(VietNamNet) - Tiếp sau Nghị quyết 09/1998 và Chương trình quốc gia phòng và chống tội phạm đến năm 2010, mới đây, Thủ tướng Chính phủ lại một lần nữa ra Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo kiềm chế sự gia tăng của tội phạm với mục tiêu "năm sau giảm hơn năm trước, trước mắt làm giảm đáng kể các loại tội phạm nghiêm trọng"...
|
Thượng tá Lê Đông Phong - Phó giám đốc Công an TP.HCM tặng hoa cho các gương tiêu biểu của lực lượng công an và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc |
Trong Chỉ thị số 37/2004/CT - TTg ban hành ngày 8/11, Thủ tướng nhận định: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 và Chương trình quốc gia phòng và chống tội phạm, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: từng bước nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; từng bước kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, làm giảm một số loại tội phạm nghiêm trọng; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận: Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp trên tất cả các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy và đã xuất hiện các loại tội phạm mới như lợi dụng công nghệ tin học, sử dụng thẻ tín dụng giả để lừa đảo rút tiền qua hệ thống máy ATM của ngân hàng. Tuy chúng ta đang có nhiều thuận lợi, điều kiện và thời cơ để phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn to lớn, có tác động đến tình hình trật tự an ninh trong nước.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm từ nay đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các chức danh nói trên tập trung thực hiện tốt chủ trương giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, tạo ra môi trường xã hội ổn định phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững kỷ cương pháp luật, sự nghiêm minh của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
"Phải đưa công tác phòng, chống tội phạm trở thành một trong những nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và các địa phương". Đặc biệt, cần tiếp tục chỉ đạo kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, sao cho "năm sau giảm hơn năm trước, trước mắt làm giảm đáng kể các loại tội phạm nghiêm trọng như tội phạm có tổ chức hoạt động xuyên quốc gia, có tính quốc tế, tội phạm xâm hại trẻ em, buôn bán phụ nữ, tội phạm về ma túy, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm lợi dụng công nghệ cao"...
Để làm tốt nhiệm vụ này, Thủ tướng nhấn mạnh đến năng lực quản lý điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu, quản lý ngân sách... và yêu cầu: "Phải tăng cường thanh kiểm tra khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội, không để cho tội phạm lợi dụng hoạt động cũng như hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực".
"Kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt và các điển hình tiến tiến trong phong trào toàn dân phòng, chống tội phạm" cũng là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Chỉ thị của Thủ tướng.
|