đắn, rất mong ông lượng thứ cho hành vi này.
Chúng tôi cũng gửi lời xin lỗi chân thành tới cộng đồng CNTT Việt Nam nói chung và các thành viên trên Diendantinhoc.com nói riêng về những lời lẽ và khẳng định không chính xác do chưa hiểu hết vấn đề bản quyền và nhận thức còn non nớt của chúng tôi trong suốt thời gian qua.
Chúng tôi cũng xin có lời xin lỗi tới Công ty VinaComm do đã không nói rõ về một số thành phần mã nguồn mở trong sản phẩm iCMS khi chuyển giao cho công ty.
Nhóm iCMS cũng xin chân thành rút kinh nghiệm về cách ứng xử còn bồng bột và nhiều khẳng định khinh suất của mình trên các diễn đàn trên mạng.
Tuy vậy, chúng tôi xin khẳng định rằng: Tất cả chúng tôi đều không cố ý làm nên điều này và thật lòng mong muốn đóng góp khả năng nhỏ bé của mình phục vụ cho nền CNTT nước nhà.
Chúng tôi rất mong báo điện tử VietNamNet có thể đăng tải nội dung bức thư này như là một lời giải thích chính thức của chúng tôi.
Đây sẽ là một bài học quý báu trong cuộc đời, cho chúng tôi nhiều kinh nghiệm về việc cần thận trọng về bản quyền khi sử dụng hoặc tham khảo từ bất kỳ một nguồn nào để tạo ra những sản phẩm mới.
· Nhóm iCMS: Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Công Kha, Đặng Quang Huy, Nguyễn Thanh Tùng"
Như vậy, vấn đề là câu trả lời của ông Vương Vũ Thắng về vụ này, cũng như lời giải thích trước cộng đồng CNTT và báo giới về bản thông cáo báo chí ông đã gửi tới giới truyền thông ngày 30/11/2004, trong đó khẳng định rằng "phần mềm hệ quản trị nội dung iCMS hoàn toàn do đội ngũ kỹ thuật của nhóm iCMS xây dựng, và được Công ty Vinacomm tiếp tục nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa sau khi nhóm đoạt giải. Đó hoàn toàn không phải là một sản phẩm được copy hoặc lấy mã nguồn mở từ bất cứ đâu” (!).
Mặt khác, Toà soạn VietNamNet vẫn cho rằng vẫn còn một số vấn đề mà ông Vương Vũ Thắng sẽ phải trả lời với cộng đồng CNTT VIệt Nam KHÔNG CHỈ LIÊN QUAN ĐẾN iCMS. Chúng tôi sẽ tiếp tục loạt bài về vấn đề này, kính mời bạn đọc cùng theo dõi tiếp.
● Toà soạn VietNamNet
|