(VietNamNet) - Để hạn chế điện thoại di động (ĐTDĐ) nhập lậu tràn lan trên thị trường, sau nhiều ngày cân nhắc, ngày 15/10/2004 Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 81/2004/QĐ-BTC điều chỉnh thuế nhập khẩu điện thoại di động từ mức 10% xuống còn 5%, thuế giá trị gia tăng vẫn giữ nguyên ở mức cũ là 10%. Mức thuế giảm như trên liệu có làm thay đổi diện mạo thị trường ĐTDĐ? Ngày 22/11, phóng viên VietNamNet đã có cuộc khảo sát trên thị trường Hà Nội. Kết quả: Hàng lậu vẫn được bày bán công khai...
Cuộc đua giảm giá
Sau khi Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu điện thoại từ mức 10% xuống còn 5%, hầu hết các hãng điện thoại có mặt trên thị trường Việt Nam cũng đồng loạt giảm giá các sản phẩm. Mức giá giảm dao động từ 150.000 đồng đến 500.000 đồng tuỳ thuộc vào từng loại hàng, hoặc trung bình giảm 5% như LG. Có một số sản phẩm giảm giá lên tới tiền triệu. Như V878 của Motorola, trước đây được bán với giá trên 7 triệu, nay xuống còn hơn 4 triệu. Còn Samsung, hãng điện thoại đang gắng vươn lên dành vị trí thứ nhất trên thị trường di động Việt Nam cùng lúc công bố giảm giá 11 sản phẩm, với mức giảm trung bình khoảng 300.000 đồng/sản phẩm.
Cùng với việc giảm giá, các hãng điện thoại đua nhau tung ra các sản phẩm mới vào dịp cuối năm.
|
Chọn điện thoại nào? |
Đứng đầu phải kể đến Nokia với sản phẩm 7260. Đây là sản phẩm đầu tiên ra mắt trong bộ sưu tập “Huyền thoại đương đại” mà Nokia dự định sẽ tung vào thị trường Việt Nam bên cạnh những sản phẩm khác như: 6260, 3220, 2650. Samsung, sau một loạt sản phẩm mới như: E600, E800, cũng cho biết sẽ tiếp tục tung ra loạt sản phẩm mới: X120, C200, P730, X460, E810 vào cuối năm nay.
Siemens, hãng điện thoại bị tiếng là bảo thủ trong việc thiết kế sản phẩm nay cũng đã đổi mới, thông qua loạt sản phẩm: SL65, cải tiến của dòng sản phẩm SL55 trước đó; SF65 và SK65 vừa được giới thiệu và trưng bày tại Telecomp 2004. Sony Ericsson cũng đã cho ra một loạt sản phẩm mang tính thời thượng như: S700 với thiết kế hai mặt và có thể xoay; K700i, P910i… Riêng Motorola, với quyết tâm dành lại vị trí thứ 3 trên thị trường vào năm 2005, đã giới thiệu 10 sản phẩm mới với các mức giá linh hoạt phục vụ cho nhiều giới khác nhau: V3 (11,9 triệu), E398 (6,2 triệu), E680 (7,9 triệu), MPx (12,9 triệu), C116 (0,9 triệu), V171 (1,8 triệu), C131 (1,5 triệu), A688 (6,9 triệu), V303p (5 triệu) và C381 (1,9 triệu).
Hàng lậu bày bán công khai
Theo khảo sát của phóng viên VietNamNet, trên địa bàn Hà Nội, một số ít cửa hàng đã không còn bán hàng ngoài (hàng lậu) nữa. Nguyên nhân, theo như lời chủ cửa hàng số 5 Nguyễn Du: thuế nhập khẩu được điều chỉnh, mức giá hàng công ty cũng giảm theo, nên họ không cần bán hàng ngoài. Tuy nhiên phần lớn cửa hàng ĐTDĐ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn bán hàng lậu cho khách, song số lượng đã không còn nhiều và ồ ạt như trước nữa.
Một số mẫu điện thoại đã có trên thị trường chừng một năm trở lên như các sản phẩm: (Nokia 6100, Samsung A800, C100…) hầu như không còn hàng lậu trên thị trường. Hàng ngoài chỉ có đối với các dòng sản phẩm mới.
Hàng ngoài vẫn còn thu hút người mua có lẽ nguyên nhân chính là mức giá chênh lệnh với hàng công ty khá lớn. Tại một cửa hàng bán điện thoại trên phố Huế, chủ cửa hàng đã bày bán công khai hàng chục chiếc điện thoại lậu. Giá hàng ngoài chênh lệnh khá lớn so với hàng công ty từ 500.000 đồng – 2,2 triệu đồng/mỗi sản phẩm. Theo ông chủ cửa hàng này, dù hàng công ty đã giảm giá những vẫn còn cao hơn khá nhiều so với hàng xách tay, vì vậy hàng lậu vẫn còn chỗ đứng trên thị trường. Chủ cửa hàng này cũng khẳng định sẽ bảo hành cho khách 6 tháng, nếu trong vòng 1 tuần điện thoại hỏng sẽ được đổi ngay. Anh này cho biết, hàng của anh là do tiếp viên hàng không mang về, chất lượng hàng rất tốt. “Do có chế độ bảo hành dài hạn nên cửa hàng tôi chủ yếu được bán hàng ngoài”, anh này nói.
Theo ông Vũ Tuấn Hiệp, phụ trách marketing công ty FPT Mobile - nhà phân phối điện thoại Samsung và Motorola: mặc dù thuế nhập khẩu đã giảm từ 10 xuống còn 5%, nhưng so với hàng ngoài hàng công ty vẫn còn cao hơn do phải chịu 5% thuế nhập khẩu và 10% VAT. Vì vậy giảm thuế với hy vọng sẽ giảm hàng lậu là không thể.
Theo một số người có trách nhiệm, để hạn chế hàng điện thoại di động lậu không chỉ có giảm thuế, mà còn cần có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan liên quan. Đồng thời, các hãng cũng cần có những chính sách bán hàng, hậu mãi tốt để khuyến khích khách hàng lựa chọn hàng chính hãng. Quan trọng nhất, khách hàng cũng phải tự nhận thức được việc mua hàng ngoài là tiếp tay cho phạm pháp thì mới mong lập lại trật tự trên thị trường điện thoại di động.
|