(VietNamNet) - Đây là tổng mức vốn đầu tư cho công trình đường Hồ Chí Minh Chính phủ vừa trình ra sáng 5/11 xin ý kiến của Quốc hội. Nguồn vốn này dự kiến huy động từ ngân sách và vay của dân thông qua phát hành trái phiếu.
|
Một đoạn đường Hồ Chí Minh đã được hoàn thiện. Ảnh: LT.Vinh. |
Sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đào Đình Bình cũng đã trình bày trước Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt Phần thẩm tra báo cáo này.
Công trình đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh và thành phố từ Pắc Pó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài cần thiết đầu tư xây dựng là 3.343km. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh tính theo thời giá năm 2004 cho cả giai đoạn I và II của dự án (2000-2010) là 33.646 tỷ đồng (bao gồm cả hai cầu lớn là cầu Cao Lãnh - Sông Tiền và cầu Vàm Cống - Sông Hậu).
Kinh phí xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh được huy động từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác (nếu có). Trước mắt, Chính phủ đề nghị bố trí cho công trình này 17.022 tỷ đồng, trong đó ngân sách 5.642 tỷ đồng, trái phiếu Chính phủ 11.380 tỷ đồng. Số vốn còn thiếu đề nghị được bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn khác.
Ngày 5/4/2000, công trình đã được khởi công xây dựng giai đoạn I. Giai đoạn I có chiều dài 1.588km, vốn đầu tư 15.478 tỷ đồng, gồm các đoạn từ Hoà Lạc (Hà Tây)-Tân Cảnh và bổ sung các đoạn Pắc Pó (Cao Bằng), đoạn qua thị xã Gia Nghĩa. Giai đoạn I dự kiến hoàn thành vào năm 2005.
Theo ông Đào Đình Bình, đầu tư công trình đường Hồ Chí Minh là cần thiết nhằm tạp sự liên thông ở khu vực phía Tây Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ 3 miền Bắc - Trung - Nam; tạo khả năng về cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển vùng đất phía Tây; đảm bảo giao thông thông suốt quanh năm kể cả những năm có lũ cao; đồng thời góp phần phòng thủ biên giới, an ninh quốc phòng.
Sau phần thẩm tra của Chủ nhiệm Hồ Đức Việt, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đọc tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thương mại (sửa đổi). Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên thẩm tra báo cáo này.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Luật thương mại hiện hành chỉ bao gồm 14 hành vi thương mại, không ít quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại Việt Nam và pháp luật, tập quán thương mại quốc tế. Do đó, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm 4 hành vi thương mại là quá cảnh hàng hoá qua lãnh thổ Việt Nam, cho thuê hàng hoá, mua bán hàng hoá qua Sở giao dịch và nhượng quyền thương mại. Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách lưu ý cần bổ sung điều chỉnh mua bán các loại hàng hoá đặc biệt như công trình xây dựng, sản phẩm sở hữu trí tuệ, sản phẩm công nghệ và dịch vụ...
Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đã trình ra Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh năm 2005. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7 đầu năm 2005, Quốc hội dự kiến thông qua 11 dự án luật (9 dự án luật đã lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 6, 2 dự án Luật Hải quan sửa đổi và Luật Nghĩa vụ quân sự dự kiến thông qua tại 1 kỳ họp); cho ý kiến về 9 dự án luật (Luật Du lịch, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, Luật các công cụ chuyển nhượng trong ngân hàng, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giao dịch điện tử, Luật về Nhà ở, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, Luật Khoáng sản sửa đổi, Luật Thanh niên).
UBTVQH đề nghị đưa vào chương trình chuẩn bị năm 2005 các dự án: Luật trưng cầu ý dân, Luật về hội, Luật Bình đẳng giới, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật Thể dục thể thao, Luật về luật sư...
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án công trình đường Hồ Chí Minh.
|