'Nhà nghiên cứu khoa học' thế hệ... 7x!
(VietNamNet) - Tiêu biểu cho lớp trẻ ''dám nghĩ dám làm'' tại công ty Viễn thông Liên tỉnh (VTN), anh Ngô Thanh Long - Bí thư đoàn thanh niên VTN được giới trẻ ngành BCVT đặt biệt hiệu là ''nhà nghiên cứu khoa học''.
Đầu quân vào phòng kỹ thuật của VTN, ngoài việc bảo đảm an toàn mạng lưới, Long cũng kiêm luôn chủ trì và lĩnh xướng các đề tài khoa học trong lĩnh vực viễn thông. Năm 2004, Đoàn thanh niên của VTN nói riêng và VNPT nói chung chính là lực lượng nòng cốt để triển khai thành công mạng Thế hệ mới NGN.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc chuyển đổi sang mạng NGN được coi là bước đột phá, là vũ khí cạnh tranh của VNPT trong thời kinh tế thị trường.
Các dự án trọng điểm đang triển khai của Long đều góp phần vận hành mạng viễn thông quốc gia, bao gồm:
- Dự án ba trung kế cáp quang mạch vòng tại các Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM (công trình được Công đoàn BĐVN chọn làm mẫu trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành 15/8/1945-15/8/2005).
- Tuyến viba SDH155Mb/s HCM-LAN-Mỹ Tho- Bến Tre - Trà Vinh- Sóc Trăng- Cần Thơ;
- Dự án Trang bị nguồn điện tuyến trục Bắc Nam và Trang bị thiết bị truyền hình qua mạng NGN.
NGN (Next Generation Network): là mạng có hạ tầng thông tin duy nhất dựa trên công nghệ chuyển mạch gói, triển khai các dịch vụ một cách đa dạng và nhanh chóng đáp ứng sự hội tụ giữa thoại và số liệu, giữa cố định và di động. Các dịch vụ: Dịch vụ dựa trên mạng thông minh IN gồm ĐT thẻ trả trước 1719, ĐT miễn phí 1800, Tự động chọn lựa dịch vụ 1900. Dịch vụ dựa trên nền IP gồm: Internet tốc độ cao Mega VNN công nghệ ADSL, và dịch vụ Mạng riêng ảo VPN |
Đằng sau dáng vẻ hiền hiền, ngại nói về mình, ít ai ngờ anh kỹ sư thế hệ 7X này đã là chủ nhân của Phần thưởng sáng tạo của Hội đồng Giải thưởng KHKT thanh niên của TƯ Đoàn, đồng thời đạt giải nhất đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng công ty cho công trình “Nghiên cứu xây dựng quy trình vận hành khai thác, bảo dưỡng thiết bị viba SDH FRX155 Fujitsu”.
Thiết bị viba SDH 155 Mb/s Fujitsu là loại công nghệ mới SDH, dung lượng lớn nhất, được trang bị đầu tiên tại Việt Nam trên tuyến Cần Thơ- Cao Lãnh. Tuyến này đưa vào khai thác từ cuối năm 1999 nhưng Ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam chưa có quy trình khai thác, bảo dưỡng và đặc biệt chưa có các chỉ tiêu cụ thể về đo kiểm với tuyến vi ba SDH nói chung và FRX155Mb/s Fujitsu nói riêng. Thiết bị vi ba FRX155Mb/s Fujitsu không có nhiều chỉ thị cảnh báo trực tiếp trên mặt máy mà phải sử dụng hệ thống máy tính quản lý tập trung để giám sát, xử lý sự cố.
Tuy nhiên, hệ thống quản lý này rất đắt tiền nên Việt Nam chưa nơi nào có. Chi phí để nhóm nghiên cứu triển khai đề tài của mình là 3000 USD, thấp hơn nhiều so với nếu mua thiết bị ngoại (92.500 USD) và đã tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, sản phẩm của đề tài đã kịp thời đưa vào mạng lưới, phục vụ đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng đường truyền, tăng tuổi thọ của thiết bị, tăng độ tin cậy của hệ thống - những giá trị không thể tính được bằng tiền. Đề tài đã ứng dụng một cách có hiệu quả các phương án công nghệ và thiết bị hiện đại của thế giới vào thực tiễn mạng viễn thông Việt Nam
Qua đó, công trình này đã giúp cho đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, chủ yếu là các đoàn viên thanh niên) tiếp cận với trình độ khoa học tiên tiến, nâng cao trình độ, tiến tới làm chủ về mặt kỹ thuật. Trung ương Đoàn đã đánh giá rất cao Đoàn thanh niên VTN và đã trao tặng bằng khen năm 2004.
Cuối buổi tiếp xúc với anh, Long vẫn một mực khăng khăng rằng ''Không có gì để viết về bản thân mình đâu, nếu có chút gì thành công, thì đó là công sức, và nhiệt tình của cả tập thể VTN''. Vẫn biết điều đó hoàn toàn đúng, nhưng trên thực tế, để khai phá mảng công nghệ hoàn toàn mới mẻ này, họ đã là những người đi tiên phong!
-
Hoàng Hùng