Thời cơ mới, vị thế mới để nâng mức phát triển ICT
(VietNamNet) - Với vị thế ngày càng nâng cao trong Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), ngành bưu chính-viễn thông (BCVT) Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT, viết tắt tiếng Anh ICT) trong bối cảnh cạnh tranh khu vực và thế giới.
Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU - International Telecommunication Union) |
Ngày 17/8/1865, Công ước Điện tín Thế giới đầu tiên được ký kết giữa 20 nước. Liên minh Điện tín Quốc tế (International Telegraph Union) ra đời.
Tại Hội nghị Madrid năm 1932, Liên minh đã quyết định liên kết Công ước Điện tín Quốc tế 1865 với Công ước Vô tuyến điện Quốc tế 1906 thành Công ước Viễn thông Quốc tế. Ngày 1/1/1934, Liên minh Điện tín Quốc tế đã đổi tên thành Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU (International Telecommunication Union) nhằm khẳng định lại phạm vi hoạt động của mình trong tất cả các hình thức truyền thông: hữu tuyến, vô tuyến, các hệ thống cáp quang và các hệ thống điện từ. Hiện nay, ITU đặt trụ sở ở Geneva (Thuỵ Sĩ), và là tổ chức viễn thông lớn nhất thế giới. Hơn 130 năm đã trôi qua, nhưng những nguyên nhân dẫn tới việc thành lập Liên minh và những mục tiêu cơ bản của tổ chức này vẫn không có gì thay đổi. Trong đó, một mục tiêu chính là "giữ vững và tăng cường quan hệ quốc tế trong mọi thành viên, nhằm hoàn thiện và sử dụng viễn thông một cách có hiệu quả nhất". |
Nhờ đâu có vị thế quan trọng trên bản đồ thế giới?
Theo Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá, ngành BCVT Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Trong đó, đặc biệt là đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia có công nghệ hiện đại.
"Từ hệ thống truyền dẫn bằng dây trần, vô tuyến sóng ngắn và cáp kim loại với công nghệ lạc hậu và chất lượng thấp, chúng ta đã thiết lập được hệ thống truyền dẫn qua vệ tinh, cáp quang, vi ba số cả trong nước và đi quốc tế với công nghệ hiện đại. Từ hệ thống chuyển mạch với tổng đài nhân công và tự động điện cơ, chúng ta đã thiết lập được một hệ thống tổng đài điện thoại điện tử kỹ thuật số hoàn toàn tự động cả nội hạt, đường dài và quốc tế. Hệ thống thiết bị thuê bao cũng có nhiều thay đổi, phù hợp với trình độ công nghệ của mạng lưới. Mạng lưới thông tin trên biển Đông đang được hiện đại hoá, phục vụ có hiệu quả kinh tế và quốc phòng trên biển. Các mạng chuyên dùng tiếp tục phát triển và gắn kết với mạng công cộng. Gần 500 mạng chuyên dùng của các Bộ, ngành, các tổ chức đã từng bước được hiện đại hoá theo chiến lược chung của ngành, đảm bảo đồng bộ, thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật khi kết nối với mạng viễn thông công cộng. Cho đến nay, chúng ta đã bảo đảm liên lạc vững chắc từ Trung ương đến tất cả các tỉnh, huyện và đến hầu hết các xã trong cả nước, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, biển Đông và đến hầu hết các nước trên thế giới." - Bộ trưởng Đỗ Trung Tá cho biết.
Bên cạnh đó, ngành BCVT đã cung cấp một hệ thống các dịch vụ BCVT, Internet phong phú, tiên tiến: Từ những dịch vụ nghèo nàn, chất lượng thấp và đối tượng cung cấp rất hạn hẹp thời bao cấp, đến nay dịch vụ phát triển rất nhanh, đã được xã hội hoá với nhiều loại hình phong phú cả truyền dữ liệu, âm thanh và hình ảnh. Tới nay, gần 90% số xã trong nước đã có dịch vụ điện thoại, mật độ điện thoại bình quân cả nước đạt gần 5 máy/100 dân, gấp hơn 20 lần so với năm 1990. Với việc ứng dụng CNTT, kết hợp tin học với viễn thông, ngành BCVT đã cung cấp cho xã hội những dịch vụ tiên tiến nhất như di động, truyền số liệu, truyền hình ảnh, truyền báo điện tử và nhiều dịch vụ gia tăng giá trị. Đặc biệt, mạng và dịch vụ Internet tiếp tục được tăng cường đầu tư, phát triển mở rộng, trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ cùng tham gia hoạt động là Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT), FPT, NetNam, SPT, SaigonNet, Viettel, ETC.
Bộ BCVT giữ trọng trách phát triển nền công nghiệp ICT Việt Nam. |
Năm 2003, theo cách tính của ITU, chỉ số dung lượng kênh Internet/người dùng Internet của Việt Nam là 600Bps (byte/second), cao hơn so với Trung Quốc (231Bps), xấp xỉ Thái Lan và tương đương với mặt bằng chung trong khu vực. Đây là tốc độ tăng trưởng khá cao (200%-250%/năm).
Cũng trong tháng 6/2003, ITU đã đánh giá tốc độ phát triển viễn thông của Việt Nam xếp thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc). Việt Nam cũng được coi là quốc gia có hạ tầng viễn thông dựa trên công nghệ hiện đại nhất. Theo nhận định trên website của ITU, "Việt Nam là một trong những thị trường viễn thông chính đang nổi lên của khu vực ASEAN, và một trong những nền tảng của sự phát triển này là việc mở rộng các mạng viễn thông. Trong vòng năm năm qua, Việt Nam đã duy trì liên tục tốc độ phát triển mạng điện thoại cố định trung bình ở mức 26,8%, cao hơn Trung Quốc một chút và đứng ở hàng cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, tốc độ phát triển thuê bao di động vẫn chưa ở mức cao, và có tỷ lệ giữa số thuê bao di động/cố định vẫn nằm trong mức thấp trong khu vực".
Trả lời phỏng vấn của VietNamNet, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá vui vẻ cho biết: "Từ khi có chính sách mở cửa thị trường, thành lập Bộ BCVT, không khí kinh doanh, phát triển trong lĩnh vực BCVT-CNTT có bước tiến rất lớn. Hiện có năm công ty kinh doanh dịch vụ thông tin di động. Về CNTT, năm 2000 Việt Nam chưa có tên trong bản đồ CNTT thế giới nhưng năm 2001–2002, xét về chỉ số sẵn sàng mạng lưới, Việt Nam xếp thứ 74. Thứ hạng này vào năm 2002 đã lên thứ 71, năm 2003–2004 xếp thứ 68 (điều thú vị là Philipines thu nhập cao hơn ta nhưng lại đứng thứ 69). Theo đánh giá của các chuyên gia CNTT, lĩnh vực CNTT Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 28%/năm. Tổng giá trị ICT năm 2003 ở Việt Nam khoảng hai tỷ USD, và đến năm 2004 này có triển vọng sẽ lớn hơn vì riêng doanh số VNPT đã gần hai tỷ USD...".
59 năm, nhiều bài học quý...
Trong năm kinh nghiệm quý báu được Bộ trưởng Đỗ Trung Tá đúc kết, dẫn đầu là bài học kinh nghiệm về đổi mới công nghệ: Ngành BCVT đã kiên quyết đi thẳng vào công nghệ số - công nghệ tiên tiến trên thế giới, thay đổi cơ bản hệ thống thiết bị phù hợp với công nghệ mới từ hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch đến thiết bị thuê bao, tạo một bước nhảy vọt về công nghệ.
Tiếp theo, là bài học kinh nghiệm về đổi mới cơ cấu đầu tư, với một loạt biện pháp mang tính chiến lược về tạo vốn và đầu tư, lấy đột phá khẩu là phát triển thông tin quốc tế để tạo vốn đầu tư phát triển trong nước, ưu tiên đầu tư ở các trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại, các vùng có nhu cầu lớn, doanh thu cao, các hệ thống đường trục quan trọng, từ đó thúc đẩy đầu tư ở các nơi khác.
Ngoài vốn nội sinh do doanh thu mang lại, ngành BCVT đã sử dụng nhiều nguồn vốn quan trọng khác như vốn hợp tác với nước ngoài, vốn vay nước ngoài, vốn ngân sách, vốn của địa phương và vốn huy động trong dân, trong cán bộ, công nhân viên của ngành.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ nghiệp vụ BCVT với gần 200 nước trên thế giới. Vị thế của ngành BCVT Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, qua sự kiện Việt Nam được tái cử và trúng cử vào các tổ chức quốc tế lớn nhất về BCVT như: Hội đồng Điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Ban chấp hành Đại hội đồng Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU). Ngành BCVT Việt Nam đã tham gia tích cực trong hoạt động chung của các tổ chức khác như APT, APPU, INTELSAT, INTERSPUTNIK, ASEAN, APEC... Đặc biệt, trong môi trường phát triển và biến động lớn của BCVT quốc tế, BCVT là ngành sớm nghiên cứu, xây dựng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo thế chủ động cho Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập các tổ chức kinh tế quốc tế, trong các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước, bao gồm cả Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.
Mục tiêu mới: Phát triển trung bình khá trong ASEAN+3
Từ ngày 7 tới 11/9 tới, sự kiện Diễn đàn Khu vực ITU TELECOM ASIA 2004 (lần VII) sẽ được tổ chức tại Busan, Hàn Quốc, với mục tiêu nhấn mạnh vào công nghệ và những cơ hội phát triển tại châu Á-Thái Bình dương, khu vực dẫn đầu thế giới về các công nghệ băng thông rộng, di động và kết nối không dây. Chủ đề chính của diễn đàn sẽ là "Châu Á đang dẫn bước tương lai" (Asia Leading the Future), nhằm nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp ICT khu vực châu Á -Thái Bình dương.
"Khu vực châu Á-Thái Bình dương đang dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực then chốt như băng thông rộng và di động thế hệ mới, cũng như sự phát triển của các công nghệ mới đầy sáng tạo." - ông Yoshio Utsumi, Tổng thư ký ITU cho biết - "Tuy nhiên, đây cũng là khu vực còn có những nước có mức độ tiếp cận ICT ở mức thấp nhất thế giới. ASIA 2004 sẽ mang lại một lợi thế quan trọng cho mọi nhà cung cấp viễn thông trong khu vực, của cả những nước đã phát triển và chưa phát triển, giúp họ mở ra những cơ hội và lợi thế mà khu vực có nền công nghiệp ICT phát triển nhất thế giới mang lại. Các nhà cung cấp cũng sẽ có cơ hội khai thác những loại hình công nghệ đóng vai trò chủ đạo trong tương lai của nền công nghiệp ICT khu vực".
Châu Á-Thái Bình dương,- điểm nóng của ngành công nghiệp ICT toàn cầu. |
Nếu nắm bắt được những cơ hội phát triển này, trong tương lai, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng sẽ xây dựng được những trung tâm gia công phần mềm như Bangalore của Ấn Độ, những hệ điều hành nguồn mở như Red Flag và các trung tâm công nghệ bán dẫn lớn của Trung Quốc, những mạng lưới kết nối băng thông rộng tốc độ nhanh gấp 8 lần của Mỹ tại Hàn Quốc, hay các dịch vụ di động thế hệ mới tích hợp thanh toán điện tử hiện đại nhất thế giới của Nhật Bản.
Theo Dự thảo Chiến lược phát triển ICT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, do Bộ BCVT trình lên Chính phủ, một định hướng quan trọng để đạt mục tiêu xây dựng và phát triển ICT thành ngành công nghiệp mũi nhọn là: Tạo mọi điều kiện ưu tiên, hình thành môi trường thuận lợi để Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn và tin cậy của các đối tác quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn ICT lớn. Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế, các hình thức đầu tư nước ngoài, kể cả hình thức 100% vốn nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp ICT.
Ngoài ra, trong chương trình hành động triển khai về phát triển thương mại điện tử, Dự thảo cũng nhấn mạnh: Cần xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại điện tử, tham gia chương trình e-ASEAN về thương mại điện tử, chuẩn bị hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, mục tiêu mà Dự thảo đặt ra trong giai đoạn 2005-2010, Việt Nam phải đạt được mức trung bình về phát triển ICT trong khu vực ASEAN+3, như mức cước viễn thông phải bằng hoặc thấp hơn mức trung bình, số thuê bao truy cập Internet bình quân phải đạt mức trung bình hoặc cao hơn.
Cũng theo Dự thảo này, mục tiêu phấn đấu hiện nay của Việt Nam đến năm 2020 là phải chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế-xã hội, trở thành một nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin. Để làm được điều này, Việt Nam cần có một nền công nghiệp ICT phát triển mạnh mẽ, và khả năng tiếp cận ICT của người dân phải rất lớn.
Ngành BCVT Việt Nam đang đứng trước một thời cơ mới, cùng với trọng trách tạo ra động lực cho một nền kinh tế phát triển dựa trên tri thức và công nghệ.
- Bình Minh - Ngọc Trâm
Tin, bài liên quan:
VNPT: Từ ''anh bưu điện'' đến tập đoàn kinh tế mạnh
Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT
Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực
Mười năm, chín lần giảm cước di động...