Bàn tròn: Đột phá giành 'thời cơ vàng'!
(VietNamNet) - Thời cơ vàng đã thực sự đến với cả dân tộc, vấn đề còn lại là chúng ta có đủ bản lĩnh để tận dụng được cơ hội này hay không? Để giành được thời cơ vàng, liệu cần phải có những "con người vàng"? Mời quý vị theo dõi Bàn tròn trực tuyến với chủ đề "Đột phá và tăng tốc" với ông Nguyễn Trung, tác giả bài viết "Thời cơ vàng của Đảng ta".
Phần I: "Thời cơ vàng" và sự bức thiết phải đột phá
Đột phá tư duy, cơ chế - đòi hỏi để chấn hưng đất nước
Tác giả Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Australia. Ảnh: Phạm Hải |
Tổng biên tập (TBT) Nguyễn Anh Tuấn:
Thưa các bạn, chúng ta đã bước vào những ngày đầu tiên của năm 2006, một năm rất quan trọng đối với Việt Nam, như nhận định của ông Nguyễn Trung trong bài viết "Thời cơ vàng của Đảng ta". Năm này là năm của Đại hội X, năm của APEC, năm của đàm phán WTO và chuyến thăm của Tổng thống Bush tới Việt Nam.Chúng ta đang chuyển động hối hả chuẩn bị bước sang năm Âm lịch. Trước thềm năm mới, VietNamNet mời ông Nguyễn Trung, tác giả của bài viết "Thời cơ vàng của Đảng ta" hiện nay đang được dư luận, bạn đọc chú ý tới dự và trao đổi về những vấn đề bạn đọc quan tâm.
Xin chào ông Nguyễn Trung, chủ đề bàn tròn của VietNamNet hôm nay là làm sao để Việt Nam chúng ta đột phá và tăng tốc? Theo ông, trước thời cơ vàng như vậy, chúng ta cần đột phá ở đâu?
Ông Nguyễn Trung: Trước hết cho tôi gửi lời cảm ơn thông qua VietNamNet, tới tất cả các độc giả đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Tôi rất đồng tình với suy nghĩ chúng ta đang đứng trước tình thế đòi hỏi phải có những nỗ lực để thực hiện được những bước đột phá mới, thực hiện được những bước tăng tốc mới trong lịch sử phát triển của đất nước. Đấy là những suy nghĩ rất đúng bởi vì, đúng là năm 2006 hội tụ rất là nhiều yếu tố mà sự hội tụ này là kết tinh của cả một quá trình phát triển, quá trình vận động trong nước, quá trình vận động của thế giới cũng như nỗ lực vươn lên của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, mới có được thời cơ, mới có được sự hội tụ như thế.
Cho nên với chủ đề, từ 2006 chứ không phải chỉ riêng năm 2006, chúng ta phải thực sự có những nỗ lực đột phá, thực sự tăng tốc, ấy là một đòi hỏi của cuộc sống, một đòi hỏi của thời kỳ chấn hưng đất nước.
Tôi cho rằng, trước khi nhìn nhận đột phá ở đâu, đột phá như thế nào? Chúng ta phải nhìn nhận lại chúng ta đã làm gì?
Theo cách nhìn nhận của tôi, 20 năm qua, trong quá trình đổi mới, ngay trong bài viết tôi đã trình bày, có thể nói chúng ta đã đạt được những thành tựu, mặc dù thu nhập bình quân, chúng ta vẫn là một nước nghèo, những cái gì đạt được, nó chỉ là ở cái mức rất thấp. So với thế giới bên ngoài, chúng ta còn phải cố gắng rất nhiều, nhưng bởi vì xuất phát điểm của chúng ta rất thấp và hơn nữa, chúng ta bắt đầu phát triển trong một quá trình rất khó khăn.
Nhìn lại thì một mặt cũng phải nhìn rõ những yếu kém nhưng một mặt cũng phải nhìn rõ, vừa qua những thành tựu đạt được dựa trên những cái gì? Yếu tố gì là chính? Nếu nói một cách rất tóm tắt thì đó là dựa trên nội lực.
Nếu nói một cách cụ thể, vừa qua chúng ta tăng trưởng chủ yếu là bằng nỗ lực, nhưng mà sự nỗ lực này được cấu tạo bằng gì?
Theo tôi, đó là: Thứ nhất là chúng ta có quan điểm đúng, tư duy đúng, hướng đi đúng. Tôi cho đó là điều cực kỳ quan trọng. Sau khi tìm được hướng đúng rồi, chúng ta bắt tay vào để tạo ra những sản phẩm mới - mà cấu thành ở những yếu tố chính: Sức lao động được phát huy (lao động ở đây chủ yếu lao động cơ bắp là chính, lao động chất xám còn rất hạn chế); Tư duy (tức là chúng ta cũng tận dụng được những điều kiện hết sức thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên của đất nước vô cùng phong phú). Ở góc độ nào đó nhìn thấy chúng ta là một nước rất nghèo tài nguyên thiên nhiên. Nhưng ở góc độ khác, chúng ta được thiên nhiên ưu đãi nhiều thứ, chẳng hạn dầu khí.
Ý thứ ba, chúng ta đã tận dụng được vị trí địa lý, nói một cách khác là địa chính trị, rất thuận lợi. Cho nên những thành tựu vừa qua dựa trên những yếu tố ấy. Nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta khai thác lợi thế đó chưa hết mức. Nói một cách khác nữa, khả năng khai thác những yếu tố này còn yếu.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng là chúng ta đã bắt tay làm rồi rồi nhưng chưa được bao nhiêu, đó là khai thác chất xám. Nhìn cho cùng, tốc độ tăng trưởng của chúng ta phải nói là tốt nhưng trong cái tốt này, chúng ta luôn nhìn thấy vấn đề thách thức hàng ngày, tức là giá trị gia tăng trên sự phát triển còn ở một tỷ trọng thấp. Đây là một nhược điểm nhưng đây cũng là khoảng không gian, khoảng đất rất rộng để cho chúng ta phát huy.
Cho nên tôi nghĩ rằng, nếu sắp tới chúng ta chú ý hơn nữa đến các yếu tố làm tăng cái giá trị gia tăng trên mỗi sản phẩm thì có thể nói rằng, khả năng đột phá, khả năng tăng tốc là hoàn toàn hiện thực.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, đó là những cái đột phá chung chung. Thế còn đi vào con người, chúng ta có cách gì đột phá trong sử dụng con người, sử dụng tiềm lực, sử dụng người có khả năng hay không?
Ông Nguyễn Trung: "Cái chính là tư duy được giải phóng, là dân chủ được thực hiện, cái chính tức là mỗi một con người có điều kiện phát huy hết khả năng của mình và có môi trường, điều kiện xã hội, tự nhiên, điều kiện chính trị để khẳng định mình". Ảnh: Phạm Hải |
Ông Nguyễn Trung:
Tôi thì thường hay có cách nghĩ thế này: tôi tự hỏi mình những câu hỏi vì sao trong 20 năm vừa qua, chúng ta làm được những việc như vậy? Bởi vì sao? Vì sao trước đó chúng ta không làm được những cái việc như vậy? Hỏi đi hỏi lại, tôi thường gặp câu trả lời như thế này: Cái chính là tư duy được giải phóng, là dân chủ được thực hiện, cái chính tức là mỗi một con người có điều kiện phát huy hết khả năng của mình và có môi trường, điều kiện xã hội, tự nhiên, điều kiện chính trị để khẳng định mình.Điều mà tôi quan tâm là đổi mới quan trọng nhất đã thực hiện được. Có lẽ điều này chúng ta phải tiếp tục phát huy nữa, tức là 20 năm đổi mới vừa qua, ở một mức độ nhất định, chúng ta đã làm một việc là tạo điều kiện cho mỗi người tự thức được quyền của mình.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tức là tạo ra được môi trường để mọi người tự đứng trên đôi chân của mình, tự tìm thấy con đường phát triển đi lên, ông nói là ở mức độ nhất định. Thế còn ở mức độ nào nữa, nghĩa là cao hơn?
Ông Nguyễn Trung: Thực ra, phát triển là kết quả của một quá trình nhận thức rất cao. Đương nhiên là phát triển là phù hợp với quy luật tự nhiên nhưng không có nghĩa là vô tổ chức, vô chính phủ. Điểm quan trọng nhất là sự phát triển ấy nó phải hài hoà. Cho nên vừa qua tôi nghĩ thế này, chúng ta đã có được điều kiện từng người một phát huy nhưng ít nhiều, ở một mức độ nào đấy, chúng ta đã từng biết tạo ra môi trường chung để cho mọi người đều có điều kiện thi thố, có thể cùng nhau phát huy trí tuệ của mình, khả năng của mình. Tuy nhiên, những việc đã làm được đấy mới chỉ là bước khởi đầu, rất thấp thôi. Tựu chung lại, thực ra mà nói, nó thể hiện ở hai chữ thôi, đó là phát huy dân chủ.
Vì thực ra, cái thành công nhất của một nước, nói cho thật chặt chẽ, cũng là thành công của dân chủ. Chúng ta đã thấy rồi, có rất nhiều những thành tựu kinh tế, những nước phát triển, nếu mà không có nỗ lực của từng cá nhân, của từng tập thể, nói chung là không có cái không khí dân chủ, như vừa qua chúng ta đã đạt được rất nhiều đấy, thì không thể có những thành tích như vừa qua.
Đồng thời, chúng ta cũng phải thấy, những gì còn cản trở, còn hạn chế, cũng chính là vấn đề dân chủ. Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn nữa về chuyện này.
Phát triển kinh tế - cần đột phá về chiến lược sản phẩm!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, ông có thể nói cụ thể hơn, làm thế nào để chúng ta có một cơ chế, môi trường mà ở đó, mọi người đều có thể phát huy được khả năng của mình ở trong doanh nghiệp, trong cơ quan quản lý nhà nước?
Ông Nguyễn Trung: Theo tôi thì chúng ta đã có được những quan điểm rất tiến bộ, ở phương diện: Chúng ta đã thể hiện được nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường, thêm cụm từ nữa là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đương nhiên có nhiều ý kiến quanh việc đã là kinh tế thị trường rồi lại còn định hướng XHCN nữa.
Tôi không muốn bàn về vấn đề này. Đã chấp nhận nền kinh tế thị trường tức là chúng ta phải chấp nhận sự thi thố của từng sản phẩm cũng như về năng lực của từng con người, từng doanh nghiệp, từng tập thể. Ở đây chính là vai trò Nhà nước: Làm thế nào để tạo ra được môi trường thực sự thi thố ấy, giống như là cơ chế chúng ta đề ra và vẫn đang phấn đấu, tức là công bằng, dân chủ, văn minh.
Chúng ta không cùng một xuất phát điểm như họ. Chúng ta đi chậm hơn rất nhiều mà lại phải chấp nhận luật chơi chung như vâỵ. Cho nên, đây là một bước đột phá rất khó.
Nhưng mà trong kinh tế thị trường, ở phạm vi thế giới cũng như trong quá trình hội nhập nói riêng, không có một từ "thông cảm" nào cả. Khái niệm "thông cảm" không có. Câu chuyện còn lại là, thế giới là như vậy, thị trường là như vậy, anh đi với chúng tôi hay là anh không đi, đấy là chuyện của anh. Còn chuyện của chúng ta là làm thế nào để tìm được bước đi mà chúng ta có chỗ đứng ở đấy. Đấy là cuộc chơi của chúng ta. Yêu cầu đột phá về cơ chế, đột phá về chính sách cực kỳ quan trọng.
Trên phương diện vĩ mô còn một bước đột phá nữa phải tính đến, mà nó thiết thân hơn nhiều, tức là lựa chọn sản phẩm. Tôi cho đây là vấn đề lớn lắm, chúng ta chưa làm được bao nhiêu cả.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tức là chúng ta phải hướng đến những sản phẩm chiến lược, những ngành chiến lược?
Ông Nguyễn Trung: Chúng ta đã nhờ đến CNH - HĐH, nhưng mà riêng trong quan điểm của tôi (xin lỗi vì không biết quan điểm của tôi đúng hay sai), chúng ta nói nhiều về CNH - HĐH nhưng chúng ta hình như chưa thấy rõ lắm. Chúng ta lựa chọn CNH - HĐH như thế nào là tối ưu để có thể vào chung được sân chơi này của thế giới.
Đột phá về sản phẩm là đột phá đòi hỏi rất nhiều chất xám và phải suy nghĩ rất nhiều. Và đương nhiên là chúng ta không thể từ không khí mà đột phá được. Chúng ta phải từ chỗ chúng ta đang đứng, có cái gì. Gọi là thấp thì đúng là thấp, nhưng gọi là không có cái gì thì cũng không phải, nhưng mà gọi là có ít thì cũng không đúng. Chúng ta đang có lợi thế nếu chúng ta nhìn nhận được nó là lợi thế.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta vẫn nói nước ta là một nước nông nghiệp. Thế thì bây giờ chúng ta không thể nào làm nông nghiệp theo kiểu xuất khẩu gạo mãi mãi được. Thế thì chúng ta phải chọn. Trong nông nghiệp chúng ta đi vào nông nghiệp gì đây? Nông nghiệp ví dụ sản phẩm chính của nó là gạo như 20 năm vừa qua tôi nghĩ rằng nó đã làm tròn chức năng của nó. Đã đến lúc chúng ta phải tính đến một sản phẩm nông nghiệp khác. Cái sản phẩm nông nghiệp khác này cũng là hội nhập trên thị trường, nó rất rộng, cũng nhờ vào sự phát triển của cách làm ăn kinh tế giao lưu ngày nay; cũng nhờ cái phát triển của khoa học, kỹ thuật .
VN ngày nay hoàn toàn có khả năng tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới. Ví dụ chúng ta đang làm những sản phẩm thuỷ sản hay nông nghiệp cao cấp khác. Nhưng như tôi đã nói, đấy mới chỉ là bước đầu, nếu chúng ta làm có ý thức, chúng ta phải có sự đột phá về sản phẩm nữa, với ý nghĩa là sự lựa chọn phân công lao động quốc tế tối ưu thì chúng ta cũng sẽ làm khác. Trong công nghiệp cũng vậy, đặc biệt là trong dịch vụ.
Trong dịch vụ thì chưa bao giờ chúng ta đứng trước khả năng tạo ra được những sản phẩm dịch vụ mà trước đây mơ cũng không có được. Cho nên, ngắn gọn mà nói, thứ nhất là đột phá về tư duy, thứ hai là về cơ chế và thứ ba là đột phá về sản phẩm để mà tìm ra được lợi thế tối ưu nhất.
Điểm cuối cùng tôi muốn thêm vào chỗ đột phá này, đã gọi là đột phá thì nhớ cho một điều, chúng ta là nước đi sau. Đã là nước đi sau thì có cái khổ của nước đi sau nhưng mà mặt nào đó cũng có cái lợi. Chúng ta không nhất thiết phải trả cái giá mà những nước đi trước đã phải trả giá. Tôi thấy đây là một điều rất quan trọng. Mà nếu không chú ý hoặc là không thường xuyên để đối mặt với nó, chúng ta dễ rơi vào lạc hậu, dễ vấp lại những bước vấp của các nước đi trước.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Ông có thể lấy ví dụ cụ thể được không ạ?
Ông Nguyễn Trung: Nhiều chứ, tôi lấy ví dụ thế này. Bây giờ đã có những ngành công nghiệp nặng, vậy thì chúng ta có phải đi từ A đến Z về công nghiệp nặng nữa không, hay là chúng ta phải tìm ra chỗ nào có thể lách, bởi nếu đi từ A đến Z thì lâu lắm. Thậm chí, ngay cả những công nghệ hiện đại mà thực tế chúng ta đã làm rồi. Tôi lấy ví dụ, Việt Nam là nước còn lạc hậu về công nghệ thật, so với những nước tiên tiến. Thế nhưng chúng ta đã có những bước đi rất đáng kể và rất đáng suy nghĩ, như về hàng điện tử chẳng hạn. Rõ ràng là có những chỗ chúng ta đã đi lách. Nhưng câu chuyện còn lại là chúng ta phải ý thức được cái bước đi lách của chúng ta và chúng ta phải ý thức được là phải tiếp tục tìm được nhiều chỗ lách hơn nữa.
Tôi thấy rằng, nếu chúng ta biết tận dụng cái lợi thế của nước đi sau thì chúng ta có rất nhiều điều có thể tránh được.
Một ví dụ nữa về mặt cơ chế. Chúng ta là nước đi sau, nhiều cơ chế mà chúng ta đã có nhưng ra đời từ những hoàn cảnh lịch sử nhất định, đấy là thực tế khách quan mà chúng ta không thể nào làm ngơ được. Nhưng hiển nhiên, việc xây dựng cơ chế mới không nhất thiết là phải từng bước, đi từ mức thấp nhất đến mức cao nhất. Câu chuyện còn lại là chúng ta lựa chọn cái việc công khai và minh bạch như thế nào để mà thực hiện được cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế chẳng hạn.
Tôi nghĩ rằng, là nước đi sau chúng ta có thuận lợi là không phải trả giá đắt như nước đi trước. Bây giờ điều kiện công nghệ, điều kiện thông tin và các mối giao lưu hoàn toàn cho phép chúng ta rất sớm tạo ra được nền kinh tế, một thị trường kinh tế công khai, minh bạch với thời gian ngắn hơn nhiều, với cái giá phải trả ngắn hơn nhiều, nếu chúng ta ý thức được cái chuyện này.
Cả nước là một nền kinh tế "chưa đột phá hết"!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chẳng hạn bây giờ thế này, sân bay Chu Lai là một sân bay quân sự lớn trước đây, có điều kiện thuận lợi như vậy mà bây giờ tạo cho họ chính sách đột phá: Cho nước ngoài đầu tư vào đây xây dựng hạ tầng, họ khai thác sân bay, họ đầu tư xây dựng hẳn một sân bay lớn, họ bỏ tiền kinh doanh khai thác, tất cả lượng bay đi bay đến, họ điều hành và họ khai thác lợi nhuận từ đây, còn chúng ta kiểm soát không lưu. Liệu có tư duy như vậy được hay không?
Ông Nguyễn Trung: Không có cái gì hạn chế chúng ta huy động nguồn lực hợp pháp từ bên ngoài cho một sản phẩm nào đấy. Ví dụ cụ thể đây là sân bay Chu Lai. Nếu chúng ta tính toán rằng, sự huy động nguồn lực bên ngoài đó rút ngắn thời gian phát triển của chúng ta lại, sớm đưa chúng ta đến hiện đại hơn thì tại sao chúng ta lại không làm? Vấn đề đặt ra là thế này, Nhà nước với tư cách người điều hành vĩ mô cần phải có những tính toán, cân nhắc mà nếu những công trình như thế thực sự nó tạo ra được những sản phẩm mới phía ta có lợi, phía đầu tư nước ngoài cũng có lợi thì chắc chắn đấy là những sản phẩm nên làm.
Tôi muốn nhắc lại cái ý mà nhiều nhà kinh tế đã nói. Chúng ta có hai cách trong hợp tác kinh tế - cái được của người này, cái mất của người kia. Nhưng nếu có bản lĩnh thì có thể thực hiện một cách khác.
Với trường hợp của sân bay Chu Lai, chúng ta trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng và chúng ta nghĩ rằng, hoàn toàn có khả năng thực hiện được phương thức chơi, đương nhiên tại sao chúng ta lại không làm?
Đột phá chính sách - không cần tiền lệ!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Quay trở lại với câu chuyện của chính sách, giả sử bây giờ chúng ta không có chính sách đột phá, ví như sân bay chẳng hạn, đây là thời điểm chúng ta có thể đột phá?
Ông Nguyễn Trung: Chẳng ai cho chúng ta chính sách nào cả, cũng không ai cấm chúng ta không được làm chính sách nào cả. Chính sách là do chúng ta. Câu chuyện còn lại là chúng ta phải huy động trí tuệ để làm sao có được những chính sách tốt nhất.
Tôi lấy ví dụ, trước đổi mới làm gì có chuyện một giá, bây giờ cũng làm gì có chính sách một giá nhưng bởi vì chúng ta đã tư duy ra tất tật là phải công nhận cơ chế thị trường, phải tiếp thu cơ chế một giá, chấp nhận cái mặt bằng, cái sân chơi của kinh tế. Từ chỗ giá cung cấp, giá bao cấp chúng ta đã đi đến chỗ một giá và lúc bấy giờ hoàn toàn chưa có tiền lệ.
Cho nên tôi nghĩ rằng, không nên dựa vào tiền lệ hay không tiền lệ, cái chính là phải dựa vào trí tuệ và cân nhắc rất thấu đáo. Tôi muốn lưu ý: bất kể một chính sách nào, thời gian tồn tại của nó cũng ngày càng ngắn bởi vì thời gian tồn tại của một sản phẩm cũng vậy. Nếu chúng ta đưa ra một chính sách dù tốt đến mấy đi nữa nhưng mà cứ ngồi mãi trên đó rồi cũng hỏng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng có một thực tế là chúng ta tạo ra môi trường chính sách thay đổi rất chậm, cơ chế hành chính, hệ thống hành chính của chúng ta còn nhiều bất cập. Vậy, có thể đột phá để tạo ra môi trường hành chính năng động hơn, hiệu quả hơn hay không?
Chẳng ai cho chúng ta chính sách nào cả, cũng không ai cấm chúng ta không được làm chính sách nào cả. Ảnh: Phạm Hải |
Ông Nguyễn Trung:
Đó là mong mỏi mà nhiều Nghị quyết của Đảng cũng đã nói, thậm chí cũng đã có những lời phê bình khá thẳng thắn. Ví như phê bình cải cách hệ thống chính trị, cải cách hành chính chưa bì được với cải cách hành chính về kinh tế. Đấy là những phê bình thực sự xác đáng. Câu chuyện còn lại là làm sao tìm ra được những đột phá mà tìm ra thì chúng ta có thể bắt đầu với những bước đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất.Ví như thực hiện công khai minh bạch chẳng hạn, thực hiện cái quy chế thông tin chẳng hạn. Vấn đề là thấy được là một việc, còn thực hiện được hay không lại là việc khác. Tôi lấy ví dụ nếu chúng ta cần một nền hành chính tôn trọng công khai minh bạch, thế thì công khai minh bạch này phải là công khai minh bạch thật sự. Anh cứ công khai minh bạch đi thì "hành" sẽ ngày một khó hơn.
Thông tin cũng vậy. Thông tin cũng phải thông tin một cách rất đầy đủ. Đặc biệt là nên tránh thông tin một chiều và thông tin một nửa - đó là những tác nhân gây rất nhiều tác hại.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta chỉ toàn nhận được thông tin một chiều thì nhiều khi chỗ mạnh chúng ta không biết hết, chỗ yếu chúng ta cũng không biết đến. Cho nên tôi nghĩ, trong cải cách hành chính, nếu chúng ta bước đầu thực hiện được công khai minh bạch, hai là thực hiện được quyền thông tin của dân (tất cả những vấn đề này đã trở thành Nghị quyết của Đảng và của Chính phủ rồi, không còn là vấn đề trên giấy tờ nữa). Tôi nghĩ rằng nếu làm một cách rất nghiêm túc, dứt khoát, chúng ta sẽ có những đột phá.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng, một trong những điều chúng ta phải mạnh mẽ tư duy là đánh giá hiệu quả phát triển của nền kinh tế? Chất lượng tăng trưởng của chúng ta chưa tốt, cần phải đột phá về chất lượng, về hiệu quả hoá, về tính cạnh tranh của nền kinh tế?
Ông Nguyễn Trung:
Tôi rất đồng tình, chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng rất cao so với các nước xung quanh. Nhưng mà tôi lại phải nói, mở thêm một "cái ngoặc", chưa cao so với tiềm năng cho phép, chưa cao so với những nước mà họ đang ở cái giai đoạn như chúng ta bây giờ.Hàn Quốc chẳng hạn. Thời kỳ đang ở nấc thang phát triển như chúng ta, họ đạt được tốc độ phát triển rất cao. Một ví dụ nữa, ngay sát chúng ta là Trung Quốc - đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chúng ta rất nhiều.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Phải thừa nhận tốc độ phát triển của họ là cao, họ là nước lớn, giá trị tuyệt đối của họ rất lớn... còn chúng ta tuy tăng trưởng cao nhưng giá trị tuyệt đối còn thấp?
Ông Nguyễn Trung:
Chúng ta phát triển với tốc độ như thế là cao nhưng mà không thể hài lòng được, chúng ta còn có thể làm được nhiều hơn thế.Thứ hai, tôi rất đồng ý với nhận định: chú ý đến tốc độ tăng trưởng là tốt nhưng phải nghĩ nhiều đến chất lượng. Chất lượng ở đây có nhiều thứ. nhưng cái khâu đầu, cái khâu quan trọng nhất theo tôi là chúng ta phải rất quan tâm đến từng bước, từng bước đổi mới cơ cấu kinh tế của chúng ta. Đổi mới cơ cấu kinh tế là vấn đề khó lắm. Vấn đề đại sự.
Đến nay chúng ta đã đi được mấy chục năm trong quá trình thực hiện CNH - HĐH nhưng sự chuyển dịch các thành phần của cơ cấu kinh tế nước ta khá chậm. Tạm chia cơ cấu kinh tế nước ta là công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thấy rõ ràng là chuyển dịch còn ở tốc độ rất chậm, với chất lượng cũng tương đối hạn chế. Nếu chúng ta làm được tốt hơn nữa việc chuyển dịch cơ cấu thì chất lượng phát triển sẽ tốt hơn.
Điểm thứ ba tôi muốn lưu ý đến vấn đề chất lượng phát triển. Đã đến lúc chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề môi trường. Không thể tiếp tục phát triển với việc môi trường cũng tự nó phát triển như hiện nay. Tôi thấy về lâu về dài là không được.
Tôi muốn nói như này, hiện nay cơ bản mà nói là chúng ta đang phát triển theo chiều rộng, chưa đi vào phát triển chiều sâu. Mà nói đến phát triển theo chiều sâu thì nó có hai yếu tố: một là hàm lượng KHKT, hai là yếu tố về môi trường. Cả hai cái này còn đang rất yếu.
Chúng ta đang là một nước công nghiệp rất thấp, mưa quá một ngày là lụt, nắng quá một ngày là thiếu nước. Nhiều nơi đã bắt đầu thiếu nguồn nước sạch, ví dụ như vậy. Thế thì ngay từ bây giờ, vấn đề chú ý đến chất lượng phát triển thì phải chú ý đến vấn đề môi trường. Tóm lại là tôi rất đồng ý với quan điểm, phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng phát triển, mà chất lượng phát triển nên chú ý hai chuyện:
Một là nên sớm nỗ lực hơn nữa trong cải thiện cơ cấu kinh tế. Hai nữa là bảo vệ môi trường. Tôi không tán thành những ý kiến cho rằng, cơ cấu kinh tế là vấn đề lâu dài, không phải vấn đề trước mắt.
Phần 2: "HỌC và HÀNH"
"Chỉ cần làm tiếp những gì chúng ta đã chạm tới"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng tại sao từ trước tới nay chúng ta vẫn chưa làm được, thực tế chưa làm được là bao? Và ai cũng biết, cả Thủ tướng cũng thế, rất quyết tâm, rất đau đầu về cải cách hành chính nhưng vẫn sa lầy và gần như cỗ máy này không tiến được là bao?Ông Nguyễn Trung: Tôi có một đề nghị, nên hỏi từng nguời dân tại làm sao đã thấy được vấn đề mà không thực hiện được. Có thể ta sẽ tìm thấy câu trả lời rất đúng đắn. nhưng mà có lẽ tôi dám chắc là không ai trả lời được.
Khâu thực hiện, khâu cán bộ vẫn là khâu quyết định. Bởi vì bản thân tư tưởng tốt tự nó không thực hiện được mà phải là con người. Nếu chúng ta có được sự nghiêm túc thực hiện, kiên quyết thực hiện từ trên xuống dưới, rồi từ trong Đảng ra, thì tôi tin mọi chuyện sẽ thay đổi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một chuyện rất rõ là ai cũng khẳng định quyết tâm nhưng vẫn khúc mắc. Đặc biệt, trong số những ý kiến của bạn đọc gửi đến thì một trong những cản trở đó là lợi ích của bộ máy hành chính. Khi họ vận hành nếu họ để nó dềnh dang thì sẽ có lợi ích cục bộ cho từng bộ ngành, từng cá nhân. Cách thức của hình thức ban phát, xin cho vẫn còn. Theo bạn đọc VietNamNet thì điều này là quyền lợi nghiễm nhiên của nhân dân chứ không phải chuyện xin - cho? Theo ông, chúng ta có thể đột phá ở khâu này được không?
Ông Nguyễn Trung: Đương nhiên là phải đột phá nhưng vấn đề là đột phá thế nào cho kết quả, đây vẫn là vấn đề rất khó và với không chỉ riêng nước ta. Theo tôi hiểu thì hình như nước ngoài cũng có chuyện này, cả kể cả nước phát triển, chỉ có điều tình trạng của mỗi nước khác nhau.
Theo tôi, công khai, dân chủ, minh bạch trong hệ thống hành chính vẫn là vấn đề lớn nhất là với các nước đang phát triển. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, chỉ có điều chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi. Một là dân tộc ta có nhiều nghị lực, một dân tộc có trình độ dân trí cao, chúng ta lại có những khao khát rất lớn cho tiền đồ của đất nước. Người ta vẫn nói dân tộc ta cần cù, siêng năng, chăm chỉ và ham muốn tiến lên phía trước.
Nếu chúng ta biết khai thác những lợi thế này mà bắt đầu từ những việc cụ thể như tôi nói, tức là dân chủ, công khai, minh bạch thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được.
Nguyên nhân mà vừa rồi chúng ta làm chưa tốt thực ra là sựcông khai minh bạch ấy chưa hẳn là công khai minh bạch. Cái dân chủ mà chúng ta nói đến đó còn rất nhiều mặt khiếm khuyết. Tôi nghĩ rằng, chẳng phải đi tìm đâu xa mà chỉ cần đi tiếp vào những gì chúng ta đã đụng chạm tới.
Một đề nghị thôi: Đừng hình thức!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có ý kiến bạn đọc cho rằng, thậm chí chúng ta đột phá cả trong chuyện chọn lựa, đánh giá con người. Để bổ nhiệm người vào các cơ quan quản lý khác nhau, các vị trí khác nhau chúng ta cần đem ra công khai lấy ý kiến, thậm chí bầu một cách công khai, dân chủ, thậm chí tranh cử vào các vị trí ấy. Ý kiến của ông thế nào?
Ông Nguyễn Trung: Đương nhiên làm được như vậy thì rất tốt, nhưng lại phải có những điều kiện nhất định. Tôi lấy ví dụ về vấn đề dân chủ, nói dân chủ không thể tự nhiên mà có mà phải dựa trên một số yếu tố rất quan trọng. Vi dụ: thứ nhất là pháp luật phải rất nghiêm minh. Dân chủ mà không có pháp luật thì không dân chủ được. Tôi nói ra mà anh chửi lại tôi thì không thể nói dân chủ được. Thứ hai, nói đến dân chủ thì phải nói đến dân trí, vì thông tin được tốt bao nhiêu, dân trí càng được nâng cao bao nhiêu thì đấy là điều kiện để thưc hiện dân chủ, thực hiện công khai minh bạch. Điều này thì cũng lại cần có quá trình của nó.
Ngày nay, chúng ta đều thừa nhận với nhau một quy luật kinh tế cạnh tranh, nhưng hiểu thế nào là cạnh tranh, thế nào là cạnh tranh bình đẳng, thế nào là cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật thì không phải ai cũng hiểu. Muốn hiểu được như vậy thì bên cạnh pháp luật lại phải có vấn đề dân trí, bộ máy thực hiện.
Một yếu tố nữa mà chúng ta đã nói tới, nhưng tôi nghĩ vẫn chưa đủ, đó là văn hoá. Dân chủ, công khai minh bạch không thể nào thiếu văn hoá được. Vấn đề tranh cử, vấn đề tiến cử một người ra làm chức này chức nọ là phải có đủ những yếu tố về dân chủ, dân trí, văn hoá và điều kiện này cũng cần có quá trình, vấn đề là biết để mà làm.
Tôi chỉ xin một đề nghị thôi: đừng làm bất kể việc gì mang tính hình thức, đã hình thức thì chúng ta nói hay đến mấy thì cũng vô nghĩa. Ví dụ như vừa qua chúng ta học rất nhiều về chính trị, nói rất nhiều về quyền của dân, chúng ta có rất nhiều đợt hội thảo này đến đợt hội thảo khác nhưng tôi đánh giá kết quả những cuộc hội thảo đó con rất hạn chế vì nó còn hình thức nhiều.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tôi xin minh hoạ thêm ý của ông là những năm 80, khi chúng tôi là sinh viên đại học, ở trường thường có những khẩu hiệu rất to ở hội trường lớn ghi là: "học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội". Đó là khẩu hiệu rất hay và rõ rằng tư duy giáo dục của chúng ta rất muốn như vậy nhưng chúng ta hầu như không làm như vậy. Hầu hết các trường đại học của chúng ta hầu như rất xa vời với thực tế. Theo ông đó có phải là bệnh hình thức?
Hàng trăm độc giả đã gửi câu hỏi tham gia cuộc Bàn tròn "Tăng tốc và đột phá". Ảnh: Phạm Hải |
Ông Nguyễn Trung:
Tôi nghĩ rằng chúng ta đạt được nhiều thành tựu về giáo dục như phổ cập giáo dục... Tạm gác những thành tựu mà nói về một vấn đề mà tôi cho rằng, nếu cứ tiếp tục thì không ổn. Ví dụ, tại sao lại phải học thêm, trường điểm, học điểm. Thậm chí nhiều cái chúng ta kêu gọi công khai, minh bạch... nhưng ngay trong thi cử còn rất nhiều chuyện đau đầu. Có nhiều dẫn chứng cho thấy chúng ta nói hay nhưng chưa làm được. Trong giáo dục thì lại càng rõ như vậy. Ví dụ như chuyện trong lớp có một vài em học lực thấp nhưng vẫn được nâng đỡ để cho qua các kỳ thì nhằm nâng thành tích của lớp đó. Với những học sinh vậy thì không biết sau này ra đời các em sẽ như thế nào, nếu như lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã được giáo dục như vậy?Nói một cách dân dã hơn, bỗ bã hơn, tức là biết nói dối từ lúc còn bé như vậy thì làm sao lớn lên có thể xả mình phấn đấu cho cái trung thực được? Cho nên, nói đi đôi với thực hành là một khẩu hiệu rất dễ, rất đơn giản nhưng mà thực hiện khó vô cùng.
Tôi lấy một ví dụ khác nữa, có thể nói chưa bao giờ chúng ta quan tâm đến học tập chính trị như trong suốt thời gian vừa qua. Chưa bao giờ chúng ta quan tâm đến học tập tư tưởng Hồ Chí Minh như thời gian vừa qua. Nhưng tôi vẫn thường nói với các đồng chí trong chi bộ của tôi, có tám chữ của cụ Hồ là "cần, kiệm, liêm chính, chí, công, vô tư" thế mà chúng ta học mãi vẫn chưa xong, thế thì chỉ cần học những chữ đó, việc gì phải nghiên cứu này nọ cao siêu ở đâu.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta học tập theo Bác, theo ông chúng ta đã thực sự học và làm đúng theo Bác chưa?
Ông Nguyễn Trung: Tôi xin nhắc đến một đề tài khác mà có thể nhiều anh không bằng lòng. Chúng ta nói rằng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng có lẽ, hiểu thế nào là tư tưởng Hồ Chí Minh còn đang là vấn đề rất lớn. Quan điểm riêng của tôi, tôi thấy tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp năm 46, di chúc của Bác, có thể nói đấy là 3 cái văn kiện đúc kết tất cả những gì tinh tuý nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu chúng ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần như vậy, thì phải nói là tuyệt vời.
Nhưng mà ngược lại, nếu chúng ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cái cách là "tầm chương trích cú", chỗ này Bác nói thế này, chỗ này Bác nói thế kia mà chúng ta thấy cái câu này nó hợp với một ý định nào đó mà chúng ta trích ra và chúng ta coi như đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, thì tôi sợ rằng, chúng ta đã hiểu sai tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tìm tư tưởng Hồ Chí Minh là phải tìm trong cái gì nó đã đúc kết những cái tinh tuý nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh: tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp và di chúc. Trong tầm hiểu biết của tôi, tôi thấy đó là những tư tưởng rất tuyệt vời.
Tôi có dịp so sánh, có lẽ tuyên ngôn độc lập là một trong những tuyên ngôn rất hiếm trên thế giới này. Rất hiếm về tư tưởng, rất hiếm về tầm cao của văn minh nhân loại, rất hiếm về quyền thực hiện và quyền bảo vệ giá trị con người đến như vậy.
Hiến pháp năm 46 cũng thế. Đấy là hiến pháp cực kỳ dễ hiểu, rất minh bạch, rất rõ ràng. Và cái điều kiện quan trọng nhất là gì, ai cũng thấy cái quyền của mình trong Hiến pháp, ai cũng thấy mình có trách nhiệm phải thực hiện Hiến pháp. Đấy là điều rất rõ.
Còn di chúc của Bác thì phải nói, đấy là điều rất tuyệt vời. Bởi tôi không phải là nhà chuyên sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng riêng với tôi thì đó là 3 kiệt tác còn nguyên giá trị cho chúng ta và có lẽ, cho rất nhiều thế hệ sau nữa. Đấy có thể nói là định hướng phía trước mà chúng ta có thể phấn đấu thêm.
Nếu chúng ta học tập như thế, dứt khoát chúng ta sẽ có những bước tiến mới. Nói và làm những tinh thần như thế, học và hành những tinh thần như thế thì dứt khoát, chúng ta sẽ có những bước đột phá lớn.
Tôi cũng xin nói thật, tôi không tán thành cách chúng ta học tập tư tưởng Hồ Chí Minh như kiểu hội thi, hội thảo vừa qua.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tại sao vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung:
Chúng ta chỉ nói mà chưa hiểu và thậm chí chưa làm theo, thì rất không nên!Chúng ta có rất nhiều định nghĩa của nhà khoa học này, nhà khoa học khác về nội dung thời đại, tôi không muốn tranh luận nhưng tôi chỉ xin góp một ý nhỏ: Phải chăng thời đại của chúng ta là thời đại của phát huy sức mạnh dân tộc, bởi vì chưa bao giờ điều kiện của phát triển quốc tế, của văn minh nhân loại, của trình độ kinh tế, của KHKT, và nhất là của môi trường thế giới bây giờ, vừa cho phép, nó vừa đòi hỏi phải phát huy sức mạnh dân tộc, mà phát huy sức mạnh dân tộc ở đây là trọng điểm cực kỳ đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điểm thứ hai, tôi lấy ví dụ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề dân chủ. Phải nói không ai nói về dân chủ đầy đủ bằng Hồ Chí Minh. Những cái này Bác nói rất lâu rồi. Bác nói trong Tuyên ngôn độc lập rồi, Bác nói trong Hiến pháp năm 46 rồi, Bác nói trong Di chúc của Bác rồi, Bác nói trong rất nhiều dịp khác nữa... và bây giờ cả thế giới, văn minh nhân loại ngày nay phải thừa nhận, bất kể quốc gia nào, phát huy được sức mạnh dân tộc, phát huy được dân chủ, quốc gia đó sẽ đi lên rất nhanh.
Đấy là tư tưởng Hồ Chí Minh. Và đấy cũng là những điểm mà chúng ta làm chưa tốt và còn phải làm rất nhiều.
"Định hướng XHCN không có nghĩa là bao cấp"
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại vấn đề của nền kinh tế, ông có suy nghĩ gì khi quản lý doanh nghiệp, chúng ta thường chỉ quản lý thao tác, không chú tâm đánh giá hiệu quả cuối cùng của doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Trung:
Doanh nghiệp thì tôi phải nói thế này, trong cái bức tranh của chúng ta, nó có cả mảng tối, mảng sáng về doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp họ đạt được những thành tựu mà ta không thể ngờ được, kể cả quốc doanh cũng như là tư nhân. Lấy ví dụ có rất nhiều xí nghiệp may mặc của quốc doanh chẳng hạn, đạt được những thành tựu tuyệt vời, những xí nghiệp da giầy mà tôi biết, họ đạt được những thành tựu rất ghê gớm. Hay cả những doanh nghiệp tư nhân mà họ đạt được kết quả tôi không tưởng tượng nổi được.Tôi đã đến thăm một số sản phẩm do các doanh nghiệp tư nhân làm mà người ta cạnh tranh được thị trường trong nước rồi xuất khẩu ra nước ngoài, thậm chí cạnh tranh ở Trung Quốc - một nước mà cả thế giới sợ giá hàng rẻ.
Đứng về mặt doanh nghiệp mà nói, chúng ta có cả hai bức tranh khác nhau. Bức tranh tối và bức tranh sáng. Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn tìm ra được cơ chế cũng như chính sách sẵn sàng loại bỏ những doanh nghiệp nào tự nó không đứng được trên thị trường. Cái này đã trở thành chủ trương của Chính phủ rồi nhưng mà thực hiện nó chưa được như mong muốn thôi, buộc phải triệt để xoá bỏ bao cấp. Bao cấp ở đây không chỉ có bao cấp về vốn mà là cả sự bảo hộ không cần thiết.
Trước đây mỗi một khi chúng tôi học tập chính trị mới được nghe nói là bên các nước tư bản, hàng năm có bao nhiêu xí nghiệp phá sản và gọi đó là yếu kém của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nhưng bây giờ tôi nhìn lại, hoá ra nó không hẳn như thế. Nếu không có những cái loại bỏ như thế thì nó không phát triển được. Tôi thấy cái đào thải là cái tất nhiên thôi. Câu chuyện là thế này, chúng ta là một nước theo định hướng XHCN, chúng ta phải làm sao để quá trình đào thải này nó đỡ tốn mồ hôi nước mắt, quá trình đào thải này sớm đưa được đến phát triển mới. Chính đấy là vai trò đích thực của Nhà nước. Đấy là vai trò của định hướng mà chúng ta tự đặt ra cho chúng ta là XHCN. Định hướng XHCN không có nghĩa là bao cấp, theo cách nghĩ của tôi, mà định hướng XHCN là làm sao tạo ra những bước chuyển biến, những bước đột phá gắn với bước đào thải ấy với giá phải trả ít nhất, hiệu quả cao nhất.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vẫn nói về doanh nghiệp, bây giờ người ta quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo hình thức quản lý từng chi tiết thao tác của họ, trong khi đó thì không quan tâm đến hiệu quả cuối cùng, kết quả lợi nhuận, kết quả về thương hiệu, về uy tín.Ông Nguyễn Trung:
Trong suy nghĩ của tôi, không có một việc nào có thể xé lẻ ra để mà xem xét được, nhưng chúng ta đòi hỏi hiệu quả của doanh nghiệp là rất cần thiết. Doanh nghiệp dân doanh cũng như doanh nghiệp quốc doanh.Có một điều tôi mong mỏi mà sao khó thực hiện, một là phải khuyến khích tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh tới số nhưng mà phải trong vòng pháp luật, cái thứ hai là cạnh tranh phải đi đôi với lợi nhuận mà có lợi nhuận là phải đóng thuế. Có sản phẩm thì phải có nghĩa vụ với môi trường. Có lợi nhuận thì phải có nghĩa vụ với phát triển xã hội. Ví dụ như vậy thì tôi nghĩ là nếu ta hiểu một cách nó toàn diện như thế thì chúng ta sẽ có một môi trường kinh tế rất tốt.
Phần 3: Đột phá và tăng tốc là hiện thực
Để "tâm huyết" không bị tổn thương
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chuẩn bị năm nay chúng ta có một sự kiện rất là quan trọng trong đời sống chính trị, đó là ĐH Đảng X. Vậy ĐH Đảng X này chúng ta cần phải có một sự đột phá nào không?
Ông Nguyễn Trung: Chúng ta là một quốc gia do Đảng lãnh đạo. Đại hội Đảng là sự kiện cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của đất nước này. Nhìn lại thì thấy, Đại hội VI thực sự là một bước đột phá mà không có thì không thể đạt được những thành tựu như 20 năm vừa qua.
Đấy là một ví dụ rất đáng suy nghĩ. Trong suy nghĩ của tôi, phải làm sao để những Đại hội tới làm được những bước đột phá như Đại hội VI đã làm.
Cụ thể ở đây chúng ta vẫn nói là vấn đề Nhà nước pháp quyền. Tôi nghĩ đấy là vấn đề rất đáng được trân trọng, rất đáng được xây dựng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Cơ chế ra quyết định của chúng ta hiện nay chồng chéo, rườm rà, dẫn đến nhiều quyết định bị ban hành chậm, mà triển khai cũng chậm. Đây có lẽ cũng là một cần đột phá trong năm nay?
Ông Nguyễn Trung: Chỉ có cách sửa đổi thôi!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Sửa đổi như nào, liệu có sửa đổi được hay không, có hướng đột phá sửa đổi cái này hay không bởi vì ai cũng biết...?
Ông Nguyễn Trung: Nếu chừng nào Nhà nước còn lo rằng, cái xí nghiệp quốc doanh của mình lỗ, mà còn ôm lấy nó, thì không đột phá được. Chừng nào Nhà nước nghĩ rằng, cái xí nghiệp quốc doanh này phải cạnh tranh như tất cả anh khác và công nhận nó có quyền tự chủ nhất định, nhưng đồng thời phải có cơ chế kiểm soát nhất định, thì tôi nghĩ hoàn toàn làm được.
Nhưng nói thì dễ mà làm được rất khó. Bởi hiện nay, chúng ta phải thừa nhận một thực tế là hiệu quả kinh tế quốc doanh so với tỉ lệ vốn thì đúng là vẫn còn thấp. Không có lý do gì mà chúng ta cứ phải chấp nhận mãi, hoặc cũng không thể vin vào là, quốc doanh còn phải làm những chính sách xã hội cho nên Nhà nước phải có bảo hộ, có bao cấp nhất định. Tôi nghĩ đấy cũng là một lý do nhưng mà chúng ta có thể tìm một con đường khác được chứ. Ví dụ kinh doanh là kinh doanh còn về mặt xã hội, chúng ta phải tách hẳn nó ra. Bây giờ không phải chỉ quốc doanh phải làm nghĩa vụ xã hội, xí nghiệp tư nhân cũng phải làm nghĩa vụ xã hội.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Đấy là về mặt doanh nghiệp, nhưng còn hệ thống quyết định chính sách, cấp điều hành của chúng ta, từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Dư luận nói, hệ thống này trong quá trình vận hành vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo, vậy, có cải cách được không?
Ông Nguyễn Trung: Đây là điều rất đáng mong muốn. Nhưng tôi nghĩ, không có cái gì tốt hơn là dân chủ.
Lấy ví dụ kế hoạch kinh tế của một tỉnh, hay là những yêu cầu phát triển của một tỉnh hay một huyện, nếu chúng ta làm sao phổ cập được tất cả những công dân của tỉnh đó lẫn các công dân của huyện đó biết được những vấn đề đặt ra cho huyện mình, tỉnh mình; biết được hướng đi; biết được yêu cầu phát triển. Từng kỳ phải có những thông báo nhất định, việc này làm được, việc kia chưa làm được... Tôi tin nếu chúng ta tạo ra được một cơ chế như thế thì việc sửa đổi những chồng chéo này khác sẽ sớm được khắc phục.
Cho nên, quyền được thông tin của dân ở đây, được hiểu theo nghĩa là chẳng những nhân dân được biết, mà nhân dân có quyền chất vấn và đồng thời chính quyền có nghĩa vụ phải trả lời và lắng nghe ý kiến của dân, thì tôi tin chắc sẽ sớm sửa được những chồng chéo.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Còn một vấn đề nữa là đạo lý, giá trị xã hội. Trong kháng chiến giành độc lập dân tộc cho đất nước, chúng ta đã hy sinh cho cái chung rất to lớn, những giá trị xã hội cao đẹp lắm. Thế nhưng ngày hôm nay, nhiều bạn đọc VietNamNet phản ánh và đánh giá rằng, đạo lý, giá trị xã hội đang ngày càng xói mòn. Người ta bắt đầu toan tính cá nhân nhiều hơn, lo chạy chức, chạy quyền, không quan tâm đến cái chung. Đánh giá này có đúng không?
Ông Nguyễn Trung: Nói như thế là chúng ta cứ tiếp tục chiến tranh nữa để giữ đạo lý xã hội tốt hay sao? Tôi không tán thành cách nghĩ như vậy. Nguyên nhân không phải là có chiến tranh mà giữ được đạo lý tốt mà hoà bình thì giữ đạo lý không tốt.
Trong hoà bình, cuộc sống có những vấn đề khác. Sở dĩ trong thời bình, những tâm huyết với đất nước phần nào bị tổn thương, phần nào bị va chạm, là do chính chúng ta làm chưa tốt những vấn đề mà chúng ta hiểu ra được và đã đề ra được. Tức là xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thực ra nguyên nhân là công bằng, dân chủ, văn minh thực hiện chưa tốt, đã làm mai một cái tâm huyết đối với xã hội, chứ không phải vì chiến tranh tâm huyết hơn, còn thời bình thì ít hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy, nếu thực hiện được công bằng, dân chủ, văn minh thì chúng ta khôi phục lại được giá trị xã hội?
Ông Nguyễn Trung: Tôi lấy ví dụ, chẳng nhẽ thời bình thì không có ý niệm về màu cờ sắc áo hay sao, như thể thao chẳng hạn? Nhưng chính vì chúng ta rất sai lầm trong thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh mà để cho tiêu cực nó phát triển thì thậm chí màu cờ sắc áo nó cũng bị hy sinh.
Thế nên tôi không đổ lỗi cho vấn đề chiến tranh hay hoà bình mà cái chính là ở những điều như tôi vừa mới nói.
"Con người vàng" ở trong mỗi chúng ta
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một câu hỏi của bạn đọc VietNamNet: Kính thưa ông Nguyễn Trung, để giành được thời cơ vàng, đột phá và tăng tốc là rất đúng. Đất nước ta đang có thời cơ vàng, chúng ta phải tận dụng cho hiệu quả. Nhưng nếu như tận dụng được thời cơ vàng lúc này, chúng ta phải có những con người vàng biết tận dụng nó. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Trung: Tôi nghĩ rằng, con người vàng là mỗi con người Việt Nam chúng ta yêu nước, mỗi con người VN chúng ta giác ngộ được chính bản thân mình, là mỗi con người VN chúng ta ý thức được đầy đủ về dân chủ, về cái quyền của chính mình.
Tôi thấy cái việc này quan trọng lắm. Một khi dân đã ý thức được quyền của mình, họ sẽ biết họ phải làm gì. Và mỗi một con người như thế là một con người vàng.
Nói thời cơ vàng này là của dân tộc, nhưng thực sự nó là thời cơ vàng của từng cá nhân. Vấn đề đặt ra là từng cá nhân một ý thức được quyền của mình và thực hiện bằng được quyền của mình.
Nghe dân nói - Đảng sẽ hiểu phải làm gì!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Một độc giả khác, bạn Đào Xuân Phương (Trương Định) hỏi rằng: Cám ơn VietNamNet, cám ơn ông Nguyễn Trung về bức thư của ông, cái bài viết của ông trên VietNamNet. Tôi muốn hỏi ông, nếu ông là một trong những vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ông sẽ làm gì cho đất nước ta lúc này?
Ông Nguyễn Trung: Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình là một vị lãnh đạo chủ chốt cả. Nhưng với tư cách là đảng viên, tôi mong muốn Đảng ta lắng nghe tất cả ý kiến của mọi người.
Tôi thấy Đảng ta có một cái vốn vô cùng quý. Rất hiếm có quốc gia nào mà có được một Đảng được hưởng sự ưu ái, mối quan hệ ràng buộc rất mật thiết với nhân dân như vậy, cả sự bao dung nữa. Bởi vì, ngay cả những cái gì mà Đảng mắc sai lầm và khuyết điểm thì dân cũng hiểu, miễn là Đảng quyết tâm sửa chữa. Tôi thấy Đảng cần biết vốn quý này và phải biết tận dụng vốn quý này.
Chỉ cần Đảng thực hiện được: để cho người dân nói lên nguyện vọng của mình, Đảng có cái tai nghe được tiếng nói của từng người dân, tự nhiên Đảng sẽ hiểu, Đảng cần phải làm gì.
Cho phép tôi nói thêm một câu: Xin cho phép tôi nhân dịp này bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến tất cả các bạn đọc đã có những suy nghĩ phản hồi về bài tôi viết. Thực ra tôi không làm được việc gì trong bài viết này cả, ngoài cái việc nói lên những mong mỏi, trăn trở, những suy nghĩ của những người khác.
Thứ hai, vì có quá nhiều người viết thư về động viên tôi, tôi không có cách gì để mà cảm ơn được, cũng không thể nào nêu tên được nhưng mà tôi muốn nêu tên một người, đó là anh Dương Trung Quốc. Anh vừa có bài viết cung cấp cho tôi cũng như nhiều bạn đọc khác những sử liệu rất là thiết thực để mà nói lên rằng, dân tộc ta hoàn toàn có bản lĩnh nắm bắt lấy thời cơ. Cho nên vì lý do đó, tôi đặc biệt cảm ơn anh Dương Trung Quốc.
Tôi cũng phải nói thực, những lời phải tai thì dễ nghe, những lời trái tai thì nghe khó hơn. Tôi nói rất thực lòng là trong những thư điện tử mà tôi nhận được, cũng có những thư làm cho tôi rất đau lòng. Ví dụ, có một lá thư nói thế này: tác giả không có quyền dùng cái cụm từ "Đảng ta" khi nói về Đảng. Bởi vì Đảng chỉ có hơn hai triệu người thôi, mà trên báo chí hàng ngày thì đảng viên tham nhũng nhiều quá.
Phải nói đó là những lời nói làm tôi vô cùng đau lòng. Là người đảng viên của Đảng, tôi càng đau lòng hơn nữa. Tôi nghĩ đấy là lời nói rất chân thực, thật ra đấy là những lời nói vô cùng day dứt đối với Đảng. Cho nên tôi nghĩ rằng, là một đảng viên, mình phải làm thế nào mà khi người dân, mỗi người dân nói về Đảng, sẽ dùng cái từ: "Đảng Ta". Đấy là nguyện vọng của tôi với tư cách là một người đảng viên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vâng. Xin cảm ơn ông Nguyễn Trung, nguyên là trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Australia. Xin cám ơn bạn đọc VietNamNet đã quan tâm theo dõi. Chúng tôi sẽ tiếp tục những chương trình, những mạch bài để khơi lên, chỉ ra hoặc là các bạn cùng tham gia với chúng ta làm sao để đất nước ta, dân tộc ta năm nay có những bước đột phá và tăng tốc. Làm sao để chúng ta nắm được thời cơ vàng để đất nước ta vượt lên thoát khỏi một nước chậm phát triển.
Ông Nguyễn Trung: Cho phép tôi nói lời cuối cùng, đột phá và tăng tốc hoàn toàn là hiện thực.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý như vậy! Xin cám ơn ông!
-
VietNamNet
Ý kiến của bạn?