(VietNamNet) - Ngày 6/5/2004, UBND TP.HCM đã có Quyết định 125/2004/QĐ-UB về quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet trên địa bàn Thành phố. Sau sáu tháng triển khai, các cơ quan hữu quan đã phối hợp kiểm tra việc thực hiện quyết định này. Kết quả? Vẫn còn tồn tại khá nhiều vi phạm...
|
Phần lớn khách hàng thường chat và dùng dịch vụ email tại các đại lý Internet công cộng. |
Ngay khi ra đời, Quyết định 125 đã được tổ chức triển khai đến tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và UBND các quận huyện. TP.HCM đã xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn về chuyên môn kiểm tra cho các ngành công an, văn hoá thông tin và một số quận huyện. Các quận huyện đã bước đầu tổ chức tuyên truyền cho các đại lý về các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh đại lý Internet, và tập huấn chuyên môn kiểm tra cho cán bộ trực tiếp tham gia.
Sau sáu tháng triển khai, Sở Khoa học-Công nghệ đã phối hợp với Sở Văn hoá Thông tin, Công an Thành phố, Cục Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực 2, cùng Ban An ninh Nội chính Thành uỷ tiến hành kiểm tra việc thực thi quyết định này tại 14 quận, huyện.
Có chuyển biến nhưng chưa nhiều
|
Kiểm tra thường xuyên sẽ giảm bớt các vi phạm tại các đại lý Internet. |
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trên mạng SaigonNet được thực hiện tốt hơn các ISP khác. Cũng đã có nhiều quận, huyện làm tốt, điển hình là các quận 10, 11. Một số đại lý đã ý thức được yêu cầu về tự quản an ninh thông tin, có kỹ thuật viên kiểm tra thường xuyên các địa chỉ truy cập của khách hàng, cài đặt phần mềm để khách hàng truy cập vào website có thông tin xấu.
Đáng mừng là ở không ít quận, huyện, tình trạng khách hàng truy nhập vào những website khiêu dâm, đồi trụy đã giảm (ước tính giảm khoảng 50%). Đây là dấu hiệu cho thấy công tác kiểm tra bước đầu đã có kết quả, các nhà cung cấp đã tổ chức tốt những biện pháp ngăn chặn các địa chỉ xấu trên mạng ngay từ cổng vào.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề cần phải sớm chấn chỉnh. Theo thống kê, hiện vẫn có 100% các đại lý có những vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình kinh doanh dịch vụ. Có đại lý đối phó bằng cách cài đặt một phần mềm để Đoàn kiểm tra không thể khởi động lại máy và truy nhập vào phần history. Một số đại lý lớn (thậm chí có hơn 100 máy) không cài đặt máy chủ để quản lý các khách hàng của mình...
Thiếu sự quan tâm từ nhà quản lý
Do trước đây chưa có quy định cụ thể về phối hợp giữa UBND quận, huyện với các cơ quan chuyên môn trong quản lý, xử lý đại lý Internet vi phạm. Vì vậy, hầu hết các đại lý vi phạm đã bị quận, huyện xử phạt vi phạm hành chính đều không có sự phối hợp của nhà cung cấp (nơi ký hợp đồng với đại lý) xử lý, dẫn đến tình trạng tái vi phạm của một số đại lý. Công tác xử lý đại lý Internet vi phạm còn kém hiệu quả, tỷ lệ xử lý vi phạm ít và mức phạt còn quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe.
Tốc độ phát triển đại lý Internet tại TP.HCM: |
- Năm 1997-1998: khoảng 600-700 đại lý Internet. - Năm 2002: trên 1.000 đại lý. - Năm 2004: hơn 1.500 đại lý. |
Phần lớn các quận, huyện chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ quản lý dịch vụ Internet, chưa chủ động triển khai việc phối hợp giữa địa phương với các cơ quan chuyên môn. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, đa số các quận huyện đều thiếu hoặc yếu về chuyên môn kiểm tra, còn lúng túng trong việc đánh giá các cơ sở, điều kiện (mật độ dân số, mặt bằng dân trí, độ phức tạp môi trường xã hội...) trong việc quy hoạch Internet trên địa bàn mình phụ trách.
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của các ISP và các đại lý Internet công cộng. Các cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét đình chỉ hoạt động đối với doanh nghiệp, đại lý có sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cơ chế phối hợp giữa UBND quận, huyện với các ban ngành xử lý vi phạm đại lý Internet. Thường xuyên giám sát, xử lý xem xét lại hợp đồng đối với các trường hợp vi phạm.
Quy định về quản lý việc sử dụng dịch vụ Internet trong trường học cũng sẽ được Sở Giáo dục-Đào tạo xây dựng và trình UBND TP.HCM trong thời gian sớm nhất.
Trách nhiệm của các đại lý Internet |
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về việc đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ Internet.
2. Thực hiện đầy đủ các điều khoản, điều kiện ghi trong hợp đồng đại lý ký với nhà cung cấp dịch vụ truy nhập Internet (ISP), nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP).
3. Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ tuân thủ pháp luật về Internet và có các biện pháp đề phòng, phát hiện, ngăn chặn người sử dụng dịch vụ vi phạm pháp luật về Internet như ăn cắp mật khẩu, truy cập đến các trang tin điện tử hoặc tuyên truyền, phát tán các tài liệu có nội dung đồi truỵ, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Khi phát hiện người sử dụng dịch vụ cố tình vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng Internet hoặc vi phạm nội quy của đại lý, đại lý Internet có trách nhiệm ngừng cung cấp dịch vụ và thông báo cho UBND quận, huyện hoặc Sở Văn hoá và Thông tin và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của mình để phối hợp xử lý.
5. Bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thiết bị Internet của mình; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mạng lưới thiết bị Internet, an ninh thông tin và điều tra, ngăn chặn tội phạm máy tính trong hoạt động Internet.
6. Đảm bảo các điều kiện hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng theo quy định tại điều 30 của Quy chế này.
(Điều 29, Quyết định 125/2004/QĐ-UB của UBND TP.HCM) |
|