(VietNamNet) - Tại Hội thảo "Mạng băng thông rộng" đã diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Việt Nam Telecomp 2004, ông Nghiêm Phú Hoàn - Phó trưởng Ban Viễn thông - Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã cho hay: với ưu thế của mạng băng rộng, không lâu nữa, mạng truy nhập sẽ là cáp quang và Ethernet sẽ thay thế ATM.
Thế giới: Phổ biến là DSL
20 quốc gia có số thuê bao DSL lớn nhất (tính đến 30.6.2004) |
Xếp hạng |
Nước |
Tổng số thuê bao |
1 |
Trung Quốc |
12.710.000 |
2 |
Nhật Bản |
12.068.718 |
3 |
Mỹ |
11.434.254 |
4 |
Hàn Quốc |
6.666.190 |
5 |
Đức |
5.000.000 |
6 |
Pháp |
4.687.000 |
7 |
Ý |
3.332.975 |
8 |
Anh |
2.724.698 |
9 |
Đài Loan |
2.720.000 |
10 |
Canada |
2.436.246 |
11 |
Tây Ban Nha |
2.067.031 |
12 |
Netherland |
1.387.000 |
13 |
Brazil |
1.366.048 |
14 |
Bỉ |
918.064 |
15 |
HôngKông |
753.000 |
16 |
Úc |
710.200 |
17 |
Thuỵ Điển |
656.842 |
18 |
Thuỵ Sỹ |
656.000 |
19 |
Đan mạch |
562.000 |
20 |
Thổ Nhĩ Kỳ |
555.341 | |
Theo ông Hoàn, hiện nay, nhu cầu sử dụng Internet băng rộng đang trở thành xu thế chung của thế giới và cả Việt Nam. Nếu như vào đầu năm 2003, trên toàn thế giới có khoảng 63 triệu thuê bao băng rộng (công nghệ truy nhập băng rộng xDSL), trong đó có 37 triệu thuê bao xDSL thì đến tháng 6/2004, số thuê bao xDSL đã là 78 triệu. Phần lớn các thuê bao băng rộng sử dụng tốc độ từ 256 kbps đến 100 Mbps.
Hiện trên thế giới đã có 20 quốc gia có số thuê bao băng rộng lớn nhất thế giới với tốc độ phát triển không ngừng tăng hàng năm. DSL được triển khai phổ biến nhất, sau đó là cable modem, LAN, Fixed-wireless access, Wireless LAN (WLAN), satellite và các công nghệ khác.
Internet Việt Nam: Băng rộng lấn lướt dial-up!
Là nhà cung cấp dịch vụ băng rộng lớn nhất ở Việt Nam trong thời điểm này, hiện VNPT đang có trong tay khoảng 2.000 thuê bao Internet trực tiếp; 250.000 thuê bao Internet gián tiếp (dial-up). Từ 1/7/2003, VNPT đã bắt đầu cung cấp dịch vụ mạng truy nhập băng rộng ADSL. VNPT đã triển khai lắp đặt hệ thống truy nhập tại 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo thống kê đến ngày 31/10/2004, cung cấp được cho 26.610 thuê bao/31.560 đơn xin lắp đặt dịch vụ ADSL.
Theo dự đoán của các chuyên gia viễn thông, mặc dù hiện nay thuê bao Internet trực tiếp, gián tiếp của Việt Nam vẫn chiếm đa số, tuy nhiên, với tốc độ phát triển hàng ngàn thuê bao mỗi tháng, chẳng mấy chốc, băng rộng tại Việt Nam sẽ phát triển bằng và rất có thể sẽ lấn lướt.
Công ty điện toán và truyền số liệu VDC, doanh nghiệp thuộc VNPT hiện cũng đang khai thác dịch vụ ADSL kết nối POP/ Internet đã có 26 tỉnh, thành đang khai thác với tổng số khoảng hơn 1.600 thuê bao nữa. Bên cạnh những thuê bao nộp đơn mới còn có những thuê bao dial up của VDC đã chuyển sang sử dụng dịch vụ ADSL của nhà cung cấp này.
|
Ông Nghiêm Phú Hoàn phát biểu tại Hội thảo. (ảnh: TN) |
Ông Hoàn cho biết, cùng với ADSL, mạng NGN (Next Generation Network) - một trong những yếu tố được coi là quan trọng của hạ tầng băng rộng hiện đang được VNPT triển khai đã bước đầu cung cấp các dịch vụ xDSL, dịch vụ thoại và truyền số liệu trên cơ sở hạ tầng thông tin thống nhất như dịch vụ MegaVNN, các dịch vụ VOD, Internet TV, cung cấp kết nối mạng WAN; Voice, dịch vụ 1800, 1900... Đặc biệt, việc triển khai thử nghiệm mạng MAN (kết nối FE cho các thuê bao) tại TP.HCM sử dụng các kết nối SHDSL 2,3Mbps vừa qua được đánh giá là thành phố tiên phong trong việc xây dựng mạng băng rộng dùng riêng của Việt Nam.
2005: 1 triệu thuê bao thương mại điện tử
Hiện hạ tầng phát triển mạng băng rộng trong nước của VNPT là hệ thống truyền dẫn bao gồm: Truyền dẫn trục Bắc - Nam với Ring cáp quang 20 Gbps công nghệ DWDM; Truyền dẫn liên tỉnh sử dụng chủ yếu cáp quang đấu thành vòng RING. Dự kiến đến 2005, VNPT sẽ cơ bản hoàn tất việc đấu vào mạng liên tỉnh bằng cáp quang. Song song với đó, mạng nội tỉnh truyền dẫn chủ yếu bằng cáp quang và viba số. Đến 2005, tất cả các huyện (trừ các huyện đảo) được đấu về trung tâm tỉnh bằng cáp quang.
Với mạng kết nối quốc tế, thông qua các hệ thống cáp quang biển TVH 565 Mbps, hệ thống CSC 2,5 Gbps, hệ thống cáp quang biển SEA-ME-WE3 10 Gbps; Hệ thống thông tin vệ tinh Intelsat. Tổng dung lượng kết nối Internet quốc tế (các hướng đi Mỹ, Nhật, Hongkong, Úc, Singapore) là 1,2 Gbps.
Trong kế hoạch phát triển hạ tầng mạng băng rộng, VNPT đang tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, tiếp tục triển khai mạng thế hệ sau NGN. Dự kiến đến 2010, VNPT sẽ phát triển mạng chuyển tải: tham gia đầu tư các tuyến cáp quang biển quốc tế với các đề án Tricom, C2C...; Đưa vào khai thác các tuyến trục Bắc - Nam mới như cáp quang đường Hồ Chí Minh, tuyến FESTON; Kết nối cáp quang đến tất cả các tỉnh, thành phố, các trung tâm huyện, thị xã.
Cũng trong kế hoạch này, sẽ có 80% các điểm chuyển mạch/truy nhập có cáp quang; Mở rộng cấu trúc mạng chuyển tải NGN để phù hợp với mô hình tập đoàn. Đặc biệt, sẽ hình thành các mạng chuyển tải NGN vùng, kết nối băng thông rộng với mạng chuyển tải NGN trục; bổ sung thêm các node trục và POP tại các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, dung lượng đường truyền đấu nối sẽ được tăng cường còn phụ thuộc vào số lượng khách hàng và nhu cầu băng thông của khách hàng.
Gần hơn, VNPT sẽ triển khai mạng cáp quang kết nối các tỉnh có băng thông 2,5Gbps và cáp trục quốc gia băng thông 20Gbps đặc biệt, sẽ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử với khoảng 1 triệu thuê bao đăng ký tham gia vào năm 2005.
Chọn công nghệ băng rộng nào? |
Trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Telecomp 2004, các hãng đã giới thiệu các giải pháp công nghệ ứng dụng cho mạng băng thông rộng:
- Siemens: Trình diễn giải pháp mạng UMTS/3G, mạng thế hệ sau (NGN) với công nghệ SURPASS.
- Ericsson: Giới thiệu công nghệ EDGE cho mạng di động GSM/GPRS (2,5G); Giải pháp truy nhập băng rộng DSL Ethernet (EDA); Giải pháp Expander mở rộng mạng GSM/EDGE; Giải pháp mạng di động thế hệ 3 (3G).
- Motorola: Giới thiệu giải pháp truy cập băng thông rộng không dây CanopyTM và các giải pháp thông tin liên lạc không dây: GSM, GPRS, eDGA và CDMA2000 1X (mạng thế hệ 3).
- Korea Telecom: Cung cấp dịch vụ băng thông rộng Broadband cho gia đình (Broadband in your home).
- Ngoài ra các hãng Alcatel, Nokia và UT Starcom cũng đã giới thiệu các giải pháp và dịch vụ cho mạng 3G. |
Thuỷ Nguyên - Hải Linh |