Thời gia công thô, lao động công nghệ thuần tuý hết thời?
Trong một cuộc hội thảo cách đây hơn mười năm, Carol L.Covin từng dự đoán rằng xu hướng gia công thô sẽ không bao giờ xâm phạm được vào địa hạt công nghệ. "Bạn khó có thể giải thích yêu cầu của mình với một nhà lập trình bên ngoài nước Mỹ." - quan điểm này của bà đã được thể hiện rất rõ trong một cuốn sách của đồng nghiệp.
Mười năm sau, khi đọc lại những gì mình viết hồi đó, bà Covin đã phải tự thừa nhận mình sai lầm trong phiên họp mặt của Hiệp hội Phụ nữ trong ngành công nghệ thông tin (CNTT).
Trước một cử toạ toàn là phái đẹp đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, bà Covin đã trình bày một bài thuyết trình mới với tựa đề "Làm sao để sóng sót trong xu hướng xuất khẩu việc làm". Dự đoán mới mà bà đưa ra là: Triển vọng việc làm cho kỹ sư công nghệ tại các nước phát triển vẫn rất tươi sáng, miễn là họ sẵn sàng điều chỉnh, suy nghĩ thông thoáng và linh hoạt hơn một chút.
Không phải ai cũng có thể bị mất việc
Sự ồn ào xung quanh xu hướng xuất khẩu việc làm công nghệ ra ngoài biên giới nước Mỹ đã trở nên "tĩnh lặng" hơn trong vài tháng qua. Người ta đã nguội bớt nỗi lo lắng điên cuồng rằng ngày tận thế cho ngành công nghiệp công nghệ nội địa sắp rơi xuống đầu, dẫu cho phần việc gia công thô công nghệ vẫn không ngừng đổ về các quốc gia Nam Á và Đông Âu. Khi xu hướng xuất khẩu việc làm là khó có thể cưỡng lại vì yêu cầu cạnh tranh toàn cầu, thay vì la ó phản đối, dân công nghệ tại các nước phát triển đang thay đổi chiến lược tìm việc của mình: họ dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuẩn bị hành trang vào đời.
Covin, tác giả cuốn sách "20 Minutes From Home" về những việc làm trong lĩnh vực CNTT hấp dẫn nhất tại Mỹ, hoàn toàn không phải là người nuôi thiên kiến chống lại xu hướng xuất khẩu việc làm. Sự thực là ngược lại. Covin chính là người thành lập ra OSITA, một công ty chuyên giúp đỡ các công ty Mỹ tuyển dụng công nhân công nghệ tại Nam Mỹ. Thuê lực lượng lao động kiểu này để viết mã phần mềm và cung cấp hỗ trợ công nghệ viễn thông là một giải pháp hiệu quả về mặt kinh tế, song không phải thích hợp với bất cứ vị trí nào.
Theo bà, những công việc yêu cầu sự tương tác và thực hành trực tiếp như quản lý dự án và xử lý sự cố kỹ thuật nên được giữ lại trong nước Mỹ. Tương tự là những nhiệm vụ nhạy cảm như thiết kế mạng và bảo mật máy tính. Ngoài ra, những dự án nào mà các yêu cầu công việc và giải pháp thay đổi liên tục thì giao phó cho những nhân sự nước ngoài sẽ không hiệu quả bởi nguy cơ quá cao. Nói cách khác, nguy cơ từ việc xuất khẩu việc làm là có thực, đặc biệt là với những công nhân ở trình độ thấp hoặc mới vào làm việc.
Thích nghi để tồn tại
Song đến lúc này lại nảy sinh một nguy cơ mới: Các hãng có xu hướng thuê nhân sự theo hợp đồng hơn là tuyển dụng họ làm nhân viên full-time. So với nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng có rất ít sự bảo hiểm về công việc và chỉ được hưởng quyền lợi ở mức tối thiểu. Để bảo vệ chính mình, họ cần phải nghiên cứu các chuyên ngành hẹp và sâu hơn, như bảo mật mạng.
Pat Malarkey, một nhà lập trình với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết chị chưa bao giờ cảm thấy bất an với công việc của mình như bây giờ. Kể từ sau khi bị giảm biên chế vào tháng Tư vừa qua, người phụ nữ 44 tuổi này chỉ mới được gọi phỏng vấn xin việc có một lần, và một phần lỗi chính là do gia công thô gây nên. "Điều khiến tôi lo lắng là thời gian tìm công việc mới hiện nay lâu hơn trước rất nhiều." - Malarkey cho biết. Để biến mình thành một ứng viên "hấp dẫn" hơn trong mắt nhà tuyển dụng, chị đã tham gia các khoá học về phương pháp lập trình mới nhất. Chị còn thuê nguyên một "huấn luyện viên" tư vấn nghề nghiệp và thuê văn phòng "săn đầu người" giới thiệu lý lịch của mình tới doanh nghiệp.
Lời khuyên mà những người như Malarkey nhận được là hãy đa dạng hoá các kỹ năng nghiệp vụ của mình. Theo Paul Villella, giám đốc điều hành của hãng nhân sự HireStrategy, xu hướng gia công thô không đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Cái chính là những người không may mất việc cần phải nhanh chóng trấn tĩnh để tiến hành các điều chỉnh cần thiết, tìm lại chỗ đứng cho mình trên thị trường việc làm: "Bạn phải vượt khỏi lĩnh vực lập trình thuần tuý nhỏ hẹp. Những kỹ năng lập trình vẫn là yếu tố chủ chốt để xin được việc, song sự khác biệt lớn nhất là bạn phải biến những kỹ năng này thành một cái gì đó cao hơn".
Chính vì vậy, chương trình đào tạo tại các trường đại học đã có một số thay đổi. Đại học Stratford vừa kết hợp một số yếu tố của chương trình CNTT vào chương trình đào tạo quản trị kinh doanh. "Thời của kỹ sư công nghệ thuần tuý đã qua rồi." - Richard R Shurtz II, chủ tịch Stratford cho biết. "Giờ người ta cần những nhân viên biết cách sử dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh cho hãng".
Cũng bởi yêu cầu về tính ứng dụng thực tiễn của công nghệ ngày càng cao mà số lượng chuyên gia kỹ thuật được đào tạo cơ bản tại Mỹ ngày một giảm. Trong khi đó, với các lĩnh vực và vị trí đòi hỏi trình độ cao, nhu cầu về người tài lại tăng mạnh. Chuyên gia bảo mật và thiết kế phần mềm vẫn được Bộ Lao động Mỹ dự đoán là hai nghề tăng trưởng nhanh nhất từ nay cho đến năm 2012. Giới phân tích không khỏi lo ngại rằng hai xu hướng trái chiều này sẽ sớm dẫn đến tình trạng khan hiếm và thiếu lực lượng chuyên môn trong ngành công nghệ. "Cầu không ngừng tăng mà cung lại giảm. Chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn đề này đây? Chỉ xin đừng đổ hết lỗi lên đầu gia công thô, bởi thực tế là nó chẳng đóng vai trò gì ở đây cả." - bà Covin kết luận.
Cầm Thi (Theo The Washington Post)