(VietNamNet) - Để thu hút người sử dụng, tại nhiều địa phương, các đài phat thanh-truyền hình (PTTH) thi nhau tăng cường vùng phủ sóng bằng nhiều cách như tự nâng độ cao của ăng-ten, sử dụng tần số PTTH chưa được cấp phép... Điều này đã gây lãng phí nguồn tài nguyên sóng vô tuyến điện của quốc gia.
Truyền hình tuỳ tiện sử dụng tần số
Theo báo cáo của Cục Tần số Vô tuyến điện (thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông - BCVT), dịch vụ truyền hình số mặt đất do Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Truyền hình Việt Nam (VTC) chỉ được Thủ tướng Chính phủ cho phép thử nghiệm tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Thế nhưng trên thực tế, trên toàn quốc đang triển khai 16 máy phát hình số không chỉ ở ba địa phương nêu trên, mà còn ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình và Tiền Giang! Ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình do Công ty VTC triển khai và quản lý; Bình Dương, TP.HCM, Tiền Giang do đài PTTH địa phương quản lý. Trong khi đó, Cục Tần số Vô tuyến điện mới cấp giấy phép thử nghiệm cho phép cho ba máy phát hoạt động gồm: máy phát kênh 26 tại Hà Nội, máy phát kênh 50 tại Bình Dương và máy phát kênh 30 tại TP.HCM.
Với dịch vụ truyền hình cáp, cũng tương tự như vậy. Hiện có một số địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình cáp ở khu vực thành phố, thị xã như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Bình Định, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... Song phần lớn các hệ thống truyền hình cáp đang phát triển tự do, chưa có tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, không có sự đánh giá, hợp chuẩn thiết bị nên việc sử dụng tần số truyền dẫn còn tuỳ tiện. Tín hiệu RF của mạng truyền hình cáp dùng riêng đã gây can nhiễu có hại cho các đài khác.
|
Nhiều chương trình quá, bé không biết chọn kênh nào. (Ảnh: TN) |
Đặc biệt, tại khu vực miền Đông Nam Bộ, do có sự cạnh tranh mạnh về thị trường quảng cáo trên truyền hình nên nhiều đài PTTH địa phương có xu hướng muốn đầu tư nâng cấp máy phát sóng công suất lớn hơn, xây dựng cột ăng-ten cao hơn so với quy hoạch phân bổ kênh tần số truyền hình tương tự mặt đất đã được Bộ BCVT ban hành. Đài nào cũng đua tăng thêm độ cao cột phát sóng cùng công suất lớn như vậy đã dẫn đến khả năng tái sử dụng tài nguyên tần số bị hạn chế, can nhiễu có hại cho tần số phát của các đài khác.
Các đài phát thanh... tự phát
Không chỉ có truyền hình, ngay cả sóng phát thanh cũng đang có hiện tượng đài địa phương mạnh ai nấy phát. Hiện nay, hệ thống phát sóng phát thanh được phủ sóng từ Trung ương tới cấp huyện, nhiều địa phương còn tới cả cấp xã, đây là sự phát triển tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Song việc thiết lập hệ thống máy phát thanh và hệ thống truyền dẫn tín hiệu riêng không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số mà còn vi phạm quy định về quản lý tần số.
Tương ứng với mỗi đài phát thanh, dù là tuyến xã, cũng cần phải có một dải tần số riêng để phát sóng nội dung. Vậy mà hầu hết các dải tần mà đài phát thanh xã sử dụng chưa được cấp phép của cơ quan chủ quản. Vì không được cấp phép, không quản lý nên nhiều những dải tần đó trùng với dải tần đã được đăng ký của đài khác, dẫn tới tình trạng lẫn sóng, nhiễu sóng thường xuyên xảy ra.
Tuy chưa tới mức nghiêm trọng, nhưnh theo đánh giá của Cục Tần số Vô tuyến điện, việc tuỳ tiện phát sóng phát thanh đã thể hiện rất rõ sự vi phạm trong việc sử dụng truyền dẫn sóng của các đài PTTH.
Còn nhiều việc phải chấn chỉnh
Để lập lại trật tự, đồng thời để nguồn tài nguyên tần số của quốc gia được sử dụng một cách có hiệu quả, Cục Tần số Vô tuyến điện đã đề xuất xây dựng một Nghị định về quản lý truyền dẫn, phát sóng PTTH. Song đây là hướng giải quyết không thể hoàn thành sớm trong ngày một ngày hai. Việc làm trước mắt đã được Bộ BCVT đưa ra là sớm xây dựng được một Chỉ thị về tăng cường quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện trong PTTH, để chấn chỉnh các lệch lạc trong việc phát triển các đài phát sóng PTTH ở các địa phương không tuân thủ các quy hoạch về tần số.
Cục Tần số Vô tuyến điện cũng đã đưa ra sáu nội dung quản lý cần phải thực hiện sớm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách điều chỉnh lĩnh vực PTTH. Nghiên cứu xây dựng chiến lược, quy hoạch truyền dẫn phát sóng PTTH. Tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng cho truyền dẫn phát sóng PTTH. Quản lý chất lượng thiết bị, chất lượng truyền dẫn phát sóng PTTH. Quy hoạch tần số, ấn định và cấp phép tần số cho PTTH. Thanh tra, kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm về truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện.
|