Mục tiêu mới của spammer: ĐTDĐ tại châu Á!
Giới spammer đang nhắm đến người sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) trên toàn châu Á khi bắt đầu nã bom thư rác thông qua hệ thống tin nhắn SMS.
Theo hãng nghiên cứu thị trường TNS Consulting, xu hướng này đang ngày một mạnh lên trong giới spammer là do SMS cực kỳ thịnh hành và phổ biến ở châu Á, đặc biệt là tại Philippines - nơi mỗi thuê bao ĐTDĐ gửi tới 252 tin nhắn/tháng. Nhật Bản và Trung Quốc cũng là hai thị trường lớn của dịch vụ SMS, khi hàng tỷ tin nhắn được gửi đi vào những dịp hội hè lễ tết. Hơn nữa, so với email, thư rác SMS tác động tức thời đến người sử dụng vì ĐTDĐ lúc nào cũng kè kè bên họ cả ngày.
Những đại gia về công nghệ như Microsoft và NTT DoCoMo đang bắt đầu lo ngại về một đợt "sóng thần" thư rác sắp đổ ập xuống châu Á. Vấn đề còn rắc rối hơn khi giới spammer ngày càng có thủ đoạn tinh vi, vô hiệu hoá gần như tất cả các công cụ chống spam truyền thống chỉ sau một thời gian ngắn.
Tiền mất, tật mang
Với xu hướng spammer bắt tay cùng dân hacker viết virus gần đây, cùng với sự xuất hiện "trứng nước" của các loại sâu độc hại tấn công PDA và ĐTDĐ, rất có thể nạn dịch thư rác cũng càn quét ĐTDĐ với mức độ không hề thua kém Internet.
Nhiều người có thể cho rằng đó vẫn còn là chuyện trong tương lai. Vậy mà ngay lúc này, không ai có thể phủ nhận thư rác sẽ khiến doanh nghiệp và người sử dụng tốn tiền oan như thế nào. Cuộc nghiên cứu mới đây của Ferris Research cho biết: Spam (thư rác email) đã móc túi của cả thế giới tới 20 tỷ USD mỗi năm. 44% trong số đó đổ vào các nguồn "rác rưởi, vô giá trị". 39% mức tổn thất là do phần năng suất bị mất, bao gồm cả thời gian ngồi xoá thư rác thay vì dành cho công việc. 17% khác liên quan tới chi phí xin hỗ trợ kỹ thuật.
Thế nhưng điều đáng lo ngại nhất với giới phân tích lúc này chính là thực tế sau: Trong khi trình độ "xuyên phá" của spammer tiến nhanh với tốc độ tên lửa, hệ thống bảo mật của mạng di động nói chung cũng như mỗi máy điện thoại nói riêng lại cực kỳ sơ hở và "sơ khai".
Lập hàng rào phòng thủ?
NTT DoCoMo, tập đoàn cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo các thuê bao về những bức thư rác kêu gọi quyên tiền hoặc hiến máu cho ca phẫu thuật của một em bé, hoặc những dạng thư đại loại như vậy. Những tin nhắn này thường giả danh từ chính NTT gửi đi, yêu cầu người nhận chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng cụ thể.
Trước khi "đánh động" được cho số đông người sử dụng "vô tư", NTT đang phải vắt chân lên cổ đối phó với vấn đề bằng công nghệ của chính mình. Hãng này đã vô hiệu hoá hơn 2.000 đường dây điện thoại bị thư rác lợi dụng cũng như ngăn chặn những tin nhắn gửi ngẫu nhiên trên mạng SMS của NTT.
Yếu tố khiến cho gửi thư rác qua mạng tin nhắn SMS tương đối dễ dàng là sự sẵn có của các thiết bị kết nối, cho phép người sử dụng đấu ĐTDĐ với máy tính. Một khi kết nối, spammer có thể sử dụng phần mềm chuyên biệt để tạo ra tin nhắn mà không cần phải mất công gõ chúng bằng bàn phím điện thoại bé tí xíu.
Để không... "vơ đũa cả nắm"
Đến đây, lại nảy sinh ra một vấn đề khác: Các bộ lọc thư rác đôi khi chặn nhầm cả những tin nhắn hợp pháp và gây tổn hại đến những hãng tiếp thị làm ăn chân chính. Chẳng hạn, nhiều hãng phát hành e-coupon (phiếu giảm giá điện tử) tại châu Á vẫn thường gửi tin nhắn thông báo về một chương trình tiếp thị và giảm giá nếu khách hàng tiến lại gần khu vực cửa hàng của họ.
Để có thể chặn thư rác một cách chính xác, ngoài việc phát triển các công nghệ hiện đại, còn cần phải huy động tổng lực nhiều công cụ và phương pháp vào việc phân tích tin nhắn SMS, bao gồm bộ lọc nội dung, thiết bị dò tìm cải tiến, danh sách "đen" và danh sách những hãng làm ăn hợp pháp, phân tích hoàn chỉnh phần nội dung và tiêu đề của tin cũng kết hợp với danh sách chặn DNS.
Cầm Thi (Tổng hợp)