Lừa đảo tung hoành các chợ ảo

Cập nhật lúc 07:37, 14/04/2010 (GMT+7)

- Internet đang trở thành công cụ trực tuyến phục vụ giao thương hữu dụng. Tuy nhiên, những hệ lụy phát sinh từ các vụ lừa đảo trực tuyến đang làm xấu đi hình ảnh của những chợ điện tử Việt Nam.

Mất tiền oan vì hàng ảo

Có lịch sử phát triển gần 10 năm, mạng Muare (tiền thân là TTVNOL) được cộng đồng mạng biết đến như là nơi có nguồn hàng đa dạng và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một trong những trung tâm buôn bán xảy ra nhiều vụ lừa đảo trực tuyến.

Chị Hoa, một thành viên từ những năm 2000 của mạng cho biết, không dưới 2 lần chị bị lừa ở mạng mua bán trực tuyến này. Một lần, nghe lời quảng cáo phấn dưỡng da giá rẻ, người bán ở TP. Hồ Chí Minh, lại thấy có nhiều phản hồi phía dưới chất lượng tốt, chị đặt mua liền một lúc 5 hộp cho cả người thân. Rẻ hơn hàng chính hãng chưa biết được bao nhiêu nhưng khi hàng được giao đến thì... hỡi ôi toàn hàng nhái, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Gọi điện người bán khăng khăng là hàng "xịn", nhưng khi đòi hỏi xem hóa đơn nhập hàng thì "lặn" luôn. Vụ đó chị thiệt hại mất hơn 2 triệu đồng.

Có thể dễ dàng tìm thấy các chủ đề cảnh báo như thế này ở các diễn đàn mua bán trực tuyến (Ảnh chụp màn hình).

Sau vụ đó những tưởng chị "cạch đến già", vậy mà vài năm sau khi có việc cần mua điện thoại mới chị lại làm khách của mạng mua bán này. Lần này, người bán rao bán điện thoại Nokia E71 còn gần như nguyên bảo hành vì mới mua dùng chán nên bán. Tưởng rằng đồ điện tử rõ nguồn gốc xuất xứ lại còn bảo hành chính hãng là yên tâm, kèm theo đó là lời quảng cáo mua bán tại nhà, chị đành mạo hiểm thử mua một lần.

Giao dịch xong chưa đầy 2 ngày, điện thoại trở chứng liên tục, hết tắt nguồn rồi đến treo máy, chị tá hỏa liên hệ lại với chủ cũ thì thấy số máy không liên lạc được. Cất công quay lại tận nơi thì cay đắng nhận được câu trả lời là nhà cho thuê, khách vừa dọn đi vì hết hợp đồng. Ngậm ngùi cầm chiếc điện thoại hỏng lên hãng bảo hành với niềm an ủi là dù sao cũng được sửa chữa thì kỹ thuật viên tại đây thẳng thừng từ chối bảo hành vì lý do máy bị ngấm nước, phải thay mạch chủ và linh kiện, người dùng tự chịu chi phí. Vậy là chị tan giấc mộng mua hàng trực tuyến giá rẻ.

Cũng cùng cảnh ngộ như chị Hoa, anh Tuấn, một phóng viên báo điện tử có nhiều kinh nghiệm về mua hàng trực tuyến lại gặp phải một tình huống mất tiền oan trái khác. Vào hẳn website Ebay tại Mỹ để chọn hàng, tìm mua của những thành viên có biểu tượng Powerseller của Ebay (thành viên uy tín, có nhiều phản hồi tốt từ người mua khác), anh chọn cho mình một chiếc laptop Asus Lamborghini đã ao ước từ lâu với giá rất phải chăng.

Hàng mua xong, tính tổng chi phí anh thấy vẫn rẻ hơn mua ở Việt Nam gần 1.000 USD. Chờ đến ngày nhận hàng, quả nhiên hàng hóa đúng như quảng cáo với đầy đủ thân máy và các phụ kiện cao cấp như quảng cáo trên trang. Tuy nhiên, khi thử bật máy anh phát hiện ra màn hình có vài điểm "chết". Vào được Windows thì loa không lên, máy hoạt động như... phim câm mặc dù chiếc máy thuộc hàng cao cấp có giá hơn 2.000 USD.

Gần đây nhất có thể kể đến vụ lừa đảo tại diễn đàn di động Handheldvn với sự "cao tay" của kẻ trộm mạng. Bằng thủ đoạn tinh vi, tên Trần Đức Thiện tại Hà Nội đã lập chủ đề giả để bán đấu giá một MTXT Macbook Air. Sau đó, cũng chính Thiện lại gọi vào số máy của một chủ shop khác yêu cầu mua 1 MTXT HP theo hình thức thanh toán chuyển khoản. Đúng ngày đúng giờ, Thiện dùng nick ảo dõng dạc tuyên bố người thắng cuộc Macbook Air và yêu cầu chuyển tiền để chuyển máy với số tài khoản chính là số của người mà Thiện hỏi mua máy HP. Nhận được tiền đầy đủ, không mảy may nghi ngờ chủ hàng đã nhanh chóng chuyển máy và nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì Thiện đã cao chạy xa bay cùng chiếc laptop HP lừa được.

Thử dạo một vòng quanh các chợ ảo, có thể nhận thấy rất nhiều các phản ánh lừa đảo tại các diễn đàn và chợ điện tử này. Tại các diễn đàn, rất nhiều chủ đề do thành viên lập nên hoặc do ban quản trị khuyến cáo lúc nào cũng nóng hổi bởi lừa đảo xảy ra như... cơm bữa.

Chợ ảo thành chợ chiều

Hầu hết các website thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đều hoạt động cầm chừng, đó là nhận định chung của các chuyên gia và người dùng có kinh nghiệm về giao dịch trực tuyến tại Việt Nam. Các lý do đưa ra đều khá quen thuộc như hệ thống thanh toán còn yếu, quản lý kém dẫn tới bất lực trước nạn lừa đảo.

Anh Hải, một cựu quản trị của diễn đàn Muare cho biết :"Mỗi ngày có hàng ngàn chủ đề của các cá nhân được lập mới, quản trị viên mỏng không thể quán xuyến hết được. Mà đó chỉ là bề nổi, còn khi đã lừa đảo, hầu hết các đối tượng rất tinh vi và gian xảo khiến cho ban điều hành không thể xử lý, chỉ còn phụ thuộc vào sự tinh tường của người mua".

Đó cũng là thực trạng chung cho nhiều mạng TMĐT hiện nay. Với số lượng hàng hóa lớn, rao bán ồ ạt, khó có thể kiểm định được nguồn gốc xuất xứ chứ đừng nói đến chất lượng của mặt hàng rao bán.

Nhìn qua các site TMĐT như enbac, rongbay, chodientu, vatgia..., có thể thấy nhan nhản các mặt hàng được rao bán với giá thành chênh nhau tới hàng triệu đồng. Lấy ví dụ cùng một điện thoại Nokia E72, có nơi đăng bán chỉ với giá gần 2 triệu đồng (giá chính hãng hơn 7 triệu đồng), nguồn gốc từ Trung Quốc và người bán không rõ danh tính. Khách hàng mua về có gặp trục trặc cũng chỉ biết kêu trời và các điều hành viên của các website này thì... vô can.

Như trường hợp chị Hoa vừa nêu, cực chẳng đã chị đành ngậm ngùi tuyên bố từ nay phải "sờ tận tay day tận mặt" mới dám mua, cạch không mua hàng trực tuyến nữa. Còn anh Tuấn, may mắn hơn là sau một hồi tốn tiền triệu để gọi sang số điện thoại của người bán bên Mỹ, anh đã thương thảo được trả lại hàng, tuy nhiên sẽ phải chịu phí vận chuyển. "Nhận lại được tiền nhưng tự dưng mất gần chục triệu chỉ để chuyển hàng đi đi lại mà chẳng được dùng", anh chua chát.

Các thành viên của mạng mua bán trực tuyến giờ đây không còn trông chờ vào sự an nhàn mua hàng bằng click chuột nữa mà đành phải quay lại thời mua hàng trực tiếp, đến tận nơi. Đại đa số đều cho rằng, các mạng mua bán hiện nay đều không an toàn, nếu không gặp người bán quen thì không dám mua.

Đó là một thực tế đáng buồn sau hơn 10 năm du nhập vào Việt Nam cùng với những hy vọng về một thành công rực rỡ của thương mại điện tử. Chính việc thiếu đi các chế tài quản lý và xử phạt tội phạm trực tuyến cộng với việc các công cụ hỗ trợ khách hàng chưa hoàn chỉnh đã dẫn tới nạn lừa đảo hoành hành. Thực trạng này còn kéo dài thì xem ra thương mại điện tử Việt Nam vẫn chỉ là một giấc mơ xa cho những phiên chợ chiều.

  • Vương Long

Ý kiến của bạn

Tin liên quan

Các tin khác