(VietNamNet) - Sẽ là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nếu Bộ Thương mại vừa quản lý cạnh trạnh, lại vừa xử lý cạnh tranh"... Những ý kiến tại buổi góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh tại TP.HCM, do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố chủ trì.
Xử lý cạnh tranh nên "thoát ra" khỏi quản lý
|
Công ty dệt may Thành Công cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất. Ảnh: Đặng Vỹ. |
Dẫn ra điều 106 dự thảo Luật Canh tranh: “Trường hợp không nhất trí với quyết định xử lý của Thủ trưởng Cơ quan quản lý cạnh tranh, các bên có quyền khiếu nại lên Bộ Thương mại”, luật sư Trương Huệ Tâm đặt vấn đề: “Như vậy Luật giao cho Bộ thương mại là cơ quan phúc thẩm, toàn quyền giải quyết các khiếu nại về cạnh tranh?”. Theo luật sư Tâm, việc quản lý và giải quyết các vấn đề cạnh tranh “nên thoát ra, không nên đặt trong thẩm quyền của Bộ Thương mại”.
Ý kiến của ông Tâm đã nhắc lại nhiều ý kiến trước đây đề cập, là bản thân Bộ Thương mại đã quản lý nhiều doanh nghiệp, nên việc đặt Cơ quan quản lý cạnh tranh trực thuộc thuộc Bộ Thương mại, là không khách quan.
Ông Tâm đề nghị, cơ quan Quản lý cạnh tranh nên là một Ủy ban độc lập, trực thuộc Chính phủ, như thế uy tín và vai trò mới được nâng lên, nhất là trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới.
Bà Hoàng Hữu Khánh, Chủ tịch liên minh các HTX thành phố không đồng tình về việc giao quyền xử lý cho Cơ quan quản lý cạnh tranh. Bà Khánh cho rằng, làm như vậy thì chính cơ quan Quản lý cạnh tranh cũng vừa đá bóng vừa thổi còi: “Cơ quan này vừa quản lý lại vừa xử lý, là không phù hợp”.
“Cơ quan quản lý cạnh tranh làm chuyên ngành cho ra chuyên ngành, tức là nên nghiên cứu biện pháp quản lý. Còn việc xử lý nên chuyển sang cho tòa án. Ta đã có Tòa án kinh tế, các quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự cũng rất đầy đủ” - bà Khánh đưa ra ý kiến.
“Miễn trừ”: Kẽ hở để độc quyền hợp pháp!
Rất nhiều ý kiến cho rằng, ba điều 8, 9 và 10 nêu rất không rõ ràng. Điều 8 định nghĩa các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, điều 9 quy định cấm các DN có thị phần trên 30% thực hiện các hành vi này, nhưng điều 10 lại “thòng” trường hợp miễn trừ, hóa ra tạo kẽ hở cho DN được phép thực hiện các hành vi trên.
Ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Doanh nghiệp thành phố cho rằng, quy định “trường hợp miễn trừ” ở điều 10 là kẽ hở để DN lợi dụng chạy chọt và độc quyền hợp pháp.
Ý kiến này được nhiều người tán đồng. Quan điểm của bà Hồ Mỹ Ngọc - giảng viên trường Đại học kinh tế TP.HCM - cho rằng, các tiêu chí miễn trừ nêu ra chỉ có hại, vì quy định này quá dễ dàng, chỉ cần chứng minh hợp lý là DN được công nhận, và sẽ độc quyền.
Bà Ngọc và Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn - hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp - cùng đề nghị, nên quy định là “Các hành vi không vi phạm Luật cạnh tranh”, hoặc bỏ các tiêu chí miễn trừ, từ đó bỏ thủ tục xin miễn trừ. “Để chứng minh và làm được thủ tục miễn trừ, có lẽ không đơn giản” - bà Ngọc nói.
Bà Ngọc còn cho rằng, điều 9 dự thảo quy định cho phép các doanh nghiệp dưới 30% thị phần được phép thực hiện các hành vi “thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh” là vi phạm Hiến pháp, còn cho phép “thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những DN không phải là các bên của thỏa thuận” là vi phạm quyền tự do kinh doanh. “Trong khi đó, Luật thương mại có quy định 2 hành vi là “Đầu cơ lũng đoạn thị trường” và “Phá giá” để hạn chế cạnh tranh, nhưng dự án Luật này lại không đưa vào” - bà Ngọc nêu ra và đề nghị bổ sung 2 nội dung này vào dự thảo.
Một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu còn băn khoăn là theo dự luật này, việc tập trung kinh tế chưa công khai. Theo quy định thì khi các doanh nghiệp tập trung kinh tế phải làm thủ tục xin phép, nhưng các DN có thể đối phó bằng cách tự thỏa thuận với nhau. Một đại biểu là giảng viên trường đại học Luật TP.HCM đề nghị đưa trường hợp các Tổng công ty mà sau này sẽ chuyển thành Công ty mẹ - con, vào diện tập trung kinh tế, vì các đơn vị này rất có điều kiện giữ vị trí thống lĩnh ở lĩnh vực đang hoạt động.
|