,
221
2241
Cõi Mobile
mobile
/cntt/mobile/
495048
Điện thoại di động: Eo ơi, hàng lướt!
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
,

Điện thoại di động: Eo ơi, hàng lướt!

Cập nhật lúc 16:04, Thứ Ba, 03/08/2004 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Khi sắm điện thoại di động (ĐTDĐ), nhiều người thường vô tình chọn hàng lướt vì giá rẻ, trông cũng không kém hàng hiệu là mấy. Mà quả thật, nhìn bề ngoài, bạn khó có thể phân biệt đâu là ĐTDĐ ngoài luồng thuộc hàng mới, còn đâu là hàng lướt. Chỉ có những người trong nghề mới biết được. Tư vấn của VietNamNet để giúp bạn tránh mua nhầm hàng lướt, nhất là những thứ "đa hệ"!

Do tâm lý thích mua được hàng rẻ, người tiêu dùng khi mua ĐTDĐ thường tìm đến những cửa hàng điện thoại ngoài luồng. Tuy vậy, chính sự "ham rẻ" đã gây cho họ không ít những rắc rối khi sử dụng. Nhiều khách hàng than phiền rằng chỉ vài ngày sau khi hết thời hạn bảo hành, chiếc điện thoại của họ đã dở chứng, chẳng hỏng màn hình cũng hỏng âm thanh, rớt sóng...

Hàng lướt đa hệ!

Hàng công ty thường vắng khách! (Ảnh: Vũ Lê)

Thị trường ĐTDĐ hiện tồn tại song song hàng công ty và hàng ngoài. Trong đó, thị trường điện thoại hàng ngoài lại được phân thành nhiều loại: hàng mới và hàng lướt.

ĐTDĐ hàng mới thường được đối tượng buôn lậu chuyên nghiệp chuyển từ Hong Kong, Singapore, Malaysia,... vào Việt Nam qua các đường biên giới, hoặc do những người đi công tác hay đi du lịch mua điện thoại từ nước ngoài mang về nhưng không dùng, đem bán lại cho các cửa hàng. Chất lượng hàng mới loại này có thể tương đương với hàng công ty, với điều kiện họ... không mua nhầm hàng nhái ngay ở nước ngoài (!).

Hiện tại, một số cửa hàng ở TP.HCM thường núp bóng hàng xách tay để độn hàng lướt bán cho khách hàng. Đặc biệt, đối với các đời máy cũ đã xuất hiện cách đây một-hai năm, ta rất dễ gặp tình trạng đánh tráo hàng lướt khi khách hàng đòi mua hàng xách tay. Giá trị hàng lướt vốn thấp hơn hàng xách tay (hay còn gọi là hàng ngoài, để phân biệt với hàng chính hãng hoặc "hàng công ty"). Theo kinh nghiệm của dân chơi mô-bai, chỉ có những mẫu điện thoại mới vừa được các hãng ĐTDĐ giới thiệu mới bảo đảm xuất xứ "hàng xách tay", còn lại phần lớn là hàng lướt!

Hàng cũ vẫn được bảo hành trên các trang web rao bán ĐTDĐ đã qua sử dụng.

Trước kia, hàng lướt chủ yếu là các loại ĐTDĐ có nguồn gốc trôi nổi, được vận chuyển bằng đường bộ từ các tỉnh dọc theo biên giới. Một số loại điện thoại còn được lắp ráp từ các lô linh kiện mang vác theo lối "cửu vạn" từ biên giới Trung Quốc, Campuchia về. Nay, chúng lại được mở rộng nghĩa ra - dùng để chỉ những loại ĐTDĐ đã qua sử dụng một thời gian ngắn (lướt!). Ngay trên các website chuyên doanh hàng "di động" của các cửa hàng ĐTDĐ hiện vừa bày hàng lướt, vừa bày hàng cũ. Hàng đã qua sử dụng sẽ được bảo hành "nghiêm chỉnh" từ một tuần đến một tháng; còn hàng lướt thường được "bảo hiểm" đại khái trong vòng... một tuần.

Hàng lướt cao cấp là hàng đã qua sử dụng trong thời gian ngắn, chất lượng màn hình vẫn còn tốt nhưng thân và vỏ máy đã được thay mới. Có nhiều "tay chơi" xài ĐTDĐ như thay áo, vừa mua "con" điện thoại 6230 chơi thẻ nhớ MMC 512MB được vài tháng, chừng thấy "con" 7610 chụp ảnh 1.0 megapixel lại muốn đổi máy mới. Dạng máy này thường không có hư hỏng gì, lại ít bị trầy trụa do dân chơi nhà giàu chỉ quăng điện thoại lên xế hộp (khó trầy). Nếu mua được loại này với giá "lướt" thì khá ngon ăn; được giảm khoảng cả triệu đồng là chuyện thường. (Thỉnh thoảng, một vài khách hàng lại gặp phải tình cảnh trớ trêu khi mua hàng mới 100% nhưng trong bộ nhớ điện thoại lại có những số điện thoại được lưu từ trước. Khi hỏi ngược lại người bán thì họ nói trớ rằng do... thử máy cho khách hàng nhưng quên xoá bộ nhớ đi!)

Hàng lướt thường: Các bộ phận bo mạch (main), chíp (IC), pin, vỏ máy đã bị thay bằng các linh kiện cũ, hoặc linh kiện lô (linh kiện hàng bị lỗi, kém chất lượng) không đồng nhất. Thậm chí, hàng lướt còn được một số nơi dựng lại từ những linh kiện của các máy hỏng.

Ghê nhất là hàng lướt đa hệ! Theo một số trung tâm kinh doanh sản phẩm chính hãng, một số loại ĐTDĐ nhập lậu được lắp ráp từ nhiều dạng linh kiện khác nhau và được gọi là "hàng lướt". Chúng được khoác lên mình đủ thứ mỹ từ như hàng gốc Korea, hàng Finland thứ thiệt, nguồn gốc châu Âu,... Thực chất, phần chủ yếu của dạng điện thoại này vẫn là "ruột Tàu" được lắp ráp thêm một số linh kiện nhập rời như vỏ máy, pin, màn hình,... Trong một số trường hợp, "hàng lướt" còn được pha trộn bằng những bộ phận khác nhau từ nguồn linh kiện thu nhặt tại các... điểm sửa chữa ĐTDĐ. Phần lớn trường hợp pin bị chai là do người bán tráo pin cũ vào các loại máy mới (hàng lướt).

Đương nhiên, trên thị trường vẫn có hàng lướt thứ thiệt do các du học sinh, cán bộ đi công tác xách tay về. Một số loại điện thoại được tháo rời ra thành cụm linh kiện để... qua mặt Hải quan. Dù sao, phần lớn được giữ nguyên trạng để tăng phần giá trị. Họ thường mang về Việt Nam những mẫu điện thoại mới vừa được công bố trên thế giới và có nguồn gốc châu Âu hoặc Mỹ. Các loại máy này khi mang về Việt Nam thường phải "bẻ khoá" vì nhà cung cấp dịch vụ mạng ở nước ngoài đã cài đặt mật mã để người dùng không thể chuyển đổi mạng khác (được mua với giá rẻ).

Khéo mua phải hàng lướt

Cần phải kiểm tra cẩn thận các loại điện thoại di động cũ hoặc "hàng lướt" có nguồn gốc trôi nổi. (Hình chỉ có tính minh hoạ)

Khái niệm hàng lướt ngày càng trở nên phổ biến nơi các diễn đàn trên Internet cũng như trên các trang web bán ĐTDĐ. Khi đến mua máy tại các cửa hàng ĐTDĐ, câu cửa miệng của dân chơi mô-bai ngày nay ở TP.HCM là: "Có phải hàng lướt không cha nội?"!

Theo kinh nghiệm của một số kỹ thuật viên thuộc các trung tâm bảo hành ĐTDĐ, hàng lướt rất chóng hỏng và đầy rủi ro so với hàng cũ. Do đó, thường các cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ chẳng dám "xâm mình" gánh nợ bảo hành; cứ qua hạn một tuần thì khách hàng phải trả tiền thay thế linh kiện. Nếu không may, trong một tuần máy bị hư thì họ sửa chữa - nếu sửa rồi mà máy lại hư thì sửa tiếp... cho đến hết hạn bảo hành. Thậm chí, trong một số trường hợp, hàng lướt bị hư hỏng rất... lạ đời. Ví dụ, chủ máy không thể nhận cuộc gọi cho dù trên màn hình báo số gọi đến; cứ a-lô mãi mà chẳng nghe thấy gì. Sau khi đưa máy đi "khám bệnh", mới phát hiện rằng máy tự động chuyển qua... chế độ tai nghe (headset); nếu không gắn tai nghe vào thì chẳng nghe gì sất!

Giá bán hàng lướt thường rẻ hơn hàng chính hãng khoảng 30-50% tuỳ theo mẫu mã và độ nóng của sản phẩm đó trên thị trường. Đối với những mẫu điện thoại đang "hot", giá bán sẽ chênh lệch với hàng chính hãng ở mức thấp hơn. Thậm chí, một số trung tâm cung cấp hàng lướt còn tìm cách tung hàng ra ồ ạt khi hàng chính hãng đang gặp cảnh khan hàng hoặc sản phẩm chưa kịp đến đại lý (kẹt ở cửa nhập khẩu). Đến khi hàng chính hãng trở lại dồi dào ở các cửa hàng thì họ lại dùng đến chính sách giá (giảm giá mạnh, tăng hoa hồng) để thu hút khách hàng và các cửa hàng bán lẻ.

Quan sát phần giắc cắm điện thoại bạn cũng có thể "phát hiện" hàng lướt. (Ảnh: Vũ Lê)

Ưu điểm nổi bật nhất của hàng lướt là giá rẻ. Điện thoại chính hãng có giá cao hơn hàng ngoài luồng từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Trong khi giá hàng mới chênh lệch không quá 500.000 đồng so với hàng công ty thì các loại hàng lướt lại có mức thấp hơn hàng mới khoảng 600.000 đồng. Giá bán chênh lệch giữa ba loại hàng lướt này dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng.

... nhưng đừng thấy rẻ mà ham! Khi sử dụng hàng lướt, người dùng hay gặp phải các trục trặc sau: Lỗi phần mềm, màn hình mờ, pin kém và rớt sóng...

Điện thoại NOKIA hàng lướt, thường bị thay vỏ, pin và lắp ghép IC nên hay bị mất sóng, chất lượng chuông và màn hình kém. Ví dụ: Một điện thoại Nokia 6610 hàng lướt loại II có thể lắp được IC của Nokia 7200, nhưng sẽ không chạy được cổng hồng ngoại và bộ nhớ nhận diện dây là máy Nokia 7200.

Phần lớn chíp IC của Samsung được đổ keo trên bo mạch, nên hàng lướt Samsung thường bị sơn lại vỏ và thay bằng pin lô. Do đã qua sử dụng nên điện thoại Samsung hàng lướt sóng kém, tỷ lệ tốn pin cao hơn.

Thông thường, thời gian bảo hành hàng lướt dao động từ một tuần đến một tháng (tuỳ từng cửa hàng). Trong tuần đầu, khách hàng có thể đổi máy khác. Tuy nhiên, lợi dụng khách hàng không biết, một số cửa hàng điện thoại đã nhập nhèm giữa hàng lướt và hàng mới bằng cách tăng thời hạn bảo hành lên ba tháng hoặc sáu tháng cho... giống thời hạn bảo hành của hàng mới. Và kèm theo đó, dĩ nhên mức giá cũng tăng lên theo thời hạn bảo hành! 

Làm thế nào để phân biệt?

Nhìn bề ngoài, khó có thể nhận biết hàng lướt và hàng mới (điện thoại Nokia 6610 bìa trái ảnh là hàng lướt).

Hiện nay, khi mua hàng ĐTDĐ trên thị trường, nếu không để ý, khách hàng dễ mua phải hàng kém chất lượng. Chính vì tính phổ dụng trên thị trường nên điện thoại của hai hãng Nokia và Samsung bị làm ''nhái'' nhiều nhất.

Một số dòng máy có hàng lướt

- Các máy màn hình màu của Nokia có hàng lướt: 6610, 6100, 7250i, 6620.
- Tất cả điện thoại màn hình đen trắng của Nokia đều có hàng lướt: 1100, 2300, 8250, 8310, 3100, 3120...
- Các máy của Samsung có hàng lướt: E700 (có nhưng ít), T400, V200, T500, S200, S500.
- Điện thoại Sony Ericsson có hàng lướt ở model  T610.

Để tránh mua phải hàng lướt, bạn nên áp dụng một số thủ thuật sau đây:

Có thể nhận ra hàng lướt thông qua một số đặc điểm như thân và vỏ máy không khít, chân sạc điện thoại màu xám (đã có sử dụng nên không còn sáng). Kiểm tra số IMEI trong máy: chữ in trên mã vạch nhoè không sắc nét, vỏ hộp và sách hướng dẫn chỉ là in thủ công, không sắc.

Điện thoại Nokia hàng lướt có độ phân giải màn hình không đều, các điểm trên màn hình chỗ sáng, chỗ tối. Ngoài ra, có thể kiểm tra hàng lướt bằng cách nhập mã: *#92702689#, khi đó máy sẽ hiện lên số IMEI, ngày sản xuất. Nếu ngày sản xuất từ năm 2003 trở về trước thì chắc chắn đó là hàng lướt.

Pin và thân máy của điện thoại Samsung hàng lướt không đồng nhất. Tất cả điện thoại hàng lướt của Samsung được thay bằng pin "lô''. Vì vậy, có thể phân biệt ''pin lô'' và pin chính hãng bằng cách quan sát chất liệu nhựa đúc trên vỏ pin (pin "lô" có màu sắc không thật). Ngoài ra, cũng có thể phân biệt pin qua giá: giá pin chính hãng và pin lô chênh nhau khoảng 300.000 đồng.

  • Vũ Lê - Thuỷ Nguyên - Chí Thịnh

,
,