VNPT: Từ ''anh Bưu điện'' đến tập đoàn kinh tế mạnh
(VietNamNet) - Nhắc đến bưu điện, những người thế hệ trước không khỏi hình dung ngay đến hình ảnh chiếc xe đạp cũ kỹ lủng lẳng túi thư hai bên hông và anh bưu tá vui tính nhưng nghèo. Hình ảnh đó ít ai còn nhớ mà thế hệ hôm nay biết đến một Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) đang trên đà trở thành tập đoàn kinh tế mạnh.
Ngày 19/4/1995, Thủ tướng Chính phủ ra QĐ số 249/TTg về việc thành lập Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - một doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực BCVT, được tổ chức hoạt động theo mô hình Tổng công ty mạnh (Tổng công ty 91). Sự thay đổi chóng mặt bắt đầu từ đây...
Tiến thẳng vào công nghệ hiện đại nhất
Những người gắn bó với ngành từ những ngày đầu còn nhớ hệ thống máy móc ''cổ lỗ'' có được hồi chiến tranh: Truyền dẫn bằng dây trần, vô tuyến sóng ngắn và cáp kim loại với công nghệ lạc hậu; Hệ thống chuyển mạch với tổng đài nhân công và tự động điện cơ...
Bài toán đặt ra là đầu tư công nghệ nào đây? Có người bảo nên tiến từng bước, đầu tư công nghệ của các nước xã hội chủ nghĩa rồi dần lên công nghệ hiện đại. Có người lại bảo nếu đầu tư như vậy thì bao giờ mới theo kịp thế giới.
Đứng trước sự lựa chọn sống còn, lãnh đạo VNPT quyết định đầu tư thẳng vào hiện đại, đi tắt đón đầu. Quyết định này gặp phải không ít cản trở, thậm chí dèm pha. Công nghệ số - công nghệ tiên tiến trên thế giới đã được lựa chọn dứt khoát. Chính sự quyết đoán này đã làm thay đổi cơ bản hệ thống thiết bị, tạo một bước nhảy vọt về công nghệ.
Sự quyết đoán đó đã khiến cho chúng ta không bị lạc hậu so với các nước trong khu vực. Đến nay, mạng viễn thông đã có hệ thống truyền dẫn đường trục quốc gia và quốc tế dung lượng từ 34Mbit/s đến 20Gbit/s, được xây dựng dựa trên ba phương thức chính là: cáp quang, viba số và thông tin liên lạc bằng vệ tinh qua hai hệ thống Intelsat và Intersputnik.
Hệ thống thông tin di động công nghệ GSM của VNPT do hai nhà khai thác lớn nhất Việt nam VinaPhone và MobiFone cung cấp đang đáp ứng nhu cầu sử dụng cho gần 3.500.000 thuê bao. Cùng với các dịch vụ thông tin di động khác như Cityphone, vô tuyến nội thị công nghệ CDMA, VNPT đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động tại Việt nam.
Bên cạnh các dịch vụ viễn thông truyền thống, VNPT cũng đang cung cấp cho khách hàng hàng loạt các dịch vụ viễn thông và CNTT hiện đại, tiện ích, chất lượng cao như: dịch vụ MMS, GPRS, "gọi 171", gọi 1717; FoneVNN, Các dịch vụ internet 1268,1269, 1260P, VNN Infogate, MegaVNN, WIFI; các dịch vụ thông tin giải trí 19001255, 19001560, 19001570, 19001580...
Các tuyến truyền dẫn được kết nối với nhau liên hoàn, có tính dự phòng cao, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
Chính bằng những thành tựu to lớn đạt được trong những năm qua, Bưu điện Việt nam mà trong đó có vai trò quyết định của VNPT đã liên tiếp được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) xếp vào trong hàng ngũ những nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất thế giới.
Tự thân vận động
Sự ra đời và phát triển của Bưu điện cách mạng Việt Nam luôn gắn liền với sự ra đời và tiến trình phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Trong hai ngày 14, 15/08/1945, tại Tân Trào, Tuyên Quang, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra nghị quyết "...lập Ban Giao thông chuyên môn và giúp đỡ cho họ làm tròn nhiệm vụ"...Từ đó trở đi, được sự đồng ý của Đảng và Nhà nước, ngày 15/08 được lấy làm Ngày thành lập ngành Bưu điện. |
Những lãnh đạo đầu tiên của VNPT chủ động ''lọ mọ'' đi tìm hiểu công nghệ ở Mỹ vào Châu Âu. Những kinh nghiệm và quan hệ trong những chuyến công tác như vậy đã đem lại cho lãnh đạo VNPT một tầm nhìn khá xa và rất ''thoáng'': Không phải trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mới làm được.
Ngoài vốn nội sinh do doanh thu mang lại, VNPT đã sử dụng nhiều nguồn vốn quan trọng khác như vốn hợp tác với nước ngoài, vốn vay nước ngoài, vốn của địa phương và vốn huy động trong dân, trong cán bộ, công nhân viên của ngành.
Chính sự chắt chiu đồng vốn đã dẫn đến định hướng đầu tư hướng đến hiệu quả: Lấy đột phá là phát triển thông tin quốc tế để tạo vốn đầu tư phát triển trong nước, ưu tiên đầu tư ở các trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại, các vùng có nhu cầu lớn, doanh thu cao, các hệ thống đường trục quan trọng, từ đó thúc đẩy đầu tư ở các nơi khác.
''Bơi'' ra biển quốc tế
Xác định ngành BCVT là không thể ''đóng cửa bảo nhau'', lãnh đạo VNPT đã ''mở cửa'' ngay từ những ngày đầu. Hợp tác quốc tế là năng động nhưng cũng hết sức mềm dẻo. Với phương châm đa phương hoá, đa dạng hoá hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến song phải giữ được độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và quyền lợi dân tộc, ngành BCVT đã bền bỉ, kiên nhẫn vượt qua hàng rào cấm vận, tạo mối quan hệ tin cậy với các đối tác có công nghệ cao, tiên tiến và có tiềm năng về vốn đầu tư để chọn lựa hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Đến nay, VNPT đã hợp tác kinh doanh có hiệu quả với các công ty từ các nước G7 và nhiều nước công nghiệp tiên tiến, với các tập đoàn khai thác và sản xuất thiết bị hàng đầu thế giới. Song song với hợp tác kinh doanh, ngành cũng đã hoạt động tích cực và có hiệu quả trong các tổ chức bưu chính và viễn thông quốc tế.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ nghiệp vụ BCVT với gần 200 nước trên thế giới. Vị thế của ngành BCVT Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, qua sự kiện Việt Nam được tái cử và trúng cử vào các tổ chức quốc tế lớn nhất về BCVT như: Hội đồng Điều hành Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Ban chấp hành Đại hội đồng Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).
Tập đoàn kinh tế mạnh - trong tầm với?
Những ngày này, các thành viên của VNPT dấy lên câu chuyện thời sự: Cổ phần hoá một số đơn vị thành viên và chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế họat động từ năm 2005. Chủ trương đến với cán bộ công nhân viên tự lúc nào mà câu chuyện trong phòng làm việc cũng như quán nước đều xoay quanh: Cổ phần hoá thì đơn vị mình có tài sản gì? Chúng ta sản xuất kinh doanh gì để mang lại doanh thu? Mỗi cán bộ nhân viên được bao nhiêu cổ phần?...
Trở thành tập đoàn kinh tế đã được lãnh đạo của ngành nhắc đến từ vài năm nay, nhưng chưa khi nào sôi sục như thời gian vừa qua. Hơi nóng của hội nhập và cạnh tranh đã hầm hập sau lưng mỗi cán bộ công nhân viên. VNPT lại đứng trước những sự lựa chọn khó khăn nữa. Dường như việc trở thành một Tập đoàn kinh tế Nhà nước với nhiều lĩnh vực hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh đa ngành nghề cả trong nước và quốc tế, trong đó nòng cốt là các lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và CNTT đã được định hình.
Tạo dựng nên mạng lưới Viễn thông hiện đại ngang tầm các nước phát triển , mang dịch vụ bưu chính viễn thông hiện đại đến mọi vùng, mọi nhà, từ rừng núi đến miền quê xa xôi bằng chính đôi chân của mình trong một thời gian ngắn, sản sinh ra một đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp đủ bản lĩnh, kiến thức và tầm nhìn để sẵn sàng nắm lấy vận hội, vững vàng trước những sóng gió của hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Tấm huân chương cao quý nhất, huân chương Sao vàng như một sự ghi nhận của đất nước với thành quả của bưu chính viễn thông Việt Nam. Những ánh huân chương lấp lánh tỏa thêm sức mạnh, sinh lực, đồng thời cũng đánh thức những ai ngủ quên trên vinh quang của hôm qua.
- Phạm Anh Tuấn
Tin, bài liên quan:
Thời cơ mới, vị thế mới để nâng mức phát triển ICT
Tháng 9: Phê duyệt thí điểm mô hình Tập đoàn BC-VT
Trong giai đoạn đổi mới, VNPT có vai trò chủ lực
Mười năm, chín lần giảm cước di động...