Steve Ballmer bàn chuyện "đám mây" và "lên mây" với sinh viên
Bước ra trong tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường, Steve tâm sự "Tôi rất vui khi được chia sẻ cùng các bạn sinh viên về những cơ hội mà điện toán đám mây sẽ mang lại và ảnh hưởng tiềm năng của nó tới Việt Nam". Theo ông, điện toán đám mây đã và đang là một xu hướng mang tính toàn cầu và chỉ không lâu nữa thôi, khó có một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
Ảnh: M.Vỹ
Điện toán đám mây không còn là một khái niệm quá xa lạ với người dùng như thời điểm cách đây 3 năm, khi Ballmer đến thăm VN lần đầu tiên và có bài thuyết trình trước Cộng đồng phát triển tại khách sạn Melia. Khi ấy, ông cũng đã nhắc một cách ngắn gọn đến điện toán đám mây, nhưng bằng một thuật ngữ khác là "phần-mềm-như-một-dịch-vụ".
Theo Ballmer, đám mây giúp cho mọi người tăng cường, cải thiện khả năng kết nối với nhau, cả trong mục đích cá nhân, xã hội lẫn công việc. "Điều kỳ diệu ở điện toán đám mây là nó hội tụ được mọi ưu điểm và những gì được coi là hay nhất ở Internet, ở trung tâm dữ liệu và các thiết bị thông minh như PC, ĐTDĐ và TV", ông nói.
Ttrước đây, khó khăn lớn nhất của một sinh viên, một lập trình viên không phải là viết ra một ứng dụng mới, mà là không biết làm cách nào để phát hành được nó một cách rộng rãi, cũng như thuyết phục được người khác cài đặt, triển khai ứng dụng đó vào trong hệ thống. Hiện tại, với điện toán đám mây, những rào cản đó sẽ không còn quá lớn nữa.
"Các tác giả ứng dụng sẽ có thể phân phối trên toàn cầu và kiếm tiền một cách dễ dàng hơn", ông nói. Không chỉ dừng lại ở đó, đám mây còn mang đến nhiều cơ hội kinh doanh mới. "Một khi đám mây được ứng dụng rộng rãi, chúng ta sẽ phát triển được nhiều loại hình và mô hình kinh doanh mới, cũng như phát minh ra các cách thức thực hiện mới". Với năng lượng, sức trẻ và óc sáng tạo của mình, giới sinh viên đặc biệt phù hợp với một công nghệ mới như điện toán đám mây.
Một lợi ích lớn thứ hai của đám mây là nó có khả năng tự học hỏi, giống như người máy trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vậy. Và ở chiều ngược lại, nó cũng giúp bạn học hỏi, quyết định và hành động. Giờ đây, hướng phát triển của Microsoft là Bing không chỉ dừng lại ở một công cụ tìm kiếm, tra cứu đơn thuần nữa. "Nó cần phải là một cỗ máy tạo ra quyết định", Steve nói.
"Hãy "lên mây" đi!"
Nếu như bài diễn thuyết của Steve Ballmer trước giới doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ có phần trầm lắng, chính thống thì không khí trong hội trường C2 - Đại học Bách Khoa tỏ ra sôi động, hoạt náo hơn nhiều. Để minh chứng cho một tương lai gần khi các thiết bị như máy máy chơi game Xbox và TV đủ thông minh tới mức có thể tái tạo hiện thực ảo và truyền tải thông tin real-time, Steve đã... tung chân đá bóng đến vài lần trên sân khấu, rất "sung" và rất nhiệt tình.
Do thời gian hạn hẹp, Steve Ballmer đã kết thúc bài diễn thuyết của mình sau hơn 30 phút, trong sự nuối tiếc ra mặt của gần 1000 sinh viên bên dưới. Trước khi chia tay, Steve đã công bố địa chỉ email của mình tại địa chỉ SteveB@microsoft.com và khuyến khích các bạn trẻ gửi câu hỏi về cho ông, trong trường hợp vẫn còn những thắc mắc chưa được giải đáp. Steve Ballmer rất mong trong tương lai, ông sẽ có thể đến thăm và giao lưu thường xuyên với các bạn sinh viên Việt Nam thông qua môi trường "điện tử", thay vì những chuyến viếng thăm "người thực việc thực" đòi hỏi rất nhiều khâu chuẩn bị và phức tạp như thế này.
"Những sinh viên hôm nay chính là các nhà lãnh đạo, chuyên gia CNTT và kỹ sư của ngày mai. Chính các bạn sẽ là những con người phát triển nên các công nghệ mới trên nền tảng đám mây và giúp Việt Nam thực hiện được những mục tiêu đã đề ra về CNTT", Steve tuyên bố. Ông cam kết Microsoft sẽ hết lòng hỗ trợ, hợp tác cùng các cá nhân, công ty và sinh viên tại Việt Nam , nhằm đảm bảo rằng "quốc gia của các bạn sẽ nhanh chóng đón nhận và ứng dụng những cơ hội khổng lồ (phenomenal) do đám mây mang lại".
- Trọng Cầm