(VietNamNet) - "Giáo dục của ta có suy sụp đâu mà chấn hưng!" - GS., TS. Nguyễn Lân Dũng đã nhìn nhận như vậy khi đánh giá những khó khăn hiện nay của ngành giáo dục.
|
ĐB Quốc hội Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Nguyên Vũ |
Có suy sụp đâu mà chấn hưng?
- Hiện nay có rất nhiều chuyện dân bức xúc về giáo dục. Theo ông, bất cập lớn nhất đối với giáo dục là gì?
- Bức xúc của nhân dân về giáo dục là điều đáng mừng vì nhân dân quan tâm đến giáo dục. Nhưng cũng là điều đáng lo bởi vì những ý kiến đó không thống nhất với nhau và gây nên ấn tượng không được hay lắm! Người ta hiểu nhầm về những khó khăn, nhược điểm của giáo dục với cái đang kêu gọi ''chấn hưng''. Không có gì để đáng dùng chữ ''chấn hưng'', bởi vì có suy sụp đâu mà chấn hưng!
Theo tôi, khó khăn lớn nhất là không đáp ứng được nguyện vọng học của thanh niên, nhất là học sinh tốt nghiệp lớp 12, đông lắm! Các em muốn học lên, đó là điều quý! Nhiều nước, học sinh không chịu học, đây học sinh mình muốn học, chen chân mà học!
- Tuy nhiên, con đường vào đại học sẽ "quá tải" nếu có quá nhiều người muốn chen chân vào?
Tôi nghĩ rằng mình phải cố gắng đáp ứng nhu cầu học hành của các em! Phải mở rộng cửa, mở rộng thế nào cho không mâu thuẫn với chất lượng! Cửa mở rộng nhưng có nhiều con đường, có những trường đào tạo chuyên gia giỏi, nhà khoa học cho đất nước, ví dụ như các đại học quốc gia. Có những trường đào tạo chuyên gia cho ngành. Có những trường đào tạo cán bộ thực hiện những nhiệm vụ ở cơ sở như bác sĩ tuyến huyện, kỹ sư nông nghiệp ở HTX... Đó là những cán bộ cụ thể, không cần có trình độ lý luận cao lắm nhưng có khả năng thực hành tốt! Như vậy, chúng ta mở rộng ra nhiều lối đi cho thanh niên tốt nghiệp phổ thông!
Ở đây có điều rất đang lo ngại! Nếu như học sinh tốt nghiệp lớp 12 mà về cày ruộng thì các em sẽ bỏ từ lớp 9, thậm chí các em sẽ bỏ từ cấp 1. Nếu như thế hệ thanh niên nông thôn chiếm 75% cư dân thanh niên hiện nay mà bỏ học, làm sao chúng ta có công nghiệp hoá, hiện đại hoá! Làm sao chúng ta có thể đưa tin học về nông thôn! Cho nên là phải khuyến khích các em học! Cho nên, mở rộng ngưỡng cửa vào đời cho thanh niên bằng cách tạo nhiều cơ hội học tập là mấu chốt hiện nay của vấn đề giáo dục.
Lỗi không phải sách giáo khoa, mà là chương trình!
- Ngoài thi cử, nhiều nhà chuyên môn và phụ huynh các em cũng kêu ca về sách giáo khoa?
- Sách giáo khoa quan trọng, nhưng quan trọng hơn lại là chương trình. Chương trình làm sao đúng mà lại ổn định trong nhiều năm! Ở các nước sách giáo khoa do các nhóm tư nhân viết, sách nào hay thì người ta mua, không hay thì người ta không mua! Nhưng chương trình là cái pháp lý cao nhất, bắt buộc người học phải chấp hành. Chương trình mình đã ổn định chưa? Tôi nghĩ câu hỏi này có rất nhiều ý kiến thảo luận khác nhau!.
- Làm thế nào để chương trình có tính pháp lý, bắt buộc người học phải chấp hành?
- Tôi nghĩ chương trình phải quy định thành một chương trong Luật Giáo dục. Tôi sẽ có ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp này của Quốc hội. Luật hiện có một chương về sách giáo khoa nhưng không có một chương nào về chương trình. Như vậy coi trọng sách giáo khoa hơn chương trình. Tôi thì ngược lại, coi trọng chương trình hơn sách giáo khoa. Sách giáo khoa có thiếu sót cái này, cái khác thì sửa lại, đính chính, không cần in lại. Nhưng chương trình không thể sửa liên tục được! Do đó tôi nghĩ là sắp tới nên tập trung làm chương trình cho thật tốt!
Góp tiền để mở trường tư !
- Xin ông cho biết làm thế nào để đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục?
- Nhân dân phải góp tiền để mở mang trường tư thục. Tôi không muốn có nhiều loại hình học quá! Các nước chỉ có 2 loại hình thôi, công lập và tư thục. Thế còn dân lập, bán công, tôi thấy ít nước có kiểu ấy lắm! Nên rõ ràng, công lập là việc đầu tư của nhà nước hoàn toàn, những nơi đồng bào nghèo, những đối tượng cần phải đầu tư (như trường sư phạm). Cái đó nhà nước phải đầu tư hẳn hoi.
Còn ai muốn học thì tự bỏ tiền ra và đừng sợ bị trường bắt bí vì trường đó phải bảo vệ thương hiệu của mình. Anh lấy tiền đắt quá, người ta không học, người ta học trường khác. Anh dạy kém quá, người ta không học vì tốt nghiệp ra không tìm được việc làm. Người ta sẽ tìm trường dạy hay hơn, kiếm được việc làm tốt hơn!
- Nhưng vẫn còn sự phân biệt giữa công lập và dân lập?
- Ở Mỹ, Nhật, Đài Loan, những trường tranh nhau nhận học sinh tốt nghiệp là trường tư thục. Tại vì vấn đề chất lượng, trường tư thục họ đầu tư nhiều phòng thí nghiệm tốt, nhiều giáo sư giỏi đã về hưu về dạy. Ấn tượng trường tư thục kém hơn trường công lập là do thực tế chất lượng. Nếu chất lượng tư thục tốt người ta sẽ đổ xô vào trường tư thục. Anh nào ra trường được nhiều người đón nhận thì anh đấy có chất lượng cao.
Cho nên vấn đề không phải tư thục, dân lập mà vấn đề là trách nhiệm của từng trường. Muốn vậy phải mở rộng cạnh tranh lành mạnh. Trường kém thì nó sẽ phá sản, trường giỏi thì sẽ phát triển. Người ta bỏ tiền ra muốn học sinh đổ xô vào học trường mình. Tất nhiên có quy chế của nhà nước không cho họ làm cái gì quá sai nhưng cái chính vẫn là sự điều chỉnh của học sinh. Trường lấy tiền đắt quá, dạy kém người ta không vào học!
Bộ GD-ĐT chỉ nên quản lý ở tầm vỹ mô
- Ông có cho rằng, quản lý giáo dục ở ta can thiệp quá sâu vào công tác giáo dục, đào tạo như tuyển sinh...?
- Ở Nhật, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiêm cả lĩnh vực thể dục, thể thao, văn hoá, thông tin, thư viện. Như vậy, chắc chắn họ không quản lý như mình mà quản lý ở tầm vĩ mô! Theo tôi, Bộ Giáo dục nên tập trung quản lý ở tầm vĩ mô, làm thế nào để quản lý đảm bảo chất lượng giáo dục, làm thế nào để ổn định nền giáo dục nước nhà, làm thế nào để nâng cao đức, trí, thể, mỹ trong nhà trường... Bao nhiêu vấn đề cần suy nghĩ chỉ đạo chứ còn làm chi tiết đến cả tuyển sinh, tôi nghĩ không cần thiết!
Tôi không dám phê phán nhưng nghĩ nên cải tiến! Còn cải tiến thế nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu tăng chủ động cho địa phương, các trường. Thí dụ các địa phương phải có thể tự tổ chức thi được ở địa phương mình. Cần khoa học hoá việc thi cử, như Trung Quốc không dọc phách mà mã hoá bài thi. Thi cử nên giao cho các địa phương, các trường nhưng Bộ vẫn có thể quản lý được.
Ở Trung Quốc, họ ra chung đề thi toàn quốc, thi chung 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và chung giờ. Tuỳ từng trường đại học thi thêm chuyên môn, gọi là ''3+x'', (''x'' là môn chuyên môn của từng trường đại học). Chúng ta có thể cải tiến để Bộ Giáo dục và Đào tạo nhẹ nhàng hơn, suy nghĩ nhiều hơn những vấn đề có tính chiến lược.
Nên nghĩ nhiều đến việc hiến kế hơn hơn là quy kết trách nhiệm!
- Vậy theo ông, ai chịu trách nhiệm về những bất cập của ngành giáo dục?
- Tôi cho là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Việc đưa vấn đề giáo dục ra Quốc hội thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội. Trong suốt thời gian qua, có nhiều ''Hội nghị Diên Hồng'' lấy kiến của toàn dân để khắc phục những nhược điểm của giáo dục. Hơn nữa, chúng ta nên nghĩ nhiều đến khắc phục, hiến kế hơn hơn là quy kết trách nhiệm! Chúng ta nên tập trung tư duy, suy nghĩ sáng kiến của mình vào việc khắc phục những nhược điểm hiện nay của giáo dục. Chứ còn khi nghĩ kết tội người này, kết tội người khác thì không ích lợi gì?
- Nhưng tư duy, cách làm giáo dục lại xuất phát từ cơ quan quản lý?
- Cái gì chưa thích hợp thì mình góp ý chứ các anh ấy đều là những người thiện chí cả! Mà cũng khó! Ai làm bất kỳ chức bộ trưởng nào cũng khó chứ đâu có dễ. Tôi thấy đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong thời gian vừa qua cố gắng đi nghe tất cả các hội thảo. Nhiều hội thảo nói rất gay gắt! Đồng chí rất kiên nhẫn nghe và tiếp thu bình tĩnh! Chúng ta nên ủng hộ thái độ đó! Không nên nhằm vào một người, nói trách nhiệm một người phải gánh hết! Bởi vì giáo dục là việc khó, toàn dân phải lo vào cùng nhau xây dựng.
Giáo dục có bức xúc nhưng không đến nỗi đáng bi quan!
- Xin hỏi ông câu cuối cùng, ông có bi quan về tình hình giáo dục hiện nay?
- Theo tôi, những vấn đề của giáo dục bức xúc nhưng không đến nỗi đáng bi quan! Tôi có suy nghĩ lạc quan bởi vì ta có thế mạnh! Cả nước ham học tập, thanh niên thông minh, giáo viên tận tuỵ. Chỉ có một vấn đề là cách quản lý, nên giao quyền chủ động nhiều hơn cho các tỉnh, địa phương và các trường.
Giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề cần cải cách nhưng không nên ấn tượng giáo dục đang gặp sự khủng hoảng. Đặc biệt không nên ác cảm với thầy giáo, không nên đổ tội cho thầy, cô giáo. Theo tôi, đó là một đội ngũ vừa nghèo, vừa tận tuỵ, vấn vả, đầy tâm trí, giúp đỡ thế hệ trẻ.
Tôi hoàn toàn tin tưởng và tự hào về nền giáo dục của nước ta. Nhưng tôi không phủ nhận những nhược điểm của nó. Tôi nghĩ với đóng góp rất đông của nhân dân, nhất định những nhược điểm của ngành giáo dục sẽ được khắc phục.
Chúng ta đang tốn nhiều tiền để du học... |
Chúng ta đang tốn nhiều tiền để du học ở nước ngoài, học ngoại ngữ ở nước ngoài. Trung Quốc nhận bất kỳ học sinh nào ở Việt Nam sang, bằng bổ túc văn hoá cũng nhận. Tuy rằng rẻ nhất so với các nước nhưng vẫn mất 3.000-5.000 USD/năm. Tại sao ta không mời mấy ông thầy Trung Quốc sang đây dạy Trung Văn mà mất 2 năm ở Trung Quốc. Nếu học trong nước thì rẻ hơn rất nhiều! Nếu đi học đại học ở nước ngoài thì tốn lắm! Theo tôi được biết, tổng số tiền bố mẹ các em dồn cho các em đi học nước ngoài mỗi năm khoảng 100 triệu USD. Nếu số tiền đó đầu tư ở Việt Nam tốt hơn nhiều! |
|