,
221
4701
60 năm BCVT
60nambcvt
/cntt/60nambcvt/
573820
Tâm sự cuối năm của "người đi nối khoảng cách"
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,

Tâm sự cuối năm của 'người đi nối khoảng cách'

Cập nhật lúc 11:21, Thứ Ba, 08/02/2005 (GMT+7)
,

Năm nào cũng như năm nào, mỗi khi Tết đến cũng là khoảng thời gian mà những người làm bưu điện bận rộn nhất trong năm. Mọi người gửi thư nhiều hơn, chuyển hàng nhiều hơn, gọi điện nhiều hơn, báo phát hành nhanh hơn... Khối lượng công việc cứ tăng vùn vụt mà sức người thì có hạn. Thế nhưng, các anh các chị vẫn lặng lẽ tiếp tục nhiệm vụ làm dâu trăm họ như trong suốt một năm qua các anh chị đã cần mẫn làm.

Anh Dương Văn Kiểm (Bưu tá - Tổ phát thư báo Bưu điện trung tâm II)

Anh Dương Văn Kiểm, Bưu tá - Tổ phát thư báo Bưu điện trung tâm II

Anh em chúng tôi thường hay đùa nhau là ''Nếu chưa bị chó cắn thì chưa phải là bưu tá''. Nói vui vậy, vì trong tổ của chúng tôi ai cũng bị chó của chủ nhà cắn ít nhất là 1 lần. Có cậu, mới vào nghề, không đề phòng, suýt nữa bị chó cắn đứt tai. 5h sáng, bất kể là mưa hay bão, toàn đội có mặt đầy đủ để nhận bưu phẩm, phân loại báo chí cho kịp lên đường. Với báo thì phải chuyển đến tay người nhận trước 8h30 sáng. Đó là chuyện thường ngày. Mỗi chuyến ''ra quân'' là 50 cân bưu phẩm, chinh phục hàng chục tầng nhà bằng cầu thang bộ. Đấy cũng là chuyện thường. Mỗi buổi sáng phải đi gần 400 địa chỉ. Có những địa chỉ khó, phải mất 3,4 ngày mới tìm ra để chuyển thư. Một năm có 365 ngày chỉ được nghỉ đúng hai ngày, chúng tôi cũng đã quen rồi. Nếu ai hiểu được công việc của chúng tôi thì cũng hiểu được lý do tại sao chỉ có anh bưu tá chứ không có chị bưu tá, hay cô bưu tá. Công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có thể lực và sức khỏe, làm sao nỡ để chị em phụ nữ làm.

Làm một người bưu tá không chỉ cần có sức khỏe, nhanh nhẹn mà còn cần có tấm lòng và sự nhiệt tình. Chúng tôi luôn tâm niệm, trong mỗi phong thư, đều chứa đựng những điều quan trọng và ý nghĩa với người nhận và người gửi. Chỉ có những trường hợp không thể tìm ra người nhận chúng tôi mới đành bó tay mang thư về.

Niềm vui lao động với chúng tôi là chuyển hết số thư trong ngày và trở về với chiếc túi nhẹ bẫng. Là lời suýt xoa khen ngợi của khách hàng: ''Địa chỉ nhà em khó thế mà bác cũng tìm được ra''. Là nỗi xúc động nghẹn ngào khôn nói lên lời của người mẹ khi cầm trên tay lá thư cua con trai từ đảo xa. Đó là những điều khiến chúng tôi tự hào với công việc của chính mình.

Anh Nguyễn Văn Hải (Nhân viên trực tổng đài điện thoại cố định vệ tinh, Khâm Thiên hà Nội)

Anh Nguyễn Văn Hải, Nhân viên trực tổng đài điện thoại cố định vệ tinh, Khâm Thiên hà Nội

Nhận điện sự cố từ 119, báo người đi sửa chữa, nghe báo hỏng của trạm Cityphone và reset máy, kiểm tra hệ thống chống côn trùng gặm nhấm...Chắc mọi người nghĩ công việc trực tổng đài của chúng tôi chỉ đơn giản vậy.

Đặc thù của công việc trực tổng đài là thời gian trực máy 24/24, ca tối, đêm. Ngày lễ, Tết, không đi quá phòng máy... 20m, chẳng phân biệt ai (nam nữ, con nhỏ, nhà xa...) trừ những người có có chế độ thai sản, con dưới 1 tuổi.

Đấy, việc cứ diễn ra đều như thế, khi mọi sự ''bình yên'' thì chỉ nỗi buồn là cảm giác đáng ngại nhất. 8 tiếng đồng hồ nhìn máy, nhìn bốn bức tường, đồ vật mòn cả đi vì mình nhìn nó nhiều quá. Phương tiện giải trí thì chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân hàng ngày, không được xem TV, không nghe đài....Không phải là không có mà theo quy định, nếu xem TV hay đọc sách báo sẽ làm mình không chú ý kiểm tra thiết bị...Nguy cơ cháy nổ, nước ngấm, dột, côn trùng, sét đánh...vẫn luôn có thể xảy ra.

Năm ngoái, đúng phiên trực đêm 30 tết, thì đó cũng là lần đầu tiên tôi được làm bố, lại phải xa con, xa vợ. Đứa con bé bỏng vừa đỏ hỏn chào đời được mấy ngày, lại không có bố ở bên. Trong khi đó bố thì lại ngồi co ro trực tổng đài nối thông tin đi mọi nơi mà nhớ con trai da diết.

6 năm làm ở trạm này rồi, dù công việc có nhàm chán, đơn điệu buồn tẻ nhưng tôi vẫn không nghĩ mình sẽ rời công việc này, vì tôi nghĩ đấy cũng là một nghề, nhiều đồng nghiệp cùng trạm còn vất vả hơn tôi nhiều lần.

Anh Nguyễn Gia Phương (Công nhân dây máy Đài Khát Chân - Hà Nội )

Anh Nguyễn Gia Phương (Công nhân dây máy Đài Khát Chân - Hà Nội).
Công việc của chúng tôi diễn ra hàng ngày như bao người khác. Đặc trưng là leo cột và những cuộn dây vác trên vai...Ngay khi 119 (trung tâm báo sửa chữa điện thoại) chuyển phiếu báo hỏng xuống, những người dây máy chúng tôi lại lên đường (nói thực chỉ mong có ít phiếu thôi, điều đó cho thấy mạng của mình ổn định, được đầu tư, chăm sóc tốt...). Còn mưa, nắng chỉ là chuyện của trời. Nhưng với những em mới nhận việc, thì đó là một thử thách thực sự. Ngày mưa rét căm căm, thợ đường dây nhận phiếu lên đường khắc phục sự cố. Xong việc trở về đài, cả người run cầm cập trong bộ quần áo ướt sũng, nhưng 119 đưa phiếu xuống, anh em tiếp tục ra đường. Công việc là như vậy, chẳng thể ai không quen được. Nhưng đời thợ dây máy cũng không ít kỷ niệm vui buồn vào những thời khắc đáng nhớ.

Mùng 1 Tết Giáp Thâm 2004, tổ tôi trực gồm có 3 người. Khoảng 9h sáng, chúng tôi nhận được 3 phiếu báo hỏng đều ở khu vực Kim Ngưu. Thuê bao đầu tiên sau khi kiểm tra sơ bộ, tổ chúng tôi kết luận, đường dây ngầm đã hỏng, cần thay dây chân tường. Tuy nhiên, chúng tôi đã vấp ngay sự phản ứng của gia chủ. Họ căn vặn, dò xét và nếu có thay thì buộc phải theo sự sắp xếp của chủ nhà. Tinh thần phục vụ là trên hết, tuy nhiên ngày đầu năm cũng không vui chút nào. Đến thuê bao báo hỏng thứ 2, khác hẳn với thuê báo trước, gia chủ đón tiếp nhiệt tình. Vấn đề hỏng hóc không lớn, chỉ là vài vết chuột gặm trên đường dây nên đứt kết nối. Vậy mà khi xong việc, chủ nhà giữ chúng tôi lại uống cốc rượu, ăn miếng báng chưng và thậm chí còn lì xì khi chúng tôi ra về. Đó là kỷ niệm ấn tượng gần đây nhất của đời thợ dây máy như chúng tôi.

Hà Thị Hường (Nhân viên giao dịch (Bưu cục Lê Duẩn - Công ty VPS)

Hà Thị Hường (Nhân viên giao dịch (Bưu cục Lê Duẩn - Công ty VPS).

Yếu tố quan trọng nhất mà một giao dịch viên phải có và cũng là một thử thách không dễ dàng vượt qua đối với chúng tôi là phải biết ''chiều và nhịn'', kể cả những khách hàng khó tính nhất. Có một trường hợp, khách hàng đến bưu cục khiếu nại với một thái độ rất gay gắt, to tiếng và nặng lời với giao dịch viên. Nhưng chúng tôi vẫn nhã nhặn, từ tốn giải thích cụ thể cho những khách hàng đó về hành trình chuyển phát, cũng như các dịch vụ bưu chính khác để khách hàng có thể hiểu rõ hơn và vui vẻ ra về. Công việc của chúng tôi mang tính tập thể cao, chỉ cần một lỗi nhỏ của của một khâu nào đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của toàn bộ dịch vụ. Cuối năm, đặc biệt trong dịp Tết, công việc của chúng tôi bận rộn hơn rất nhiều do nhu cầu của khách hàng tăng cao. Mỗi ngày làm việc đều dài hơn và bất tận hơn. Những lúc như thế mà về đúng giờ là cảm thấy áy náy như mình có lỗi vậy. Nhiều khi làm việc vất vả, lại nghe lời phàn nàn của khách hàng, về đến nhà lại cáu giận vô cớ. Cũng may là người thân trong gia đình đều hiểu và cảm thông, tạo điều kiện cho tôi hoàn thành tốt công việc của mình.

Niềm vui trong mỗi ngày làm việc đối với chúng tôi thật đơn giản. Một câu cảm ơn, một lời khen hay động viên của khách hàng cũng đủ để chúng tôi quên đi mệt nhọc và yêu nghề hơn.

(Theo XHTT Số Xuân 2005)

,
,