Thứ trưởng Mai Liêm Trực với 'đêm trắng' lịch sử
(VietNamNet) - Thời điểm chúng tôi muốn nói ở đây chính là đêm đổi số thành công toàn bộ mạng điện thoại quốc gia lần đầu tiên diễn ra vào đêm 29/2, rạng sáng ngày 1/3/1996. Lúc đó, thứ trưởng Mai Liêm Trực đang giữ chức vụ Tổng giám đốc của VNPT.
>>Ngành Bưu chính viễn thông: Bài học đi thẳng lên hiện đại
Dù đã gần 10 năm trôi qua, nhưng trong tâm trí của Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực, dường như mọi kỷ niệm vẫn còn đầy ắp. Vẫn còn trong dư âm những nỗi lo toan, những giờ phút căng thẳng đến tột cùng và cả niềm xúc động vỡ òa trước thành công đã được ghi vào lịch sử phát triển mạng lưới viễn thông của ngành Bưu điện Việt Nam.
Đêm trắng lịch sử của những người Bưu điện
Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực. |
Ông nhớ lại, "lần đổi số đó thực chất là tăng gấp 10 lần dung lượng tổng đài để đảm bảo đủ dung lượng cho kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2 (1996 - 2000) của Ngành. Đồng thời tăng số thuê bao của khách hàng từ 6 số lên 7 số. Cùng với việc đổi số, hệ thống điều khiển, kết nối cuộc gọi, hệ thống báo hiệu được nâng cấp để có thể hòa mạng, tương thích với khoảng 1.000 tổng đài điện tử trên toàn mạng của Việt Nam. Việc này cần được hoàn thành trong một đêm, để hôm sau toàn bộ hệ thống viễn thông của Việt Nam hoạt động bình thường với hệ thống số mới".
Chỉ trong vòng hơn 20 năm, từ khoảng những năm 1972 đến 1996, tính cả đêm đổi số 29/2, rạng sáng ngày 1/3/1996 này, mạng điện thoại của Việt Nam đã có tới 3 lần phải thêm số. Nhưng thực ra đó vẫn chỉ là những lần thêm số cục bộ ở địa phương, tập trung ở Hà Nội. Vào năm 1972, mạng điện thoại cố định của Hà Nội phải thực hiện thêm số từ 4 lên 5. Đến năm 1991, mạng điện thoại đã tăng lên 7 số của Hà Nội lại thực hiện lùi về 6 số như của thành phố Hồ Chí Minh.
Với lần đổi số này, dù chỉ diễn ra trong một đêm, nếu là những người bình thường, một đêm chỉ là một giấc ngủ để sớm mai thức dậy lại bắt đầu một ngày mới, nhưng đây lại là đêm trắng của những người làm trong lĩnh vực viễn thông của ngành Bưu điện. Từ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, Tổng giám đốc VNPT Mai Liêm Trực, Phó tổng giám đốc Đặng Đình Lâm - người "chỉ huy trưởng" của đêm đổi số, Phó Tổng giám đốc Trần Thị Xuân Nhật, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Đoàn Thị Đấu, Trưởng ban Viễn thông Phan Mạnh Quang, các khách mời cùng các thành viên ban chỉ đạo ở tất cả các tỉnh thành đó thực sự là một đêm trắng lịch sử. Đêm đổi số cho toàn bộ mạng điện thoại quốc gia Việt Nam lúc bấy giờ.
Nó có ý nghĩa vô cùng hệ trọng, và lại càng có ý nghĩa hơn với Tổng giám đốc VNPT Mai Liêm Trực lúc đó, người đang "đứng mũi chịu sào" trên con đường cùng đồng nghiệp hướng VNPT tới hiện đại hóa mạng lưới viễn thông Việt Nam.
Đáp ứng nhu cầu phát triển!
Khi ấy, trên toàn mạng điện thoại cố định của Việt Nam mới chỉ đạt ở mức 800.000 thuê bao. Một con số chưa phải là nhiều so với mạng lưới chúng ta đang có trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, với điều kiện và hoàn cảnh của Ngành lúc đó, đổi số là một sự kiện mang tính sống còn.
23 giờ ngày 29/2 đến 2giờ 30phút ngày 1/3/1996, VNPT đã hoàn thành việc đổi số mạng điện thoại công cộng trên phạm vi toàn quốc. |
Nếu không đổi số lần này, kho số của VNPT sẽ không đủ để đáp ứng tốc độ và nhu cầu phát triển máy điện thoại trong thời gian tới, vì chỉ còn 200.000 số nữa là tổng đài dung lượng 1 triệu số sẽ quá tải. Theo tính toán, việc chuyển từ 6 số lên 7 số cho phép mạng lưới tăng thêm dung lượng 9.000.000 số nữa. Và như vậy, đổi số sẽ đáp ứng được cho nhu cầu phát triển thuê bao của khách hàng trong vòng 15 năm.
Khó khăn mà những người thực hiện gặp phải khi đó là tổng đài viễn thông của VNPT có nhiều chủng loại, do nhập thiết bị từ khoảng 10 nước khác nhau sản xuất. Ngay đến cả cấp tổng đài cũng khác nhau, phức tạp nhất là vấn đề kết nối tự động hệ thống tổng đài đường dài trong nước từ cấp huyện, đến cấp tỉnh rồi toàn quốc và ra quốc tế.
Thứ trưởng nhớ lại: "Lo lắng lớn hơn cả là công nghệ tổng đài rất mới, liệu trình độ của cán bộ từ cấp huyện trở lên có bắt kịp không đây? Nhưng nhờ sự chuẩn bị kỹ và tính kỷ luật rất nghiêm của ngành trong hệ thống điều hành mạng thống nhất nên chúng ta đã chuyển đổi thành công. Hãy thử hình dung xem, nếu không có một sự thống nhất, chỉ cần 1% số tổng đài trên toàn mạng không hoạt động, không kết nối và không hòa mạng được theo hệ thống điều khiển mới thôi, đã gây ra một sự ách tắc thông tin mà xã hội khó có thể chấp nhận được".
Sẽ vẫn còn những đêm trắng làm nên huyền thoại!
Tất cả những sự kiện đổi số đêm 29/2 rạng sáng ngày 1/3, người tổng chỉ huy của VNPT năm nào nhớ không sót một chi tiết. Nhưng có lẽ, thứ trưởng lại không nhớ tới cái thở phào trút đi bao lo lắng vào những giây phút cuối cùng của bản thân trong những thời khắc lịch sử ấy. Ông đã lặng đi vì hơi căng thẳng. "Lúc đó chỉ cảm thấy người nhẹ đi như một gánh năng được vừa trút, song vẫn chưa thể vui mừng vì trách nhiệm, vì lo toan vẫn còn ở phía trước", ông nhớ lại.
Vậy là đã gần 10 năm trôi qua, ngành Bưu điện Việt Nam nói chung và Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam trải qua những bước thăng trầm đáng nhớ. Giờ đây, cùng với hệ thống thông tin di động, mạng điện thoại cố định của VNPT đã đạt mức trên 5 triệu thuê bao. Số thuê bao hiện giờ đã gấp hơn 6 lần thời điểm khi đó. Kho số của VNPT vẫn còn có thể đáp ứng được trong một thời gian nữa.
Tuy vậy, do đổi số không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc vào lượng thuê bao phát triển, với nhu cầu và đời sống của người dân Việt Nam ngày một cao như hiện nay, những người làm công tác viễn thông của Việt Nam nói chung và của VNPT nói riêng vẫn sẽ hàng ngày hàng giờ cống hiến công sức âm thầm của mình phục vụ khách hàng, sẵn sàng cho những đêm trắng đổi số mới.
Mong rằng, những đêm trắng vẫn sẽ diễn ra vì một mạng lưới viễn thông phát triển hơn, năng lực cao hơn phục vụ khách hàng. Và để chúng ta lại được nghe kể về những giây phút đầy lo toan, những cái thở phào nhẹ nhõm của người chỉ huy, giống như Tổng giám đốc Mai Liêm Trực năm nào.
-
Thủy Nguyên