'140 Mb/s' tuỳ bút!
Cuốn sổ công tác của tôi ghi: 16/11/92 khai thông tuyến vi ba 140Mb/s Hà Nội - Vinh; 1/4/92 khởi công công trình cáp sợi quang xuyên Việt; 14/7/92 rải xong cáp quang đoạn TP Hồ Chí Minh - Nha Trang 451 Km, như tôi từng ghi và sẽ còn ghi... Những sự kiện lớn của ngành Bưu điện năm 1992, những ngày, tháng, năm - những con số tưởng khô khan ấy bỗng bừng dậy xâu chuỗi, bỗng dồn dập sống động trong tôi suốt chặng đường dọc tuyến vi ba 140MB/S Hà Nội - Vinh vừa mới khai thông. Có gì đó phấn khích và hối thúc như tin tức về những trận thắng trong một đại chiến dịch của thời chiến tranh mà chúng ta đã từng trải qua. Nhưng kẻ thù hôm nay là lạc hậu và đói nghèo, kẻ thù mà những người Bưu điện - như đội quân xung kích - đã tuyên chiến từ bao năm nay.
Vâng! Đó đâu phải là điều chúng ta tự nói về mình. Tôi rất thích cái tít của bài phỏng vấn Tổng giám đốc Tổng Công ty BCVT Đặng Văn Thân trên báo Lao động lúc đó: "Viễn thông Việt Nam - Cỗ xe chuyển bánh với tốc độ của thời đại". Một biểu tượng thật đẹp! Xin cảm ơn một cách nhìn và một tấm lòng. Nhưng dù sao lời khen vẫn chỉ là lời khen, lời khen dễ không làm ta lớn tiếp. Ta tự hiểu sức mình, tự biết bằng những trí tuệ nào, những đôi vai, cánh tay, những giọt mồ hôi và cả những hy sinh thầm lặng nào, cỗ xe ấy đã khởi động, đã chuyển bánh và đang mỗi ngày một tăng tốc độ.
Đi dọc tuyến vi ba 140 Mb/s Hà Nội - Vinh, dù đã khai thông, tôi vẫn cảm nhận nóng hổi một công trường đã và đang chạy dọc đất nước, từ Hà Nội - Vinh hướng tới Đà Nẵng và hướng tiếp về phía Nam. Anh cán bộ trong Ban quản lý công trình cùng đi nói với tôi: Những cột vi ba trông “ngon lành” thế kia, nhưng mỗi cột được dựng lên là một thử thách về xây dựng, không cột nào giống cột nào.
Tuyến vi ba 140Mb/s chạy theo hướng song hành với quốc lộ 1A, nhưng đúng ra trên thực địa nó chạy diczăc, khi qua phải, lúc qua trái, khi chạy chéo hoặc ngang con lộ này. Chạy như thế để lựa cho được những vị trí và điểm cao thuận lợi nhất cho việc chuyển sóng, cho quản lý và khai thác, có tính đến tạo những điều kiện thuận tiện cho cuộc sống anh em trực trạm. Những cột vi ba nhìn từ xa vài km trông khiêm tốn và nhỏ bé giữa đất trời. Khi đứng dưới chân bỗng trở nên sừng sững, vút lên một cách tự tin. Những cột vi ba rạng rỡ với hai màu đỏ trắng còn hăng mùi sơn.
Thông đường cho những tuyến cáp quang quốc gia. (ảnh: Tất Phượng). |
Đi dọc tuyến Hà Nội - Vinh giữa dòng xe cộ ngược xuôi Nam - Bắc luôn gặp những xe công tác của VTN, của Siemens tất bật vào ra, đi kiểm tra đo thử, đi nghiệm thu những phần còn lại của công trình. Ở trạm Vinh, trung tâm của tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, buổi sáng còn mờ sương, cán bộ, công nhân chộn rộn chuẩn bị chia nhau đi tuyến, đi tăng cường cho tuyến cáp quang. Tiếng cười, tiếng xe náo nhiệt xua đi giá lạnh. Ở trạm Hà Tĩnh, cột vi ba 140Mb vạm vỡ, vươn cao ngay trước sân nhà Bưu điện như một kỳ quan giữa thị xã, khiến người người đi qua không thể không ngước nhìn.
Trạm Cầu Cấm rồi Trúc Líp, hai trạm vừa được xây xong tường rào bảo vệ, chót vót trên những đỉnh núi mòn vừa kịp phủ thông xanh, như tổ ấm của những chàng trai trực trạm. Từ đây, anh em đi chợ phải hơn chục cây số. Động viên họ hàng ngày là chiếc đài bán dẫn với âm thanh đã ọt ẹt. Cầu Cấm và Trúc Líp hiện còn nằm trong vùng sốt rét của Nghệ An. Gió thông rì rầm, heo hút, trước lúc chia tay anh bạn trẻ ở Cầu Cấm đã kịp giúi vào tay tôi bức thư gửi người thương ở Hà Nôi và tặng tôi một ánh mắt tiễn đưa bịn rịn.
Bên thửa vườn xinh xinh vừa đâm lên mấy cánh hoa, anh bạn ở Trúc Líp lại tạm biệt bằng đôi lời mộc mạc: Cây ổi bọn em đưa về trồng tưởng chết, hóa lại sống, lần sau các anh lên thế nào cũng có ổi mời các anh. Vâng! giữa chốn quạnh hiu này, tôi đã thoảng nghe trong tâm tưởng một thứ hương ổi bình dị mà sâu lắng. Tôi tin tưởng dưới chân cột vi ba cao vút kia là những trái tim âm thầm mà bền chắc...
Buổi trưa trên trạm cao Hoàng Lễ, gió Đông bắc siết mạnh. Trời bỗng xám xịt và cơn mưa từ biển ập vào, tạt ngang cổ, ngang mặt không cách gì che kín được. Bếp lửa dã chiến cho bữa cơm trưa đang hồng hào vụt tắt ngấm. Trên ù ù độ cao 70m, anh em đang đặt cáp fiđơ hú gọi nhau vội xuống. Họ kể, vào mùa này thời tiết từ vùng đèo Ngang trở ra Thanh, Nghệ cứ thất thường như vậy. Có khi kéo dài 2-3 ngày hoặc cả tuần lễ, đến não ruột. Càng não ruột hơn khi công trình đang còn dang dở. Ngớt gió lặng mưa là anh em lại phi lên cột, chớp lấy thời gian làm ngay.
Buổi chiều ấy, cơn mưa tạm ngớt, tôi chia tay với họ trong khói thuốc lào, trong ám ảnh những gương mặt dãi dầu và những làn môi tím tái. Và tôi chợt câm lặng. Với những con người trên tuyến vi ba 140Mb này, tôi đã là một kẻ đến muộn và hời hợt, một kẻ chợt biết mình mắc nợ...
Từ trạm Hoàng Lễ, trên độ cao hơn 400m nhìn ra vời vợi biển Đông, tiếp về hướng Nam là đèo Ngang trườn qua dãy Hoành Sơn sừng sừng, chợt nhớ câu thơ Phạm Tiến Duật thời đánh Mỹ:
“ ... Biết bao người nghe tên đèo Ngang
Mà không biết con đèo chạy dọc... ”
Con đèo đúng là chạy ngang ra với hướng Bắc - Nam, nhưng chạy dọc là trong tâm trí, là toàn bộ con đường cũng như lòng người những năm ấy hướng ra tiền tuyến, hướng về Nam.
Dường như có một mối liên hệ hiện hữu, nóng hổi giữa quá khứ ấy của đất nước và hiện thực của ngành Bưu điện hôm nay. Khi những tuyến vi ba 140Mb, rồi cáp quang 140Mb đang chạy dọc, vươn tới, hướng từ Bắc vào Nam để rồi sẽ hội ngộ với mũi để triển khai từ TP. Hồ Chí Minh hướng ra, làm nên các tuyến trục thông tin lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam. Có gì đó náo nức và trọng đại, tựa như ngày đất nước sắp hoàn thành tuyến Đường tàu Thống nhất. Tôi cảm nhận mạnh mẽ điều đó dù chưa đi hết được tuyến vi ba này. Và tôi vẫn còn thèm khát được một lần đứng trên độ cao hơn 700m của trạm Hải Vân, trạm cao nhất trên tuyến vi ba 140Mb Bắc - Nam để nhìn ra biển..., để có thể suy ngẫm cho hết về những tuyến thông tin chiến lược mà hôm nay chúng ta đang xây dựng.
Phóng xa tầm mắt về tương lai, rồi đây chúng ta sẽ phải có những tuyến trục gấp nhiều lần 140 Mbit. Nhưng tuyến vi ba rồi cáp quang 140Mb xuyên Việt đầu tiên này đã là một mốc lịch sử. Bởi nó là dấu ấn khởi đầu của việc tạo dựng những “ xa lộ thông tin” - một trong những hành trang không thể thiếu cho đất nước chuẩn bị bước những bước đầu tiên sang thế kỷ 21 - một thế kỷ mới đang lừng lững tới gần...
Đèo Ngang - Hà Nội tháng 11/1992
-
Nguyễn Thái Tùng