Siêu thị ĐTDĐ: Nhiều lựa chọn cho người dùng
Trong vòng một năm, siêu thị điện thoại di động (ĐTDĐ) đua nhau mọc lên tại TP. HCM. Tính đến nay, thành phố đã có 10 siêu thị, đủ để hình thành một kênh phân phối khá quan trọng để đưa điện thoại đến người tiêu dùng.
Một tối giữa tuần, người vào ra siêu thị ĐTDĐ ở đường 3.2 khá tập nập. ''Cuối tuần càng đông hơn nữa'', ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc tiếp thị của công ty Phát Tiến, đơn vị đang có trong tay 4 siêu thị ĐTDĐ Phát Tiến Mobile Mart, cho biết.
Năm của siêu thị điện thoại
Siêu thị ĐTDĐ đang cạnh tranh mạnh mẽ với các cửa hàng chuyên doanh ĐTDĐ. |
Một năm kể từ khi siêu thị ĐTDĐ đầu tiên ra đời, thói quen mua sắm "chú dế" của người dân TP.HCM có nhiều thay đổi. Thay vì phải lượn vài ba cửa hàng để xem hàng, so giá, họ đến thẳng siêu thị ĐTDĐ. Theo một cuộc điều tra thị trường do nhóm sinh viên Đại học Mở - bán công thực hiện, siêu thị ĐTDĐ bắt đầu thu hút người tiêu dùng. Người tiêu dùng xem siêu thị là sự lựa chọn thứ hai để mua hàng. Trong 200 người được hỏi, 79 người chọn siêu thị để mua, xếp thứ hai sau mua trực tiếp từ hãng.
Nguyên nhân chủ yến khiến nhiều người chọn siêu thị là vì sự thuận tiện cho khách hàng, tiết kiệm được thời gian mua sắm. Bên cạnh đó, khách hàng cũng thấy yên tâm hơn khi mua hàng ở đây khi được tư vấn, hướng dẫn sử dụng. Có những khách hàng đổi ĐTDĐ liên tục, nhưng vẫn chọn siêu thị làm nơi mua sắm. Thống kê của một siêu thị cho thấy, trong năm 2004, có khách hàng mua tới 3 ĐTDĐ tại siêu thị. Giá trị gia tăng mà siêu thị mang lại cho khách hàng, theo ông Trần Tuấn Anh phân tích, là tư vấn, cung cấp thông tin và những dịch vụ miễn phí như cài đặt phần mềm, tiện ích, nhạc chuông, trò chơi.
Sau sự ra đời của Phát Tiến Mobile Mart trên đường Ba Tháng Hai, một loạt các siêu thị khác lần lượt xuất hiện như Năm Sao (đường Phan Đăng Lưu), Fonemart (Viễn Thông A, 415 Hoàng Văn Thụ, Tân Bình), siêu thị May Mắn (Nguyễn Huệ). Riêng công ty Phát Tiến có thêm ba siêu thị khác. Tính đến thời điểm này, ở TP.HCM đã có 10 siêu thị ĐTDĐ, tập trung ở các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Phú Nhuận...
Cạnh tranh không chỉ bằng giá
Một năm chưa phải là thời gian đủ dài để đánh giá về hiệu quả của mô hình siêu thị ĐTDĐ. Tuy vậy, đã có dấu hiệu cho thấy một số siêu thị đang phải chuyển đổi công năng, số khác thì cầm chừng, trừ vài ba siêu thị "ăn nên làm ra". Có siêu thị giờ làm nhiệm vụ chính là bảo hành cho một hãng ĐTDĐ. Một số siêu thị có mặt bằng nhỏ, số khách ra, vào tương đương các cửa hàng trung bình. Điều này cho thấy, kinh doanh siêu thị dạng hi-tech (công nghệ cao) không đơn giản, dù nó đang là một xu thế được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo giới kinh doanh ĐTDĐ, giá của các siêu thị có mức chênh, nhưng không đáng kể. Điều này phụ thuộc vào quy mô kinh doanh của siêu thị để có giá tốt. Các siêu thị như Mobile Mart hay Fonemart có giá khá tốt nhờ số lượng tiêu thụ lớn. Doanh thu trung bình hàng tháng của Phát Tiến Mobile Mart khoảng 17 tỉ đồng, tương đương với 4.000 máy/tháng. Với quy mô như vậy, chủ siêu thị có thể đàm phán để "ôm trọn" từng lô hàng nhằm có giá tốt. Ngoài ra, giá của siêu thị khá cạnh tranh so với các cửa hàng nhỏ nhờ lấy hàng trực tiếp, bỏ qua kênh phân phối trung gian.
Ngoài chuyện làm giá, khuyến mãi, sức hút của siêu thị phụ thuộc khá nhiều vào vị trí và cách kinh doanh. Trong 4 siêu thị Mobile Mart, đông khách nhất là siêu thị trên đường Ba Tháng Hai vì nằm gần Maximark, trong "tầm ngắm" của người đi mua sắm. Còn siêu thị Fonemart thu hút khách nhờ kết hợp thu tiền điện thoại và thu mua máy cũ, với giá cao. Quan trọng hơn cả, theo ông Trần Tuấn Anh, là yếu tố con người. Siêu thị nào có đội ngũ bán hàng giỏi tư vấn, phục vụ tận tình sẽ có ưu thế. Đúc kết bí quyết thành công của một siêu thị, theo ông Tuấn Anh, ngoài yếu tố con người, phải có quy trình kinh doanh tốt và không ngừng cải tiến chất lượng dịch vụ.
Kênh phân phối chính
Theo đánh giá của các hãng, siêu thị ĐTDĐ đang trở thành một kênh phân phối chính do phù hợp với hành vi mua sắm của đại bộ phận người tiêu dùng. ''Chỉ có loại hình siêu thị chuyên ngành, mới đáp ứng đầy đủ và tốt nhất nhu cầu tham quan và mua sắm của người tiêu dùng'', phụ trách tiếp thị của một hãng nói.
Sự ra đời của các siêu thị đánh dấu bước thoái trào của các cửa hàng nhỏ. Tuy nhiên, các cửa hàng này vẫn tồn tại nhưng chuyển sang một hình thức khác như kinh doanh điện thoại cũ, phụ kiện, thẻ cào, simcard. Một hệ thống cửa hàng khác cùng tồn tại với siêu thị là cửa hàng chuyên doanh cho các hãng điện thoại. Loại cửa hàng này nhận tài trợ của các hãng và tuân theo các quy định nghiêm ngặt về diện tích, cách trưng bày. Theo một chuyên gia kinh tế, loại cửa hàng này chủ yếu là tạo dựng hình ảnh của hãng trong người tiêu dùng.
Cả siêu thị và cửa hàng chuyên doanh đang là một rào cản mới khiến cho hàng xách tay khó thâm nhập thị trường hơn. Chênh lệch giá giữa hàng chính hãng và hàng xách tay đã được thu hẹp nhờ giảm thuế nhập khẩu. Đây là lúc mà các hãng và các đơn vị kinh doanh phải thể hiện được thế mạnh của mình ở khâu hậu mãi, tạo chuyển biến tích cực cho thị trường di động.
(Theo SGTT)